. NGUYỄN MẠNH HÙNG
Thượng tướng Trần Việt Khoa sinh năm 1965. Ông là Giám đốc Học viện Quốc phòng, nơi có nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, cán bộ nghiên cứu khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước thuộc diện Trung ương quản lí. Ông đã có một số bài viết khá sát đánh giá về tình hình an ninh quốc tế, Việt Nam.
VHQS có cuộc trò chuyện với ông xung quanh công việc ở nơi được coi là học viện cao cấp nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.
VHQS: Thưa Thượng tướng Trần Việt Khoa, là người trưởng thành từ đơn vị cho đến khi trở thành Giám đốc một học viện cao nhất của Quân đội, theo đồng chí những bài học đầu tiên để hình thành tư duy của một người nghiên cứu chiến lược, phát triển khoa học quân sự là gì?
Thượng tướng Trần Việt Khoa: Tôi nhập ngũ năm 1983, tính đến nay sắp tròn 40 năm tuổi quân. Sau khi nhập ngũ, tôi trở thành học viên của trường Sĩ quan Lục quân 2. Cuối năm 1985 đầu năm 1986, khi đang là học viên, tôi được phân công đi thực tế mấy tháng tại Campuchia. Lúc đó, bạn đã được giải phóng và có chính quyền. Tuy nhiên, tàn quân Pol Pot vẫn rất nhiều, hoạt động có tổ chức tại các tỉnh, thành phố khiến ta phải liên tục truy quét. Khi sang, chúng tôi được điều về đơn vị và tham gia một số cuộc truy quét tại huyện Udong, tỉnh Kampong Speu. Hồi ấy, Udong bị Pol Pot phá hủy khá nặng, vì là học viên sĩ quan đang chuẩn bị ra trường nên trong quá trình cùng đơn vị truy quét, chiến đấu với tàn quân Pol Pot, tôi rất chú ý quan sát các hình thức chiến thuật, xử lí các tình huống, ghi chép lại rất tỉ mỉ, gần như là ghi nhật kí: ngày nào đi truy quét, đi phục kích với ai, quá trình diễn ra thế nào, kể cả sơ đồ... Hồi ấy, công tác tham mưu ở các trường sĩ quan chưa thể cơ bản như bây giờ nên những thực tế ấy vô cùng mới mẻ và bổ ích… Cách đây 1, 2 năm, tôi có kiểm tra lại một số sách vở, giấy tờ lưu trữ từ ngày xưa thì bắt gặp quyển sổ đó, may là vẫn có thể giở xem. Có rất nhiều thứ tôi chép trong đó, kể cả các bài giảng về học thuyết Mác - Lênin, CTĐ, CTCT trong các loại hình chiến thuật cấp trung đội, đại đội, các bài về kĩ thuật chiến đấu bộ binh. Chỉ tiếc, vì để lâu, ẩm mốc nên nó nát ố hết, đành phải bỏ đi dù rất tiếc. Khi lật giở các cuốn sách ấy, năm tháng ấy ùa về, nhắc nhở và tôi nhận ra, nó định hình rất nhiều thói quen trong chỉ huy, trong tư duy quân sự của mình sau này, kể cả khi đã phát triển lên chỉ huy ở các cấp cao hơn như trung đoàn, sư đoàn, quân khu, quân đoàn và cương vị Giám đốc Học viện Quốc phòng bây giờ. Suy từ tôi ra, có lẽ đây là sự khác biệt giữa Quân đội và bên ngoài. Đối với các sĩ quan Quân đội, cơ bản tất cả đều trưởng thành từ cơ sở. Anh càng được tôi luyện và trải qua các chức vụ từ thấp lên, thì khi là cán bộ ở tầm cấp chiến dịch, chiến lược càng có tư duy sắc sảo trong quản, huấn quân, nuôi quân và trong chỉ huy tác chiến. Vì thế, trích yếu 63 của cán bộ cấp sư đoàn trở lên, đặc biệt là cấp quân đoàn, quân khu… sẽ có rất nhiều gạch đầu dòng bởi trải qua rất nhiều chức vụ, như tôi, bắt đầu từ trung đội trưởng, thậm chí có đến 3 lần làm trung đội trưởng quản lí, huấn luyện tân binh, chiến sĩ cũ, vệ binh, rồi đến trợ lí tham mưu... gần như không bỏ một cương vị nào. Rèn tác phong chỉ huy sâu sát bộ đội chính là trung đội và đại đội. Cán bộ ở cấp này gần như vừa là người anh, vừa là đồng chí, chỉ huy cấp trên. Nó là cái gốc để tạo nên tư duy tầm chiến lược sát thực tế, dễ hiểu, tính khả thi cao sau này.
VHQS: Sự ảnh hưởng của đời sống xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện nay đến bộ đội là điều không thể tránh khỏi, đồng chí đánh giá thế nào về vấn đề này?
