(Đọc Văn học trong những tầng sinh quyển văn hóa, tập phê bình - tiểu luận của Nguyễn Đăng Điệp, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2023)
. BÙI VIỆT THẮNG
Viết thực tiễn
Tinh thần thực tiễn yếu kém trong tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội nói chung, của nghiên cứu - phê bình văn học nói riêng là một hiện trạng đáng quan ngại hiện nay trong khi ai cũng thuộc lòng “thực tiễn là thước đo chân lí”. Hiện đang có một cơn sốt nhẹ (và có nguy cơ chuyển thành cơn sốt nặng) là nhập khẩu lí thuyết từ nước ngoài vào Việt Nam một cách ồ ạt (từ hậu hiện đại, hậu thực dân, hiện sinh, phi lí đến kí hiệu học, nữ quyền luận, sinh thái học...) Việc tiếp thu lí thuyết mới là cần thiết, nhưng việc “suy tư lí thuyết” sao cho hợp lí mới là điều quan trọng nhất. Vì nếu chỉ biết “ăn xổi” sẽ rất dễ bị rơi vào cảnh “cũ người mới ta”, “gọt chân cho vừa giày”. Nhiều khái niệm được coi là tân kì, tân tiến, hiện đại đôi khi bị đánh tráo thành vay mượn, như là sự ép duyên vậy. Để có cái nhìn biện chứng hơn về vấn đề này, hiện nay chúng ta đang triển khai nghiên cứu đề tài trọng điểm mang tính chiến lược văn hóa - Hệ giá trị Việt Nam.
Định hướng viết của Nguyễn Đăng Điệp trong công trình Văn học trong những tầng sinh quyển văn hóa được xác quyết dựa trên nền tảng căn bản tư tưởng của nhà khoa học ngữ văn Nga tài danh thế kỉ XX M. Bakhtin: “Nghiên cứu văn học cần xác lập mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa với lịch sử văn học. Văn học là bộ phận không thể tách rời của văn hóa, không thể hiểu nó bên ngoài ngữ cảnh thống nhất của toàn bộ nền văn hóa ở một thời đại nhất định.” Khi nhận xét văn học “tiệm tiến văn hóa” là tôi muốn nói đến di sản cổ điển khúc xạ và phát sáng qua sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... Ở thời hiện đại đó là văn sản của các nhà văn thuộc các trào lưu hiện thực và lãng mạn trải nghiệm qua quá trình hiện đại hóa dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây vào nửa đầu thế kỉ XX. Văn học cách mạng từ một trào lưu trở thành “nền” cơ bản, vững chãi với những đại biểu xuất sắc như Hồ Chí Minh, Tố Hữu… Còn nói “kiến tạo văn hóa” vì văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế, nhạy cảm nhất của văn hóa, và sáng tạo văn học thực chất là sáng tạo văn hóa. Đúng hơn, mỗi nhà văn tài năng cũng đồng thời là một nhà văn hóa lớn.
Nói viết thực tiễn của Nguyễn Đăng Điệp với hàm ý nói về nhãn giới, tinh thần, cảm hứng và phương pháp bấu chặt lấy thực tiễn là có căn cứ khi tôi theo sát đọc những tác phẩm của anh đã xuất bản gần đây, điển hình như Thơ Việt Nam hiện đại - tiến trình & hiện tượng (2014). Không phải bây giờ, mà ngót chục năm trước (và có thể lùi xa hơn từ Giọng điệu trong thơ trữ tình, Vọng từ con chữ xuất bản liền kề 2002, 2003), tác giả đã chủ trương chuyên canh, thâm canh trên cánh đồng văn chương của quê hương thời hiện đại từ xuất phát điểm cũng như đích đến là văn hóa. Tác giả là người hướng nội hơn là vọng ngoại có lẽ trước hết vì sự đam mê, tình yêu nghệ thuật ngôn từ được diễn tả bằng tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt “như bùn và như lụa” - sau nữa có thể do vị trí công tác ở một cơ quan nghiên cứu có uy tín như Viện Văn học. Nhưng lí do thứ hai này sẽ không khả thủ với người làm nghiên cứu văn học thiếu và yếu cả nhiệt huyết, cả năng lượng chữ, đặc biệt thiếu tinh thần thực tiễn.
