“Nhật trình dài” là tên triển lãm mĩ thuật của 5 họa sĩ: Nguyễn Dương, Đinh Quang Hải, Lưu Vũ Long, Vũ Trung và Hoàng Duy Vàng. Sự kiện này vừa là điểm nhấn trong quá trình hoạt động của các nghệ sĩ, đồng thời cũng đánh dấu cột mốc 30 năm hình thành và phát triển của MAI Gallery. Triển lãm vừa khai mạc chiều 03/12/2023 tại 113 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hành trình nghệ thuật nhiều năm qua của 5 nghệ sĩ đều có điểm chung ở sự kiên định với quan điểm sáng tạo cá nhân, có phong cách, thậm chí cực đoan, thách thức những giá trị thẩm mĩ quen thuộc.
Năm 2021, 2022 Nguyễn Dương lần lượt có hai triển lãm cá nhân tại Mai Gallery mang tên “Mặc khải” và “Trong khu vườn”, sau đó anh còn có “Khúc ca thiên nhiên” tại Hakio Let’s Art (Tp HCM). Tất cả đều là nghệ thuật biểu hiện trừu tượng, một ngôn ngữ hội hoạ giàu tốc độ, lực bút, cả những hỗn loạn không đuổi kịp cảm xúc (?) từ thiên nhiên quê biển của anh, như đời sống luôn ồn ào và nhiều mâu thuẫn. Hội hoạ của Dương nhiều hoà sắc tối, nhiều đường nét gạch chéo phủ định mạnh mẽ tuồng như phá phách, không dễ cảm nhưng chính thế, bộc trực tươi mới và chân thật.
Hoạ sĩ Nguyễn Dương.
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Dương.
Đinh Quang Hải là nghệ sĩ phần nào lặng lẽ, ít người nghĩ hội hoạ của anh lại chất chứa nhiều khúc xạ với thế giới xung quanh như vậy. Một ngôn ngữ hội hoạ Pop art hình màu thông tục nhưng ẩn trong không khí kì dị siêu thực là những câu hỏi để ngỏ, những tầng ẩn dụ có thể tạo không gian suy diễn đa chiều về các vấn đề xã hội và văn hoá thời đại.
Hoạ sĩ Đinh Quang Hải
Tác phẩm của hoạ sĩ Đinh Công Hải.
Lớn tuổi nhất trong nhóm và cũng có bề dày hoạt động nghệ thuật đa dạng hơn cả là Lưu Vũ Long, nghệ sĩ từng thành lập nhóm P-art năm 2006 (những hoạ sĩ theo xu hướng sáng tác gắn với các vấn đề thời sự xã hội, có ngôn ngữ hội hoạ tương đồng xu hướng Pop art quốc tế). Sau khi tốt nghiệp trong nước, Lưu Vũ Long từng có 2 năm học tập và hoạt động nghệ thuật tại CHLB Đức, phần nào do đó anh không đặt “tính Việt Nam” như phẩm chất cần thiết trong nội dung và hình thức thể hiện tác phẩm. Tranh Lưu Vũ Long luôn tràn ngập các loại con-người-vật, một thế giới không thể xác định chính xác danh tính, chủng loài; lơ lửng và lộn xộn ken đặc trong một (tưởng chừng như) mặt phẳng rực rỡ. Sẽ là vội vàng khi đánh giá hội hoạ của Long là Pop - ngây thơ bởi ấn tượng hình và màu ở phút quan sát đầu tiên. Chúng, không gian tưởng chỉ là mặt nền phẳng và những hình thù nghuệch ngoạc thực tế được vẽ rất cân nhắc ở các độ chuyển hoà sắc, độ đậm nhạt, nhanh chậm, to nhỏ của nét vẽ, chúng rất có không gian khi tách rời từng bộ phận và rất lý tính trong vẻ ngoài thơ ngây dễ dãi. Tranh Lưu Vũ Long vì vậy đã tạo ra hai đối cực luôn đẩy nhau gay cấn giữa các cặp quan hệ thuần chất hội hoạ: hình và nền, nét và mảng, không gian và nhịp điệu, chúng là một mâu thuẫn sôi nổi giữa mục đích tạo ra tác phẩm (hoàn chỉnh) và thao tác hội hoạ thuần tuý (bất tận) nhằm duy trì đời sống nghệ sĩ.
Hoạ sĩ Lưu Vũ Long.
Tác phẩm của hoạ sĩ Lưu Vũ Long.
