Dòng chảy

Câu chuyện đẹp về thiếu niên đất Cảng trong chiến tranh

Thứ Hai, 06/11/2023 17:40

 Mỗi người đều có những kí ức không thể nào quên, mỗi mảnh đất, mỗi dân tộc cũng có những kí ức như thế. Và khi kí ức của một người chính là kí ức của một mảnh đất, một dân tộc thì chắc chắn đó là những kí ức mang dấu ấn đặc biệt. Biến tấu của ký ức, cuốn truyện dài của tác giả Phạm Ngọc Định chính là một kí ức như thế. Tác phẩm đầu tay của tác giả từng mang án tử vừa ra mắt tại Hải Phòng.

Những người Việt Nam hôm nay, dù sinh ra ở thời kì nào thì cũng vẫn nhớ và được nhắc nhớ Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không mười hai ngày đêm lịch sử khi Mĩ dùng B52 tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc tháng 12 năm 1972. Đó cũng là mười hai ngày đêm quân và dân ta đã kiên cường bảo vệ bầu trời, bảo vệ nền hòa bình mà cả dân tộc đã và đang ròng rã đấu tranh giành lấy. Thế trận phòng không nhân dân đã phát huy hiệu quả, đem lại những tổn thất nặng nề cho Không quân Mĩ. Sự kiện lịch sử này là cảm hứng để tác giả Phạm Ngọc Định viết truyện dài Biến tấu của ký ức, một tác phẩm về tuổi thơ của những cậu bé lớn lên trong chiến tranh. Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của cậu bé Đạt, nhân vật chính mang nhiều yếu tố tự truyện của tác giả. 

Ngay từ những trang sách đầu tiên, bạn đọc đã đối diện với những trận mưa bom bão đạn ác liệt và một Hải Phòng sục sôi đánh Mĩ. Và không thể không nhắc đến những đứa trẻ, những chiến sĩ tí hon đã mang trong mình dòng máu yêu quê hương, đất nước, căm thù quân xâm lược. Cũng trong bối cảnh ấy, những câu chuyện đau thương, những câu chuyện nhân văn, những câu chuyện mang đậm dấu ấn của tuổi thơ thời chiến đã được viết nên.

Đạt, cậu bé thông minh hiếu động, dũng cảm là trung tâm của nhóm trẻ cũng là trung tâm của tác phẩm. Ở tuổi 12, cậu bé có sự hồn nhiên trong trẻo của tuổi thơ nhưng cũng có sự chững chạc, trưởng thành nhất định. Đặc biệt, khí phách của một chàng trai đất Cảng đã dần hình thành rõ nét trong những hàng động, suy nghĩ của cậu bé như việc bới hầm mong giải cứu mọi người, chế tạo vũ khí, mơ ước làm được căn hầm khổng lồ bảo vệ cả thành phố…

"Kí ức ấy ngân vang trong mỗi con người, mang lại sự tốt đẹp cho xã hội", nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cảm nhận về cuốn sách.

Tại buổi ra mắt cuốn sách Biến tấu của ký ức, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người con của đất Cảng Hải Phòng xúc động chia sẻ: năm 1972 Mĩ bắn phá Hải Phòng vô cùng ác liệt, đó là lúc ông đang ở chiến trường Quảng Trị nên chỉ biết nghe ngóng tin tức về quê hương. Tin giặc Mĩ ném bom Hải Phòng khiến những người con xa quê lòng dạ như lửa đốt. Sau này, ông vẫn luôn tìm đọc những cuốn sách viết về Hải Phòng ở giai đoạn đó. Ông đã vô cùng xúc động khi đọc được truyện dài Biến tấu của ký ức, cuốn sách đã cho ông thấy được hết sức chân thực Hải Phòng trong những ngày đỏ lửa ấy. Qua đó ông cũng thấy rõ tinh thần của quân dân đất Cảng đã chiến đấu, đã gìn giữ mảnh đất này đầy kiên cường, quả cảm. Ở cuốn sách cũng có những trang viết đầy sáng tạo để miêu tả về một tuổi thơ đẹp đẽ, mạnh mẽ, lấp lánh trong đạn bom…

Trải nghiệm tuổi thơ đã đem đến cho tác giả Phạm Ngọc Định những chất liệu quý giá để viết nên tác phẩm này. Điều đặc biệt là, cuốn sách được thai nghén, được hoàn thành trong những ngày tác giả là một tử tù đợi ngày thi hành án. Chia sẻ về cuốn sách được viết trong bối cảnh ấy, tác giả Phạm Ngọc Định cho biết: hồi nhỏ ông vốn không đam mê văn thơ, ngồi học chỉ vẽ vời. Khi phạm lỗi lầm, bản thân phải mang án tử, những ngày trong tù, suy ngẫm về cuộc đời mình, cùng với việc đọc những tác phẩm văn chương đã thôi thúc ông mong muốn làm gì đó có ích cho quê hương. Ông khao khát làm được điều gì đó dù nhỏ bé. Khi gia đình gửi tạp chí vào cho đọc, ông đã tách đôi nhưng tờ tạp chí ra để có giấy viết. Ông đã viết tất cả những gì mình nhớ và cảm nhận thấy, muốn viết thật nhanh vì sợ phải trả án. Một năm sáu tháng thì hoàn thành.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có nhiều cống hiến, cộng với nhân thân tốt đã giúp Phạm Ngọc Định được Chủ tịch nước ân xá án tử hình, tuy vậy ông vẫn phải trả giá bằng những năm tháng trong trại giam. Tại buổi ra mắt sách ông cũng nói về nguyên mẫu những người mẹ trong Biến tấu của ký ức chính từ người mẹ của tác giả, người đã cưới vợ hai cho chồng để đi hoạt động cách mạng. 