Nói viết thực tiễn của Nguyễn Đăng Điệp, tôi nghĩ, chính là ở lập trường, quan điểm, cái nhìn nghệ thuật thống nhất và toàn vẹn trong thế động của những “thực thể văn chương” ở những tầm kích khác nhau. Chính xác hơn, trên cơ sở nắm bắt một cách nhạy bén tư tưởng học thuật hiện đại, Nguyễn Đăng Điệp chú trọng vận dụng, soi tỏ nhiều vấn đề của văn học nước nhà. Trước hết, tác giả nhìn “văn học và văn hóa” trong sự thống nhất biện chứng, hữu cơ, vận động và phát triển lịch sử. Vì thế, phần I của Văn học trong những tầng sinh quyển văn hóa xoáy sâu vào “văn học và văn hóa - một số vấn đề lí thuyết và lịch sử”. Lâu nay số nhiều trong giới nghiên cứu khi nghiên cứu văn học của một thời kì cụ thể nào đó thường tựa hẳn vào lịch sử như một “gương soi” để phân tích, đánh giá, tổng kết. Có thể trúng và đúng khi bắt mạch văn học trong sự soi sáng của lịch sử theo tinh thần truyền thống “văn sử bất phân”. Nhưng sẽ không huy động đủ các điều kiện để dự đoán được tương lai của văn học nếu không tựa vào nền tảng văn hóa như là cội rễ của các hoạt động tinh thần. Vì văn hóa đồng nghĩa với phát triển bền vững. Cũng vì thế, trong phần I, những tiểu luận thực sự “bắt mắt”, hấp dẫn và thuyết phục nhất đều gắn với hai chữ “văn hóa” như một phạm trù tổng quát (Văn học và văn hóa tâm linh; Những cú hích lịch sử - văn hóa và sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại; Trường thơ Loạn Quy Nhơn từ góc nhìn địa văn hóa). Nhiều trường hợp tiêu đề không có chữ “văn hóa” nhưng nội dung viết lại gắn chặt với văn hóa (Hướng về đại chúng: khuynh hướng chủ đạo trong thơ Việt Nam 1945 - 1985; Đô thị, môi trường và nhân tính trong văn học Việt Nam đương đại; Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại)…
Nói sự viết của Nguyễn Đăng Điệp có cái tinh thần “bấu chặt lấy thực tiễn” sẽ thấy rõ rệt hơn khi đọc phần II “Những thực thể văn chương”. 22 tiểu luận trình bày trong phần này cho thấy một tâm thế “sống với văn chương cùng thời” của tác giả. Vì thế tác giả tránh được tình cảnh “ngắm rớt”, “nhắm rớt” đối tượng (theo cách diễn đạt của Hoài Thanh trong tác phẩm Nói chuyện thơ kháng chiến, 1951 khi nói về tình trạng những nhà văn đi theo cách mạng và kháng chiến nhưng thiếu hành động “sống rồi mới viết”). Ngẫu nhiên (nhưng cũng tất nhiên) ở phần này có sự sắp xếp trình diện tương đối nhịp nhàng giữa hai thế hệ tiền bối (Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Giáng, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Minh Châu) và hậu sinh khả úy (Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Trương Đăng Dung, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương). Riêng tôi cảm nhận, phần này thực sự là sở trường viết của Nguyễn Đăng Điệp. Những tiểu luận được nhiều người thích đọc có thể là Nguyễn Khoa Điềm và những ngọn lửa thơ, Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Trọng Tạo: chớp mắt với ngàn năm, Truy vấn và đối thoại như là bản chất của nghệ thuật - trường hợp Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại, Hồ Anh Thái: người mê chơi cấu trúc. Tôi quan sát thấy Nguyễn Đăng Điệp thuộc số ít trong giới nghiên cứu hàn lâm “chịu chơi” với nhà văn sáng tác (cũng cần nói thêm là trong giới nghiên cứu cũng có người chịu chơi với người sáng tác nhưng rồi nước chảy bèo trôi theo lối hội hè). Viết về các văn nhân cùng thời, tác giả có cái khả năng lẩy ra được cái hồn vía, thần thái của đối tượng được viết. Ở đây bình sinh, bẩm sinh đã đành giúp tác giả thao tác nghề nhanh nhạy. Nhưng rút cuộc để có cái gì đó ra tấm ra món thì lại còn một quãng đường rất dài, rất xa có khi đi mà không đến đích nếu thiếu căn cốt văn hóa. Trong trường hợp này công thức “đi - viết - đọc” (sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân đề ra với người làm nghề chữ) không chỉ là điều kiện cần và đủ với người sáng tác, mà còn “vận” vào người làm nghiên cứu - phê bình văn học. Nguyễn Đăng Điệp, tôi nghĩ, là người thực hành công thức ấy với công suất tối đa và hiệu quả tối cao.
Viết trọng văn
Trong hội thảo khoa học kỉ niệm 100 năm năm sinh GS, NGND, nhà văn Lê Đình Kỵ (1923 - 2023) do trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gần đây, các diễn giả đều thống nhất nhận xét về phong cách nghiên cứu - lí luận - phê bình của nhà khoa học ngữ văn tài năng là “thống nhất cao giữa lí thuyết và thực tiễn, văn phong bác học và nghệ sĩ”, bởi thế, tác phẩm của nhà khoa học vừa đạt tới tinh hoa, vừa có tính phổ cập. Câu chuyện về một chị học kinh tế lại say mê đọc chuyên khảo “Truyện Kiều” và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du của Lê Đình Kỵ là có thật. Đọc vì “văn hay” (!?). Trong thời gian gần gũi GS Lê Đình Kỵ ở khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, khi thụ giáo, thầy luôn động viên và hướng dẫn tôi nếu viết thì khắc cốt: “Nói đến chữ văn, trước hết là phải hay, hay và đúng.” Tôi cũng đã cố gắng làm theo lời thầy. Nhưng đôi khi lực bất tòng tâm.
