Dòng chảy

Văn chương giống như là vắc xin của tinh thần

Thứ Hai, 18/09/2023 16:43

Trong một thời đại đầy đa dạng về thể loại văn học và giải trí, câu hỏi đặt ra là: tại sao độc giả Việt Nam thường có sự thiện cảm và sự quan tâm lớn đối với những câu chuyện về tâm lí tội ác? Như một sự thử đi tìm câu trả lời cho điều này, một toạ đàm nhỏ đã diễn ra ra bởi các diễn giả trẻ cùng những độc giả yêu thể loại trinh thám, cụ thể là dòng sách tâm lí tội phạm.

Những nhận thức mới về một đề tài văn học

Đó là chủ đề của chương trình toạ đàm “Mê cung của ký ức” diễn ra ngày 15/09/2023 tại không gian văn hoá Montauk. Diễn giả gồm tác giả trinh thám Kim Tam Long - tác giả của tiểu thuyết Thảm kịch trắng; tác giả trẻ Đức Anh - tác giả của Thiên thần mù sương, Đảo bạo bệnh; Th.S Tâm lí Lại Vũ Kiều Trang cùng các khách mời là những nhà văn trẻ, các câu lạc bộ đọc sách của một số trường đại học...

Các tác giả tại buổi toạ đàm. 

Tâm lí tội ác là một lĩnh vực có sức hấp dẫn với độc giả. Đó là sự tò mò về tại sao một người có thể thực hiện những hành động độc ác, những suy nghĩ và động cơ đằng sau những tội ác đó. Những câu chuyện này thường đặt ra câu hỏi về giới hạn của con người và sự lựa chọn giữa lương tâm và ác độc. Điều này tạo ra một không gian tư duy sâu sắc và thú vị để người đọc suy ngẫm và thảo luận.

Lí giải tại sao góc tối tâm lí của những tên tội phạm lại thu hút bạn đọc văn chương, chuyên gia Lại Vũ Kiều Trang chia sẻ: “Có lẽ ở những diễn biến tinh thần của những kẻ thủ ác, những người có tổn thương tinh thần thường tìm được sự đồng cảm. Ta thường thấy ngành tâm lí tội phạm cũng như văn chương về đề tài này luôn lí giải cặn kẽ những yếu tố đã biến một người bình thường thành đồ tể. Vấn đề đó đến từ gia đình, từ những tổn thương bên trong, gián tiếp hoặc trực tiếp. Chúng ta luôn có nhu cầu về nhận thức. Việc đọc văn học, sách vở nghiên cứu, là một gợi mở về nhận thức với các vấn đề tâm lí”.

Ở khía cạnh sáng tạo văn học, tác giả Kim Tam Long cho rằng dòng sách này có những khía cạnh hấp dẫn nhất định: “Những câu chuyện về tâm lí tội ác thường đặt ra những thách thức về tâm trí và giới hạn của đạo đức. Điều này làm cho độc giả có cơ hội suy ngẫm về những giá trị và nguyên tắc đạo đức của họ. Ở thời của chúng tôi, xã hội đặt ra nhiều chuẩn tắc và chúng tôi phải giữ kẽ rất nhiều. Đề tài như tội ác biến thái, rồi giới tính… dường như là cấm kị. Nhưng ngày nay thế hệ trẻ và xã hội nói chung cởi mở rất nhiều. Đó là những vấn đề đời thường, dễ tiếp cận”.

Văn chương giống như… vắc xin

Rõ rằng Tâm lí tội phạm là một ngành khoa học, nhưng ngày nay đã đi thẳng vào văn hoá giải trí như một đề tài sáng tác sôi nổi. Lượng bản in, lượng xem các sản phẩm văn hoá liên quan đến đề tài này tăng lên rất rõ rệt trong thời gian qua. Tác giả Đức Anh cho rằng: “Mười năm trước chúng ta đọc Hạt giống tâm hồn nhưng bây giờ chúng ta đọc Mê cung ký ức. Không phải vì thưởng thức của chúng ta xấu đi, mà văn học về đề tài tâm lí tội phạm là cánh cửa hấp dẫn nhất để đến với tâm lí học, một cách nhẹ nhàng, vui vẻ hơn. Tất nhiên mọi việc có hai mặt, có ý kiến trái chiều, nhưng như một nhà thơ thường nói, văn chương giống như vắc xin. Văn chương tiêm vào chúng ta những nhận thức mới về các vấn đề gai góc, để chúng ta không mắc phải trong đời thực”

Buổi toạ đàm thu hút những độc giả trẻ của dòng sách tâm lí tội phạm.

Tác giả Triều Dương (tác giả Không gì ngoài cơn mưa) đặt câu hỏi: “Vậy nhưng liệu có phải thế giới đang khai thác một cách thái quá đề tài này? Đôi khi họ tô vẽ cho những tên tội phạm một cách quá đáng, thậm chí chọn những diễn viên giỏi, có ngoại hình đẹp để biến chúng thành thần tượng giới trẻ trong những bộ phim”. Lí giải điều này, tác giả Kim Tam Long cho biết: “Thật ra chúng ta đều có quyền khuyên ai đó không nên đọc, nên xem quá nhiều bất cứ thể loại văn chương hay điện ảnh nào. Điều quan trọng nhất là tâm thế tiếp cận tác phẩm đó. Nhưng chính những sự phát triển này đã giúp chúng ta hiểu hơn về tội ác, nâng cao được nhận thức về bản thân hơn”.

Độc giả Mai Trang (từ Nghệ An) đặt câu hỏi: “Nhưng còn việc có một số tác phẩm biến thái, bị cấm ở nhiều quốc gia. Tại sao người ta có thể tạo ra những thứ nghệ thuật như vậy?”. Tác giả Đức Anh: “Có lẽ ai cũng còn nhớ nghệ thuật hậu hiện đại đã đưa những gì tưởng như tầm phào lên thành nghệ thuật. Nghệ thuật giống một bàn tay khéo, luôn muốn vót nhọn nhất có thể những gì nó cầm nắm được. Điều nay đôi khi tạo ra sát thương. Tôi nghĩ đó là sự tự do sáng tạo của nhân loại, rất khó để nói nó đúng hay sai. Còn về mặt thưởng thức, khi nó không đáp ứng được thẩm mĩ của mọi người, nó sẽ tự nhiên bị quên lãng”.

Độc giả Nguyễn Đức Thắng, từ CLB đọc sách Đại học Kiểm sát cho biết sau sự kiện: “Một chương trình thảo luận ấm cúng và ý nghĩa, với một đề tài hóc búa nhưng cũng gần gũi với những ứng dụng ngay trong đời thường”.

THUỲ DƯƠNG

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)