Đại thi hào Nguyễn Du không chỉ để lại cho đời kiệt tác Truyện Kiều, mà thân thế, cuộc đời ông cũng có nhiều câu chuyện đáng để đời sau tìm hiểu, suy ngẫm. Đã có nhiều người cầm bút viết về những tác phẩm của ông nhưng lại chưa nhiều người viết về cuộc đời của vị Đại thi hào dân tộc này. Tiểu thuyết Còn có ai người khóc Tố Như của nhà văn Võ Bá Cường ra mắt bạn đọc đã góp thêm một cách nhìn sâu sắc, nhân văn, đồng cảm của hôm nay đối với tiền nhân, cũng thêm một lần khẳng định, tôn vinh cốt cách và tài năng Nguyễn Du.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự Lễ giới thiệu sách và tặng hoa nhà văn Võ Bá Cường. Ảnh: TTXVN
Lễ ra mắt, giới thiệu sách Còn có ai người khóc Tố Như được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức tại Hà Nội sáng 20/9/2023 chỉ sau ngày giỗ của Đại thi hào Nguyễn Du ít ngày (16/9/1820). Điều hết sức vui mừng và ý nghĩa là, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự buổi lễ. Cùng dự, có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy; về phía tỉnh Thái Bình còn có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hội VHNT... Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, có Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội cùng các nhà văn, nhà phê bình văn học và bạn đọc.
Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, phát biểu tại buổi lễ, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội bày tỏ sự cảm kích trước sự có mặt của các vị quan khách, đặc biệt là sự có mặt của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm cho không khí buổi giới thiệu sách sang trọng hơn, ấm áp hơn. Qua đây các nhà văn cũng cảm thấy phấn khích hơn và có trách nhiệm hơn nữa vì sự quan tâm, trọng thị, chia sẻ với văn học nghệ thuật của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương nói: ở chừng mực nào đấy sự hình thành, ra đời của một tác phẩm văn học có nét tương đồng vời sự hình thành, khai mở của một bông hoa, khi đã hấp thụ đủ dưỡng chất, hội tụ đủ các yếu tố, đến thời kì thì tự nhiên bông hoa sẽ nở. Khi hoa nở, thế giới xung quanh nó yêu vẻ đẹp thì sẽ đón nhận chiêm ngưỡng nó. Tương tự như thế, một tác phẩm văn học khi mới ra đời nếu ở xã hội văn minh, yêu nghệ thuật thì tác phẩm ấy sẽ được đón nhận, thậm chí là đón nhận một cách trang trọng, cởi mở nhất. Bởi vì đó là kết quả của sự lao động âm thầm đầy tâm huyết, đầy lao lực. Vì thế, ngoài việc khích lệ, tạo điều kiện cho các nhà văn sáng tác, BCH Hội Nhà văn luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay chờ đón và giới thiệu nhiệt tình tất cả các tác phẩm mới của các nhà văn khi xuất bản. Sách của nhà văn Võ Bá Cường cũng được giới thiệu theo tinh thần ấy. Nhưng có điều cần nhấn mạnh, đó là độ tuổi của tác giả. Nhà văn Võ Bá Cường đã vượt qua tuổi 80, độ tuổi mà người ta có quyền làm và không làm bất cứ điều gì, nhưng ông đã chọn con đường tiếp tục sáng tác và kết quả là chúng ta có được tiểu thuyết về đại thi hào Nguyễn Du ra mắt hôm nay. Điều này là hết sức đáng kính trọng.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu tại buổi lễ.
Nhà văn Võ Bá Cường là một trong những người viết đều đặn, bền bỉ, đậm tinh thần chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp của ông không chỉ thể hiện ở những lần giới thiệu ra mắt sách đều đặn, không chỉ ở sự phong phú của những đề tài ông viết mà tính chuyên nghiệp thể hiện ở trách nhiệm của ông trong tư cách của một nhà nhân văn chủ nghĩa dưới danh nghĩa là một nhà văn. Ông có ý thức, trách nhiệm trong từng câu, từng chữ, từng vấn đề đưa ra với xã hội, đó là tinh thần nhân đạo, cũng có những trăn trở, những khúc mắc, những dằn vặt, nhưng trên tất cả là tinh thần xây dựng.
Nguyễn Du là nhân vật lớn của nền văn học Việt Nam, ông không chỉ được tôn xưng là “Đại thi hào dân tộc” mà còn được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới”. Tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng của ông đã được mọi người biết đến, am hiểu, nhưng cuộc đời ông thì không phải ai cũng biết. Sự hiểu biết về cuộc đời, con người ông sẽ mở ra thêm nhiều góc nhìn, khám phá ra thêm nhiều vẻ đẹp trong những tác phẩm của ông. Tiểu thuyết dã sử Còn có ai người khóc Tố Như của nhà văn Võ Bá Cường đã được hoàn thành sau một khoảng thời gian dài nhà văn có những tìm hiểu, nghiên cứu hết sức nghiêm cẩn, thấu đáo, cùng với trí tưởng tượng vô cùng của người sáng tác. Đặc biệt, tiểu thuyết đã tái hiện quãng thời gian 10 năm Nguyễn Du sống ở Thái Bình, quê vợ của Đại thi hào. Đó là khoảng thời gian có nhiều “khoảng mờ” trong cuộc đời Nguyễn Du.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi về tác phẩm Còn có ai người khóc Tố Như với nhà văn Võ Bá Cường và các vị đại biểu.
