Những năm qua, công tác cứu hộ - cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai dịch bệnh luôn có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần to lớn trong việc bảo vệ người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Mùa mưa bão đang đến, vấn đề ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai dịch bệnh càng trở nên cấp thiết. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Trung tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu xoay quanh công tác cứu hộ - cứu nạn hiện nay.
Bài trò chuyện Cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của Quân đội sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 1018.
Phần Văn xuôi với các truyện ngắn Bến bông tra của Hồ Tĩnh Tâm, Nhà đại thể của Phố Hoa, Phòng rang của Nguyễn Khắc Ngân Vi; ghi chép “Hãy sống và làm người tử tế” của Nguyễn Mạnh Hùng.
Bến bông tra là câu chuyện về những năm tháng đau thương của đất nước, vì những rào cản của chế độ phong kiến mà những người yêu thương nhau không đến được với nhau. Nhưng họ đã cùng tìm thấy con đường chung, đi theo cách mạng. Trên con đường ấy, họ đã hội ngộ, nhưng liệu họ có đến được với nhau?
Nhà đại thể kể câu chuyện của những người làm công việc rất đặc thù trong xã hội hiện đại, đó là nhân viên nhà xác ở bệnh viện. Mỗi người một số phận éo le, bất hạnh, họ đến với công việc này như sự an định của số phận. Và số phận đã bù đắp cho họ điều mà họ tìm kiếm lâu nay vào đúng lúc tưởng như đã đường cùng… Truyện có những yếu tố bất ngờ và nhân văn.
Phòng rang là nỗi cô đơn và cuộc kiếm tìm sự đồng điệu của những người trẻ được xem là thành công trong xã hội hiện đại. Vẻ bề ngoài sang trọng, đủ đầy không khoả lấp được những trống vắng trong tâm hồn. Sự mất kết nối với gia đình và người thân, những khát khao thầm kín, những dự định mơ hồ… tất cả liệu có được hoá giải?
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Ngủ giữa trùng sơn của Lê Vũ Trường Giang.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Ngô Đức Hành, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Thánh Ngã, Nguyễn Minh Đoàn, Nguyễn Thuý Quỳnh, An Khê, Trần Bạch Diệp, Trần Nhật Minh, Lại Quốc Biểu, Mai Thế Hùng, Trần Ngọc Khánh Dư, Đồng Chuông Tử.
Những không gian văn hóa, lịch sử sẽ được mở ra trong thơ từ mọi góc nhìn, mọi chiều kích. Những vẻ đẹp, những ẩn khuất của đời sống ở các khía cạnh của tình yêu, gia đình, xã hội với những vui, buồn, quá vãng, giấc mơ, xao động… cũng là nguồn chất liệu bất tận cho thơ. Qua thi phẩm của mình, người viết đã cho thấy khát vọng được chạm sâu vào những thăm thẳm của mọi đề tài nhằm sáng tạo nên một đời sống khác. Những trang thơ dự thi vì vậy mà trở nên đa dạng và đầy hứng khởi.
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Đinh Nho Tuấn cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Mã Giang Lân, Đặng Lưu, Chế Diễm Trâm, Lê Hồ Nam, Phùng Văn Khai.
Cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ là cuộc đời, sự nghiệp của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là cuộc đời, sự nghiệp của một nhà văn, nhà thơ lớn. Từ trước tới nay đã có nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu văn thơ của Bác, nghiên cứu ý kiến của Bác Hồ đối với văn nghệ. Bài viết Bác Hồ với văn học dân gian sẽ tìm hiểu những ý kiến của Bác về văn học dân gian và phong cách dân gian trong thơ văn của Bác.
Bên cạnh những nguy cơ diệt vong của nhân loại như cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, chiến tranh nguyên tử, oái oăm thay, còn có một nguy cơ vốn là sản phẩm kì diệu của con người: trí tuệ nhân tạo. Cảnh báo đáng sợ này không phải được đưa ra bởi một người bình thường, mà từ bộ óc xuất chúng nhất của thời đại chúng ta: Stephen Hawking. Bài viết Vị thế của con người trong sáng tạo văn học thời đại trí tuệ nhân tạo phát triển sẽ có những luận bàn sâu về câu chuyện này.
Bên cạnh đó, chúng ta sẽ được tiếp cận với những bài nghiên cứu, bình luận sâu sắc, thú vị về các vấn đề khác nhau của văn học nghệ thuật.
Tạp chí VNQĐ số 1018 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/8/2023. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
PV
Cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của Quân đội
Hồ Tĩnh Tâm
Bến bông tra
Nguyễn Mạnh Hùng
“Hãy sống và làm người tử tế”
Lê Vũ Trường Giang
Ngủ giữa trùng sơn
Phố Hoa
Nhà đại thể
Nguyễn Khắc Ngân Vi
Phòng rang
Thơ
Ngô Đức Hành
Nhà giàn; Đồng Tháp
Hồng Thanh Quang
Vọng khúc đồi Rồng; Ngỡ ngàng; Gửi Huế
Nguyễn Thánh Ngã
Chiếc lá trong khe cửa; Về núi
Nguyễn Minh Đoàn
Môi em bay theo chiều gió nói; Bé bỏng;
Đêm là người bạn thanh sạch
Nguyễn Thúy Quỳnh
Lí do vắng mặt; Trong lúc chờ ngày mai
An Khê
Bồng cây chạy quanh xóm đời; Mưa ngàn
Trần Bạch Diệp
Cánh đồng; Mưa không thể ngưng; Ngộ nhận
VNQĐ giới thiệu thơ Đinh Nho Tuấn
Hoa giấy; Sông Lam; Nông dân
Trần Nhật Minh
Cha nghe bằng đôi mắt; Ghi ở chợ cá biển
Lại Quốc Biểu
Ngày hạ sinh
Mai Thế Hùng
Mưa Thủ Thiêm
Trần Ngọc Khánh Dư
Dưới gốc đại già
Đồng Chuông Tử
Lối cha rời cõi nhân gian
Bình luận văn nghệ
Mã Giang Lân
Bác Hồ với văn học dân gian
Đặng Lưu
Vị thế của con người trong sáng tạo văn học
thời đại trí tuệ nhân tạo phát triển
Chế Diễm Trâm
Vài nét về văn học Chăm từ đầu thế kỉ XXI đến nay
Lê Hồ Nam
Giả mạo hay là hành trình trốn chạy giữa hai thế giới
Phùng Văn Khai
Những người đốt gạch - nhân vật chính đã đi xa
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Đêm trăng Tranh của hoạ sĩ Nguyễn Tùng
Minh hoạ: Nguyễn Văn Đức, Phạm Minh Hải,
Ngô Xuân Khôi, Tào Linh, Nguyễn Đăng Phú,...
VNQD