Thanh Hóa vẫn được ví như một Việt Nam thu nhỏ khi hội tụ đủ các loại địa hình, từ núi cao, trung du, đồng bằng, có vùng biển rộng, có hệ thống sông ngòi phong phú… Được xác định là tỉnh cực bắc của miền Trung nhưng Thanh Hóa mang nhiều đặc điểm của vùng Tây Bắc, nhất là ở các huyện miền núi. Địa hình trải dài và thấp dần từ tây sang đông với sự đa dạng về tự nhiên và sắc tộc, đường biên giới trên đất liền kéo dài hơn 200 cây số và hơn 100 cây số đường bờ biển, nơi phên giậu quốc gia ấy luôn có những người lính biên phòng ngày đêm canh giữ. Có dịp đi thực tế dọc tuyến biên giới Việt - Lào, đến các đồn biên phòng vùng biên, đặc biệt là qua cuộc trò chuyện với Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh khi anh vừa tiếp nhận vị trí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã cho chúng tôi những hình dung rõ hơn, gần hơn về sứ mệnh của những người lính biên phòng xứ Thanh trên khắp dải biên cương dài rộng kết nối miền Bắc và miền Trung của đất nước.
PV: Xin chúc mừng đồng chí trên cương vị mới. Có lẽ đồng chí cũng là trường hợp đặc biệt khi gắn bó “toàn phần” với Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa. Đồng chí đã đến với màu áo biên phòng như thế nào?
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Từ khi còn đi học, tôi đã rất yêu màu áo bộ đội, nhất là hình ảnh chú bộ đội mang quân hàm xanh. Thời đi học cấp ba, tôi vẫn thường mặc áo bộ đội đi học. Bố tôi cũng là quân nhân, gắn bó cả đời binh nghiệp với bộ đội biên phòng. Truyền thống ấy như một dòng chảy tiếp nối, nó thẩm thấu vào tôi một cách tự nhiên để khi học xong phổ thông, năm 1992 tôi nhập ngũ vào bộ đội biên phòng, và thi đậu vào Học viện Biên phòng. Sau khi tốt nghiệp ra trường tôi về gắn bó với Biên phòng Thanh Hóa từ đó cho đến nay, đã trải qua các vị trí khác nhau và hiện tại là trên cương vị Chỉ huy trưởng.
PV: Gần 30 năm gắn bó với Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá, chắc hẳn đồng chí cũng có nhìn nhận về những nét đặc trưng của Bộ đội Biên phòng xứ Thanh?
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá quản lí cả hai tuyến biên giới đất liền và trên biển, đặc biệt là hai tuyến này rất cách xa nhau, đến hàng trăm cây số. Tuyến biên giới đất liền của tỉnh Thanh Hóa dài hơn 200km, tiếp giáp với 3 huyện thuộc tỉnh Hủa Phăn của Lào. Vùng biển Thanh Hoá cũng rộng, lên tới trên 17000km2. Cách đây khoảng hơn 10 năm, đường sá lên khu vực biên giới đất liền còn gặp rất nhiều khó khăn, từ Thành phố Thanh Hóa lên các đồn Pù Nhi, Quang Chiểu, Tén Tằn của Mường Lát phải đi mất tám đến mười tiếng, lên Na Mèo cũng phải tám tiếng. Ở các tỉnh miền Trung từ tỉnh lị lên biên giới chỉ bảy tám chục cây nhưng với Thanh Hoá, Nghệ An thì rất xa, chúng tôi đi từ Bộ Chỉ huy lên đến biên giới có những nơi phải hơn 200km, còn xa hơn ra Hà Nội; bên cạnh đó, thời tiết, khí hậu miền núi rất khắc nghiệt, đời sống của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Đặc điểm tình hình như vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá…
PV: Như đồng chí đã biết, chúng tôi vừa có một chuyến thị sát dọc tuyến biên giới Việt - Lào khu vực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Có thể nói đi tới đâu chúng tôi cũng nhận thấy sự đồng hành của bộ đội biên phòng với bà con vùng biên trong việc phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng. Đồng chí Chỉ huy trưởng có thể chia sẻ về điều này?