Thượng tướng Trần Việt Khoa: Đời sống xã hội luôn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư tình cảm của bộ đội mà những nhà hoạch định chiến lược cần phải tính đến. Cuộc sống thời đại 4.0 hiện nay, con người ta không chỉ có ăn, mặc mà còn cần môi trường và các nhu cầu về tinh thần khác. Như tôi thường nói, anh em sĩ quan ở đơn vị cần 3T. Một là thời gian, vì phải quản, huấn quân, ăn ở, sinh hoạt cùng bộ đội… tất tật đều cùng nên thời gian rất thiếu. Từ đó nó nảy sinh cái T thứ hai: tình cảm. Con người ta ai cũng có nhu cầu tình cảm, tình cảm gia đình, anh em, bạn bè, bạn gái. Con gái bây giờ họ rất cần sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi. Ngay cả anh em không phải ở biên giới, vùng sâu vùng xa, hải đảo… thì không thể tuần nào cũng về được, thậm chí cả tháng nếu vào diễn tập. Trong khi xung quanh, các cặp vợ chồng khác dập dìu du lịch hết chỗ nọ, chỗ kia, thì bạn gái, vợ mình làm sao tránh khỏi chạnh lòng, dù khi trở thành sĩ quan, anh đã xác định đó là đặc thù, nhưng vẫn cần phải hài hòa và để làm được điều này không hề dễ. Và T thứ 3 là tiền. Phải có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt cho mình và gia đình, rồi tích lũy, trong khi bộ đội hoàn toàn trông vào lương. Hiện nay, dù lương đã được cải thiện so với trước kia nhưng nhu cầu sinh hoạt, xã hội cũng cao hơn trước kia rất nhiều. Tính ra, một sĩ quan mới ra trường nếu lấy vợ ở quê thì may tạm ổn chứ ở đô thị thì có lẽ hơi khó. Nó là những vấn đề đặt ra song song với những vấn đề vĩ mô của Quân đội như chính quy hóa, hiện đại hóa.
Đoàn cán bộ Học viện Quốc phòng Việt Nam chào xã giao đoàn Đại học Quốc phòng Mĩ
VHQS: Tại một hội nghị trong nước vào tháng 8 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói đến phong cách ngoại giao cây tre thể hiện sự “mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam”. Và nó cũng đúng với nghệ thuật quân sự Việt Nam từ ngàn xưa đến nay. Vấn đề đó áp dụng đối với quốc phòng trong tình hình hiện nay, khi mà xu hướng đang chuyển từ đơn cực sang đa cực, thế nào, thưa đồng chí?
Thượng tướng Trần Việt Khoa: Trước đến giờ, nền ngoại giao của chúng ta luôn thể hiện điều đó. Bác Hồ từng dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để ứng phó trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng trước khi Người sang Pháp. Với Quân đội ta, Bác cũng từng giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tướng tại ngoại toàn quyền quyết định, tùy tình hình để làm sao đạt được mục đích cuối cùng giành chiến thắng ít tổn thương nhất cho ta, tất nhiên, địch cũng ít thương vong nhưng chấp nhận thất bại mới là hay. Nó thể hiện trong cả chiến lược bảo vệ Tổ quốc ở Nghị quyết TW8 khóa 9 sau đó đến TW8 khóa 11 và chuẩn bị TW8 khóa 13 của Đảng mà cụ thể là việc xác định đối tác, đối tượng. Đảng ta xác định, trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác. Mềm mại, uyển chuyển để giữ ổn định bằng cách giảm tính đối tượng tăng tính đối tác. Giữ vững đối tác, không để nảy sinh đối tượng trong đối tác. Đây là vấn đề tôi đang nghiên cứu và làm chủ nhiệm đề tài: Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa: Cơ sở lí luận và định hướng giải pháp trong thời kì mới. Nó không chỉ là ngoại giao Nhà nước mà là ngoại giao Nhân dân, đối ngoại Quốc phòng. Làm tốt điều đó sẽ giúp chúng ta thêm bạn bớt thù. Thêm thuận lợi, giảm và loại bỏ những khó khăn, nhất là trong điều kiện thế giới hiện nay. Nếu trong đối tác xuất hiện đối tượng, phát triển đối tượng trong đối tác là nguy hiểm. Cố gắng đối tác không có đối tượng xuất hiện. Điều đó hoàn toàn biện chứng, logic. Nó phụ thuộc vào quan điểm, đường lối, đối sách đối ngoại của mỗi quốc gia.
Điều này cũng thể hiện trong sách trắng quốc phòng của Việt Nam với 4 “không”:
+ Không tham gia liên minh quân sự,
+ Không liên kết với nước này để chống lại nước kia,
+ Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác,
+ Không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Ta đưa ra quan điểm đó để bạn bè quốc tế hiểu quan điểm của chúng ta về chính sách quốc phòng. Bốn “không” chính là sự mềm mại uyển chuyển, thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, về chính sách quốc phòng.
