Mùa chinh chiến ấy là tên tập hồi kí của nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, một cựu binh biên biên giới Tây Nam, nhưng tôi xin mượn ý này để nói về nhạc sĩ Trương Quý Hải. Gần tới ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 tôi điện thoại cho Trương Quý Hải những mong một cuộc hẹn để cùng nói về kí ức chiến tranh biên giới phía Bắc và những ca khúc đã trở thành tiếng lòng của những cựu binh, những nhân chứng trở về từ cuộc chiến. Anh đang ghi hình ca khúc Lũy đá bất tử với ekip truyền hình ở Côn Đảo, và, cũng tất nhiên và dễ hiểu, Trương Quý Hải cho biết anh đã kín lịch đến hết tháng 7 cho những chương trình, sự kiện dày đặc trong tháng tri ân những người nằm xuống. |
Chỉ có 3 năm đời lính, trở về hòa vào dòng chảy mưu sinh lập nghiệp, phần kí ức ấy có những năm tháng lùi vào khuất lấp. Một phần vì nhiều đơn vị tham gia cuộc chiến cũng đã giải tán, anh em lính tráng mất đi đầu mối liên lạc, mất đi nơi chốn để lui về, để kết nối, mỗi người lính ôm một mảnh kí ức riêng văng mãi vào cái hố đen của guồng quay cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, như một nhu cầu tự nhiên, khoảng hơn chục năm trước, những cựu binh biên giới phía Bắc lác đác tìm đến nhau, sinh hoạt trong các hội nhóm nhỏ của từng đơn vị, rồi các nhóm về lại chiến địa xưa, thắp lên nén hương cho những người nằm xuống. Từ đó sự kết nối lớn dần, như một sự lên tiếng của kí ức, trỗi dậy trong tâm khảm mỗi người lính năm xưa. Với Trương Quý Hải, những kí ức âm nhạc đã được đánh thức. Anh trở về, cùng đồng đội kêu gọi xây dựng đài hương 468 bên vị trí hầm chỉ huy của Trung đoàn 876 năm xưa. Linh hồn những đồng đội nằm lại với đất đá biên cương trong đơn vị của anh giờ đây đã có chỗ quy tụ dưới đài hương ấy. Anh cùng đồng đội đã nhiều lần trở về và hát cho họ nghe, như năm xưa anh từng hát, khi anh là người lính Sư đoàn 356, đã từng viết ca khúc từ những năm tám mươi, bắt đầu khi là người lính, hát cho những người lính nơi chiến địa.
Tôi có ý định tìm đến Trương Quý Hải sau khi đã nghe hết các ca khúc Về đây đồng đội ơi, Lũy đá bất tử, và đặc biệt là Hát cho người còn sống cũng như nghe những tâm sự anh từng chia sẻ về sự ra đời của các ca khúc này. Lượng thông tin ấy có thể nói là cũng đủ để bắt đầu câu chuyện, nhưng vẫn còn điều gì đó ẩn sâu sau mỗi ca từ, mỗi giai điệu, chỉ khi tôi bốc máy gọi cho anh và cảm giác ngay những câu đầu tiên đã như gặp một người thân quen thì mọi thứ mới được phần nào giải mã, đó là sự đồng điệu. Ở đầu dây bên kia, thứ tôi nghe thấy là tiếng gió rì rào của nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo cùng chất giọng trầm ấm nhiều hoài niệm. Tôi chưa từng gặp Trương Quý Hải, và cuộc điện thoại ấy có lẽ cũng là để lên một cuộc hẹn trực tiếp cho bài trò chuyện, hoặc sẽ là để xếp lịch cho một cuộc làm việc online nếu như anh quá bận, nhưng rồi câu chuyện cứ chảy trôi suốt gần một tiếng giữa hai đầu Hà Nội và Côn Đảo, để rồi qua từng mẩu chuyện nhỏ bức chân dung chinh chiến của Trương Quý Hải cứ dần hiện rõ.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát bên những ngôi mộ đồng đội. Ảnh: TL
Những ca khúc của Trương Quý Hải đều có phần ca từ đặc biệt, đó là những câu chuyện về đồng đội, đều xuất phát từ những nguyên mẫu trong đời chinh chiến của anh, là tâm tình của những người còn sống và cả những tâm tư của người đã mất được anh nói hộ bằng những nốt nhạc.
