Dòng chảy

Ra mắt di cảo của Nguyễn Huy Thiệp: Những điều chưa biết

Thứ Năm, 23/11/2023 15:06

 Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từ giã cõi tạm được hai năm, nhưng sức sống của văn chương Nguyễn Huy Thiệp cùng sự bền lòng với văn chương của ông thì luôn để lại cho bạn đọc cùng thời và hậu thế nhiều suy ngẫm. Anh hùng còn chi là tên tập di cảo của ông, được gia đình, bạn bè, bạn đọc tập hợp, nhà nghiên cứu phê bình văn học Mai Anh Tuấn biên soạn.

Chiều 22/11/2023, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm ra mắt tập di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Anh hùng còn chi. Tên tập di cảo này được lấy từ đoạn thơ trong truyện Chảy đi sông ơi của chính nhà văn.

Tọa đàm có sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, họa sĩ : Ngô Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Văn Giá, Nguyễn Thành Phong, Phạm Xuân Nguyên, Mai Anh Tuấn, Bảo Sinh, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong... và đông đảo bạn đọc yêu mến văn chương Nguyễn Huy Thiệp. 

Những tác phẩm chưa và ít được biết đến của Nguyễn Huy Thiệp

Cuốn sách là thành quả từ quá trình tìm kiếm, lựa chọn và giới thiệu những bài thơ chưa từng được biết đến của Nguyễn Huy Thiệp, một số truyện ngắn đã xuất bản nhưng vì lẽ nào đó bị lãng quên, các kịch bản phim, tiểu luận, những kí họa trên gốm, cùng những tấm ảnh tư liệu quý giá theo mỗi dấu mốc cuộc đời nhà văn. Cuốn sách được chia làm ba phần.

Phần I, gồm những bài thơ chưa công bố; các truyện ngắn; tiểu luận, tạp văn; kịch bản phim truyện. Nguyễn Huy Thiệp sớm làm thơ, và tập thơ đầu tiên trong cuốn sách này, Những vần thơ chua xót, nhà văn đã hoàn thành lúc 27 tuổi. Cho dù chúng chỉ như lối ghi nhật kí, thỏa cảm xúc và suy tư của một giáo viên tỉnh lẻ, nhưng đọc lại, chúng ta vẫn thấy chất giọng, cái nhìn khá riêng. Tập thơ thứ hai được chọn lựa từ những vần thơ nhà văn viết sau khi lâm bệnh nặng để giãi bày cảm xúc, tâm trạng và giữ cho đầu óc tỉnh táo. Trong ba truyện ngắn được chọn lựa đưa vào tập sách, có Cô MyVết trượt là hai tác phẩm được sáng tác cùng thời gian với Tướng về hưu, và Những bài hát là tác phẩm được viết giữa giai đoạn “cập thời vũ” gây náo động văn đàn của Nguyễn Huy Thiệp. Cuốn sách cũng giới thiệu hai kịch bản phim do chính ông viết là Tướng về hưu (hoàn thành và được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi sử dụng làm thành phim cùng tên năm 1988) và Không còn vua, viết xong năm 2002. Những bài tiểu luận, tạp văn phần lớn lần đầu được in của Nguyễn Huy Thiệp cũng sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm những suy tư trăn trở của nhà văn về cuộc sống và văn chương.

Phần hai, kí họa trên gốm, gồm có các kí họa chân dung người thân, bạn bè, văn nghệ sĩ và tự họa; các kí họa về tác giả, tác phẩm và sự kiện văn chương. Thời trẻ, Nguyễn Huy Thiệp thích vẽ và đã từng theo học vẽ và minh họa báo, nhưng ông vẽ nhiều và thường xuyên nhất là kí họa trên gốm. Trong các bức kí họa gốm ở phần hai cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy rất nhiều hình ảnh gia đình, văn nhân, bạn hữu thân sơ và những cá tính văn chương lớn mà nhà văn yêu thích như Puskin, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Tô Hoài, Lê Lựu… Ông cũng vẽ lại bìa, nhân vật trong tác phẩm của mình nhân các dịp đặc biệt. Ông vẽ chăm chút, cẩn thận và đã vẽ hàng trăm kí họa gốm như thế.

Phần ba, tư liệu ảnh về Nguyễn Huy Thiệp, bao gồm một số ảnh chụp qua các mốc cuộc đời của nhà văn, ảnh chụp bản thảo và bài đăng trên báo được gia đình, bạn bè lưu giữ. Đó là những bức ảnh chụp nhà văn tại những dấu mốc quan trọng trong đời, những sự kiện văn chương ông tham dự và gặp gỡ. Bạn đọc sẽ được thấy hình ảnh Nguyễn Huy Thiệp từ khi còn dạy học ở Sơn La, khi ông khai trương nhà hàng Hoa Ban, khi ông nhận giải thưởng tại Ý, tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam,… và ảnh ông chụp chung với gia đình, các nhà văn, bạn hữu văn chương như Nguyễn Khải, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy…

Những trang cuối của cuốn sách có ảnh chụp một số bản thảo viết tay, đánh máy các sáng tác của nhà văn, một số bút tích, thư từ và ảnh chụp bản viết/vẽ tay một số bài thơ đã được đưa vào tập di cảo này.

