Dòng chảy

Phát triển Sơn La xanh, nhanh, bền vững, là nơi đáng đến

Thứ Hai, 11/09/2023 15:43

Được mệnh danh là thủ phủ của vùng cao Tây Bắc, với lịch sử hình thành và phát triển của mình, Sơn La đã tạo nên những nét đặc trưng riêng. Trước đây, nhắc đến Sơn La người ta sẽ nghĩ đến một vùng đất xa ngái, đi lại khó khăn, trùng núi, điệp rừng nổi tiếng với 2 nông trường thời bao cấp: chè và bò sữa Mộc Châu. Còn giờ, ngoài những giá trị cũ được nâng lên tầm cao mới, Sơn La đang là vựa cây trái miền Bắc, các tua du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, điểm đến check-in của du khách trong nước và quốc tế...

Để độc giả hiểu thêm về sự phát triển của vùng đất này, các nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La.

VNQĐ: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí có thể khái quát một chút về mảnh đất Sơn La?

Bí thư Nguyễn Hữu Đông: Sơn La là một tỉnh miền núi Tây Bắc, có diện tích tự nhiên là 14.109,83km2 (có diện tích đứng thứ 3/63 tỉnh thành); là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Là cửa ngõ quan trọng của vùng Tây Bắc với 274,065km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng - nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, dân số trên 1,3 triệu người với 12 dân tộc cùng sinh sống. Tỉnh có 11 huyện, 1 thành phố; 204 xã, phường, thị trấn với 2.303 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 122 xã đặc biệt khó khăn; có 06 huyện, 17 xã, 73 bản biên giới.

Tỉnh Sơn La có lợi thế về đất đai, khí hậu cho phát triển, nhất là trong nông nghiệp (với trên 400.000ha đất nông nghiệp, gần 700.000ha đất lâm nghiệp, có hệ thống thủy văn phong phú, có lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình rộng lớn...), có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch (có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch cộng đồng; có Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu...; với 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng, nhiều làng, bản dân tộc còn giữ được nhiều giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống, được xem như tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa giá trị); có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo (có Nhà máy thủy điện Sơn La là thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời...) và một số dự án trọng điểm đang khởi động triển khai (tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tuyến tránh thành phố Sơn La, cảng hàng không Nà Sản…) là điều kiện thuận lợi quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

VNQĐ: Trong quá khứ, nói đến Sơn La là nói đến cái gì thật xa xôi, vời vợi, khó đi, khó về… Thế nhưng những năm gần đây, Sơn La đã gần gũi vô cùng với nhiều điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế trong đó có việc kết hợp giữa phát triển làng nghề, các vùng nguyên liệu, các vườn cây ăn trái và du lịch. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị thiên nhiên ban tặng kết hợp với những giá trị con người tạo ra trong khai thác du lịch để phát triển kinh tế được Sơn La thực hiện thế nào?

Bí thư Nguyễn Hữu Đông: Ngày xưa, để từ Sơn La xuống Hà Nội phải mất mấy ngày, đi lại cực kì vất vả. Sau khi đường 6 được cải tạo, hệ thống hạ tầng giao thông được nâng cấp, sửa chữa làm mới, việc đi lại giữa các vùng miền, nhất là từ dưới xuôi lên bắt đầu thuận lợi, dễ dàng. Cùng với đó, việc phát triển các vùng nguyên liệu, các vườn cây ăn trái, đã mở ra cho Sơn La hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch gắn nông nghiệp, nông thôn với các loại hình du lịch trang trại nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, nghỉ cộng đồng, các hoạt động trải nghiệm làm nông nghiệp…

Tỉnh xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội; phát triển du lịch phù hợp với chiến lược, quy hoạch và có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn vùng Tây Bắc, phấn đấu đến năm 2025, Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch Quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm khu, điểm, bản du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao khám phá để phát huy thế mạnh các giá trị tài nguyên du lịch của tỉnh và tạo sản phẩm du lịch khác biệt, trong đó, điểm nhấn nổi bật là các lễ hội du lịch kết hợp quảng bá sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương như Ngày hội hái quả, hội chè cao nguyên tại huyện Mộc Châu; Ngày hội nhãn tại Sông Mã, xoài tại Yên Châu… để du khách có dịp trải nghiệm tham quan vườn mận, đồi chè, hái xoài, thưởng thức trái cây ngay tại vườn và nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian của người dân địa phương...

Nông nghiệp gắn với trải nghiệm ở Sơn La bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, vẫn có những nơi mang tính tự phát, vì vậy cần có mô hình quản lí phù hợp... Trên cơ sở đó, tỉnh đã và đang thu hút những doanh nghiệp đủ mạnh vào để đầu tư hỗ trợ, làm đầu tàu cũng như định hướng cho người dân. Người dân sẽ là các chủ thể và các vệ tinh cho các doanh nghiệp hay hợp tác xã lớn này; qua đó giúp bà con dần nhận thức và thay đổi tư duy trong sản xuất, gắn với du lịch.

