Sáng ngày 26/9/2023, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức buổi tọa đàm, tưởng niệm 2 năm ngày mất của Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Buổi tọa đàm có tên gọi "Nhà văn Nguyễn Quốc Trung - Cuộc đời và tác phẩm".
Tham dự buổi lễ có Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh; các nhà văn, nhà thơ đang sinh sống, công tác tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt, buổi lễ tưởng niệm có sự hiện diện của gia đình, người thân của cố nhà văn Nguyễn Quốc Trung từ quê hương miền Trung xa xôi.
Đây cũng là dịp để các nhà văn, nhà thơ và những độc giả yêu mến nhà văn Nguyễn Quốc Trung thể hiện tấm lòng tri ân một nhà văn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, đội quân tình nguyện trên nước bạn Campuchia.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.
Trong bài phát biểu của mình, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ hành trình sống và viết của nhà văn Nguyễn Quốc Trung. “Trở về từ khói lửa, những tác phẩm của ông gắn liền với số phận người lính, sự quả cảm, phi thường, sự hi sinh gan dạ và sự mất mát âm thầm đã ám ảnh ông qua từng trang sách. Ông không rao giảng bất cứ sứ mệnh cao cả nào nhưng ông tự nguyện gánh vác sứ mệnh viết về đồng đội của mình, đồng bào của mình trong thăng trầm lịch sử và trắc ẩn, ân tình”, nhà văn Bích Ngân nói.
Buổi tọa đàm diễn ra tại Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Với Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, kỉ niệm về một người anh, người đồng chí luôn ăm ắp. Cũng như những đồng nghiệp các thế hệ của nhà văn Nguyễn Quốc Trung tại Nhà số 4, không một ai trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội muốn tin rằng ông đã đi xa. Thời gian 2 năm chưa đủ để làm vơi đi nỗi nhớ thương một nhà văn đã nhiều năm làm đại diện phía Nam của Văn nghệ Quân đội hiền lành, chân chất. Cái dáng hao gầy và khắc khổ của ông đã đi qua năm tháng, để lại những tình cảm chất chứa ưu tư, chất chứa nỗi đau nhưng đầy ắp tình người. Những tác phẩm văn chương ông để lại cho đời đã khẳng định giá trị, tầm vóc thể hiện qua các giải thưởng của ông. Đặc biệt, ngày 19/5/2023, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã vinh dự được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Tuy nhiên theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, điều quan trọng nhất vẫn là tình người trong cuộc sống. Đó chính là tình làng nghĩa xóm, tình thương yêu giữa con người với con người, tình đồng chí đồng đội trong chiến đấu cũng như trong bộn bề lo toan giữa đời thường. “Nhà văn Nguyễn Quốc Trung vẫn như đang hiện diện đâu đây, giữa cõi bụi trần hôm nay, hay ở nơi miền xa ngái dõi theo những lời tâm tình, thương nhớ trong buổi lễ tưởng niệm này. Ông đã tặng cho chúng ta một món quà, đấy là khi chúng ta nhớ về ông, tiếc thương ông, thì cũng có nghĩa từng người trong chúng ta trong vô thức cần phải biết trân quý cuộc sống này, và sống xứng đáng với nhau hơn. Ông sống lặng lẽ, khiêm nhường, nhưng tác phẩm văn học của ông thì đồ sộ, vạm vỡ. Ông không ồn ào, mạnh mẽ nhưng ông luôn nhận được nhiều tình cảm của anh chị em đồng nghiệp cũng như bạn đọc trong và ngoài Quân đội. Sự có mặt đông đủ của quý vị hôm nay đã nói lên điều đó”, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương thay mặt Tạp chí Văn nghệ Quân đội bày tỏ tình cảm với nhà văn Nguyễn Quốc Trung.
Trong không khí bùi ngùi tiếc thương nhà văn Nguyễn Quốc Trung, những người tham dự tọa đàm còn được nghe những câu chuyện xúc động về ông. Có thể không nhiều người biết rằng ông đã từng làm thơ từ rất sớm, và đó cũng là những vần thơ đặc sắc được viết từ chiến trường bên nước bạn. Đặc biệt là bài thơ trong di cảo mà con gái ông, chị Nguyễn Thuận Ánh tìm được. Đó là bài thơ Trường Sa chiều cuối năm mà trong đó có những câu thơ thổn thức.