Bản thảo được viết trong trại giam từ năm 2009, tác giả gửi về nhà để lưu giữ. Đến nay, sau 14 năm nó mới đủ cơ duyên để đến với bạn đọc.

“Văn chương đã cứu rỗi cuộc đời tôi”. Tác giả Phạm Ngọc Định đã khẳng định điều đó khi chia sẻ về cuốn sách. Nhờ những nỗ lực cố gắng của mình trong việc cải tạo, cũng như nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước, năm 2015 tác giả Phạm Ngọc Định đã được đặc xá trở về với cuộc sống đời thường. Và những trang văn vẫn không nguôi nhắc nhở ông về những điều đẹp đẽ, lương thiện trong cuộc sống này.

Có thể thấy, ngay cả khi tưởng như cuộc sống đã đóng cửa với một con người thì văn chương lại mở ra những cánh cửa khác. Ngay khi còn trong tù, tác giả Phạm Ngọc Định đã chia sẻ, lan tỏa những trang viết của mình với những người bạn tù, và những trang văn đã chạm đến tâm hồn mỗi người, khơi dậy những vẻ đẹp những điều trong trẻo, lương thiện. Ai cũng có một tuổi thơ với những kí ức đáng nhớ, ngay cả khi con người đã trưởng thành, đã đổi thay, thì kí ức tuổi thơ ấy vẫn luôn hiện hữu đồng thời cho mỗi người soi chiếu lại chính mình. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng viết: Sống dễ lắm, cứ nhìn vào mắt trẻ con mà sống. Những trang văn viết về tuổi thơ trong đạn bom, trong những ngày sơ tán của Phạm Ngọc Định đã đưa tác giả trở về với con người thực sự của chính mình, đã cho ông tìm lại mình một cách trọn vẹn nhất. Đó cũng là động lực để ông “trở lại” thực sự với cuộc đời này.

Truyện dài Biến tấu của ký ức do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. 

Viết đề tài chiến tranh, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng rất khó, ngay cả với những nhà văn chuyên nghiệp. Những trải nghiệm của một đứa trẻ sống ở thành phố bị ném bom, phải đi sơ tán, phải làm quen với đời sống ở nông thôn, và những trò chơi vô tận của trẻ nhỏ đã được tác giả tái hiện vừa chân thực vừa có yếu tố giả tưởng làm nên sự độc đáo của cuốn sách. Những chú bé với trận địa pháo tự chế với khát khao hạ máy bay Mĩ đánh phá quê hương mang đậm tinh thần yêu nước và quả cảm, khiến cho câu chuyện mang âm hưởng chủ nghĩa anh hùng cách mạng một cách tự nhiên, mộc mạc, giản dị, hết sức chân thực và đầy cảm xúc. Hình ảnh những chú bộ đội pháo binh hay những chiến sĩ tí hon là hình ảnh tiêu biểu cho cả một dân tộc nói chung và những người Hải Phòng kiên trung anh dũng nói riêng. Bởi là người trong cuộc viết nên mỗi tình tiết, mỗi câu chuyện mang đầy chất đời sống, điều mà văn chương hiện nay đang còn thiếu vắng khi viết về đề tài này.

Bạn đọc sẽ nhớ mãi hình ảnh cậu bé Đạt, sau khi đi sơ tán, vì nhớ thành phố quá mà đã trở về thăm, bất chấp sự hiểm nguy. Một nỗi đau dữ dội và mãnh liệt được thể hiện khi cậu thấy thành phố thân yêu xinh đẹp trước đây giờ là những đống đổ nát, hoang tàn. Đi qua những đau thương vụn nát ấy, tìm về con ngõ nhà mình, đồng thời với những mất mát trong lòng cậu bé là một sự ấm áp được nhen lên khi dưới những đổ nát kia vẫn le lói ánh lửa. Ánh lửa ấy tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, khát khao mãnh liệt của đất và người Hải Phòng. 

Bên cạnh việc tái hiện lại một tuổi thơ đẹp, một Hải Phòng anh hùng, Biến tấu của ký ức còn cho bạn đọc thấy một Hải Phòng vừa sầm uất vừa nên thơ trong kí ức người cầm bút. Ở đó ta gặp một nếp sống đất Cảng từ những gia đình trí thức cho đến những gia đình công nhân lao động. Dù họ là thành phần nào trong xã hội thì trong bối cảnh lịch sử ấy của đất nước họ cũng cùng chung một lòng bảo vệ và xây dựng quê hương. Đặc biệt, hình ảnh người mẹ trong tác phẩm cũng không nguôi khắc khoải bạn đọc về tình mẫu tử cao đẹp, về sự hi sinh thầm lặng mà cao đẹp của người phụ nữ.

Biến tấu của ký ức không còn đơn thuần là câu chuyện kí ức về những gì đã qua. Ở đây chúng ta gặp những trang sử hào hùng, gặp những con người làm nên lịch sử. Giản dị hơn, qua đây chúng ta gặp được tuổi thơ của một thế hệ đi qua chiến tranh với những ước mơ và nghị lực; ta hiểu hơn giá trị của kí ức với mỗi con người trong đời sống hôm nay.

BÌNH AN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)