Dòng chảy
Trung tướng Doãn Thái Đức:

Cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của Quân đội

Thứ Ba, 10/10/2023 15:45

Ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường và tìm kiếm cứu nạn luôn là vấn đề quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc trong đó Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Mùa mưa bão đang đến, vấn đề ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai dịch bệnh càng trở nên cấp thiết. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Trung tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn/ Bộ Tổng tham mưu xoay quanh công tác cứu hộ - cứu nạn hiện nay.

PV: Thưa đồng chí Cục trưởng, ngày 10/6/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm và làm việc với Cục Cứu hộ - Cứu nạn. Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Phòng, chống sự cố, thiên tai là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ người dân, bảo vệ đất nước”. Nhận định của Chủ tịch nước đã nói lên tầm quan trọng của những người lính làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Xin đồng chí Cục trưởng chia sẻ về điều này.

Trung tướng Doãn Thái Đức: Đây là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, nhân viên Cục Cứu hộ - Cứu nạn nói riêng và những người làm công tác cứu hộ - cứu nạn trên cả nước nói chung. Sự có mặt của đồng chí Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các đồng chí lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu,… đã thể hiện tầm quan trọng của công tác cứu hộ - cứu nạn hiện nay.

Như chúng ta đã biết công tác cứu hộ - cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai dịch bệnh luôn có tầm quan trọng đặc biệt, đòi hỏi phải được thực hiện liên tục, xuyên suốt, từ Bắc chí Nam, từ thành thị tới vùng sâu vùng xa, từ biên giới tới hải đảo. Đó chính là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của những người lính chúng tôi.

Cũng trong cuộc gặp mặt này, lãnh đạo, chỉ huy Cục Cứu hộ - Cứu nạn và toàn thể cán bộ, nhân viên Cơ quan nghiêm túc tiếp thu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước, đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả để công tác phòng thủ dân sự, phòng chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn làm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần tạo môi trường ổn định cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã đề ra.

PV: Không chỉ nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác cứu hộ - cứu nạn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng còn khẳng định: “Những nỗ lực, hi sinh của các đồng chí (Cục Cứu hộ - Cứu nạn - PV) đã góp phần to lớn khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục các sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân”. Để có được sự ghi nhận ấy, hẳn Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã phải trải qua một hành trình, với nhiều nỗ lực, cố gắng và vượt khó, kể cả là hi sinh để phòng, chống, khắc phục thiên tai, bảo vệ tài sản cho quân và dân ta?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Tôi xin đi vào những con số cụ thể như thế này. Ngay từ khi thành lập, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã thực hiện chức năng giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục trên 300 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, cùng hơn 63.000 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; đã điều động trên 4 triệu lượt người và hơn 170.000 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người và trên 6.000 phương tiện, trong đó Quân đội tham gia chiếm 83%, đã cứu được 56.788 người và gần 5.000 phương tiện.

Một số vụ việc điển hình như: Bão Linda năm 1997, bão Chanchu năm 2006, bão Haiyan năm 2013, bão Damrey năm 2017, Quân đội đã điều động 1.411.148 lượt cán bộ, chiến sĩ và 13.644 lượt phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả; Sự cố phát tán thủy ngân do cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông tháng 8/2019, Quân đội đã điều động 1.353 lượt cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng Hóa học cùng các trang thiết bị chuyên dụng, đã thu gom được 111 tấn hóa chất độc và khắc phục, xử lí, bảo đảm cho khu vực phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội trở lại hoạt động bình thường; Vụ Tàu Vietship 01 bị chìm tại khu vực Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị tháng 10/2020 trên tàu có 12 thuyền viên, Quân đội điều động 630 lượt cán bộ, chiến sĩ và 23 phương tiện, trong đó sử dụng cả đặc công nước và máy bay trực thăng, cứu được 11 thuyền viên; Vụ sạt lở đất tại khu vực miền Trung tháng 10/2020, Quân đội đã điều động 79.654 lượt cán bộ, chiến sĩ và 1.166 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn và cứu được 47 người; Trong những ngày đại dịch Covid - 19 diễn ra ở nước ta, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều động hơn 192.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó triển khai 18 bệnh viện dã chiến và cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân với gần 23.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia khám chữa bệnh và gần 7.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia vào công tác tiêm chủng. Quân đội ta cũng đã điều động 116.515 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cách li công dân nhập cảnh và hơn 46.000 cán bộ, chiến sĩ làm các nhiệm vụ khác như tuần tra biên giới, đảm bảo an sinh xã hội, hỏa táng, vận chuyển tử thi, chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và cuộc sống bình yên của nhân dân. Đó luôn là những con số biết nói, khẳng định truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay.

