Dòng chảy

Hi vọng ‘Thằng Bờm’ sẽ kéo trẻ em lại với chèo

Thứ Sáu, 11/08/2023 07:53

Nhà hát Chèo Hà Nội vừa công diễn vở chèo Nắm xôi kì diệu hay còn gọi là Chuyện thằng Bờm, kịch bản của tác giả Thiên Ân, chuyển thể chèo của Mai Văn Sinh do NSƯT Lê Tuấn làm đạo diễn.

Vở diễn là tác phẩm quan trọng nằm trong chương trình phục vụ Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở chèo được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2030”. Đây cũng là vở diễn về đề tài thiếu nhi của Nhà hát Chèo Hà Nội sau nhiều năm vắng bóng vì dịch bệnh Covid-19, cũng như trong điều kiện khan hiếm, thiếu vắng đề tài này trên sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch hát dân tộc.

Nắm xôi kì diệu đã mở ra không gian đồng dao, không gian của làng quê Bắc Bộ cùng các trò chơi dân gian quen thuộc với rất nhiều thế hệ khán giả như nu na nu nống, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây... Khán giả như được trở về tuổi thơ nơi ruộng đồng, gò bãi đầy nắng gió để hòa mình vào tiếng nói, tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo của đám trẻ chăn trâu. Những hoạt cảnh trong vở diễn như những kỉ vật mà chúng ta vô tình đánh rơi, cho đến khi cánh màn nhung mở ra thì kí ức cũng được hiện về để người xem vỡ òa trong niềm hân hoan xen lẫn nỗi xúc động nghẹn ngào.

Vở diễn đã đem đến làn gió mới cho sân khấu chèo Thủ đô. Ảnh: HAT

Ý tưởng sáng tạo của tác giả Thiên Ân lấy cảm hứng từ cốt truyện trong bài ca dao nổi tiếng Thằng Bờm mà có lẽ ai cũng từng thuộc lòng Thằng Bờm có cái quạt mo/Phú Ông xin đổi ba bò, chín trâu… Không dừng lại ở hai nhân vật thằng Bờm và Phú Ông trong bài ca dao, các nhân vật Gái, Nô, các bạn của Bờm… với tính cách hồn nhiên, thông minh, tinh nghịch trái ngược với sự độc ác, ngu dốt, tham của Phú Ông, Phú Bà đã viết nên bài ca về tình nghĩa bạn bè, biết yêu thương, đùm bọc khi khó khăn, hoạn nạn và luôn sẵn sàng hi sinh cho người khác vì những điều tốt đẹp, đồng thời phê phán thói hư, tật xấu của những kẻ ăn trên, ngồi chốc bóc lột đến tận xương tủy người lao động mà thời nào cũng có. Trong các lớp nhân vật còn có sự tham gia của chú Trâu nhà Phú Ông mà Bờm chăn được nhân cách hóa sống động, người bạn thân thiết chia cay, sẻ đắng cùng Bờm. Bờm có thể trò chuyện với chú Trâu bằng ngôn ngữ của sự thấu hiểu và đồng cảm. Có phải tâm hồn trong sáng của trẻ nhỏ thì sẽ nghe được tiếng nói của muôn loài. Rồi cặp thanh xà, bạch xà nhà Phú Ông nuôi cũng mang đến cho khán giả nhiều điều bất ngờ về bài học nhân quả không bao giờ cũ cùng những gửi gắm thông điệp về tình yêu thương loài vật.

Dàn diễn viên chính tham gia vở diễn đều là những gương mặt tài năng của Nhà hát chèo Hà Nội. Bên cạnh sự điêu luyện và nhuần nhuyễn từ lối diễn sắc sảo đến giọng hát ngọt ngào của NSƯT Thảo Quyên (vai Phú Bà), nghệ sĩ Khắc Huy (vai Phú Ông), nghệ sĩ Trúc Mai (vai Gái),... là sự xuất hiện của những gương mặt trẻ đầy hứa hẹn như Tiến Đạt (vai Nô), Quang Trưởng (vai Thằng Bờm)…

Nghệ sĩ Quang Trưởng đã thực sự tỏa sáng trên sân khấu khi vào vai Bờm. Một cậu bé thôn quê vừa tinh nghịch, hồn nhiên, vừa thông minh, đáng yêu. Anh lợi thế về ngoại hình sáng đẹp, tuổi đời trẻ trung để phù hợp với vai diễn như thể “đo ni, đóng giày” mà biên kịch, đạo diễn đã gửi gắm trong tác phẩm. Khán giả đã quen thuộc với một Quang Trưởng kép thư sinh nền nã thì sẽ ngạc nhiên với một Quang Trưởng Bờm với “màu chèo” phá cách, khác với những gì anh từng thể hiện. Giọng hát khỏe khoắn đầy nội lực lại ấm áp, truyền cảm của nghệ sĩ Quang Trưởng là một điểm nhấn ấn tượng với khán giả.

Ở trích đoạn giấc mơ gặp mẹ của Bờm, dù mẹ chỉ xuất hiện rất ngắn ngủi nhưng lời ru của mẹ vẫn tràn đầy trong nỗi nhớ của Bờm, trong nỗi nhớ của mỗi chúng ta. Và Bờm giật mình tỉnh dậy gọi mẹ rồi chạy đi tìm mẹ khiến khán giả thực sự muốn khóc. Có phải mẹ còn sống mãi trong những lời ru chảy dào dạt như tình mẹ khắp thế gian này. Vở chèo mang ngôn ngữ cách điệu, ước lệ của truyền thống song lại vô cùng mới mẻ với những câu nói “bắt trend” mang hơi thở hiện đại. Sự giao lưu “đồng diễn” của diễn viên với khán giả, nhất là khán giả nhí được tận dụng tối đa. Những tiếng đế, tiếng đáp vang trời, những bàn tay vẫy như lá cỏ khiến cho sân khấu lung linh và sống động. Và các bạn nhỏ đã gặp một thằng Bờm bằng xương bằng thịt bước ra từ ca dao, vào với cuộc đời ngay cả khi cánh màn nhung đã khép lại.

Được biết đây là một trong những vở diễn được đầu tư dàn dựng công phu của Nhà hát chèo Hà Nội trong năm nay với nỗ lực, cố gắng đưa chèo đến gần hơn với khán giả trẻ, nhất là các em học sinh nhằm giúp các em hiểu về chèo, gieo tình yêu với chèo cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, từ đó phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trong lĩnh vực kịch hát dân tộc, góp phần tạo ra một thế hệ nghệ sĩ và khán giả mới cho nghệ thuật chèo để tiếng trống chèo không chỉ ngân lên trong quá khứ mà còn vang mãi đến mai sau…

Một số hình ảnh vở chèo Nắm xôi kì diệu hay Chuyện thằng Bờm:

Bài và ảnh: HOÀNG ANH TUẤN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)