Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nỗi buồn chiến tranh, Thơ Hồ Xuân Hương… là những cuốn sách New York Times khuyên khách nước ngoài nên đọc khi đến Hà Nội.
“Read Your Way Around the World” là loạt bài của New York Times giới thiệu những cuốn sách nên đọc khi đến một thành phố, địa điểm nào đó trên thế giới. Sau các thành phố như Paris, Rome, Tokyo… hành trình đọc sách này dừng chân tại Hà Nội.
Trong bài viết mới đăng tải trên The New York Times, Hà Nội hiện lên là một thành phố không ngừng đổi mới: “Hà Nội luôn là thành phố của những câu chuyện cổ tích và huyền thoại. Tên gọi trước đây, Thăng Long, có nghĩa là “Rồng bay lên”, xuất phát từ câu chuyện vua Lý Thái Tổ nhìn thấy một con rồng vàng bay lên khi ông dời đô đến đây vào năm 1010. Thành phố này hiện là trung tâm của văn học Việt Nam - quê hương của nhiều nhà văn, lễ hội văn học và hội chợ sách… Hà Nội cũng là một thành phố của sự mất mát và sinh tồn: Nó đã bị phá hủy hết lần này đến lần khác từ Kháng chiến chống Pháp, sau đó là Chiến tranh chống Mĩ, khi hàng nghìn tấn bom dội xuống thành phố. Nhưng một khi đến Hà Nội, bạn sẽ cảm nhận được năng lượng của một thành phố không ngừng đổi mới”.
Nên đọc gì trước khi xếp hành lí đến Hà Nội?
Việt Nam thường được nhìn qua lăng kính chiến tranh, nhưng nơi đây có hơn 4.000 năm lịch sử và văn hóa. Một cuốn sách thú vị để đi sâu vào là The Food of Vietnam (Món ăn Việt Nam) của Luke Nguyễn. Chương về Hà Nội là lời giới thiệu hấp dẫn về những món ăn tinh túy của thành phố, chẳng hạn như chả cá, bún chả, bánh cuốn và phở.
Hà Nội là thành phố của các nhà thơ, trong đó có Hồ Xuân Hương, người có những bài thơ táo bạo và kích thích tư duy đã được dịch và xuất bản tại Mĩ trong tập Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong.
Đối với thi ca đương đại, tờ The New York Times giới thiệu tập The Women Carry River Water (Những người đàn bà gánh nước sông) của Nguyễn Quang Thiều. Nếu bạn thích tìm hiểu Hà Nội qua tiểu thuyết, Dumb Luck (Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng - một tiểu thuyết châm biếm lấy bối cảnh Hà Nội thời thuộc địa - được coi là một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.
Understanding Vietnam (Hiểu Việt Nam) của Neil L. Jamieson đưa ra một đánh giá sâu sắc về đất nước chúng ta thông qua thơ ca và tiểu thuyết. Hanoi: Biography of a City (Hà Nội: Tiểu sử một đô thị) của William Stewart Logan, và Hanoi of a Thousand Years (Hà Nội nghìn năm) của Carol Howland, cả hai đều khám phá cuộc sống và lịch sử của thành phố cổ kính này.
Bìa một cuốn sách New York Times khuyên nên đọc khi đến Hà Nội. Ảnh: TD
Trải nghiệm những khía cạnh khác của thành phố qua sách
Người dân Hà Nội đã trải qua vô số cuộc chiến tranh và những thách thức hàng ngày để tồn tại. Hầu hết sách về Hà Nội chưa được dịch sang Mĩ. Trong số ít tác phẩm được dịch có The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh. Tác phẩm kể về Kiên, một chàng trai Hà Nội ra trận và trở về là một người đàn ông bị tổn thương. Bảo Ninh hiện là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam. Tập truyện ngắn gần đây nhất của ông, Hanoi at Midnight (Hà Nội lúc nửa đêm), ghi lại cuộc sống phức tạp của người dân nơi đây.
The General Retires and Other Stories (Tướng về hưu và những chuyện khác) của Nguyễn Huy Thiệp cũng là tác phẩm đáng thưởng thức, với nội dung, bối cảnh là người dân Hà Nội. Behind the Red Mist (Trong sương hồng hiện ra) của Hồ Anh Thái, là một cuốn sách sáng tạo và kích thích tư duy khác.