VNQĐ: Vâng, qua chia sẻ của đồng chí Bí thư, có thể thấy, vấn đề du lịch tương tác với nông nghiệp của Sơn La hiện nay giống như đi trên hai chân. Sự tương tác ấy, giúp du lịch của tỉnh nhà ngày càng phát triển. Vậy định hướng phát triển du lịch thời gian tới của Sơn La thế nào?

Bí thư Nguyễn Hữu Đông: Về vấn đề này, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, tỉnh căn cứ vào đó ban hành chương trình hành động và kết luận để thực hiện; tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lí thực hiện quy hoạch, quản lí đất đai, trật tự xây dựng, phát triển du lịch đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và các địa phương. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, đề án đã được phê duyệt như: Đề án Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đủ điều kiện được công nhận vào năm 2025; Đề án Định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia, giai đoạn 2022 - 2030; Đề án Phát triển du lịch huyện Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bảo tàng gắn với phát triển du lịch...

Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, dịch vụ du lịch; hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch và hạ tầng khác (điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông...) ưu tiên các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí của Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Ưu tiên nguồn lực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng du lịch thông minh phục vụ hiệu quả công tác quản lí, tuyên truyền, quảng bá, phát phát triển du lịch.

Phát huy lợi thế của tỉnh về văn hóa và nông nghiệp để phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, trong đó quan tâm, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch; triển khai các chương trình phát triển du lịch nông nghiệp; xây dựng các khu, điểm, bản du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng. Thực hiện hiệu quả Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững.

Tái hiện lễ hội Hết Chá tại bản Áng, xã Đồng Sang (Mộc Châu)

VNQĐ: Đối với nông nghiệp, để có những định hướng đúng như hiện nay là cả một quá trình trăn trở, tìm tòi của các thế hệ lãnh đạo tỉnh. Thậm chí phải trả giá bằng những thất bại để rút kinh nghiệm và “định vị” một Sơn La như hôm nay...

Bí thư Nguyễn Hữu Đông: Bước vào đầu nhiệm kì 2015 - 2020, Tỉnh còn gặp nhiều khó khăn: Kinh tế phát triển chưa bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu và thiếu; Việc tổng kết một cách có hệ thống những mô hình trong nông nghiệp để xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển còn yếu; huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, năm 2015 là 33,44%; còn 43/204 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 13,3% số hộ gia đình (gần 34.000 hộ) chưa được sử dụng điện Quốc gia; 327 điểm dân cư cách xa trung tâm bản từ 2 đến trên 10km phải xem xét, sắp xếp lại; đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất có độ dốc lớn, cây canh tác hàng năm chủ yếu là ngô, sắn, lúa nương, hiệu quả về kinh tế và môi trường còn thấp; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, các nguồn lực đầu tư còn hạn chế, hạ tầng phục vụ cho sản xuất, cơ sở chế biến nông sản còn yếu, thiếu; nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp còn ít, tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, chưa có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và chuỗi sản phẩm an toàn.

Sơn La xác định nông nghiệp là lợi thế của tỉnh, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên; phát triển nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, xanh, sạch, đặc sản; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo… và kết hợp du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản....

Để phát triển nông nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất để phát huy tiềm năng về đất đai, lao động, khí hậu. Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất tốt, ứng dụng công nghệ cao với giải quyết những vấn đề xã hội còn bức xúc như thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện, thành phố. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính…. Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.

Ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá và ứng dụng công nghệ cao; trên địa bàn tỉnh có trên 83.000ha cây ăn quả (sản lượng đạt trên 450.000 tấn); vẫn đang hỗ trợ duy trì, phát triển 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 281 mã số vùng trồng với trên 4.608ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; 110 sản phẩm OCOP, có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

VNQĐ: Một trong những vấn đề cực kì quan trọng cho bài toán phát triển nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi chính là đầu ra sản phẩm. Với Sơn La, tỉnh đã giúp gì cho những người nông dân trong vấn đề này, thưa đồng chí?

Bí thư Nguyễn Hữu Đông: Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác và tận dụng tốt lợi thế của tỉnh về phát triển các loại nông, lâm, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhất là mặt hàng nông sản, nhằm phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng mạnh hơn khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến; tiếp tục cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc khuyến khích, hỗ trợ các hình thức liên kết hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến sâu; xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả; phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc vào năm 2025.

Tập trung cao cho công tác thu hút đầu tư, nghiên cứu, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát huy hết công suất hiện có, đầu tư mở rộng quy mô, công suất, cải tiến kĩ thuật, áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao trình độ quản trị điều hành, nâng cao chất lượng lao động,... nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là các nhà máy có sản lượng lớn và lợi thế tiêu thụ sản phẩm như: sữa Mộc Châu; đường Mai Sơn; tinh bột sắn Mai Sơn; các nhà máy chế biến chè tại Mộc Châu; Thuận Châu... Hỗ trợ thực hiện các thủ tục xây dựng, hoàn thành đưa vào hoạt động Trung tâm chế biến xuất khẩu rau, quả Doveco tại huyện Mai Sơn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản (trong đó có 17 nhà máy, 543 cơ sở); có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu các sản phẩm như chè, đường, tinh bột sắn, cà phê, rau củ quả, tơ tằm... Ngoài các cơ sở đã có, gần đây Sơn La đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, xây dựng mới các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh, như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ti cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Tổ hợp trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu (Thiên đường sữa Mộc Châu)….