PV: Vâng, đồng chí Cục trưởng vừa nhắc tới vụ sạt lở đất tại miền Trung tháng 10/2020 mà điển hình là sạt lở, vùi lấp ở thủy điện Rào Trăng 3 thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trong đó có 13 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn công tác cứu hộ - cứu nạn. Vào những ngày đó, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng đã cử phóng viên vào nơi mà những người lính của chúng ta đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ để cùng tham gia vào nhiệm vụ cứu hộ - cứu nạn, đồng thời có những tin bài kịp thời phản ánh công tác cứu hộ - cứu nạn đang gấp rút, khẩn trương, nhanh chóng khắc phục sự cố, tìm kiếm những người bị nạn. Có thể thấy, trong lúc đau buồn nhất, trong lúc khó khăn gian khổ nhất, những người lính tham gia công tác cứu hộ - cứu nạn đã phải giấu đi những nỗi đau mất mát để quyết tâm tìm kiếm những người bị nạn, bị vùi lấp trong đất đá.

Trung tướng Doãn Thái Đức: Đó thật sự là những ngày buồn với bao đau thương mất mát, không chỉ của những gia đình đã mất đi người thân, không chỉ của Quân đội mà còn là ngày buồn của người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trong 13 cán bộ chiến sĩ hi sinh khi trực tiếp làm nhiệm vụ ở Rào Trăng, có Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn của chúng tôi. Như anh biết đấy Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng từng là người chỉ huy tham gia nhiều vụ cứu hộ - cứu nạn thành công, được đồng đội kính trọng, được nhân dân nể phục như vụ đồng chí Hùng chỉ huy công binh đào hầm giải cứu thành công 12 công nhân bị kẹt trong đường hầm dẫn nước của công trình thủy điện Đạ Dâng vào tháng 12/2014. Trước khi tham gia cứu hộ - cứu nạn ở Rào Trăng anh Hùng cũng chính là người tham gia chỉ đạo cứu hộ thuyền viên và ngư dân trên tàu Vietship 01 gặp nạn tại vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị) mà tôi vừa kể ở trên.

Sự mất mát không chỉ là sự hi sinh của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, đã có 69 cán bộ, chiến sĩ của Quân đội hi sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ - cứu nạn. Sự hi sinh nào của người lính khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ - cứu nạn cũng là những mất mát lớn đối với chúng ta, để lại xúc động, đau xót khôn nguôi với toàn thể người dân, bởi cán bộ chiến sĩ Quân đội ta, khi trực tiếp làm nhiệm vụ đã vượt lên mọi cảnh huống nước sôi, lửa bỏng, sông trôi, nhà lấp, núi sập, bão dồn, hi sinh cả bản thân mình để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, của đất nước.

PV: Cảm ơn đồng chí Cục trưởng đã có những lời chia sẻ thực sự xúc động về những người lính hi sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ - cứu nạn. Theo thông tin từ cơ quan chức năng về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hiệp quốc (UNDDR), trong vòng 20 năm trở lại đây, các loại thiên tai trên thế giới đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỉ dân, gây thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỉ USD,… Đó là những con số khủng khiếp và sẽ khủng khiếp hơn nếu không có sự tham gia của lực lượng cứu hộ - cứu nạn trên toàn thế giới. Nói về cứu hộ - cứu nạn trong nước, để làm tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của các sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân thì lực lượng cứu hộ - cứu nạn luôn phải có sự đồng hành, phối hợp tham gia của tất cả các bộ, ban ngành, địa phương… Vậy công tác phối hợp, hiệp đồng về cứu hộ - cứu nạn giữa Cục với các bộ, ban ngành, địa phương hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Trong công tác cứu hộ - cứu nạn, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã xác định là khi xảy ra sự cố, thiên tai, dịch bệnh chúng ta cần thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”. Để thực hiện tốt được phương châm này thì công tác phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương luôn rất quan trọng trong hoạt động phòng thủ dân sự - ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa.