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa có nhiệm vụ quản lí, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên hai tuyến biên giới của tỉnh. Đồng thời, tham gia cùng địa phương phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn khu vực biên giới. Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa cũng đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đặc biệt là công an, quân sự và các ngành có liên quan để tham mưu cho địa phương xử lí các vấn đề trên tuyến biên giới rất kịp thời, không để bị động, bất ngờ. Tích cực tham gia cùng với địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, góp phần vào xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững chắc nơi biên giới. Bộ đội biên phòng cũng đã tham mưu cho tỉnh xây dựng các đề án như: Đề án Tăng cường đảm bảo an ninh biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Đề án Về việc đưa cán bộ đảng viên biên phòng về bám bản, tham gia vào cấp ủy địa phương để đồng hành cùng địa phương gây dựng tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở tại vùng biên giới, vùng có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng… Bộ đội biên phòng đã đóng góp tích cực trong việc xóa bản trắng đảng viên. Sự hiện diện của bộ đội biên phòng đã cùng với bà con từng bước làm thay đổi vùng biên giới, tìm con đường thoát nghèo, ổn định đời sống cho bà con các dân tộc. Các giống cây trồng, các mô hình chăn nuôi đã được bộ đội biên phòng tìm tòi, thử nghiệm để trao tặng cho bà con thôn bản đưa vào ứng dụng phát triển kinh tế như: Đồn Biên phòng Pù Nhi với mô hình trồng mận, táo mèo, ngô lai; Đồn Biên phòng Quang Chiểu với mô hình chăn nuôi lợn, dê, bò; Đồn Biên phòng Tén Tằn với mô hình thử nghiệm trồng sắn cao sản… Các đồn tuyến biên giới đều có chương trình hỗ trợ cây giống, con giống cho bà con các bản. Bộ đội biên phòng cũng làm chủ một số dự án về giao thông, điện nước để đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển miền núi, vùng biên giới. Cùng với đó là các chương trình chung của bộ đội biên phòng cả nước như Chương trình Nâng bước em tới trường, Dự án Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường, Con nuôi đồn biên phòng giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nơi biên giới được học tập và đảm bảo cuộc sống, tạo lập tương lai…
PV: Việc đưa cán bộ biên phòng về tham gia cấp ủy địa phương vùng biên giới sau một thời gian thực hiện đã cho những kết quả ban đầu. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình này, chắc hẳn Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã có những bước rút kinh nghiệm và đổi mới trong triển khai thực hiện?
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Đây là chương trình lớn của cả nước áp dụng cho các tỉnh có tuyến biên giới và Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa cũng đã tham mưu cho Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức triển khai thực hiện. Chúng tôi coi mỗi đồng chí cán bộ biên phòng về địa phương chính là những cánh tay nối dài của bộ đội biên phòng. Sau một thời gian thực hiện, chúng tôi đã có những rút kinh nghiệm để nhìn ra những điều chưa được nhằm kịp thời điều chỉnh, lựa chọn những đồng chí tiêu biểu, tổ chức bồi dưỡng, giao nhiệm vụ cụ thể trước khi tham gia công tác này. Làm sao để khi đưa người về là địa phương phải thấy cần mình, chứ về mà yếu thì làm sao giúp được địa phương, làm sao nắm tình hình, thậm chí cùng giải quyết những công việc nội bộ của họ. Với những điều chỉnh đó, thời gian qua, qua theo dõi nắm tình hình, nghe phản hồi từ địa phương, nghe ý kiến từ các đồng chí bí thư huyện ủy… chúng tôi đã nhận được những phản ánh tốt.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu một số mô hình công tác như phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình, như việc phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế trong điều kiện đặc thù của miền núi, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Công văn số 934-CV/TU, ngày 1/2/2023 về việc giới thiệu đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại một số chi bộ bản, khu phố biên giới, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giới thiệu 41 đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 41 chi bộ. Số đảng viên này đã phát huy tốt vai trò tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chi bộ các bản, khu phố trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng rất quan tâm đến điều này. Tại Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về phát triển huyện Mường Lát tỉnh đã đề xuất thử nghiệm mô hình đề nghị cử cán bộ biên phòng về giữ vị trí chủ tịch xã. Chúng tôi đang đề xuất với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để tới đây có thể triển khai thực hiện. Sự đồng thuận, đồng lòng giữa quân và dân, trong nội bộ cấp ủy, chính quyền địa phương, giữa chính quyền và nhân dân ở vùng biên rất quan trọng. Nhiều dự án đã triển khai tại vùng biên giới, nhưng để dân hiểu, dân hưởng ứng làm theo, đó mới là điều quan trọng, bộ đội biên phòng từ trước đến nay đã có kinh nghiệm trong việc này nên rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa bộ đội biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương để tăng cường truyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo tuyên truyền pháp luật cho nhân dân qua lại cửa khẩu. Ảnh: TL
PV: Được biết Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá cũng đã triển khai Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, đồng chí Chỉ huy trưởng có thể sơ qua một số việc đã và đang làm cũng như hiệu quả ban đầu từ việc triển khai thực hiện đề án này?
