Dòng chảy

‘Trạng Quỳnh thời nhí nhố’ và khát vọng ghi danh hoạt hình Việt

Thứ Ba, 29/08/2023 16:46

Trạng Quỳnh - nhân vật nổi tiếng trong văn hóa dân gian và thế giới trẻ thơ Việt Nam - đã được chọn làm cảm hứng để xây dựng bộ phim hoạt hình độ dài lên đến 450 tập với tên gọi Trạng Quỳnh thời nhí nhố. Bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam này còn mang trở khát vọng ghi tên Việt Nam lên bản đồ hoạt hình thế giới. Dự án vừa được công bố hôm 25/8/2023 với sự hợp tác của Sconenect Việt Nam và Alpha Animation Studio.

Đại diện Sconnect Việt Nam và Alpha Animation Studio kí kết dự án hợp tác sản xuất bộ phim hoạt hình 3D Trạng Quỳnh thời nhí nhố tại Hà Nội, sáng 25/8/2023. Ảnh: ĐVCC

Khu vườn màu mỡ chưa có dấu chân Việt

Tháng 2/2023, quy mô thị trường phim hoạt hình toàn cầu được định giá 394,6 tỉ USD. Năm 2022 doanh thu của ngành công nghiệp này đạt 391,19 tỉ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là khu vực Bắc Mĩ với 35% tổng doanh thu toàn thế giới. Thế nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại đang được đánh giá là khu vực năng động với tốc độ phát triển nhanh nhất, dự kiến sẽ vượt Bắc Mĩ về tỉ trọng trong những năm tới. Tất nhiên, ở châu Á thì Nhật Bản vẫn luôn ở thế thượng phong. Theo Statista, Nhật Bản hiện nắm giữ khoảng 45% thị phần hoạt hình châu Á.

Các yếu tố được cho là sẽ chi phối đến sự tăng trưởng của thị trường hoạt hình gồm: Nhu cầu ngày càng tăng về nội dung hoạt hình trong xã hội; Có ngành công nghiệp giải trí & truyền thông đang phát triển; Việc sử dụng điện thoại thông minh tăng mạnh và Internet ngày càng được mở rộng ở các khu vực khác nhau; Có trào lưu xem hoạt hình 3D. Ngược lại, các yếu tố khiến ngành công nghiệp này bị hạn chế cũng không ít, như là việc chi phí sản xuất phim hoạt hình cao, thiếu sự hỗ trợ của chính phủ sở tại, những lo ngại liên quan đến bản quyền… Dù thế thì đây vẫn là ngành công nghiệp nhiều tiềm năng. Thị trường phim hoạt hình dự kiến sẽ đạt tới 587.1 tỉ USD vào năm 2030, theo Yahoo Finance.

Riêng đối với phim hoạt hình 3D, quy mô thị trường toàn cầu chiếm 16,5 tỉ USD vào năm 2021 và dự đoán đạt 47 tỉ USD vào năm 2030 với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 12,5% từ năm 2022 đến năm 2030. Nhìn vào những con số này sẽ thấy đây là một thị trường nóng bỏng và hấp dẫn đối với các nhà sản xuất phim hoạt hình từ các quốc gia lớn nhỏ tham gia vào ngành công nghiệp này.

Điểm tên những gã khổng lồ trong thế giới hoạt hình thì Disney là thương hiệu nổi bật nhất gắn với những bộ phim ra rạp phát hành khắp thế giới. Disney cũng là hãng phim luôn dẫn đầu trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến. Hoạt hình Mĩ đã có ảnh hưởng lớn đến toàn cầu, và sẽ tiếp tục như vậy. Tuy nhiên, cơ hội luôn dành cho tất cả, nhưng hoạt hình Việt Nam vẫn thập thò ở cánh cửa nhìn vào khu vườn sum suê hoa trái. Sau đại dịch Covid-19. Disney, ông lớn của ngành công nghiệp hoạt hình đã sa thải số chuyên gia lên đến con số 1.000 người. Đây có thể là cơ hội cho các vùng cạnh tranh khác khi trước đây những chuyên gia hoạt hình chất lượng cao luôn bị giành giật và thâu tóm bởi các trung tâm hoạt hình lớn.

Bà Trần Thị Lan Chi trong phần thuyết trình về tiềm năng của ngành hoạt hình và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: ĐVCC

Phần thuyết trình của bà Trần Thị Lan Chi - Giám đốc Kinh doanh Sconnect Việt Nam về tiềm năng của ngành sản xuất phim hoạt hình và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu đã cung cấp cho báo chí và những người tham dự Lễ kí kết dự án bức tranh toàn cảnh về thị trường phim hoạt hình thế giới hiện nay. Theo đại diện nhà sản xuất, thị trường hoạt hình thế giới với con số doanh thu hàng tỉ USD vẫn đang là thị trường nhiều cơ hội.