Từ khi thành lập đến nay, Cục Cứu hộ - Cứu nạn không chỉ làm tốt việc giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mà còn chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra các khu vực, địa bàn thường xuyên có nguy cơ xảy ra sự cố, thiên tai, thảm họa, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho quân và dân ta. Cụ thể:

Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; trình Chính phủ Ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 01/3/2023 ban hàn Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về phòng thủ dân sự; Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Luật Phòng thủ dân sự đã được Kì họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV biểu quyết thông qua ngày 20/6/2023 với 469/475 phiếu tán thành (tương đương 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội).

Thực hiện phối hợp với Bộ Công an xây dựng Kế hoạch ứng phó thảm họa, cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; Kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trong vùng, khu vực xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; xây dựng Đề án An ninh nguồn nước và An toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tiến hành kết hợp với Bộ Y tế xây dựng Nghị định về việc giao chỉ tiêu huy động ngành y tế khi có chiến tranh và tình trạng khẩn cấp; Chương trình kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đến năm 2030; Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; Chiến lược ngành y tế, Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở đến năm 2030; Đề án Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2030. Kết hợp cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch Phòng thủ dân sự các cấp, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ứng phó các sự cố, thiên tai, thảm họa cho phù hợp với tình hình thực tiễn và biến đổi khí hậu hiện nay.

PV: Việc Cục Cứu hộ - Cứu nạn giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương là như vậy, còn vấn đề hợp tác với các nước trên thế giới thì sao, thưa đồng chí?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Việc tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác quốc tế qua các kênh song phương, đa phương về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và thế giới luô diễn ra thường xuyên và liên tục, một số hoạt động hợp tác quốc tế như:

Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác diễn đàn quốc tế, khu vực như: Diễn đàn khu vực Asean (ARF); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước Asean (ADMM); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước Asean mở rộng (ADMM+) liên quan đến lĩnh vực phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phối hợp với nhóm thường trực quân sự Asean trong ứng phó với thiên tai, thảm họa; Diễn tập chung Quân đội 03 nước Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng trong ứng phó với thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan xây dựng dự án thành lập Trung tâm Asean ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED); Xây dựng kho vật tư y tế Asean để ứng phó với các tình huống.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hợp tác với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức cứu trợ nhân đạo (CRS), Tổ chức hỗ trợ gia cư về nhà ở an toàn phòng chống thiên tai (Habitat for Humanity).

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam thiết lập kênh liên lạc trực tiếp với các tổ chức Tìm kiếm cứu nạn quốc tế để chuyển giao, cung cấp, tiếp nhận thông tin báo nạn và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên vùng thông báo bay, vùng biển thuộc trách nhiệm quản lí.

Bộ Công an đã đề nghị Italia hỗ trợ lực lượng công an về các biện pháp ứng phó y tế trong tình huống khẩn cấp và khủng hoảng…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc với Cục Cứu hộ - Cứu nạn ngày 10/6/2023. Ảnh: TL