Từ đầu năm đến giờ, Quân đội ta tiếp đón rất nhiều đoàn quốc phòng các nước, và ngược lại, Bộ Quốc phòng ta cũng đi thăm nhiều nước. Học viện Quốc phòng cũng vậy, năm nay chúng tôi có rất nhiều đoàn của các học viện, trung tâm nghiên cứu chiến lược các nước đến trao đổi về đào tạo, về học thuật, những vấn đề cùng quan tâm về tình hình an ninh thế giới và khu vực và ngược lại. Quá trình trao đổi đó giúp Học viện Quốc phòng rút được những kinh nghiệm, vận dụng phù hợp vào trong quá trình đào tạo. Học viện Quốc phòng luôn quán triệt và thực hiện hiệu quả “ba thực chất”: dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất. Như câu nói nổi tiếng của Nelson Mandela về giáo dục: “Để phá huỷ một quốc gia, không cần đến bom nguyên tử hay tên lửa tầm xa, mà chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho sinh viên gian lận trong thi cử.”
Thượng tướng Trần Việt Khoa cùng lớp bồi dưỡng QPAN tham quan Trung tâm đào tạo huấn luyện bay bằng hệ thống mô phỏng cabin tại trường sĩ quan PK-KQ
VHQS: Đồng chí có thể chia sẻ về những tâm đắc cũng như những tâm huyết của mình trong thời gian đảm nhiệm cương vị Giám đốc Học viện?
Thượng tướng Trần Việt Khoa: Ngày đầu mới về, tôi cũng rất bỡ ngỡ bởi là người trưởng thành từ chỉ huy đơn vị, quen với tác phong, tư duy của người chỉ huy. Trong khi đó, ở cương vị mới đòi hỏi phải đi sâu vào nắm bắt, nghiên cứu, khái quát các vấn đề liên quan đến quân đội, chiến tranh và bảo vệ Tổ quốc. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi phải có tư duy nghiên cứu sâu, kĩ, kể cả những vấn đề về lịch sử nghệ thuật quân sự và lịch sử chiến tranh, lịch sử bảo vệ Tổ quốc của dân tộc… Khi về đây, tôi học được ở các thầy trực tiếp và cả các thầy không trực tiếp, các đồng chí lãnh đạo học viện đi trước kinh nghiệm về cách tư duy, phương pháp đọc, cách khái quát. Nếu không có kinh nghiệm này thì dù đọc nhiều cũng không vào, không hiệu quả. Dần dần nó trở thành cái nếp khi tư duy nghiên cứu bất cứ một vấn đề gì trong tôi. Nó tạo thói quen ngoài thời gian làm công việc của nhà trường là ngồi đọc. Đọc những bài nói chuyện, bài viết của Tổng Bí thư, những bài viết kinh nghiệm lịch sử quân sự, lịch sử xây dựng Đảng, đất nước… của các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rồi khái quát lại. Trước khi vào các bài giảng, bao giờ tôi cũng khái quát lịch sử về vấn đề đó để người nghe thấy được nó đi từ lịch sử và phát triển thế nào. Từ kinh nghiệm của mình, mình lại trao đổi, quán triệt, phổ biến với cán bộ, giảng viên về phương pháp, cách làm để nâng cao chất lượng huấn luyện, đó là truyền thụ lí luận phải đi đôi với dẫn chứng thực tế. Khi đưa ra những vấn đề trong bài giảng, bài thuyết trình, phải đưa ra được vấn đề mâu thuẫn. Vì đối tượng học viên của Học viện Quốc phòng là những cán bộ cao cấp, những người có tuổi đời công tác, có nhiều kinh nghiệm, nên không cần nói nhiều, nhưng làm sao phải vừa nói, vừa mang tính định hướng, vừa mang tính đặt câu hỏi và giải quyết câu hỏi, bắt buộc người học phải liên tục tư duy, động não. Một cái nữa, đó là hằng tháng phải duy trì các cuộc giao ban để rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế từ đó bổ sung kịp thời. Rồi thông qua cán bộ, giảng viên và các kênh khác nhau, lấy ý kiến học viên trong quá trình giảng của các thầy, có những vấn đề gì chưa đạt được, vấn đề gì quá xa, quá mơ hồ để kịp thời điều chỉnh. Hằng năm chúng tôi tổ chức thi giảng viên dạy giỏi cấp khoa, cấp học viện. Trước khi vào năm học đều có tập huấn cán bộ, giảng viên về phương pháp sư phạm, nội dung, quy trình lên lớp một bài giảng, một chuyên đề, từ đó chất lượng đào tạo của học viện được nâng lên. Chính vì thế, những năm vừa qua, Quân ủy Trung ương rất yên tâm về chất lượng của Học viện Quốc phòng, xứng đáng là “Trường Bưởi” - nhà trường cao nhất trong hệ thống nhà trường của Quân đội.
Với cán bộ, giảng viên Học viện Quốc phòng, phải liên tục nghiên cứu, cập nhật cái mới, tình hình mới đang diễn ra để bài giảng sinh động, cuốn hút, có sức thuyết phục. Đọc, học, cập nhật, đổi mới tư duy, rút kinh nghiệm kịp thời… tất cả phải là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ.
VHQS: Xin cảm ơn đồng chí Thượng tướng về buổi trò chuyện thú vị này!
N.M.H thực hiện
VNQD