Dòng chảy

VNQĐ tổ chức đợt sáng tác tại Sơn La

Thứ Sáu, 14/07/2023 07:48

Những ngày trung tuần tháng 7/2023 Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức đợt thực tế sáng tác tại tỉnh Sơn La. Tham dự đợt thực tế sáng tác gồm 14 nhà văn của Văn nghệ Quân đội, Sơn La và một số đơn vị, địa phương khác. Trong một tuần ở đây, các nhà văn sẽ thâm nhập thực tế tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã, Hát Lót...

Ban tổ chức trại đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội VHNT Sơn La và cụ thể là Phòng Văn hoá 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ để tổ chức các chuyến đi đến một số di tích lịch sử, khu lưu niệm mang đậm bản sắc truyền thống và giá trị lịch sử của địa phương như Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến và Di tích Đồn Mộc Lỵ ở Thị trấn Mộc Châu. 
Đồn Mộc Lỵ được quân Pháp xây dựng năm 1951, tại vị trí án ngữ cửa ngõ vào Tây Bắc và Thượng Lào. Đồn gồm 1 đài chỉ huy, 3 vọng gác cùng hệ thống 9 lô cốt kiên cố kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào. Với hoả lực dày đặc và sự kiên cố như vậy nên Thực dân Pháp coi đây là "chiếc áo giáp sắt bất khả xâm phạm" tại Phân khu Sơn La. Việc đánh chiếm Đồn Mộc Lỵ có ý nghĩa quan trọng trong tiếp viện, triển khai tuyến hậu cần phục vụ các đơn vị chủ lực của quân ta trên địa bàn Tây Bắc. Điều này sẽ quyết định toàn bộ phương án tác chiến của ta trong Chiến dịch Tây Bắc. 

Các nhà văn dành một phút tưởng nhớ các liệt sĩ trong trận đánh giải phóng Đồn Mộc Lỵ. 

Năm 1952, sau 3 ngày vây hãm, tối 19/11, với 3 giờ tấn công quyết liệt, các chiến sĩ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đã đánh chiếm, tiêu diệt Đồn Mộc Lỵ. Hơn 100 người dân bị quân Pháp cưỡng chế về sống quanh đồn cũng được bộ đội giải cứu, Mộc Châu được giải phóng ngày 20/11/1952.  Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh chiến dịch đánh giá trận đánh Đồn Mộc Lỵ có ý nghĩa then chốt đối với Chiến dịch Tây Bắc, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng sau đó hai năm. Hiện nay Di tích Đồn Mộc Lỵ đã được công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia. 
Các nhà văn đã tham quan tượng đài chiến thắng, thắp hương và dành một phút mặc niệm trước anh linh các liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh cứ điểm Mộc Châu này. 

Các nhà văn tại Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến. 

Cách đó không xa cũng là một Di tích Quốc gia khác rất gần gũi với các nhà văn, nhà thơ cũng như đông đảo nhân dân, đó là Khu lưu niệm các chiến sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến, gắn liền với bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Đây cũng là nơi ghi dấu mối quan hệ đặc biệt, tình cảm hữu nghị anh em giữa hai nước Việt - Lào từ những năm chiến tranh gian khổ thể hiện qua 4 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, với tầm nhìn chiến lược về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đối với địa bàn Tây Bắc, đơn vị bộ đội Tây Tiến đã được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ tuyến hành lang biên giới phía Tây của Tổ quốc. Đơn vị gồm 160 chiến sĩ trong "Đội vũ trang trinh sát miền Tây" hành quân từ Hà Nội lên Hoà Bình, tiến vào Mộc Châu rồi hành quân sang các tỉnh Sầm Nưa, Hủa Phăn của Lào đánh Pháp, làm nhiệm vụ quốc tế, với tinh thần giúp mình cũng là giúp bạn. Ngày 27/12/1947 Trung đoàn Tây Tiến được thành lập. Trong những năm tháng xây dựng lực lượng, tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trung đoàn 52 - Tây Tiến đã lập nên những kì tích, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Việt Nam và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả với Cách mạng Lào. Để mãi ghi nhớ những đóng góp của Trung đoàn Tây Tiến cùng những tình cảm với bà con các dân tộc Sơn La, năm 2006, khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 - Tây Tiến đã được xây dựng tại Tiểu khu 12, Thị trấn Mộc Châu vào trước dịp kỉ niệm 60 năm thành lập Trung đoàn Tây Tiến. Năm 2015, công trình đã được đầu tư nâng cấp, tôn tạo. Hiện khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến nằm trong quần thể Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Nét độc đáo của công trình là ý tưởng thiết kế lấy cảm hứng từ bài thơ Tây Tiến, bài thơ được nhà thơ Quang Dũng, một chiến sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến sáng tác năm 1948, đã khắc hoạ hình ảnh người lính Tây Tiến oai hùng, hào hoa trên những bước đường hành quân chiến đấu đầy gian khó.

Sơn La chào đón các nhà văn về sáng tác tại tỉnh nhà. 

Trong thời gian đợt sáng tác diễn ra, lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng đã dành thời gian gặp gỡ và tiếp xúc với đoàn nhà văn. Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư tỉnh uỷ; Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và các thành viên đoàn công tác. Lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng có buổi mời cơm thân mật các nhà văn tham dự đợt sáng tác. 
Cũng trong thời gian ở Sơn La đoàn nhà văn tham gia đợt sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có buổi làm việc với lãnh đạo cùng cơ quan văn hóa huyện Mộc Châu, tham quan một số mô hình kinh tế, du lịch, nông nghiệp tại Mộc Châu và Vân Hồ như Hợp tác xã rau sạch Tự Nhiên, Nông trại nho Hạ đen, Homestay A Chu, Nông trại A Cau... và đến làm việc tại Đồn Biên phòng Chiềng Sơn thuộc Bộ đội Biên phòng Sơn La.
P.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)