Dòng chảy

‘Oppenheimer’: Gói trong khung hình nỗi đau nhân thế

Thứ Năm, 24/08/2023 10:15

Oppenheimer là một bộ phim điện ảnh Anh - Mĩ thuộc thể loại tiểu sử - tâm lí - chính kịch do Christopher Nolan làm đạo diễn, viết kịch bản và đồng sản xuất. Tác phẩm xoay quanh Robert Oppenheimer, một nhà vật lí lí thuyết người Mĩ, người đã hợp tác phát triển ra những vũ khí hạt nhân đầu tiên trong dự án Manhattan, cùng với đó là những câu chuyện về đời tư và hoạt động chính trị của ông. Được chuyển thể từ tác phẩm tiểu sử đoạt giải Pulitzer American Prometheus của Kai Bird và Martin J. Sherwin vào năm 2005, bộ phim có sự tham gia diễn xuất của Cillian Murphy trong vai chính Oppenheimer. Oppenheimer được phát hành rộng rãi trên thế giới vào cuối tháng 7 và chiếu tại Việt Nam từ ngày 11/8/2023 với nội dung nguyên vẹn. Bộ phim đã nhận nhiều kỉ lục về doanh thu, những lời ngợi khen từ giới chuyên môn cũng như nhiều tầng lớp khán giả khắp thế giới. Bài cảm nhận về Oppenheimer của nhà văn, nhà biên kịch trẻ Mạc Yên.

Khi nghĩ về chiến tranh, có lẽ hình ảnh đầu tiên trong tâm trí mỗi người là những người lính trên chiến trường khói lửa phủ trùm lên mặt đất. Và nếu hỏi về thế chiến thứ hai, những hình ảnh ấy sẽ tan vỡ nhiều hơn trong thần trí, cháy rực trên da thịt người, nghẹt thở trong cổng đá đã lèn đầy cánh tay, và thăm thẳm hố sâu dài rộng để ôm theo hàng triệu vô danh vào lòng quên lãng. Các tác phẩm điện ảnh về thế chiến thứ hai luôn mang trong mình khao khát thị phạm sự kinh hoàng đó, chúng đưa người xem ra chiến trường, xông vào các trại tập trung, hay thậm chí vào cả những phòng xông hơi và các bãi thiêu hủy. Thế nhưng đạo diễn Nolan đã chọn một điểm nhìn khác ở bộ phim Oppenheimer, ông rời xa chiến trường và đẩy tất cả sóng gió nhân tính vào chuỗi khung hình đậm đặc tính ẩn dụ của ngôn ngữ điện ảnh. Thế là bạo tàn và mọi nỗi đau khốc liệt của thế chiến chuyển dịch vào bên trong con người. Và trong thời khắc ấy, người xem không còn là người xem nữa, họ đều là Tiến sĩ Oppenheimer trong nỗi đau nhân thế, đến nỗi phải thốt ra câu nói: “Ta là hiện thân của Thần, người hủy diệt thế giới.”

Trong Bhagavad Gita(1) bên kia chiến tuyến của hoàng tử Arjuna không ai khác chính là người thân, bạn bè và cả người thầy của hoàng tử. Thế nên, ngay trước thời khắc cuộc chiến sắp sửa nổ ra và không còn quay lui được nữa, trong thâm tâm hoàng tử đã vang dội muôn trùng nghi hoặc về số phận và đạo đức, rằng liệu cuộc chiến này có đúng không, rồi máu kia sẽ chảy để đổi lại nghĩa lý gì? Krishna nói với Arjuna, cuộc chiến Kurukshetra là nghĩa vụ thiêng liêng không thể né tránh, một cuộc chiến chính nghĩa để Arjuna cứu rỗi mọi linh hồn bằng cách tiêu diệt những sai lầm xác thịt chốn trần gian, và chấm dứt hoàn toàn mọi cuộc chiến. Trước những lời vĩ đại của Krishna, hoàng tử Arjuna buộc ông tiết lộ thân phận của mình, và Krishna, hiện thân thế tục của thần Vishnu đã nói: “Ta là hiện thân của Thần, người hủy diệt thế giới”. Và kể từ đó, Bhagavad Gita - Chí Tôn ca trở thành triết lí uyên áo kinh điển của đất nước Ấn Độ. Câu nói ấy đã gây ám ảnh trong toàn bộ Oppenheimer theo nhiều nghĩa, chỉ trừ nghĩa gốc của nó.

Lời trích ấy lần đầu xuất hiện trong một phân cảnh dán nhãn R trong quan hệ giữa Tiến sĩ Oppenheimer với người tình Tatlock. Mối quan hệ với cô gái từ chối những bó hoa đã trở nên mập mờ và bế tắc hơn cả những cuộc tình vụng trộm, cái chết trong cô đơn như một kết cục tất yếu của Tatlock đã khiến Oppenheimer gần như đổ sụp.