Để hiểu thêm về Hà Nội, New York Times đặc biệt giới thiệu Last Night I Dreamed of Peace (Nhật ký Đặng Thùy Trâm), cuốn nhật kí của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người đã hi sinh trên chiến trường Miền Nam ở tuổi 27 khi đang làm nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh chống Mĩ. Cuốn nhật kí của cô đã được một sĩ quan tình báo quân đội Mĩ, Frederic Whitehurst, mang về. Ba mươi lăm năm sau, vào năm 2005, cuốn nhật kí đã được trả lại cho gia đình cô ở Hà Nội, sau đó được xuất bản và được quốc tế đón nhận.
Một nhà văn nữ khác được giới thiệu là Lê Minh Khuê với tập truyện ngắn The Stars, The Earth, The River (Những ngôi sao, Trái đất, Dòng sông) chủ yếu lấy bối cảnh là những khu dân cư của tầng lớp lao động ở Hà Nội và mô tả một thành phố đang trở nên đông đúc.
Sách nói phù hợp cho bạn khi dạo quanh thành phố
Nhà thơ Phùng Quán từng viết “Trong khó khăn, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Thơ ca là một trụ cột của đời sống Việt Nam và khi dạo quanh Hà Nội, bạn có thể nghe Lanterns Hanging on the Wind (Đèn lồng treo trong gió), một chương trình đọc thơ song ngữ phát trên đài phát thanh một số đại học Mĩ, gồm hai phần tôn vinh thơ ca Việt Nam với tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Giang Nam...
Trong khi dành thời gian ở Hà Nội, bạn có thể đi trên đường Hai Bà Trưng, được đặt theo tên của hai nữ tướng đã cưỡi voi lãnh đạo một đội quân chủ yếu là phụ nữ chống lại sự đô hộ của nhà Đông Hán vào khoảng năm 40 sau Công nguyên. Sách nói Bronze Drum (Trống đồng) của Phong Nguyễn, qua giọng đọc của Quyen Ngo, kể câu chuyện về Hai Bà Trưng.
Những địa danh văn học và hiệu sách nên ghé qua
Phố 19/12 của Hà Nội, nơi được gọi với cái tên “Phố sách”, dành riêng cho sách và những người bán sách, nằm ngay cạnh Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Đây là nơi trưng bày và bán các đầu sách của các nhà xuất bản, công ty sách. Con phố này từng là một khu chợ sầm uất - chợ Âm phủ - được đặt tên theo những ngôi mộ tập thể của các nạn nhân thiệt mạng trong Kháng chiến chống Pháp.
Văn Miếu, nơi từng tổ chức lễ hội Ngày Thơ Việt Nam (diễn ra vào Nguyên Tiêu, hai tuần sau ngày Tết Việt Nam), là một địa điểm không thể bỏ qua. Khi bạn ở đó, hãy đứng ở một trong những khoảng sân cổ kính, nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang nghe các nhà thơ Việt Nam đọc cho hàng nghìn người Hà Nội nghe, những người coi Ngày thơ là một điểm khởi đầu tốt đẹp trong năm mới của họ.
Tranh vẽ cảnh đọc sách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một di sản văn hóa của Hà Nội. Tranh: Raphaelle Macaron
Ở phía tây của thành phố, Bảo tàng Văn học sẽ giúp bạn làm quen với nhiều nhà văn và nhà thơ hàng đầu Việt Nam. Một quán cà phê sách vừa được mở trong khuôn viên bảo tàng sẽ là một nơi tốt để thư giãn.
Phố Đinh Lễ với các hiệu sách truyền thống san sát nhau, mỗi hiệu sách đều có một loạt sách tiếng Anh nhỏ. Một góc đường Nguyễn Xí bày bán nhiều sách cũ.
Để có thời gian vui vẻ, hãy bắt một chiếc xe ôm và để tài xế đưa bạn đến Hồ Tây và chùa Trấn Quốc. Trên đường đi, yêu cầu tài xế ghé qua Bookworm Hanoi - một trong những nhà sách ngoại văn được ưa chuộng.
Cuốn sách giúp bạn khám phá xa hơn phạm vi Hà Nội
Beneath Saigon’s Cho Nau (Dưới tán chò nâu Sài Gòn) của Paul Christiansen, là tập tản văn đưa bạn đến miền Nam Việt Nam và nêu bật nhiều khía cạnh trong văn hóa và lối sống của Việt Nam, bao gồm cả việc nấu rượu gạo và tục thờ cúng Cá ông.
Sách The Defiant Muse: Vietnamese Feminist Poems from Antiquity to the Present (Nàng thơ thách thức: Những bài thơ về nữ quyền Việt Nam từ xưa đến nay) sẽ đưa bạn đến nhiều vùng miền của Việt Nam, cũng như đi vào trái tim và khối óc của dân tộc, bằng truyền thống thơ ca phong phú của Việt Nam.
THÀNH NAM Theo The New York Times
VNQD