Dòng chảy

“Những đứa trẻ trong sương” - thế lưỡng nan của câu chuyện

Thứ Năm, 13/07/2023 00:38

. MAI ANH TUẤN
 

Không dễ dàng để phán xét theo kiểu đúng hay sai, bất nhẫn hay hợp lí, với những gì mà Má Thị Di, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (2021)(1), từng đối mặt và sống trải. Câu chuyện của Di, tương tự như đời sống tộc người thiểu số nơi núi rừng chìm khuất dưới làn sương, ẩn chứa khá nhiều lớp vách ngăn mờ đục đòi hỏi phải nỗ lực quan sát, tìm hiểu, lắng nghe trên nền tri thức bản địa vốn dĩ cũng phức tạp.

1. Học lớp 7, mười hai tuổi, như bao đứa trẻ H’Mông khác ở một bản nhỏ vùng Sa Pa (Lào Cai), Di đến trường, làm việc nhà và chơi đùa cùng chúng bạn. Di cấy lúa, gặt, gùi củi. Di chăm lợn. Di nhuộm vải. Nhịp điệu công việc nặng nhọc ấy lặp lại theo từng ngày và từng mùa. Ống kính máy quay chọn lựa và đặc tả Di tất tả, lấm lem bùn đất, bàn tay đầy chai sần, tóc rối, quần áo cũ nhàu, mồ hôi đẫm má. Hẳn nhiên, đó là nhịp điệu và hình ảnh không có gì quá khác biệt với xung quanh, nơi gia đình Di cũng nhọc nhằn, đầu tắt mặt tối mới duy trì được sinh kế. Những đứa trẻ H’Mông tự giác trở thành nhân lực lao động chính, một bối cảnh mà chúng ta cho là bất hợp lí nhưng lại diễn ra hoàn toàn tự nhiên, bình thường và được duy trì lâu dài ở miền núi, vùng cao.

Lựa chọn xây dựng câu chuyện nhân vật theo nhịp điệu sống thường ngày, theo tôi, khiến bộ phim không chỉ đảm bảo sự chân thực mà còn có thể khắc họa tính cách của một gia đình H’Mông điển hình. Cả cha mẹ Di đều thích uống rượu, thường xuyên say khướt. Họ cũng hay cự cãi, chê bai nhau. Họ sớm già, khắc khổ trước tuổi. Niềm vui ở mỗi cuộc rượu là điều họ hay nhớ đến và kể lại cho con. Chị gái Di thì sớm lấy chồng và nuôi con nhỏ. Gia đình Di dù không cấm cản nhưng cũng không coi sự học hành của con cái làm trọng, ngược lại, họ hướng đến sự bằng lòng, yên ổn khi dựa vào điều kiện sản xuất tự nhiên và các mối quan hệ cộng đồng khép kín. Khi cày cấy và gặt hái, họ được sự trợ giúp của vài người trong bản. Khi đi ăn cưới, ăn cỗ, họ hoàn toàn giao tiếp, trêu đùa nhau bằng tiếng H’Mông. Tính cách khép kín tỏ ra mạnh mẽ, kiên định ấy khiến Di, như hầu hết thanh thiếu niên H’Mông trong bản, sẽ phải đối mặt với nhiều bức bình phong vô hình khó phá vỡ.

Hai năm sau, khi học lớp 9, Di bắt đầu tìm thế giới của riêng mình. Lúc này Di đã ra dáng thiếu nữ, thích bôi son và mặc đẹp. Đạo diễn, với tư cách là người chị trong gia đình, lắng nghe Di vui vẻ kể về một chàng trai giấu mặt. Di không ngần ngại tỏ thái độ, bình luận trước những tin nhắn tán tỉnh. Chiếc điện thoại thông minh đã trầy xước, vô hình trung, là hiện thân của công nghệ hiện đại xen vào cách Di biểu đạt cảm xúc, tâm lí của mình. Khác với cha mẹ Di chỉ dùng điện thoại “cùi bắp”, chiếc điện thoại thông minh của Di có thể giúp em nhìn thấy và tương tác trực tiếp với chàng trai đang có tình cảm với mình. Cầm trên tay điện thoại, dưới ánh điện mờ mờ, thu mình trên chiếc giường nhỏ hẹp, Di bộc lộ nét tâm lí và cá tính có phần nổi loạn.

Điện thoại thông minh, như thế, là tác nhân báo hiệu sự thay đổi khó kiểm soát của Di. Mạng xã hội, những tin nhắn, cuộc gọi trực tuyến trở nên thích hợp và hiệu quả hơn với một thế hệ như Di. Sau khoảng thời gian tương tác gián tiếp như thế, Di đã gặp trực tiếp Thào A Vàng, chàng trai trạc tuổi và cũng có một chiếc điện thoại thông minh đời mới. Họ gặp nhau tại phiên chợ Tết và nhanh chóng thành cặp đôi. Di về nhà Vàng ngay tức thì mà không báo trước cho cha mẹ. Sau đó, bộ phim chỉ cho thấy những phản ứng của mẹ Di, người liên tục gọi điện cho con gái, dặn dò con cách bảo vệ mình. Di đã ở nhà Vàng hơn một tháng, khởi đầu cho việc “kéo vợ” mà Di phải đối mặt ngay sau đó.