VNQĐ: Là một tỉnh miền núi vùng Tây Bắc với nhiều dân tộc anh em sinh sống, Sơn La có các chương trình gì để phát triển bền vững cho những nơi khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa?

Bí thư Nguyễn Hữu Đông: Chúng tôi đã triển khai thực hiện các chính sách trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; tiếp tục thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; xây dựng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới; hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, ưu tiên những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; triển khai các mô hình nâng cao hiệu quả sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở để đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của người dân nông thôn; phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để huy động tối đa nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục, ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; ưu tiên đào tạo nhân lực cho các dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn bằng các hình thức phù hợp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt quan tâm đến khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở tập trung chủ yếu tại Đề án Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 337/QĐ-UBND ngày 02/3/2021 của UBND tỉnh (gọi tắt là Đề án 337) và Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 2833/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh (gọi tắt là Đề án 2833). Đã hoàn thành việc xóa nhà tạm tại 06 huyện Vân Hồ, Sốp Cộp, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành.

VNQĐ: Trở lại câu chuyện phát triển hạ tầng, ai đến Sơn La đều nhận ra màu xanh trù phú của vùng này. Để giữ màu xanh đó, bài toán quy hoạch trong tương lai quả thực không hề dễ.

Bí thư Nguyễn Hữu Đông: Sơn La luôn xác định phát triển theo hướng xanh, nhanh, bền vững. Điều này đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kì 2020 - 2025; quy hoạch tỉnh Sơn La thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (phát triển theo hướng kinh tế bền vững); quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu...

Về hạ tầng, Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kì 2020 - 2025 xác định Tập trung đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tuyến tránh thành phố Sơn La, Cảng hàng không Nà Sản và cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống đường huyện, xã. Ở vùng cao hạ tầng đường xá vẫn còn rất khó khăn. Cuối nhiệm kì vừa rồi còn 7 xã không có đường đi lại được 4 mùa, mới giải quyết xong 2, còn 5 xã nữa, chúng tôi xác định, từ giờ đến cuối nhiệm kì sẽ xong đường đến trung tâm 5 xã còn lại. Về hạ tầng liên kết vùng, trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tập trung kêu gọi đầu tư đường cao tốc Mộc Châu - thành phố Sơn La. Chúng tôi cũng mong muốn sau này khi có đường cao tốc, Trung ương sẽ quan tâm hỗ trợ đầu tư những tuyến đường nhánh nối với các tỉnh lân cận để đảm bảo liên kết vùng, thuận tiện cho phát triển kinh tế.

VNQĐ: Việc phát triển kinh tế xã hội gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh trong tình hình mới được Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sơn La thực hiện như thế nào?

Bí thư Nguyễn Hữu Đông: Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là tại các địa bàn chiến lược, địa bàn biên giới như tỉnh Sơn La. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh phải theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên cơ sở các quan điểm: Phải toàn diện, cơ bản, lâu dài ngay từ trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trên phạm vi từng ngành và từng địa phương; Phải tập trung có trọng điểm và các địa bàn chiến lược (vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo); những ngành, những lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh (kinh tế nông - lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ,…); Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng và hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, thích hợp, sát thực tế tình hình của địa phương thông qua việc nghiên cứu, dự báo tốt tình hình để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng có hiệu quả và phù hợp...

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương; sự đồng tình, nhất quán của nhân dân cùng với sự nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, chủ động tham mưu của lực lượng vũ trang tỉnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được đảm bảo và giữ vững; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc; tiềm lực chính trị, tinh thần được củng cố và phát triển; kết hợp tốt giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đi đôi với bảo vệ tổ quốc; tiềm lực quốc phòng, an ninh được quan tâm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, là lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; công tác phòng, chống ma túy được đặc biệt quan tâm, đã triệt phá nhiều đường dây, toán nhóm buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Năm 2021, tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công Diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh gắn với diễn tập chỉ huy tham mưu 1 bên 2 cấp trên bản đồ, có một phần thực binh trên địa bàn Tây Bắc của Quân khu 2 đảm bảo an toàn tuyệt đối, đạt kết quả cao; tổ chức thành công Diễn tập Khu vực phòng thủ tại 7 huyện.

Về quan hệ hợp tác quốc tế, thường xuyên duy trì tốt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Sơn La với 9 tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; hàng năm hỗ trợ đào tạo cho bạn khoảng 1.000 lưu học sinh theo học trên địa bàn tỉnh; trong năm 2022 tỉnh đã giúp bạn xây dựng 51 trụ sở làm việc của công an tại các bản biên giới của 2 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng tiếp giáp với Sơn La. Hiện nay tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hủa Phăn thực hiện chủ trương nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập thành Cửa khẩu quốc tế.

VNQĐ: Cảm ơn đồng chí Bí thư về cuộc trò chuyện!

VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)