Lũy đá bất tử ra đời xuất phát từ câu viết trên báng súng AK của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh: Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử. Nguyễn Viết Ninh đã hi sinh trong trận đọ súng trước giờ khắc giao thừa của năm 1985 khi quân Trung Quốc tấn công hòng chiếm lại điểm cao 685 mà ta đang chiếm giữ. Thông điệp khắc trên khẩu súng chiến đấu của người Trung đội trưởng thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876 đã lan tỏa ra toàn mặt trận, như một khát vọng, một lời thề tử thủ của những người lính Vị Xuyên vang lên sau những rặng đá tai mèo miền biên ải và đã thành điệp khúc Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử vang lên trong bài hát của Trương Quý Hải như tạc nên tượng đài về người lính bảo vệ biên giới bằng âm nhạc.
Có một thế hệ đồng trang lứa đã ngã xuống, Trương Quý Hải muốn nhắc nhớ về họ, gọi tên họ trong âm nhạc, bằng cách ấy, những đồng đội của anh vẫn sẽ hiện hữu trong cuộc sống hôm nay. Sau khi viết Về đây đồng đội ơi, là tiếng nói của những người lính còn sống với những đồng đội nằm lại biên cương, một chuyến lên Vị Xuyên, hát bên những nấm mộ vô danh trở về, một người đồng đội, anh Phạm Ngọc Quyền lính trinh sát của Trung đoàn 876, Sư 356 đã nói với anh: “Hải ơi, anh em mình được sống cuộc đời mình và phần đời còn lại của những đồng đội đã hi sinh”. Câu nói ấy như giọt tràn cảm xúc để anh bắt tay viết Hát cho người còn sống. Đó là lời của những người nằm xuống nói với đồng đội mình, nói với những người còn sống, gửi thác phần sống còn dang dở, những ước vọng chưa thành, gửi những khát vọng bình dị nếu được trở về. Biên cương đã sạch bóng thù/ Đồng đội ơi còn sống về đi/ Trở về mái ấm quê hương/ Tiện đường ghé thăm nhà tôi… Bài hát mở đầu bằng những ca từ giản dị mà buốt nhói tận đáy lòng, giống như những nhắn nhủ chuyện trò của người lính nói với nhau khi còn sống, còn chung một chiến hào. Những người nằm xuống cũng có tâm tư chứ, cũng muốn nói gì đó với người còn sống chứ, vậy là những âm giai của Hát cho người còn sống vọng về. Thay tôi tạ lỗi cha mẹ/ Đạo làm con chữ hiếu dở dang/ Nặng tình non nước lên đường/ Ngày về khói hương đoàn viên… Đã có nhiều cựu binh biên giới phía Bắc và thân nhân của họ rơi nước mắt nghẹn ngào xúc cảm khi nghe bài hát này. Về đây đồng đội ơi và Hát cho người còn sống là hai bài hát đối xứng, như một cặp đôi không thể tách rời, Trương Quý Hải gọi đó là những bài hát ra đời trong máu và nước mắt.
Sau khi viết xong Lũy đá bất tử, Về đây đồng đội ơi, Hát cho người còn sống… Trương Quý Hải cảm thấy mình vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ, mới chỉ viết được một góc phía những người lính bảo vệ biên giới phía Bắc, vẫn còn đó những chiến sĩ bảo vệ biển đảo ngoài khơi xa. Sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 với 64 chiến sĩ làm nên vòng tròn bất tử bảo vệ lá cờ Tổ quốc trước quân thù đã tác động mạnh mẽ đến Trương Quý Hải, nhất là khi anh xem lại những thước phim tư liệu về sự kiện này khi chúng được công bố rộng rãi, còn lại trước đó, kí ức trong chàng sinh viên Mỏ - Địa chất năm 1988, khi sự kiện xảy ra chỉ là những dòng tin chiến sự vắn tắt trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó, mỗi năm, khi dịp tháng ba về, Trương Quý Hải lại bồn chồn không yên. Năm 1993, Trương Quý Hải có dịp ra thăm Trường Sa, trên tàu hải quân anh em bộ đội chỉ về phía xa và nói, phía đó là Gạc Ma, nhìn về phía ấy Trương Quý Hải chỉ thấy một vệt sóng mờ xa mang màu sắc khác. Tuy thế cảm xúc trong anh vẫn dâng trào, hình ảnh 64 chiến sĩ với vòng tròn bất tử hiện về mãnh liệt để nhịp điệu và ca từ của bài Vòng tròn bất tử cất lên trên đầu ngọn sóng.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải tại Đài hương 468. Ảnh: TL