Ảnh Porter phim Oppenheimer.

“Ta là hiện thân của Thần, người hủy diệt thế giới”. Dưới ánh sáng của thiết bị nổ hạt nhân thành công như mong đợi, câu nói một lần nữa vang lên, Oppenheimer khi đó đã ảo vọng mình là hoàng tử thiên mệnh Arjuna. Trước những cảnh báo về mất mát nhân mạng khi thế chiến sẽ sớm kết thúc mà không cần quả bom ấy, ông đã đanh thép phản bác rằng không là ông thì vẫn sẽ có người khác tạo ra nó, và, với tâm thế của một người Mĩ, ông cho rằng, chắc chắn sẽ là thảm họa nếu thiết bị nằm ở bên kia chiến tuyến. Định mệnh đã chọn ông chế tạo ra nó, một biểu tượng hủy diệt đủ để nhân loại khiếp sợ và chấm dứt mọi cuộc chiến. Nhưng chúng ta không phải Arjuna hay Krishna, và Oppenheimer cũng không là Arjuna hay Krishna. Ông chỉ là con người như bao con người khác vì những mưu cầu khác nhau mà trở nên xung đột, vì những xung đột tích tụ mà dẫn nhau tới bờ mất mát. Ông mất Tatlock, và khi chờ đợi những quả bom rơi, ông mất ảo vọng gìn giữ hòa bình bằng thiết bị hạt nhân, Oppenheimer chỉ còn thấy máu trên tay mình, cái xác suất nhỏ bé để một quả bom nguyên tử sẽ lan ra không ngừng và hủy diệt thế giới đã thành sự thật. Nolan đã nắm bắt tất cả nỗi đau đang lơ lửng trong bầu không khí quanh Oppenheimer để gói nó vào khung hình. Và đó là lúc nỗi đau nhân thế bao trùm lấy khán giả.

Oppenheimer bước đi thật chậm chạp từ trong hầm tối, trên khuôn mặt đầy lạc lõng sưng lên đôi mắt lờ đờ giữa ranh giới người hùng và kẻ diệt chủng. Một tràn phức hợp âm thanh ồn ào náo động đến mức khó chịu, ồn áo đến mức ghế ngồi và tay vịn phải rung theo tràn âm rền vang tạo ra bởi hàng trăm đôi chân dậm lên sàn gỗ, chèn khán giả dưới áp lực kinh người của sóng âm. Những đôi giày đầy màu sắc như dội sâu vào lòng đất, sự ám ảnh thoáng qua trước đó đã hiện hình toàn bộ, và giữa tràn âm thanh làm méo lệch cả không gian ấy chính là một tiếng bom ở bên kia địa cầu, nơi có hàng trăm ngàn người giữa cơn đổ nát hoang tàn. Nhưng lúc đó khán phòng lại hò reo lấn át tất cả thống khổ trên khuôn mặt cười gượng của Oppenheimer. Khi ông đã đứng trên bục phát biểu, thời gian dường như đã đứt ra, không gian trở nên nhòe đi tựa hồ một trận bão sóng lượng tử đã đập vỡ đến hạt hạ nguyên tử, xóa mờ sự tồn tại xung quanh ông, để rồi tất cả hoàn toàn chìm vào im lặng.

Nếu bộ phim Son of Saul(2) sử dụng tỉ lệ khuôn hình hẹp và quay cận biểu cảm nhân vật chính suốt một trăm phút phim để tạo ra sự đè nén về cảm xúc và mờ nhòe những nỗi đau diệt chủng xung quanh nhân vật, thì ở đây, Nolan lại dùng định dạng Imax với khung hình rất dài, có thể bao trùm trường nhìn của người xem nhưng vẫn chỉ bắt cận mặt nam tài tử Cillian Murphy. Với nền ảnh không phải nhòe đi vì hiệu ứng ống kính, mà là nhòe đi vì sự rung chấn trong toàn bộ không gian xung quanh Oppenheimer, hay chính là sự rung chấn từ vụ nổ vô hình trong tâm hồn Oppenheimer, một vụ nổ ở bên kia bán cầu. Và để đẩy mạnh sự áp đảo trường nhìn ấy là sự áp đảo của độ sáng chói lòa ngập tràn trong bối cảnh và khuôn mặt tài tử Cillian Murphy kéo dài nhiều phút liền, hay mặt khác, chính là đưa một cú đấm thô bạo bằng ánh sáng tới khán giả, thứ ánh sáng của quả bom nguyên tử có thể thiêu đốt nhãn cầu và da thịt con người.