Tại buổi ra mắt, giới thiệu đến bạn đọc cuốn di cảo này, nhà nghiên cứu phê bình văn học Mai Anh Tuấn, người biên soạn cuốn sách chia sẻ: anh là thế hệ sau nhưng may mắn được biết, được trò chuyện với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, mặc dù hai người chỉ nói những câu chuyện về cuộc sống, công việc hàng ngày, cũng có lúc chỉ im lặng nhưng anh cảm nhận được sự ám áp, chân tình từ nhà văn. Anh cảm nhận, văn chương Nguyễn Huy Thiệp rất hấp dẫn. Cuốn sách này cho thấy rõ nét hơn, kĩ lưỡng hơn về văn chương và cuộc đời ông. Cuốn sách ra đời cũng đặt ra câu chuyện ứng xử. Ứng xử với một nhà văn lớn, đó không chỉ là tình yêu mến, kính trọng mà đó còn phải là một thái độ văn hoá.

Nguyễn Huy Thiệp trong nỗi nhớ người ở lại

Có lẽ lâu lắm rồi lại có một buổi tọa đàm văn chương thu hút đông người yêu mến văn chương đến vậy. Điều đó không chỉ đến từ sự nghiệp văn chương lừng lẫy và thăng trầm của Nguyễn Huy Thiệp. Ông đã nằm xuống nhưng người thân, bạn bè, bạn đọc vẫn nhớ về ông, một nhà văn tài năng, giản dị, khiêm nhường.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, người bạn, người em thân thiết của Nguyễn Huy Thiệp, cũng là người vẽ tranh bìa cho cuốn di cảo đã kể lại một số kỉ niệm đáng nhớ về Nguyễn Huy Thiệp. Theo họa sĩ, Nguyễn Huy Thiệp là người sống rất giản dị, chân thật và kĩ lưỡng trong công việc. Khi họa sĩ làm cuốn Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Đông A, 2007), nhà văn và họa sĩ thường xuyên gặp gỡ trao đổi với nhau, nhà văn ngồi đọc và sửa lại từng dấu một cho tác phẩm của mình. Một lần, nhà văn đến tìm, họa sĩ không có nhà, nhà văn đã nhét tờ giấy qua khe cửa, tờ giấy ghi rõ truyện ngắn nào thì nên nhờ họa sĩ nào vẽ minh họa. Cũng theo họa sĩ Lê Thiết Cương, khoảng những năm 1990, Nguyễn Huy Thiệp được tặng một bộ bàn ghế viết văn, chiếc ghế là ghế chơi đàn, phía dưới có ngăn để cất bản nhạc. Một ngày, Nguyễn Huy Thiệp thấy có người lạ vào nhà, ông đang ngồi viết nên cất vội bản thảo xuống ngăn ghế. Sau đó những bản thảo trên bàn đã bị tịch thu đem đi. Nhờ chiếc ghế của người yêu văn chương tặng mà ông giữ lại được một số bản thảo.

Các khách mời của buổi tọa đàm: nhà nghiên cứu phê bình văn học Mai Anh Tuấn, họa sĩ Lê Thiết Cương; điều phối chương trình, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Họa sĩ Đào Hải Phong cũng có những chia sẻ riêng về Nguyễn Huy Thiệp. Anh kể, mình đọc Nguyễn Huy Thiệp từ lâu và nhận thấy văn chương của ông thu hút vô cùng. Họa sĩ luôn mong chờ đến cuối tuần bố mua báo về để được đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Lớn lên, Nguyễn Huy Thiệp trở thành người bạn lớn, người bạn vong niên của anh. Khi vẽ minh họa cho truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp anh luôn nghĩ mình đang vẽ nhân vật Nguyễn Huy Thiệp ở trong truyện ở bối cảnh đó, chứ không phải vẽ một ai khác.

Nhà thơ dân gian Bảo Sinh, người được xem là bộ đôi luôn có nhau với Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ: Mỗi ngày ông và nhà văn ngồi với nhau ít nhất là 5 tiếng, nhiều khi họ đi bộ, nói chuyện văn thơ xen vào nhau. Rất nhiều năm về trước, hai người thường đi bộ quanh Bờ Hồ, lúc đầu họ gặp khoảng 10 người quen biết bắt tay chào hỏi; 5 năm sau, còn lại khoảng 5 người bắt tay chào hỏi; vài ba năm sau thì chỉ còn lại một người; và sau nữa, thì hai năm may ra mới gặp được một người. Từ đó mà Nguyễn Huy Thiệp đã cảm thán: Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì?/ Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi?... Thời gian Nguyễn Huy Thiệp bệnh nặng, khi Bảo Sinh vào viện thăm bạn, Nguyễn Huy Thiệp không chào hỏi, gọi tên mà thường đọc những câu thơ của Bảo Sinh mà nhà văn yêu thích để thể hiện sự nhớ bạn, quý bạn.

Họa sĩ Nguyễn Phan Bách, con trai cả của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cùng em trai là Nguyễn Phan Khoa có mặt ở tọa đàm và lắng nghe mọi lời chia sẻ. Anh cho biết, cuốn sách là kỉ niệm vô cùng đáng quý và tình cảm với gia đình anh. Khi bố anh còn sống, ông vẫn thường trò chuyện với hai con trai về cuộc sống và văn học nghệ thuật. Nhưng anh đã không hiểu lắm những lời của bố, cho đến khi bố mất, đọc lại anh mới hiểu thêm những lời dặn dò của bố. Anh đã nói lời cảm ơn bố mình - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong niềm xúc động.

Các con của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng đang thực hiện việc lập nhà lưu niệm cho bố mình ở trên chính mảnh đất của gia đình. Họ mong được sự chia sẻ kỉ niệm, kỉ vật của bạn bè, đồng nghiệp, độc giả của nhà văn để nhà lưu niệm có thêm tư liệu.

PV

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)