Dòng chảy

Ảnh xạ: Hiện đại trên chất liệu dân tộc

Thứ Năm, 09/11/2023 07:27

 Trong sự tìm kiếm, sáng tạo của bản thân, mỗi hoạ sĩ sẽ biểu đạt những suy tư, ngẫm nghĩ, lựa chọn của mình qua tác phẩm hội hoạ. Đề tài và chất liệu là những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính, nội tâm của hoạ sĩ. Từ đây, câu chuyện sáng tạo nghệ thuật được tạo nên…

Ảnh xạ là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ Trang Thanh Hiền được khai mạc chiều 7/11/2023 tại Hà Nội. Với 44 tác phẩm tranh vẽ trên giấy dó và điêu khắc gỗ, hoạ sĩ đem đến cho công chúng những góc nhìn mới mẻ và gợi nhiều suy ngẫm.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền chia sẻ tại khai mạc triển lãm.

Là người cực kì yêu thích giấy truyền thống của Việt Nam, Trang Thanh Hiền đã chọn cho mình chất liệu mà nhiều người vẫn cho là rất rẻ này. Tuy nhiên, thực tế thì để làm nên được giấy dó cần rất nhiều sự khéo léo, kì công cũng như thời gian. Giấy dó đã đem lại cảm xúc cho hoạ sĩ, chị thích thú và thấy tràn đầy cảm giác của mực nho thẩm thấu màu trên giấy mặc dù vẽ trên giấy rất khó. Hoạ sĩ sử dụng cả kĩ thuật đồ hoạ và mực nho để tạo độ loang. Chất liệu giấy dó màu ngà ngà, kết hợp mực nho cho màu trầm ấm điều này khiến hoạ sĩ cảm thấy như mình được chơi với giấy. Và để đạt được điều này thì chắc chắn người hoạ sĩ phải đạt đến sự điêu luyện trong kĩ thuật. Trang Thanh Hiền luôn khẳng định, giấy dó là niềm tự hào của người Việt và chị chọn gắn bó với chất liệu mang đầy tính dân gian và dân tộc này.

Là một người bận bịu với rất nhiều công việc, nhiều vai trò khác nhau nhưng Trang Thanh Hiền cảm nhận rất rõ, vẽ là niềm đam mê không dứt của bản thân mình. Chị đã gửi gắm niềm đam mê ấy, trình bày niềm đam mê ấy vào trong tranh. Bởi vậy, đằng sau vẻ hài hoà, cân xứng, tỉ mỉ, tinh tế của Ảnh xạ thì ta cũng thấy rất rõ sự khát khao, cuồng nhiệt, say đắm, mãnh liệt… Ảnh xạ chính là sự phản ánh, trình bày tâm hồn vào trong tranh của Trang Thanh Hiền.

Mẹ, màu tự nhiên trên giấy dó.

PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trường Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận định: Ở lần ra mắt triển lãm cá nhân này, Trang Thanh Hiền trình làng một nghệ thuật tổng hợp, đa diện với sự hòa trộn các ngôn ngữ của hội họa, đồ họa và điêu khắc; với sự dung hợp những biểu tượng truyền thống quen thuộc trong các hình thể mang tính nhận diện cá nhân. Trong các bộ tác phẩm đều hiện diện bản chất nữ trong tinh thần khó đoán định, chấp chới giữa thanh tao và trần tục, giữa những chuyển động dữ dội và nét tự tại, bình thản. Liệu đó có phải là những khoảnh khắc, những sự thật bên trong đời sống của một cá tính, của một bản thể tồn tại trong đời sống đương đại phức tạp này?

Trong những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, hình ảnh sen và những dáng Phật không rõ dung mạo hình hài xuất hiện nhiều lần, gợi đến tính thiền. Điều này đưa đến liên tưởng, trong tâm của mỗi người đều có Phật. Hình hài Phật tính ấy như thế nào là phụ thuộc vào riêng mỗi con người.

Ảnh xạ, mực nho trên giấy giang.

Ảnh xạ cũng chính là sự phản chiếu, sự in dấu, lúc tĩnh lúc động, lúc vô tình, lúc hữu ý. Hoạ sĩ tự ví tâm hồn mình như một mặt nước hồ, mặt hồ ấy ghi nhận phản chiếu vô vàn những khoảnh khắc của cuộc sống, và những tác phẩm chính là sự khúc xạ trở lại những giá trị sống đó. Nó bao chứa trong đó không chỉ là hình màu, không chỉ là bút mực, không chỉ là kĩ thuật tạo hình mà cả những nghiên cứu trong suốt một hành trình ngược dòng tìm về mĩ thuật cổ, mĩ thuật Phật giáo và khai phóng tâm hồn mình lên những bức tranh.