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Vâng! Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo được tỉnh Thanh Hoá triển khai từ đầu năm 2013, theo 2 giai đoạn là 2013-2016 và 2017-2021; Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án. Quán triệt kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngay từ khi triển khai, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai đến 17 đơn vị đồn biên phòng, hải đội biên phòng và 59 xã, phường biên giới, ven biển, đồng thời chỉ đạo thực hiện điểm đề án tại các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh và các xã, phường biên giới, ven biển.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được bộ đội biên phòng tại các đồn kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn nên nhận thức của cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển về chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các hiệp định, hiệp ước, quy chế, luật pháp về biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào, nhất là chính sách đối ngoại, chính sách về tôn giáo, chính sách về dân tộc đã đến với bà con một cách đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Bộ đội biên phòng cũng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các lực lượng và nhân dân phía bạn Lào thông qua hoạt động xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, hội đàm, tập huấn, các hoạt động giao lưu, thăm hỏi nhân dịp kỉ niệm các ngày lễ, tết, các sự kiện trọng đại của hai đất nước. Ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển ngày càng được nâng lên; tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn giảm dần cả về số vụ và số đối tượng vi phạm, không tạo thành điểm nóng về an ninh chính trị ở khu vực biên giới…
Hiện nay, Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo đã được tổng kết và Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục kế thừa những cơ sở vật chất, kết quả đã đạt được trong thực hiện đề án để duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên hai tuyến biên giới trở thành hoạt động thường xuyên của địa phương, của các đơn vị. Cùng với đó, năm 2021, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các ngành liên quan, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vân động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Đề án Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021-2025 cho cán bộ và bà con nhân dân, đặc biệt là bà con ở vùng biên giới, hải đảo.
PV: Vùng biên giới núi cao, khu vực biển xa thường xảy ra các sự cố thiên tai, bão lũ cần chú trọng công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi tình huống xảy ra. Được biết các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa cũng đã tham gia tích cực trong công tác này…
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa là thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh, là Văn phòng thường trực Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh trước các nguy cơ như cháy rừng, thiên tai, bão lũ gây ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, đắm tàu thuyền... Những năm trước đây, nhất là năm 2018-2019 tình hình mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp tại các huyện miền núi của Thanh Hoá, đặc biệt là Mường Lát, Quan Sơn. Mưa lũ dài ngày kéo theo tình trạng sạt lở đất, chia cắt giao thông và ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân như các trận lũ quét diễn ra tại Tam Chung, Sa Ná... Bộ đội biên phòng là lực lượng tại chỗ, cùng với địa phương tổ chức ứng cứu, di dời người và tài sản, phương tiện, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Có thể nói, bộ đội biên phòng luôn đồng hành với nhân dân các tuyến biên giới trên mọi mặt trận, ở mọi thời điểm. Ngay tối qua cũng đã xảy ra tình trạng cháy rừng ở bên kia biên giới, đồng chí Đồn trưởng Đồn Pù Nhi báo về, bộ đội phải trực đến 1 giờ đêm để phòng rừng cháy qua biên giới, lan sang ta. Xuất phát từ tình hình thực tiễn, năm 2021, chúng tôi đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án Nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trên khu vực biên giới, vùng biển tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021-2030 và hiện nay vẫn đang thực hiện theo các nội dung của đề án này.
Công tác chuẩn bị ứng phó với sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được quan tâm song song cả tuyến rừng và tuyến biển. Trong năm 2022 chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng huy động hơn 113 lượt phương tiện, 1245 lượt cán bộ chiến sĩ, người dân tham gia tìm kiếm, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn. Những năm qua, các đơn vị cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I tuyên truyền phổ biến về thực trạng an toàn trên biển, hướng dẫn xử lí một số tình huống nguy cấp trên biển; cách sơ cấp cứu y tế, phương pháp cứu đuối nước, hướng dẫn và trực tiếp thực hành sử dụng bình cứu hỏa dập tắt đám cháy, sử dụng các thiết bị phụ trợ trong tìm kiếm cứu nạn trên biển như pháo hiệu, mìn khói… Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị nội dung cho tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thanh Hoá năm 2023, trong đó tập trung chỉ đạo các đơn vị tổ chức huấn luyện, luyện tập thực binh, tham gia diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với Cục Đường thuỷ nội địa. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị duy trì bảo đảm lượng dự trữ vật chất cho công tác sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác.