Vũ Trung tốt nghiệp chuyên ngành hội hoạ sơn mài ở bậc đại học và sau đại học, những tác phẩm đáng nhớ nhất của anh cũng thuộc thể loại hội nhiều yêu cầu kỹ thuật này. Tranh sơn mài của Vũ Trung không có tính trang trí phổ biến như phần lớn các tác phẩm sử dụng chất liệu xuất phát từ truyền thống tạo tác đồ gia dụng vẫn khai thác; chúng giàu chất hội hoạ và gần với hội hoạ trừu tượng bởi chúng hướng tới sự khái quát thuần khiết của nhịp điệu nét, mảng, lớp không gian và màu sắc. Loạt tranh tròn của Vũ Trung càng chứng tỏ chủ đích bỏ qua sự chi phối của phối cảnh hiện thực dù chúng vẫn gợi ra những đặc điểm của phong cảnh thiên nhiên với rặng cây, bóng nước… chúng là những chỉnh thể của năng lực làm chủ chất liệu, làm chủ tiết tấu đường nét, các lớp màu lao xao dưới mặt phẳng nhẵn bóng và sâu mang giá trị thẩm mỹ của một tâm hồn nghệ thuật lãng mạn.
Hoạ sĩ Vũ Trung.
- Ảnh:
Tác phẩm của hoạ sĩ Vũ Trung.
Hoàng Duy Vàng từng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật Việt Nam) bởi sự năng nổ trong hoạt động nghệ thuật và sự táo bạo trong sáng tác. Không quá lời khi cho rằng hội hoạ của Hoàng Duy Vàng có tính thách thức bậc nhất trong giới mỹ thuật trong nước, nó thách thức các quan niệm vẽ hình, bố cục tranh và thói quen sử dụng vật liệu vẽ thông dụng. Mặc dù chủ yếu dùng sơn dầu, nhưng không thể khẳng định tuyệt đối, những tác phẩm của Hoàng Duy Vàng là tranh hội hoạ theo nghĩa trên mặt phẳng hai chiều truyền thống; chúng phần nào có thể coi như phù điêu của nghệ thuật điêu khắc bởi đôi khi là những hỗn hợp sơn và chất tổng hợp dày tới dăm bảy cm đều khắp diện tích bề mặt. Tác phẩm của Hoàng Duy Vàng triệt tiêu hoàn toàn mọi dấu vết có thể liên quan tới các tuyến tính tạo hình, tạo nghĩa. Một cách cực đoan nhất, chỉ có thể thưởng thức chúng theo sự tồn tại thuần vật chất, thuần tính lý hoá và màu sắc. Sáng tạo của Hoàng Duy Vàng nếu cần tìm hiểu chỉ có thể đặt vào quan niệm nghệ thuật của trường phái Tối thượng (hoặc Siêu việt - suprematism) với tác giả Kazimir Malevich (1879-1935) nổi tiếng với những bức tranh hình vuông đen tuyệt đối. Và như Malevich từng nói (những lời được coi như tuyên ngôn đầu tiên của trường phái Tối thượng): “Thật hạnh phúc khi diện mạo tranh vuông của tôi không giống với bất kỳ bậc thầy nào, không tài nào phát hiện được chúng thuộc thời kỳ nào. Chẳng đúng thế ư? Tôi chẳng vâng lời bậc cha chú và chẳng hề giống họ. Tôi là một tầng bậc (mới)…”.
Hoạ sĩ Hoàng Duy Vàng.
Tác phẩm của hoạ sĩ Hoàng Duy Vàng.
Một điểm chung của nhóm trong triển lãm đó là cả 5 người đều có những tác phẩm cảm hứng từ một số tác phẩm của nhà thơ, dịch giả Dương Tường và có những sáng tạo kết nối giữa thi ca và hội hoạ. Các nghệ sĩ đã tìm thấy ở nghệ thuật thi ca của Dương Tường những khích lệ lớn về tinh thần sáng tạo vượt hình thức thông thường, tiếp cận những vùng mới mẻ của lãnh địa nghệ thuật tưởng không còn chỗ trống. Triển lãm của họ, vì vậy sử dụng tên từ tác phẩm thơ thị giác đầy thể nghiệm tiên phong những năm 70 của Dương Tường. Ngay cả cái tên “Nhật trình dài” của triển lãm cũng là gợi ý từ trích đoạn tác phẩm “Ngày” của Dương Tường được ông viết vào năm 1976). Cùng năm với “Đàn” - những trang “thơ” hoàn toàn có thể xem như những tiểu hoạ đầy gợi mở cảm nhận âm thanh từ các kí hiệu, nhịp điệu đường nét, màu sắc của nghệ thuật hội hoạ.
“Nhật trình” từng là tên gọi phổ biến trước đây của những tờ báo ra hàng ngày, do đó, ý tứ về hoạt động sáng tác của các nghệ sĩ cũng phần nào nằm ngay trong tên gọi của triển lãm. Công việc sáng tác của họ là công việc hàng ngày, là đường dài không đích đến, cái họ cần, ngoài kiên định cá nhân còn là sự ghi nhận của công chúng, giới nghề thông qua các hoạt động triển lãm mà chặng đường của “Nhật trình dài” tại Mai Gallery là một tất yếu chuyên nghiệp. Đường dài không đích đến bởi đi trên đó đã là mục đích, khổ đau và hạnh phúc của người làm nghệ thuật.
P.V
VNQD