Với thực tế đang diễn ra, khi các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Amazon Prime Video… đã phá vỡ ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh truyền thống thì ngành hoạt hình có vẻ đã tương tác tốt hơn, linh hoạt hơn khi vẫn hiện diện và phủ sóng rộng khắp cõi mạng, chưa kể đến số lượng các phim chiếu trên hệ thống rạp chiếu bóng, thì thị trường béo bở này vẫn đang được thống soái gần như tuyệt đối bởi các doanh nghiệp lớn đến từ các quốc gia có nền công nghiệp hoạt hình phát triển.

Những tương quan gợi nhiều suy ngẫm

Không kể đến các siêu cường hoạt hình như Mĩ, chỉ nhìn trong khu vực châu Á thì cũng dễ dàng nhận ra đâu những thương hiệu quốc gia về hoạt hình. Đứng đầu là Nhật Bản với khoảng 600 xưởng sản xuất phim hoạt hình, trong đó phần lớn tập trung tại Tokyo. Các nền tảng phát trực tuyến đã tạo nên một cuộc cách mạng về phân phối phim hoạt hình tới khán giả và Nhật Bản cũng đã tiên phong hòa nhập cuộc chơi 4.0 này. Vượt lên hiệu quả kinh doanh, hoạt hình Nhật Bản còn đóng vai trò sứ giả giới thiệu văn hóa Nhật ra toàn thế giới.

Thị trường hoạt hình lớn thứ hai ở châu Á là Trung Quốc. Năm 2022 ngành hoạt hình của nước này có trị giá hơn 20 tỉ USD, theo Yahoo Finance. Trung Quốc có gần 1.000 hãng phim hoạt hình, trong đó 120 hãng có khả năng sản xuất phim hoạt hình chất lượng cao. Tuy Nhật Bản là trung tâm của phim hoạt hình Anime nhưng gần đây chất lượng phim hoạt hình Anime của Trung Quốc đã tăng mạnh mẽ, một số phim hoạt hình Anime hay của Trung Quốc đang dần xâm nhập vào các phương tiện truyền thông. Anime Trung Quốc, thường được gọi là Donghua, đang tạo sóng cả trong nước và quốc tế với ​​lượng người xem tăng đột biến.

Nhưng có lẽ sự vận động của ngành hoạt hình Hàn Quốc gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm hơn cả. Trước đây, từ những năm 1960, khi chưa có nhìn nhận đúng đắn về ngành công nghiệp này, Hàn Quốc coi hoạt hình là thứ chỉ dành cho trẻ con, ngành hoạt hình của xứ kim chi không coi trọng sản xuất các bộ phim bản địa mà chỉ thiên về gia công. Thế nhưng họ cũng đã có những phát triển vượt bậc, vươn lên vị trí quốc gia đứng thứ 4 về sản xuất phim hoạt hình với hơn 500 xưởng sản xuất. Các xưởng phim của Hàn gia công cho các hãng nước ngoài gồm Bắc Mĩ, châu Âu và cả Nhật Bản, tỉ lệ phim gia công ở xứ kim chi chiếm tới trên 90%. Điều đang nói là, khi nhận ra vấn đề Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng.

Bảng thuyết trình về ngành công nghiệp hoạt hình Hàn Quốc. Ảnh chụp màn hình.

Nhận thấy sự mất cân đối giữa gia công và tự sản xuất, gần đây Hàn Quốc đã có những điều chỉnh. Vượt qua định kiến hoạt hình chỉ dành cho trẻ em, Chính phủ Hàn Quốc đã thừa nhận hoạt hình là ngành công nghiệp cạnh tranh nhất trong thế kỉ 21. Ngày càng nhiều hãng phim hoạt hình của Hàn Quốc đầu tư sản xuất các bộ phim hoạt hình mang dấu ấn Hàn Quốc và tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá ra thế giới như triển lãm nội dung tại các liên hoan phim, các sự kiện, cuộc thi quốc tế; tổ chức hội nghị, hội thảo về việc kích cầu sản xuất phim hoạt hình Hàn… Chính phủ Hàn Quốc cũng giảm thuế cho ngành công nghiệp phim hoạt hình cũng như triển khai một số dịch vụ hỗ trợ cho các nhà sản xuất. Có thể nói đây là điều kiện lí tưởng để hoạt hình Hàn cất cánh. Điều đáng ghi nhận là họ đã đạt tới một mặt bằng công nghệ cao trong sản xuất, một sự hậu thuẫn rất tốt cho những ấn phẩm madein Korea khi nước này đã chú trọng đến việc tiếp thị toàn cầu. 

Nhìn lại bức tranh ngành hoạt hình tại Việt Nam, chưa có một khảo sát chính thức nào nhưng hiện tại có khoảng 200 công ti có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất sản phẩm hoạt hình ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên, về năng lực còn nhiều hạn chế so với khu vực. Bởi thế, nhìn vào con đường vận động của các quốc gia khác trong lĩnh vực hoạt hình thực sự mang lại những tham vấn thiết thực trong việc thiết lập ngành hoạt hình Việt Nam ở tầm quốc gia.

Trạng Quỳnh sẽ là cú hích?