PV: Vâng! Bằng một loạt các đầu việc, các nhiệm vụ công tác vừa nói, có thể thấy dải biên giới phía tây của tỉnh Thanh Hóa luôn được các cấp, các ngành, các lực lượng quan tâm sát sao với tuyến đầu là các chiến sĩ biên phòng…
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Không chỉ ở Thanh Hóa, địa phương nào có đường biên giới thì bộ đội biên phòng cũng luôn ở tuyến đầu, nhưng Thanh Hóa với những đặc thù của mình, dải biên giới phía tây luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh dành cho một sự quan tâm đặc biệt với sự vào cuộc của các sở, ban ngành, các lực lượng dân sự và quân sự trong đó lực lượng biên phòng là nòng cốt. Bộ chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, ban hành các đề án nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, trong đó tập trung vào triển khai thực thi Luật Biên phòng Việt Nam; xây dựng các kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thu thập tin tức, tài liệu, xác minh đối tượng, vụ việc có liên quan đến hoạt động của các lực lượng đối phương, các loại đối tượng ở ngoại biên, trên biển, vùng đồng bào người Mông, vùng tôn giáo, an ninh chính trị phức tạp, vùng có dân di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép… Qua đó kịp thời đề ra các chủ trương, đối sách đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động của địch và các loại đối tượng có nguy cơ gây mất ổn định an ninh biên giới, giữ ổn định địa bàn… Tất cả vì miền tây Thanh Hóa, tất cả để miền tây xứ Thanh dù cách trở xa xôi nhưng luôn ổn định, bình yên.
PV: Bằng chuyến đi vừa rồi chúng tôi nhận thấy lực lượng cán bộ người địa phương, cán bộ là người dân tộc thiểu số trong lực lượng biên phòng tại tuyến biên giới không phải là hiếm, hầu như đồn nào cũng có không chỉ một người. Đồng chí Chỉ huy trưởng có thể nói về việc phát huy vai trò của họ trong việc thực hiện nhiệm vụ của bộ đội biên phòng tại cơ sở?
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Nếu cần một số liệu cụ thể thì hiện nay, số cán bộ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh là con em các dân tộc thiểu số đang công tác chiếm khoảng 20%. Việc lựa chọn con em của đồng bào các dân tộc trên hai tuyến biên giới đất liền và trên biển để bồi dưỡng phát triển là chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Anh em cán bộ dân tộc thiểu số có một số lợi thế về tiếng dân tộc, thông thạo địa hình, phong tục tập quán… có thể vận dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các đồn biên phòng tại vùng biên luôn theo dõi phát hiện những thanh niên có tiềm năng để động viên nhập ngũ, nếu đồng chí nào có năng lực tốt sẽ được cử đi đào tạo để về phục vụ trong lực lượng. Ngoài tạo nguồn cho quân đội, một hướng nữa là chúng tôi tạo nguồn cho chính địa phương. Các hạt nhân tốt sẽ được bồi dưỡng kết nạp Đảng trong quá trình tại ngũ, sau khi trở về bổ sung vào đội ngũ lãnh đạo tại cơ sở, một số đồng chí sau khi được đào tạo, xuất ngũ về địa phương đã đảm đương các vị trí chủ chốt như chủ tịch xã, bí thư chi bộ, bản đội trưởng… Lực lượng cán bộ người dân tộc trong lực lượng đã phát huy tốt vai trò trong một số nhiệm vụ cụ thể như tuyên truyền vận động bà con vùng biên, trinh sát nắm địa bàn… Tại các đồn Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu hiện nay anh em cán bộ là người dân tộc thiểu số đang phát huy rất tốt những ưu thế trên cương vị chức trách... Cụ thể về việc này thì trước đây chúng tôi cũng đã có nghị quyết của Đảng ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh về việc tạo nguồn và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số và hiện tại vẫn đang duy trì thực hiện tốt nghị quyết này.
PV: Công tác đối ngoại biên phòng, quản lí cửa khẩu và kiểm soát xuất nhập cảnh thì sao, thưa đồng chí Chỉ huy trưởng?