Điều đặc biệt là, các tác phẩm trong triển lãm Ảnh xạ có ba mốc thời điểm bao gồm: một bộ 5 bức vẽ năm 2002; seri tranh 12 bức của hai mươi năm sau là năm 2022; seri tranh in kết hợp với vẽ mực nho, màu nước trên giấy dó (18 bức), tượng điêu khắc gỗ (9 bức) được sáng tác trong năm 2023.

Tơ lòng, mực nho trên giấy dó.

Họa sĩ chia sẻ, triển lãm lần này, chị muốn bắt đầu từ câu chuyện của tuổi đôi mươi từ những năm 2000. Thời gian mà chị vừa chập chững bước những bước đi đầu tiên trong nghề. Khi đó internet bắt đầu trở thành một phương tiện mới và cũng là thời điểm cho sự lựa chọn sáng tạo hay nghiên cứu. Thời điểm đó chị vẽ khá nhiều, nhưng rồi việc vẽ tranh đã dừng lại hoặc chỉ là thêm thắt vào những lúc rảnh mà nhường toàn bộ tâm trí cho sự nghiệp nghiên cứu bởi sự hấp dẫn của những thông điệp cha ông ẩn sau những mái đình, mái chùa hay những pho tượng cổ.

Tuy vậy trong những tác phẩm được vẽ ra lúc đấy, bây giờ nhìn lại, như thể chúng đã định rõ cho chị một hình hài, một dáng điệu. Điều mà hai mươi năm sau, khi niềm đam mê giục giã, và khi chị quyết định làm cuộc triển lãm cá nhân thứ hai sau triển lãm Đáy sóng năm 2015, chị tìm thấy lại những tác phẩm của năm 2002 với một niềm xúc động khó tả. Những bức vẽ đó dường như khiến chị trở lại với thời tuổi trẻ của mình với bao nhiêu hoài bão. Và năm 2023, sự hiển thị của những ý tưởng trong Ảnh x trở nên sắc nét hơn, đa chiều hơn và nhiều suy ngẫm hơn. Nó vừa tạo nên một sợi dây liên kết xuyên suốt quá trình sáng tác, nhưng cũng đồng thời ở thời điểm này, những nghiên cứu về mĩ thuật Phật giáo, đã giúp chị tự soi rọi bản thân, tìm thấy mình trong vô số những xáo trộn của đời sống đương đại.

Mơ hoa, khắc gỗ màu nước.

Hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn chia sẻ: Hình tượng Phật phẳng hoá trong nhục thể kiết già, thanh tịnh và bí ẩn, đủ đầy hay trống vắng một nửa… được giao hòa giữa các họa tiết liên hoa, những chiếc lá hình môi, những thiên thủ thiên nhãn lùa chạm vào sông - núi, nắng - mưa trong hay ngoài cõi giới… Tất cả gợi ra một cấu trúc đồng hiện siêu thực, linh thiêng kiểu tranh thờ dân gian, nhưng lại trập trùng phồn thực và tự do theo tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh. Có thể nói, đây là một lát cắt mới về tư tưởng cũng như kĩ thuật của Trang Thanh Hiền trong hành trình sáng tạo từ sau sự kiện Đáy sóng.

Hi vọng, lát cắt ấy không là cơn say thiền định nhất thời, mà là “ảnh xạ” vời vợi của một cuộc hành trình dài với những trải nghiệm riêng tư, thinh lặng, thậm chí có cả tâm thức hoài nghi về mối liên kết có - không, trong - ngoài, trên - dưới, trước - sau, cứng - mềm, mờ - tỏ… Phật ở trong tâm hay ở đâu giữa đôi bờ thực - ảo?

Như một sự soi chiếu cho những suy tư, những lựa chọn và cả sự vô thức trong hành trình sáng tạo của mình, Trang Thanh Hiền đã đi từ quá khứ đến hiện tại bằng con đường đặc biệt, đó là “đến hiện đại từ truyền thống” như cách nói về triển lãm này của tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện.

Triển lãm Ảnh xạ của họa sĩ Trang Thanh Hiền diễn ra từ 7/11 - 15/11/2023 tại Phòng bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

AN CHI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)