Một chuỗi dài hình ảnh thay đổi về trục và góc máy được cắt ráp chớp nhoáng liên hoàn, đến mức, dù mệt mỏi hay lơ đãng, hay thậm chí đã nhắm mắt và bịt tai để chối từ tiếp nhận, thì trường đoạn này vẫn đập vào tàn dư giác quan của khán giả. Để khán giả không còn là kẻ ngoài cuộc bên kia khung hình nữa, Nolan như thò bàn tay ảo thuật ra khỏi tấm phông điện ảnh, kéo tất cả vào thời khắc lịch sử ấy, thời khắc Tiến sĩ Oppenheimer khởi đầu màn phát biểu về sự thành công của thiết bị hạt nhân đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

“Chúng ta biết thế giới sẽ không còn như cũ nữa. Một số người cười, một số thì khóc, đa số sẽ im lặng. Bằng cách này hay cách khác. Giờ tôi trở thành Tử Thần, kẻ hủy diệt thế giới.”

Cillian Murphy đã vài vai Oppenheimer một cách xuất sắc trong bộ phim của Chirstoppher Nolan.

Trong mắt Oppenheimer giờ đây là sự khả thể của thế giới lượng tử luôn ám ảnh ông. Cô gái vui mừng trước mặt ông bỗng chốc bong từng mảng da lớn. Vật chất tan đi giữa những màn ăn mừng không lời từ khán đài, nhưng, ngay kia, khuất sau những dòng người hò reo là nước mắt khóc ròng của cô gái khác. Đấy là những giọt nước mắt vui mừng, hay những giọt nước mắt tan hoang giữa vụn tàn phế tích? Một gia đình ôm chầm lấy nhau trong thổn thức. Đó là mừng vui, hay là sự mất mát vĩnh hằng trong tâm hồn những người chìm dưới ánh sáng của quả bom nguyên tử? Một chàng trai nôn trong cơn say, là chất độc rượu đã ngấm sau cơn chè chén đắc thắng, hay là chất độc vô hình đang loang đi trong không khí đang dần gặm mòn xương tủy con người? Và dưới chân Oppenheimer bấy giờ không phải là mặt đất nữa, mà chỉ là xác tro vỡ vụn ra dưới bàn chân ông. Tất cả những gì đáng sợ và ghê gớm nhất từ một vũ khí hủy diệt mới đã hiện ra như thế, không một cảnh đổ nát nào, không một cảnh sướt mướt nào, không một tiếng nhạc thê lương nào, không có xác chết và không có lầm than. Nhưng sự trái ngang của muôn tầng nghĩa cứ liên tục mở sâu vào bên trong Oppenheimer, và cả người xem tác phẩm ấy, vừa là sự thành công vĩ đại, vừa là nỗi vui, vừa niềm đau chân thật, và cũng là cơn tuyệt vọng ẩn mình trong cùng một chi tiết hình. Để rồi, ngôn ngữ điện ảnh đã cộng dồn chúng lại trong chuỗi hình gợi mở trước và sau đó.

Trước cái chết của Tatlock, Oppenheimer đã hoàn toàn sụp đổ và một mình trốn vào rừng hoang. Vợ của ông, Katherine, đã phải thốt lên rằng ông không thể bắt mọi người đau khổ hay an ủi cho những lỗi lầm của mình. Và khi hai quả bom rơi xuống, một lần nữa điều ấy đã lặp lại: Oppenheimer sẽ phải một mình gánh lấy hậu quả của danh xưng “cha đẻ bom nguyên tử”. Đến tận cuối đời, Oppenheimer vẫn canh cánh trong lòng về những vết máu vô hình trên tay mình. Nhưng nỗi đau của một người đàn ông, còn là người đàn ông đã hủy hoại hai trăm nghìn sinh mạng, liệu có đáng để đồng cảm và đáng được tha thứ không? Nolan đã xác quyết câu trả lời bằng toàn bộ tác phẩm Oppenheimer, rằng khi chúng ta vinh danh hay thấu hiểu ông chỉ là để tha thứ và khẳng định chính mình. Nhưng giữa nhân thế này, chúng ta sẽ sống mà không có Krishna nào bên cạnh mình cả.

MẠC YÊN

--------

1. Bhagavad Gita là một văn bản cổ bao gồm 700 câu của bộ trường ca Mahabharata, một trong hai bộ sử thi vĩ đại nhất bằng tiếng Phạn của Ấn Độ cổ đại. Bhagavad (còn được gọi là Chí Tôn ca), có nội dung là cuộc đối thoại giữa Krishna và Arjuna trên chiến trường Kurukshetra trước mỗi trận chiến, trong đó Krishna đã giải thích nghĩa vụ của anh và triết lí về các nghịch lí đạo đức trước những bối rối của Arjuna.

2. Son of Saul (Con trai của Saul) là câu chuyện về những người Do Thái bị đưa đến trại tập trung Auschwitz dưới thời Đức Quốc xã. Phim của Đạo diễn László Nemes.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)