Tôi đã dùng hình ảnh của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam để gọi tên một nhạc sĩ vốn là cựu binh mặt trận biên giới phía Bắc. Và thật bất ngờ khi Trương Quý Hải chia sẻ về những ca khúc mới hoàn thành, tôi đã được nghe anh nói về Bóng chiều Tây Nam anh viết về những người lính chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Hình ảnh mà Trương Quý Hải tâm huyết, cũng là nguồn cơn để anh bắt đầu bài hát là những bóng nắng từ phía Tây mỗi khi chiều về đều đổ về phía Đông, ngả về Tổ quốc, như bàn tay những người lính Việt với về đất mẹ; thân xác họ khi ngã xuống, linh hồn họ khi thoát xác ngoài biên giới vẫn theo bóng nắng trên trời, theo dòng Mekong dưới đất về lại quê hương. Như vậy là Trương Quý Hải bằng âm nhạc đã thắp lên những nén hương cho những người lính thế hệ mình, những người ngã xuống trên mọi nẻo đường Tổ quốc, những người ngã xuống ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, những người nằm lại ngoài biển xa, ngoài cương thổ đất nước…
Trương Quý Hải nói rằng, đất nước mình có ba thế hệ những người nằm xuống, thế hệ chống Pháp, thế hệ chống Mĩ và thế hệ thứ ba là những người chiến đấu trên ba mặt trận: biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biển đảo. Ba mặt trận ấy như ba anh em một nhà, không được phép tách rời, không được coi nhẹ một mặt trận nào. Thế hệ anh sinh ra trong giai đoạn đất nước có những biến động mạnh mẽ nhất, những cuộc chiến tranh vệ quốc đã làm nên khúc tráng ca về người lính. Có những linh hồn mãi mãi tuổi đôi mươi. Trong anh cũng từng có một người lính tuổi đôi mươi với tâm hồn trong veo, với lí tưởng và lòng yêu nước chân thành tự đáy lòng. Hình ảnh những người lính với sự trẻ trung, hồn nhiên, những người lính vừa giã từ những trò chơi con trẻ, đánh bi đánh đáo, họ bỏ xuống những trò chơi dang dở cầm lên tay khẩu súng ra trận bảo vệ quê hương đất nước. Nỗi trăn trở kể câu chuyện về những người lính tuổi đôi mươi ấy đã khiến anh tìm tứ cho bài hát về những người lính thế hệ mình. Anh nhớ đến những người lính Nga trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã được tái hiện bất tử với hình ảnh đàn sếu qua bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Rasul Gamzatov đã được nhạc sĩ Yan Frenkel phổ nhạc thành một trong những ca khúc hay nhất tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống. Trương Quý Hải muốn viết một ca khúc về những người lính trẻ dâng linh hồn cho Tổ quốc. Bằng những chiêm nghiệm, quan sát, liên tưởng, bằng kí ức về những người lính mang nhiều nét trẻ thơ vui nhộn, bằng kí ức về những đàn én bay ngang trời mỗi mùa xuân đến trong những năm tháng tuổi thơ, anh đã gửi gắm ý tưởng, tình cảm của mình vào hình ảnh đàn én ấy qua ca khúc Đàn én. Ca khúc được viết trong dịp tết 2022, khi đất nước đón một mùa xuân mới, khi những cánh én chuẩn bị bay về. Cũng như Bóng chiều Tây Nam, ca khúc Đàn én hiện cũng đang ở dạng demo và tôi là người may mắn được nghe trước.
Đã từng nổi tiếng với những ca khúc nhạc trẻ trữ tình từ Khoảnh khắc đến Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Khu nhà cũ với những khắc khoải yêu thương bình dị một Hà Nội máu thịt, nhưng rồi đã có một Trương Quý Hải khác xuất hiện, cũng có thể là một Trương Quý Hải khác trở về, sống lại thời tuổi trẻ, đó là Trương Quý Hải của những mùa chinh chiến. Nhưng có một điều đặc biệt, đó là nếu như những ca khúc trữ tình khác của anh có rất nhiều ca sĩ thu thanh, nhiều ca sĩ thể hiện thì những ca khúc sau này Trương Quý Hải sáng tác như chỉ cho mình và đồng đội. Anh viết phần lời, anh viết nhạc, một mình anh ôm ghi ta và hát, sau nữa là đồng đội anh hát. Mặc dù đó là những ca khúc nhiều sức lay gợi nhưng không hiểu sao tôi chưa thấy ca sĩ chuyên nghiệp nào hát chúng. Có lẽ Trương Quý Hải cũng không mấy quan tâm đến điều này, bởi với anh, đó là những bài hát tri ân đồng đội, cũng là tri ân chính những năm tháng tuổi trẻ trong phần cuối những năm tháng trở về và sống phần còn lại của những đồng đội đã hi sinh. Tất nhiên, với tôi và nhiều người nghe khác, người thể hiện hoàn hảo nhất những bài ca rút ruột ấy chính là tác giả của nó.