PV: Vâng! Sự cố, thiên tai, thảm họa luôn là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài, biên giới giáp với nhiều nước nên vấn đề hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, phòng, chống biến đổi khí hậu, kinh nghiệm tìm kiếm, cứu nạn,… là rất cần thiết khi thảm họa, thiên tai dịch bệnh đang là vấn đề của toàn cầu. Thưa đồng chí Cục trưởng, tháng 2/2023 tại Thổ Nhĩ Kì đã xảy ra trận động đất với cường độ rất mạnh (7,8 độ rích te), gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê đến ngày 20/02 đã có 41.156 người thiệt mạng, hàng chục triệu người bị ảnh hưởng mất nhà cửa. Chính phủ Thổ Nhĩ Kì đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ, ứng cứu, khắc phục hậu quả. Được biết, ngay sau khi nhận được lời kêu gọi của Thổ Nhĩ Kì cũng như của Liên Hợp Quốc, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định cử lực lượng, phương tiện sang tham gia cứu trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kì. Sự có mặt của lực lượng cứu hộ - cứu nạn của chúng ta tại Thổ Nhĩ Kì đã góp phần giúp cho Chính phủ và người dân nơi đây khắc phục được thảm hoạ động đất, đồng thời, qua hoạt động này, chúng ta đã tạo được sự tin yêu lớn của bạn bè trên thế giới. Thay mặt cho Cục Cứu hộ - Cứu nạn, đồng chí có thể cho biết sâu hơn về sự kiện này?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Phát huy truyền thống tương thân, tương ái quý báu của dân tộc Việt Nam, trên tinh thần: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thực hiện Quyết định số 485/QĐ-BQP ngày 10/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đoàn công tác do đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn làm trưởng đoàn gồm 76 đồng chí (22 sĩ quan, 54 quân nhân chuyên nghiệp, 06 chó nghiệp vụ) cùng 42.110 kg hàng hóa cứu trợ, trang thiết bị, phương tiện phục vụ đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kì để cùng với các nước trên thế giới hỗ trợ, khắc phục hậu quả thảm họa động đất. Đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn làm trưởng đoàn xuất phát tại Việt Nam ngày 12/02/2023.

Tỉnh Hatay nơi đoàn Cứu trợ thảm họa của Bộ Quốc phòng Việt Nam đến là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất của Thổ Nhĩ Kì. Các cơn rung chấn vẫn tiếp diễn (ngày 20/2/2023 vẫn xảy ra 02 trận động đất 5,8 độ), điện lưới và nước ngọt không có, ăn ở, sinh hoạt và nơi làm việc của đoàn cứu trợ phải tự bảo đảm trên thực địa khu vực vừa xảy ra thảm họa. Bên cạnh đó đoàn công tác của ta còn gặp những khó khăn về ngôn ngữ, nguy cơ về an ninh, an toàn,…

Vượt lên những khó khăn, ngay khi vừa đến, đoàn công tác đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều phối ứng phó khẩn cấp thảm họa Thổ Nhĩ Kì AFAD, Cơ quan điều phối của Liên Hợp Quốc và các đoàn của các nước. Được phân công thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại nhiều vị trí, từ ngày 13/2 đến 22/2/2023, đoàn đã tổ chức tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện, bàn giao cho nước bạn 15 điểm có nạn nhân trong đống đổ nát. Tại những điểm này, phía bạn đã đào bới đưa ra ngoài 28 thi thể; Phối hợp với lực lượng cứu hộ - cứu nạn của Baranh và Mêxicô tổ chức tìm kiếm, bàn giao cho bạn 03 vị trí có nạn nhân trong đống đổ nát, từ đây phía bạn đã xử lí đưa ra 10 thi thể; Thăm hỏi các đoàn quốc tế (09 đoàn các nước: Ấn Độ, Pakistan, Ytalia, Baranh, Xênêgan, Bôxenia, Hondurat, Mexico, Trung Quốc) đến tham gia cứu trợ nhân đạo để chia sẻ những khó khăn chung; Khám, sơ cứu và cấp thuốc cho 07 nhân viên cứu hộ của các nước bị tại nạn trong khi tác nghiệp. Thông qua sự hoạt động phối hợp, hỗ trợ giữa các bên, các đội cứu hộ quốc tế để tuyên truyền, tăng cường quan hệ, thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam với các đối tác.

Cũng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Đoàn đã hỗ trợ một số cá nhân và 25 hộ dân địa phương chạy thoát được khỏi nhà trước khi bị đổ sập, giúp họ thu dọn và chuyển đến nơi ở mới, đồng thời trao tặng cho các gia đình này một số hàng hóa trang bị gồm lều dã chiến, giường xếp, túi ngủ, chăn bông, ủng, giày, nước lọc, lương khô cùng một số loại thực phẩm khác. Thăm hỏi, động viên, các gia đình và nhân dân Thổ Nhĩ Kì sớm vượt qua những khó khăn, mất mát do động đất. Ngoài ra, các thành viên tự nguyện quyên góp tổng số tiền 4.000USD để ủng hộ, hỗ trợ những người dân địa phương.