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của trên về công tác đối ngoại biên phòng, công tác kiểm soát xuất nhập cảnh và các văn bản, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ, Quân đội và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước Việt Nam - Lào. Và gần đây nhất là triển khai thực hiện Chỉ thị số 1565/CT-BTL ngày 9/5/2018 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng trong tình hình mới, chúng tôi đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Hủa Phăn của Lào thường xuyên trao đổi tình hình, tăng cường hoạt động đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân; tuyên truyền vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm Hiệp định quy chế biên giới, các thoả thuận được hai tỉnh, hai chính phủ kí kết, phát huy tốt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào. Vừa rồi chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 20 cán bộ quân sự tỉnh Hủa Phăn đạt kết quả cao, đảm bảo an toàn. Dọc tuyến biên giới Việt - Lào có các hoạt động phối hợp công tác nhịp nhàng, các đồn kết nghĩa với các đồn công an, các đại đội biên phòng của bạn, hàng năm tổ chức giao ban các lực lượng luân phiên theo định kì, bạn sang ta rồi ta sang bạn, lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra song phương đã thành nền nếp... cùng nhiều hoạt động giao lưu kết nghĩa giữa nhân dân các thôn bản hai bên biên giới. Sự phối hợp chặt chẽ ấy đã mang lại nhiều kết quả, đặc biệt là trên mặt trận phòng chống tội phạm, phòng chống dịch Covid-19, duy trì sự ổn định trên khu vực biên giới của hai nước.
Công tác quản lí cửa khẩu thì nhiều năm qua Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa vẫn làm tốt, chặt chẽ. Tại các cửa khẩu chúng tôi cũng triển khai các hình thức tuyên truyền trực quan cho nhân dân qua lại. Hiện tại chúng tôi đã có một cụm thông tin đối ngoại tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi song ngữ Việt - Lào tuyên truyền pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới và khách Việt Nam, Lào qua lại cửa khẩu. Sắp tới chúng tôi tham mưu cho tỉnh để triển khai thêm các cụm thông tin đối ngoại ở các cửa khẩu tuyến biển tại các cầu cảng.
Vừa rồi đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng dẫn đầu đã đi khảo sát thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo để phục vụ cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lí cửa khẩu biên giới đất liền. Đây cũng là dịp để chúng tôi nâng cao năng lực quản lí cửa khẩu, tiến tới ứng dụng công nghệ để quản lí công tác xuất nhập cảnh được nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn trong thời đại 4.0.
Việc triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, công tác kiểm soát xuất nhập cảnh của bộ đội biên phòng đã góp phần tích cực vào xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
PV: Quay trở lại vai trò Chỉ huy trưởng, bắt đầu một nhiệm kì có lẽ cũng rất nhiều dự định, rất nhiều những ý tưởng, kế hoạch ở phía trước, đồng chí Chỉ huy trưởng có thể nói về một số ưu tiên, những quan tâm hàng đầu của mình trên cương vị mới?
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Việc đầu tiên tôi quan tâm thực hiện tốt chức năng quản lí và duy trì thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, làm đã tốt rồi phải tốt hơn nữa. Làm sao để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vì bình yên cuộc sống của nhân dân. Đó là nhiệm vụ cao cả nhất của bộ đội biên phòng và đó cũng là ưu tiên hàng đầu trong mọi nhiệm vụ. Khi tiếp nhận vị trí Chỉ huy trưởng tôi đã triệu tập tất cả các đồng chí đồn trưởng để nghe họ nói về những bất cập, tồn tại, khó khăn vướng mắc ở tuyến biên giới để làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp để thực thi tốt nhất luật pháp trên khu vực biên giới theo đúng chức năng nhiệm vụ của bộ đội biên phòng được quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam. Mục tiêu là để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ an ninh trật tự, làm trong sạch địa bàn, giữ bình yên cho các bản làng, giúp người dân sống yên ổn, từ đó yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế xã hội.