Đọc Văn học trong những tầng sinh quyển văn hóa của Nguyễn Đăng Điệp, dĩ nhiên tôi quan tâm đến những luận điểm khoa học (vừa sâu chuyên ngành, vừa rộng liên ngành) được tác giả trình bày thuyết phục, song đọc được hết cuốn sách (và có thể đọc lại từng phần khi cần thiết) thì có lẽ một phần quan trọng nữa là nhờ hấp lực của văn. Tôi có anh bạn là nhà văn cứ nắc nỏm khen: “Tôi thích nhất đọc Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa và Giọng điệu trong thơ trữ tình của Nguyễn Đăng Điệp!” Nguyễn Đăng Điệp viết tiểu luận như thế này thì không chỉ sâu về ý tưởng mà còn đạt tới thái độ trọng văn một cách tự giác: “Nhưng người thơ ấy biết tự dặn mình coi thơ như một tôn giáo. Đứng trước thơ phải thanh khiết và để lại sau lưng những phiền lụy không đâu. Là một thi sĩ có ý thức đổi mới, Nguyễn Trọng Tạo thấu hiểu một cách sâu sắc, rằng, sự sống còn của người viết là phải nương thân vào chữ nghĩa. Nơi ấy, hồn nằm trong xác và xác ngụ trong hồn. Không còn cách nào khác, tư cách của nhà thơ chỉ có thể đo ướm bằng sự tỏa sáng của chữ. Tại đó, anh ta trình với mọi người cái vân tay vân chữ của mình trên tờ căn cước bằng giấy trắng mực đen. Hay, dở đã thuộc về kẻ khác. Mọi phân trần hay biện hộ của nhà thơ đều trở thành vô nghĩa” (Nguyễn Trọng Tạo: chớp mắt với ngàn năm). Lối viết trọng văn như thế tỏa sáng trong những thiên về Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái - những văn nhân anh có dịp gần gũi, đánh bạn, yêu mến họ với mối tình thâm. Ở đó, tôi thấy rõ phẩm tính nghệ sĩ của nhà khoa học. Có thể nói Nguyễn Đăng Điệp là tay bút “2 trong 1”. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi vài trường hợp anh quá ưu ái văn hữu. Giá như đừng quá say mê đối tượng. Nhưng như người ta nói, vì hai chữ “giá như” lịch sử còn có thể thay đổi, huống hồ văn chương chữ nghĩa.
Viết và đọc nhìn từ trường hợp Nguyễn Đăng Điệp
Trong tiểu luận Viết để làm gì?, nhà văn Pháp J.P. Sartre (1905 - 1980, Nobel văn chương 1964) viết: “Nhưng hành động viết bao hàm hành động đọc như tương liên biện chứng của nó và hai hành vi có liên quan chặt chẽ với nhau đó cần có hai tác nhân khác nhau. Chính sự hợp lực của tác giả và độc giả sẽ làm nảy sinh ra vật cụ thể và tưởng tượng, là cái công trình trí tuệ. Chỉ có nghệ thuật cho người khác và bởi người khác” (Văn học là gì?, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr. 58).
Hiện nay, sách sáng tác chủ yếu là quà tặng, đã đành. Nhưng sách nghiên cứu - lí luận - phê bình cũng không khả quan hơn. Trong bối cảnh ấy, sách của Nguyễn Đăng Điệp, theo quan sát của tôi, đã từng bước đến được với người đọc (không chỉ trong văn giới mà nhiều hơn cả là trong nhà trường phổ thông và đại học). Do công việc dạy học, tôi có đến một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt ở các trường chuyên, sách của Nguyễn Đăng Điệp được các thầy giáo, cô giáo và học sinh tìm đọc. Đôi khi tôi phải đóng vai người trả lời phỏng vấn của các thầy giáo, cô giáo và học sinh giỏi cấp quốc gia về các vấn đề “giọng điệu thơ”, “văn hóa của văn học”, hay “cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp”, “kĩ thuật dòng ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh”... Sách của Nguyễn Đăng Điệp cũng đã được dịch và được sử dụng trong công tác giảng dạy về văn học Việt Nam ở một số quốc gia. Như thế, tôi nghĩ, văn chương đã có cơ hội đến với mọi nhà, mọi người, qua “nhịp cầu” Nguyễn Đăng Điệp. Há chẳng phải là thành công của người viết khi có nhiều người đọc sách mình viết hay sao?
B.V.T
VNQD