Ngày 20/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kì Tayyip Erdogan đã tới Antakya, Hatay, để bày tỏ lòng biết ơn các lực lượng cứu hộ - cứu nạn, các đoàn quốc tế, trong đó có Việt Nam. Tổng thống Erdogan trực tiếp gặp gỡ đoàn tham gia cứu trợ nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam và thể hiện sự cảm kích đối với lực lượng cứu hộ - cứu nạn của Việt Nam đã hỗ trợ Thổ Nhĩ Kì kịp thời trong một nỗ lực không mệt mỏi. Khi chia tay chúng tôi Tổng thống Tayyip Erdogan đã nói: “Người dân Thổ Nhĩ Kì sẽ không bao giờ quên tình bạn với sự giúp đỡ tuyệt vời này của Việt Nam”. Sau này vào ngày 25/4/2023, tại Lễ tri ân các lực lượng tham gia thực hiện công tác cứu nạn thảm họa động đất, Tổng thống Tayyip Erdogan đã trao tặng Huân chương ghi công tặng đại diện đoàn cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam tham gia cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kì.

Thông qua hoạt động thực tiễn cứu trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ chúng tôi đã rút ra được những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu, từ đó tích lũy, bổ sung những kiến thức cần thiết để áp dụng vào công tác huấn luyện, đào tạo cho công tác cứu hộ - cứu nạn, khắc phục sự cố thiên tai trong nước và hoạt động phối kết hợp với các nước trong lĩnh vực cứu hộ - cứu nạn, tham gia hoạt động nhân đạo khi có những sự cố, thảm họa lớn xảy ra trên thế giới.

PV: Năm 2023 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang là mối thách thức đối với thế giới, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã triển khai, thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí Trung tướng?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Trước hết là việc Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, nhất là Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị. Cùng với đó là những công việc: Tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà trọng tâm là triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự, Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự từ Trung ương đến địa phương; kiện toàn lực lượng Phòng thủ dân sự chuyên trách và kiêm nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng thời nghiên cứu, nắm vững, dự báo tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự của các cấp, chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thiên tai, thảm họa. Tổ chức ứng trực, sẵn sàng xử lí kịp thời, hiệu quả mọi tình huống sự cố, thiên tai, thảm họa xảy ra. Tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập phòng thủ dân sự nhằm nâng cao năng lực ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa...

PV: Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta rất coi trọng việc phòng bị, phòng trước, chống sau, chủ động trong mọi tình huống, để có thể ứng phó, cứu hộ - cứu nạn khắc phục kịp thời những sự cố do thiên tai và do con người gây ra. Khi chúng ta “phòng” tốt thì “chống” sẽ kịp thời và thuận lợi, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và của. Để làm tốt công tác “phòng”, ngoài việc đầu tư về con người, về vật lực thì cần phải làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, cùng với đó là dự báo, là tuyên truyền đến toàn thể nhân dân biết để phòng chống. Những năm qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã thực hiện công tác này ra sao?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Việc thông tin, dự báo, tuyên truyền đến toàn thể nhân dân có tầm quan trọng đặc biệt, là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt phương châm: Phòng ngừa chủ động; Ứng phó kịp thời; Khắc phục khẩn trương và hiệu quả mọi sự cố, thảm hoạ. Do vậy, Cục Cứu hộ - Cứu nạn luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương, Tổng cục Khí tượng thủy văn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, bảo đảm thông tin cập nhật liên tục kịp thời, chính xác về công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm giúp người dân kịp thời có thêm thông tin để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các sự cố do thiên tai, dịch bệnh xảy ra, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh của đất nước và từng bước hội nhập quốc tế có hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Trung tướng - Cục trưởng đã tham gia cuộc trò chuyện này!

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)