Dòng chảy

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và di sản đặc biệt

Thứ Bảy, 22/07/2023 17:31

 Cuốn sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương là tâm huyết mà họa sĩ Trịnh Lữ viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cha ông, cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - một người con Việt Nam được đào tạo bởi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỉ 20, một người nghệ sĩ miệt mài với biết bao dấu ấn trong hội họa, thiết kế nội thất của Việt Nam.

Với gần 400 trang khổ lớn, hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, được viết bởi song ngữ Việt - Anh, cuốn sách như một chuyến đi trải nghiệm dành cho độc giả để khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của cố hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Sống, đi, chiêm nghiệm và vẽ, hành trình ấy của cụ Ngọc cứ miệt mài, không ngừng nghỉ để đạt đến đỉnh cao là Thiền Họa.

Cuốn sách gồm các phần: Cuộc đời và sự nghiệp (Tuổi thơ, Lập thân, Học nghề, Cách mạng và Chiến Tranh, Cuộc đời mới…); Di sản đặc biệt (Tác phẩm từ thời sinh viên, Đồ gỗ Mémo, Tác phẩm minh họa, Tranh sơn ta, Từ Ấn tượng đến Thiền họa…); Bình luận, tưởng niệm (Cảm tưởng, Một số trích đoạn báo chí, Thư gửi thầy giáo…)

Đi từ dòng chảy thời gian cùng thăng trầm trong cuộc sống, bối cảnh văn hóa-xã hội, tác giả đã khắc họa được sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trong giai đoạn nước nhà có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó tác giả cũng nêu bật những đóng góp của họa sĩ cho quê hương trong không chỉ chiến tranh mà cả giai đoạn xã hội đổi mới, bất chấp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống và sự nghiệp riêng.

Được đào tạo về hội họa ở Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào không chỉ cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kĩ thuật riêng mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác, và gặt hái được những thành công cùng sự công nhận với xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa Sách Hoa Xuân, báo Tri Tân... Bạn đọc sẽ thấy rằng sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống thiết thực của người dân Việt bằng những ý tưởng và đóng góp từ tài năng Việt.

Sự nghiệp của họa sĩ đặc biệt được dẫn dắt bởi tư tưởng Chân-Thiện-Mỹ xuyên suốt, mà tiêu biểu là cách thực hành Thiền Họa “mắt nhìn tay vẽ”, được thể hiện rất rõ qua kho tư liệu các tác phẩm trong cuốn sách này. Độc giả sẽ được chiêm nghiệm không chỉ cách vẽ, tư duy hội họa của Trịnh Hữu Ngọc theo cách nhìn Hiện thực thiên về Ấn tượng Tình cảm, mà còn có cơ hội đối chiếu và so sánh những tác phẩm đó với bút pháp và phong cách của những thầy cô mà họa sĩ kính trọng là Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé. Để từ đó hiểu được vì sao họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc xứng đáng là Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương.

Họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ: Lòng chung thủy với cái Đẹp, cái Thật và cái Thiện của hội họa, đã nuôi dưỡng và chỉ lối cho ông qua mọi thăng trầm của cuộc đời, cuối cùng đã đưa ông về “Nhà”, về với niềm an ủi chỉ có được trong nhà của chính mình.

Cuốn sách này mong muốn giúp ông tiếp tục lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi ấy - niềm an ủi của cái Đẹp. Nó cũng muốn chia sẻ niềm tin của ông, rằng hội họa là một nghề làm đẹp cuộc sống, và mắt nhìn tay vẽ với ý thức hòa nhập với nét sống giản dị tự nhiên của muôn vật là một lối Thiền định giản dị ai cũng có thể theo được.

Tác giả đã gắng sức kiệm lời riêng khi tổ chức nội dung và hình thức sách này để cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc được phục dựng từ những tư liệu xác thực và tác phẩm của chính ông. Với những nhận định riêng của mình, tác giả Trịnh Lữ cũng cho rằng, phần nhiều vẫn còn tự nghi vấn. Tuy nhiên, có một nhận định ông thấy tự tin để chia sẻ với bạn đọc khi khép lại cuốn sách này. Đó là: với nghệ sĩ Thiền Họa Trịnh Hữu Ngọc, vẽ là một trải nghiệm tâm linh riêng tư, thôi thúc bởi bản năng hướng thiện.

Sách này có thể đã hoàn chỉnh, nhưng chưa thể hoàn hảo. Mong được thể tất, và nhận được hồi đáp thiện ý của bạn đọc.

Họa sĩ Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội), ông được thừa hưởng tình yêu với hội họa từ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang. Ông bén duyên với nhiều nghề như vẽ, viết, dịch thuật và tư vấn truyền thông phát triển và đều đạt được những thành tựu lớn. Nhưng vẽ đối với Trịnh Lữ như hơi thở trong cuộc sống của chính gia đình ông.

Trịnh Lữ luôn nhắc đến cha mình như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật.

THU LAN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)