Tính khép kín và tách biệt của cộng đồng, mà Di là đại diện, đã bị lung lay bởi yếu tố điện thoại/ công nghệ hiện đại. Trong trường đoạn gặp Vàng, bộ phim cho thấy Di đã thích thú như thế nào khi được chụp “selfie” cùng bạn trai. Bản thân Vàng cũng toát lên vẻ hiện đại với giày thể thao và áo da. Di lựa chọn tình cảm của Vàng thực chất cũng là sự kết nối, dù bếp bênh và mạo hiểm, với một vài điểm hấp dẫn, mới mẻ khác hẳn với nếp sinh hoạt quen thuộc, đơn điệu ở gia đình mình. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng lúc đầu Di đã chủ động theo Vàng và coi đó là tình yêu, người mình yêu. Bộ phim không cho biết những xung đột/ mâu thuẫn nào đã khiến Di bỏ nhà Vàng, mà chỉ hướng vào phần trọng tâm của tập tục kéo vợ, với khởi đầu là việc gia đình Vàng sang xin cưới Di.

2. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến, kéo vợ (“jix pox niêv”) là hình thức hôn nhân tự nguyện dựa trên tình yêu đôi lứa của người H’Mông. Khi nhà trai không đủ điều kiện kinh tế để lấy vợ, chàng trai bèn “thực hiện kéo vợ để có thể kết hôn với người con gái mình yêu”. Nhà gái có con bị kéo có thể không bị mất mặt, mang tiếng xấu. Một khi đã “jix pox niêv” thì trai gái “buộc hôn nhân phải diễn ra và đơn giản hóa”. Ngoài kéo vợ, cộng đồng H’Mông cũng có các hình thức khác như “bắt vợ” (ntêl niêv), “cướp vợ” (cxangr pox niêv) với các biến thể thực hiện khác nhau, dù cùng chung bản chất tạo dựng tình yêu, hôn nhân nam nữ.

Kéo vợ là hình thức phổ biến, được cộng đồng chấp nhận, thậm chí, theo Nguyễn Mạnh Tiến, “kéo vợ là đỉnh điểm của tính dân chủ trong hôn nhân H’Mông”(2). Tuy thế, trong cảm quan và quy định hôn nhân hiện đại, kéo vợ bị coi là hủ tục, bất nhẫn. Chưa kể, gần đây, một số cảnh kéo vợ được ghi lại và phổ biến trên mạng internet đã dấy lên những phê phán mạnh mẽ, đòi hỏi cần phải chấm dứt hoặc ít nhất phải thay đổi hiện trạng này theo hướng nhân văn và đúng pháp luật hơn.

Di không có sự ủng hộ như vậy, càng không phải là người được quyết định hôn nhân. Gia đình Di sớm ưng thuận lời hỏi cưới của gia đình Vàng. Di liên tục phản đối, cho rằng bản thân không có tình yêu, không thể sống cùng Vàng. Tranh cãi, mâu thuẫn giữa Di và mẹ, một phụ nữ vốn cũng lập gia đình từ tục kéo vợ, càng gay gắt khi Di cự tuyệt những lời thuyết phục chân thành của Vàng. Không chấp nhận bẽ mặt, gia đình Vàng đã đến nhà Di, lôi kéo Di lên xe, bất chấp sự giãy giụa, gào thét và kêu cứu của Di. Trường đoạn cao trào này cho người xem tận mắt chứng kiến tình cảnh đau khổ, bất lực của cô gái trẻ trước quyền uy của tập tục hôn nhân H’Mông mà ngày nay vẫn hiện hành. Trong khoảnh khắc Di kêu cứu, dường như đạo diễn cũng quên mình là người ngoài cuộc, người không thể/ không nên can thiệp vào nhân vật phim tài liệu, nên đã thúc giục mẹ Di giúp đỡ. Phản ứng đó của đạo diễn, có thể nói, sẽ là cảm xúc và phản ứng chung của chúng ta, những người đến từ địa văn hóa khác và chưa từng trải qua bi kịch như Di.