Các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng cũng sẽ thường xuyên được kiện toàn củng cố, xây dựng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, điều hành đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác đào đạo bồi dưỡng cũng được quan tâm thực hiện. Hàng năm, căn cứ các chỉ tiêu đã lựa chọn cán bộ cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường trong và ngoài quân đội. Bênh cạnh đó, chúng tôi đã triển khai tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, duy trì các chế độ nền nếp của quân đội để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội biên phòng. Duy trì điều lệnh, điều lệ của Quân đội, các quy định, quy chế của bộ đội biên phòng, nghiêm túc, hiệu quả, sát tình hình thực tế. Từ đó, giúp cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Một điều nữa tôi quan tâm đó là xác định rõ bộ đội biên phòng làm được gì cho địa phương, địa phương cần gì ở bộ đội biên phòng. Cấp ủy các cấp cần xác định rõ để đi vào những đầu việc cụ thể, thực chất trong vận hành, đi vào cốt lõi vấn đề. Như tuyên truyền vận động quần chúng là làm gì, tuyên truyền những nội dung gì. Không thể chỉ nói chung chung, thống kê chung chung mà cần cụ thể từng nội dung thực hiện, tuyên truyền điều gì, thực hiện mô hình gì, hiệu quả ra sao... Tuyên truyền về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp theo quy định IUU chẳng hạn, là tuyên truyền cụ thể những nội dung gì, tôi yêu cầu phải viết bài cụ thể, đưa lên Phòng Chính trị thông qua rồi quay về phát loa, in ấn tờ rơi, tài liệu đưa đến ngư dân, mục đích cuối cùng là để thay đổi nhận thức về khai thác hải sản của ngư dân. Có thế thì mới tiến tới việc có thể gỡ thẻ vàng của EU đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam. Cần xác định nhiệm vụ một cách cụ thể, hướng tới những mục tiêu cụ thể để định lượng được những công việc đang làm.
PV: Với quân số ít, trong khi đó lại phải đảm đương một lượng công việc khá đa dạng và “ôm đồm”, lồng ghép nhiều chức năng của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác” nơi vùng biên, nhưng qua chuyến thị sát vừa rồi chúng tôi nhận thấy anh em biên phòng rất yên tâm công tác, gắn bó với bà con nơi biên cương, gắn bó máu thịt với nhân dân. Tôi muốn xin một vài đánh giá, nhìn nhận về đội ngũ cán bộ của Biên phòng Thanh Hóa hiện nay cũng như hỏi đồng chí Chỉ huy trưởng một chút về cái gọi là công tác tư tưởng cho cán bộ trong đội ngũ Bộ đội Biên phòng xứ Thanh, nhất là những anh em đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo…
Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh: Với anh em lực lượng biên phòng chúng tôi, môi trường làm việc ở biên giới, đối tượng tiếp xúc thường xuyên là bà con dân tộc, điều kiện để học tập nghiên cứu không nhiều, trình độ đầu vào thì cũng có người được đào tạo đại học chính quy, cũng có những người trình độ trung cấp hoặc bằng hình thức liên thông đại học, nhưng có thể nói, đại đa số anh em trong lực lượng Biên phòng Thanh Hóa đều nhiệt tình, sâu sát, yêu công việc, gắn bó với nhân dân, với vùng biên của đất nước. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã đánh giá chúng tôi là lực lượng đáng tin cậy, là chỗ dựa cho tỉnh trên tuyến biên giới và vùng biển. “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” là khẩu hiệu chung của bộ đội biên phòng, và đúng là như thế, ở nơi xa xôi, xa gia đình, chỉ có tình đồng chí đồng đội, anh em coi nhau như ruột thịt, chỉ có bà con nhân dân trên các bản làng để yêu thương gắn bó. Từ khi thành lập lực lượng, hình ảnh người lính biên phòng đã gắn liền với biên giới, có người từ đồn rừng lại về đồn biển, có người từ đồn biển lại lên đồn rừng, nay đây mai đó. Đời sống gia đình riêng của mỗi cán bộ biên phòng cũng còn nhiều khó khăn, về nhà ở, về việc học tập của con cái… nhưng anh em vẫn xác định tốt nhiệm vụ. Để được như vậy, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt chú trọng về công tác giáo dục truyền thống, xây dựng cho bộ đội niềm vinh dự tự hào về truyền thống anh hùng của lực lượng Bộ đội Biên phòng nói chung và Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Đồng thời, những năm qua Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá cũng đã rất quan tâm giải quyết tốt các chế độ, chính sách để phần nào ổn định hậu phương gia đình cho cán bộ nơi biên giới, hải đảo. Chúng tôi đã đấu nối với các huyện thị, sở ngành để giải quyết các vấn đề hậu phương cho cán bộ, nếu chồng đang ở biên giới rồi thì sẽ ưu tiên vợ được ở gần nhà để chăm lo cho gia đình, bố mẹ, con cái chứ đừng điều đi các vùng xa xôi nữa. Với bộ đội biên phòng, không chỉ ở Thanh Hóa mà trên khắp cả nước, đều khó khăn gian khổ, cái khổ của bộ đội biên phòng đã thành truyền thống, đã thành thói quen của mỗi người lính, nên với chúng tôi điều này cũng rất bình thường.
PV: Xin cám ơn những chia sẻ của đồng chí Chỉ huy trưởng!
P.V
VNQD