Trước sự chứng kiến của truyền thông, đại diện Sconenect Việt Nam và Alpha Animation Studio đã kí văn bản thỏa thuận hợp tác sản xuất phim hoạt hình mang tên Trạng Quỳnh thời nhí nhố, bộ phim hoạt hình 3D với số tập dự kiến lên đến 450.

Sconnect là một trong những đơn vị sản xuất nội dung số tiên phong của Việt Nam sở hữu hệ sinh thái đa nền tảng, truyền tải nội dung bao phủ đến nhiều quốc gia khu vực châu Âu, châu Mĩ, châu Á. Sản phẩm hoạt hình của Sconnect được phát hành trên các nền tảng số quốc tế như OTT/IPTV, truyền hình, phim chiếu rạp… với lượng theo dõi đạt trên 4 tỉ lượt mỗi tháng và hơn 100 triệu người dùng theo dõi thường xuyên. Đây là điều kiện thuận lợi để phát hành bộ phim nhiều kì vọng. Còn Alpha Animation Studio là doanh nghiệp sản xuất phim hoạt hình 3D có sự đầu tư nghiêm túc, trí tuệ và chiều sâu với đội ngũ sản xuất tự tin để có thể đáp ứng những yêu cầu của dự án. Hai đơn vị đã bắt tay hợp tác, tìm sự bổ trợ để có thể thực hiện dự án nhiều tham vọng này.

Poster phim Trạng Quỳnh thời nhí nhố. Ảnh: ĐVCC

Theo tiến độ của dự án, năm 2023 nhà sản xuất sẽ hoàn thành 34 tập phim Trạng Quỳnh thời nhí nhố, mỗi tập có thời lượng 3,5 - 4 phút, phù hợp để phát trên môi trường số, các nền tảng giải trí nhanh miễn phí, với mục tiêu phủ sóng thị trường trong nước theo mục tiêu trước mắt. Từ khi công bố dự án, mỗi tuần sẽ có một tập phim mới được hoàn thành và phát hành. Mỗi tập phim sẽ là một câu chuyện quen thuộc của người Việt từ phong tục, lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian… liên quan đến nhân vật Trạng Quỳnh thời tuổi nhỏ. Đạo diễn hi vọng mang đến một Trạng Quỳnh vừa quen vừa lạ, gần gũi với khán giả. Về lâu dài, nhà sản xuất hướng tới sản xuất các phiên bản Trạng Quỳnh thời nhí nhố có thời lượng lớn hơn, từ 10 -30 phút để phát hành trên các nền tảng truyền hình, OTT/IPTV trong nước và quốc tế cũng như hướng tới việc xây dựng thành phim chiếu rạp.

Ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam cho biết, đơn vị đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất, gia công phim hoạt hình hàng đầu Việt Nam. Đơn vị này cũng mong muốn xây dựng và phát triển các bộ nhân vật IPs nổi tiếng và sở hữu các sản phẩm hoạt hình Việt ở tầm quốc tế, trong đó ưu tiên hướng tới các sản phẩm mang đậm các giá trị văn hoá Việt Nam mà dự án Trạng Quỳnh thời nhí nhố là điểm đột phá để từng bước hiện thực hoá mục tiêu này.

Từ đó có thể thấy Trạng Quỳnh thời nhí nhố là một nỗ lực đáng khích lệ của các đơn vị sản xuất, nếu thành công sẽ là một cú hích với ngành hoạt hình Việt. Có mặt tại sự kiện, đại diện Hội Điện ảnh, Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Truyền thông số Việt Nam… đều có những phát biểu ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị thực hiện và khích lệ cho dự án này. Rất dễ hiểu tâm thế hân hoan lành mạnh từ các đơn vị quản lí, hội nghề nghiệp và giới truyền thông, bởi sự thành công của dự án sẽ có tính chất mở đường rất lớn để ngành hoạt hình Việt từng bước vươn ra thế giới.

Tất nhiên thị trường nào cũng có sự cạnh tranh khốc liệt. Dù đạt được những thành công bước đầu, nhưng hướng đi của hoạt hình Việt cũng còn nhiều chông gai, vụ kiện bản quyền phim hoạt hình về sói Wolfoo (một bộ phim khá thành công của Sconnect phát hành ra thế giới) liên quan đến Background của phim dù phần thắng thuộc về Sconnect thì vẫn như một chỉ dấu cảnh báo về những rắc rối gặp phải trên sân chơi toàn cầu. Nhưng dù gì thì Trạng Quỳnh thời nhí nhố cũng là khát vọng đáng ghi nhận của các đơn vị sản xuất nội dung số Việt Nam với khát vọng truyền tải văn hoá Việt, như chia sẻ của đại diện một trong hai đơn vị tham gia dự án, đạo diễn - hoạ sĩ Trịnh Lâm Tùng - Giám đốc Alpha Animation Studio: Chúng tôi đặt rất nhiều kì vọng và niềm tin vào dự án bởi rất nhiều yếu tố, trong đó, sự kết hợp giữa Alpha Animation Studio và Sconnect đều có một điểm chung đó chính là mong muốn “ghi danh hoạt hình Việt Nam lên bản đồ thế giới”.

THIỆN NGUYỄN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)