Tại buổi giới thiệu sách, đồng chí Ngô Đông Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình chia sẻ: Thái Bình là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, văn học nghệ thuật. Sự kiện giới thiệu cuốn sách Còn có ai người khóc Tố Như hôm nay mang tính nhân văn, văn hoá lớn. Cuốn sách tái hiện lại cuộc sống của đại thi hào Nguyễn Du trong 10 năm ở Thái Bình, mà chưa có nghiên cứu, khảo cứu nào ghi lại. Cái khó của nhà văn là làm sao tái hiện lại được không gian ấy. Nhưng có lẽ Thái Bình bao nhiêu năm qua vẫn thế với văn hoá thôn quê làng xã. Dù cuộc sống phát triển thì vẫn phát triển trên nền tảng đó. Nhà văn Võ Bá Cường lựa chọn tiểu thuyết dã sử, với những tưởng tượng, hư cấu nhưng trong không gian lịch sử suốt mấy trăm năm vẫn còn nguyên bản sắc và tuân theo đúng cuộc đời Nguyễn Du. Qua tiểu thuyết ta thấy Nguyễn Du đã hoà vào bản sắc và mảnh đất văn hoá mà ông đã sống trên mảnh đất Thái Bình. Và có thể nói, cuốn sách là sản phẩm văn hoá quan trọng của đất và người Thái Bình, là một mảnh ghép văn hóa của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho rằng, Còn có ai người khóc Tố Như đã góp phần lí giải và làm sáng tỏ thêm con người, cuộc sống của Nguyễn Du; tình đất tình người Thái Bình đã thấm vào từng trang viết của thi nhân, làm nên chất liệu dồi dào cho những danh tác mà ngày nay và mai sau chúng ta còn nhắc nhớ về ông.
Giáo sư Phong Lê cũng có những luận bàn sâu sắc về tác phẩm mới của nhà văn Võ Bá Cường. Ông cho rằng, quê cha, quê mẹ, quê vợ đã làm nên hồn văn Nguyễn Du. Cuộc đời ông có nhiều khoảng mờ nên nhà văn Võ Bá Cường có quyền tưởng tượng để viết. Mối liên kết giữa những con người và bối cảnh nơi thi nhân sống ở Thái Bình là khoảng mở để cho nhà văn sáng tạo. Chúng ta có thể cảm nhận được hồn cốt, tâm thế, bản lĩnh của Đại thi hào qua tác phẩm này. Võ Bá Cường đã tôn vinh Nguyễn Du gắn với Thái Bình, cũng qua đó tôn vinh đất và người Thái Bình.
Tiểu thuyết Còn có ai người khóc Tố Như gồm hai phần, mười sáu chương khắc họa chân dung Đại thi hào Nguyễn Du ở giai đoạn về Thái Bình lấy vợ và tạm trú ở đây. Nhưng cũng từ đây ta có thêm những góc nhìn về lịch sử, về thời thế, để hiểu hơn những lựa chọn của tiền nhân. |
Nói về sáng tác mới của nhà văn Võ Bá Cường, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, Võ Bá Cường đã làm dày thêm mảng tiểu thuyết viết về lịch sử. Thời Nguyễn Du đất nước nhiều tao loạn, đặt ra cho các bậc nho sĩ nhiều lựa chọn, nhiều vấn đề. Nhiều kẻ sĩ chọn ở ẩn trước những rối ren. Cuộc đời Nguyễn Du nhiều phong ba đau đớn phức tạp… Nhưng phải khẳng định rằng, thời gian ở Thái Bình là những năm tháng làm nên thiên tài Nguyễn Du khi ông được sống gần với nhân dân với muôn nỗi cuộc đời khiến ông không còn là kẻ đứng ngoài chứng kiến lầm than mà ông đứng cùng với nhân dân. Truyện Kiều có những câu thơ cho thấy những năm tháng ở Thái Bình của ông. Võ Bá Cường cũng đã xây dựng nên thiên tình sử tuyệt đẹp giữa Nguyễn Du và Đoàn Thị Huệ trong tiểu thuyết. Đó là những năm hạnh phúc nhất của Nguyễn Du. Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng, đọc Võ Bá Cường để thấm thía hơn về Nguyễn Du.
Nhà văn Võ Bá Cường sinh năm 1940, tại thành phố Thái Bình. Ông từng công tác trong ngành Tuyên giáo và Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, đến năm 1997 nghỉ hưu. Nhà văn đã xuất bản nhiểu tác phẩm và để lại ấn tượng với bạn đọc. Nhiều tiểu thuyết của ông nhận được các giải thưởng văn học uy tín.
HOÀI PHƯƠNG
VNQD