Di đã kháng cự thành công. Em được tự do. Bộ phim dừng lại với cuộc đấu tranh còn dang dở, đong đầy nước mắt của Di. Nhưng có thể nói, những người thân trong gia đình Di và chàng trai yêu Di đều chịu ít nhiều tổn thương tinh thần. Họ không chấp nhận, ủng hộ suy nghĩ, hành vi của Di. Đồng thời, họ cũng bị đánh giá là lạc hậu, kém hiểu biết trong cái nhìn của chính quyền, thầy cô giáo dạy Di. Giữa Di và tập tục cộng đồng, rút cuộc, khó tìm được tiếng nói chung, cũng như một giải pháp tạm coi là hài hòa, thỏa đáng. Khi tập tục cộng đồng vượt qua cả sự phóng chiếu của luật pháp thì rõ ràng tập tục đó càng được thừa nhận ngấm ngầm. Bộ phim cũng xuất hiện cán bộ xã, thầy cô giáo nhưng họ chỉ đóng vai khuyên răn, nhắc nhở mà không thể can thiệp, quyết định tình huống của Di. Tập tục, với tính chất phô trương mặc nhiên, trở thành phép thử quá sức chịu đựng với những ai không có chung cội gốc văn hóa tộc người H’Mông và với những ai đề cao tình yêu, hôn nhân tự nguyện, đúng pháp luật. Trong trường hợp này, mọi phán xét cực đoan, vội vàng ngả về phía nào, có lẽ, đều thiếu sức thuyết phục.

Cảm giác tự do, thoát khỏi hôn nhân ép buộc của Di, thực tế, chưa hẳn đã là đích ngắm của nhiều bạn H’Mông cùng trang lứa. Nhưng mặt khác, Di sẽ được nhìn nhận như một biểu tượng của người trẻ có học vấn, có khả năng tạo dựng cuộc sống theo chủ ý cá nhân. Câu chuyện của Di, theo tôi, không phải để trình hiện một sự thật trong xã hội H’Mông mà là, thú vị hơn, để sự thật ấy va chạm với các quan điểm, góc nhìn khác nhau. Mỗi một khán giả buộc mình phải đặt lại các câu hỏi xoay quanh tập tục và luật pháp, xã hội hiện đại và cộng đồng truyền thống, các giá trị/ đích đến của văn minh và sức mạnh, sự trì níu của luật tục. Tôi nghĩ rằng, nếu không phải người trong cuộc, hay như tinh thần của các nhà dân tộc học, không “trở thành họ”, chúng ta khó lòng nhìn nhận thấu đáo câu chuyện của Di. Nhưng tôi dám chắc tất cả khán giả đều cảm nhận được sự mệt mỏi, đơn độc của Di khi cô gái này muốn sống theo cách mình nghĩ. Hình ảnh Di mạnh mẽ, quyết liệt và tự tin trên phim đã gây thiện cảm và sự hi vọng thầm lặng, đúng như nhà phê bình Mary E. Gates nhận xét tinh tế: “Phim của Diễm gieo mầm cho kiểu tương lai mà Di khao khát nhưng đủ thông minh để không hứa hẹn với cô ấy hay với khán giả rằng cô ấy có thể đạt chúng hay không. (…) Những đứa trẻ trong sương chỉ nhắc nhở chúng ta nhớ rằng họ có thể có một tương lai tươi sáng hơn.”(3) Khán giả hi vọng và dĩ nhiên, đạo diễn cũng hi vọng Di có tương lai tốt đẹp, hạnh phúc. Cảm xúc đó, theo tôi, cũng đã là một thái độ can dự vào chuyện phim vốn được xây dựng theo kiểu phim tài liệu trực tiếp (direct cinema) tưởng như chỉ có sự khách quan, vô can hoàn toàn.

3. Khá lâu sau Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (2014, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), một bộ phim tài liệu chiếu rạp và “cháy vé”, Những đứa trẻ trong sương cũng được ra rạp, bán vé và càng gây chú ý với công chúng hơn. Thành công của Những đứa trẻ trong sương cho thấy dư địa của dòng phim tài liệu nghệ thuật ở Việt Nam còn mênh mông. Đặc biệt, từ đề tài mà Hà Lệ Diễm lựa chọn, tôi nghĩ, sẽ có nhiều câu chuyện, nhân vật đáng để khai thác, tái dựng nữa. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng câu chuyện tộc người thiểu số dù rất hay nhưng cũng rất thử thách. Nếu không có sự dấn thân, bản lĩnh và vốn hiểu biết, những phẩm chất mà Hà Lệ Diễm đã tròn vai, thì sẽ khó có thêm Những đứa trẻ trong sương bước ra với khán giả trong nước lẫn quốc tế.

M.A.T

--------

1. Đạo diễn: Hà Lệ Diễm; nhà sản xuất: Swann Dubus, Trần Phương Thảo; hãng sản xuất: Vara Việt Nam; thời lượng: 90 phút.

2. Nguyễn Mạnh Tiến, Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’Mông, Nxb Thế giới, H., 2014, tr.180-181.

3. Nguyễn Mạnh Tiến, Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’Mông, sđd, tr.180-181.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)