Mỗi khi có dịp, Trương Quý Hải lại về lại Vị Xuyên, Hà Giang cùng đồng đội hát bên chiến trường xưa. Ảnh: TL
Ít ai biết rằng, ngay tại chiến trường những năm tháng còn bám chốt, Trương Quý Hải đã từng viết về đồng đội, sáng tác và biểu diễn cho những đồng đội của mình. Câu chuyện đến với âm nhạc những ngày đầu của anh cũng thật kì lạ. Khi về làm lính tuyên văn Sư 356, ban đầu đóng ở Hoàng Liên Sơn, người chỉ huy thấy anh được đào tạo bài bản, thời cấp ba đã từng sáng tác ca khúc thì động viên anh sáng tác. Nhận nhiệm vụ nhưng cả nửa tháng trăn trở, Trương Quý Hải không viết được chữ nào. Thế rồi cuộc chiến ác liệt cuốn đi, đơn vị anh được tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên, từ một người lính tuyên văn anh được giao vác đạn, chăm sóc thương binh, thu dung tử sĩ, phụ giúp chôn cất những đồng đội đã hi sinh... Trong một lần hỗ trợ những đồng đội làm công tác quân lực rà soát thông tin về liệt sĩ để tìm tên tuổi, thông tin nhân thân, Trương Quý Hải lần tìm, chẳng thấy bất kì một thông tin gì về người nằm xuống, anh chỉ tìm được một tấm giấy trong túi áo ngực của chiến sĩ ấy, đó là mảnh giấy được dùng để viết thư có dòng chữ “Mẹ kính yêu”, nét mực nhòe thấm vào lớp giấy nhàu nhĩ vốn là vỏ bao thuốc lá Sa Pa. Lá thư mới bắt đầu ấy đã mãi mãi bị bỏ dở. Như có luồng điện chạy qua người, anh nghĩ đến mẹ của mình, anh còn có thể gặp lại mẹ còn người đồng đội nằm kia mãi mãi không được gặp mẹ nữa, chính anh cũng không tìm được danh tính, vì thế mẹ của anh hiện hữu đấy nhưng cũng xa mờ. Vậy là đêm hôm ấy, bên những nấm mồ đồng đội vừa đắp, Trương Quý Hải đã ngồi viết tiếp bức thư dang dở bằng những ca từ chảy ra tự trong tim, không đàn, không bút giấy kí âm, chỉ là những lời ca từ trái tim cất lên nghẹn đắng. Đồng đội hỏi anh đó là bài gì, anh bảo đó là bài Thư gửi mẹ. Sau đó chính những đồng đội của anh đã góp ý đổi tên thành Thư về với mẹ, bởi theo họ như vậy sẽ diễn đạt đúng ý “người thì đã mất chỉ có thư về với mẹ thôi”. Ca khúc Thư về với mẹ mà sau này có điều kiện anh đã viết lại và hát lại đã được bắt đầu như thế. Thư về với mẹ, thấm máu đào bạn con vừa hi sinh là hình ảnh rất thực ở chiến trường. Trở về từ cuộc chiến, Trương Quý Hải học Đại học Mỏ - Địa chất, sau đó anh học tiếp Đại học Bách khoa, trở thành một kĩ sư phần mềm, nhưng cả hai chuyên ngành được đào tạo anh đều không theo đuổi mà lại chọn âm nhạc, hoặc âm nhạc đã chọn anh. Sau này chiêm nghiệm lại, Trương Quý Hải cho rằng, chính những đồng đội cũng là những khán giả đầu tiên tại nơi biên cương, khi anh tham gia chiến trận và viết những bài hát về họ, chính họ đã quyết định đường đời của anh sau này.
Chỉ có 3 năm đời lính, nhưng chuyến đi “thực tế” ra chiến trường ấy đã khiến Trương Quý Hải bật ra những nốt nhạc, sau này anh mới nhận ra, khoảng đời ấy đã mãi mãi kéo anh vào một cõi sống khác để rồi trong chuyến du ca miên viễn của cuộc đời, khoảng trời biên cương ấy như luồng sáng trên cao, luôn là thứ nhắc nhớ anh trở về, đi tiếp, sống lại, luôn định hướng anh trong phần đời còn lại. Và bằng âm nhạc, anh cũng đã sống phần đời còn lại của những người lính đã hi sinh, của đồng đội mình, của những người con đất Việt ngã xuống trong những cuộc chiến chinh.
NGUYỄN XUÂN THỦY
VNQD