Với nhà thơ Đàm Chu Văn, người bạn đồng ngũ tại Quân đoàn 4 năm nào, thì nhà văn Nguyễn Quốc Trung còn có một bút danh Nguyễn Tình Nguyện và đã gửi thư từ chiến trường Campuchia về nước tặng riêng anh một bài thơ thấm đẫm tình cảm của người lính từ tiền tuyến. Kỉ niệm với Nguyễn Quốc Trung trong hơn bốn mươi năm qua thì có rất nhiều nhưng điều nhà thơ Đàm Chu Văn khâm phục nhất, học tập được ở nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhiều nhất là ý chí, nghị lực, sự bền bỉ, tự học, tự rèn luyện quyết liệt cho đam mê, cho sự nghiệp của mình. Trong mắt nhà thơ Đàm Chu Văn và nhiều bạn viết khác, sức làm việc của nhà văn Nguyễn Quốc Trung thật đáng nể với số lượng tác phẩm công bố đều đặn cho đến những năm cuối đời. “Nguyễn Quốc Trung vào học khóa 3 Trường viết văn Nguyễn Du năm 1985. Trước đó, anh đã là một cây bút vững vàng với nhiều truyện ngắn, bút kí in trên các báo lớn ở Trung ương và TP.Hồ Chí Minh. Bản thảo tiểu thuyết Biên giới anh mang ra dự thi vào Trường viết văn Nguyễn Du được chấm điểm rất cao. Sau này là nối dài những thành quả và thành công của anh trong sáng tác. Anh là một trong những nhà văn có nhiều tác phẩm nhất viết về những người lính tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia được ghi nhận, được đánh giá cao. Đời thường anh giản dị, khiêm tốn đến lặng lẽ, chân tình, yêu thương bạn bè, không bao giờ muốn làm mất lòng bạn bè, luôn muốn bạn bè vui”, nhà thơ Đàm Chu Văn nhắc lại những cảm nhận về người bạn viết đồng ngũ.
Nhà thơ Đàm Chu Văn từ Đồng Nai lên TP. Hồ Chí Minh dự tọa đàm với những cảm xúc về người đồng đội.
Với Nhà văn Lại Văn Long, kỉ niệm về nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã khiến anh xúc động nghẹn ngào. Cử tọa trong khán phòng dường như lặng đi khi nghe anh chia sẻ những câu chuyện đời thường, ngày hai anh em còn hẹn hò trao đổi với nhau từng trang viết. Nhà văn Nguyễn Quốc Trung là người đọc trước hầu hết các sáng tác của anh và chủ động gửi đăng trên các tờ báo, tạp chí văn học. Rồi ông ra sức giới thiệu cho Lại Văn Long những bạn bè trong giới để động viên anh sống và viết. Tuy vậy, ông vẫn khiêm nhường, tự nhìn nhận, văn của bạn mình hay hơn… Cùng với đó, những tình cảm đặc biệt ông dành cho gia đình nhà văn Lại Văn Long khiến các con anh vẫn thường nhắc mãi về sau. “Tôi có rất nhiều bạn thân, trong công việc cũng như trong cuộc sống, nhưng chỉ có anh Trung là người biết hết mọi thành viên trong gia đình tôi. Bố tôi, vợ tôi, các con tôi mỗi lần kể về bác Trung là lại nhớ về hình ảnh bác ân cần thăm hỏi, tặng quà, động viên các cháu chăm ngoan, học giỏi. Bây giờ các cháu đã lớn khôn, nhưng ân tình của anh với tôi và gia đình chúng tôi sẽ mãi mãi không thể nào quên”, nhà văn Lại Văn Long bồi hồi nhớ lại.
Bức tranh chân dung Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ và gửi đến tọa đàm tặng gia đình nhà văn.
Gia đình Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung chụp ảnh cùng các vị khách dự tọa đàm.
Đại diện gia đình Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung, chị Nguyễn Thuận Ánh, con gái nhà văn, đã có lời cám ơn Hội Nhà văn TP. Hồ Chí minh cùng Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức buổi tọa đàm để tưởng nhớ người cha của mình. Chị Nguyễn Thuận Ánh chia sẻ, khi nhận lại những di vật cuối cùng của nhà văn Nguyễn Quốc Trung, mọi người vẫn không thể tin rằng ông đã đi xa. Vẫn chiếc ba lô bạc màu cùng năm tháng, vẫn cuốn sổ tay, với chiếc máy laptop mà trong ấy có vài bản thảo còn dang dở. Tất cả như còn vẹn nguyên hơi ấm của ông, nỗi niềm của ông còn gửi lại. Chị Ánh kể rằng, chỉ một chuyến đi vào bệnh viện khám thông thường thôi, vậy mà ông mãi mãi không trở về, không có ai được nhìn thấy ông lần nữa… Song, mọi thành viên trong gia đình vẫn luôn hướng về ông, và di sản của cuộc đời người cha của chị còn lại, đó là sự khiêm nhường, sự cống hiến miệt mài cho gia đình và xã hội. Ông đã lựa chọn một sứ mệnh và sống - viết vì điều đó. Lương thiện sống và lương thiện viết. Đó chính là niềm an ủi lớn nhất cho những người thân của nhà văn.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung bị nhiễm Covid-19 vào ngày 30/8/2021. Mặc dù đã được các y bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 và gia đình cứu chữa tận tình, nhưng ông đã không qua khỏi và mất vào ngày 10/9/2021. Hiện tro cốt của nhà văn đã được an táng tại quê nhà (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Phần mộ của nhà văn đã được địa phương và gia đình chăm lo chu đáo, và là một địa chỉ văn hóa, niềm tự hào của gia đình, quê hương, đồng đội.
Bài và ảnh: PHẠM VĂN ĐẢNG
VNQD