Dòng chảy

Trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn

Thứ Hai, 27/11/2023 12:20

 Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, Báo Lao Động phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra trang trọng và ấn tượng vào tối 26/11/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Dự chương trình có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi.

Trải qua nhiều vòng chọn lọc, chấm điểm, Ban tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn đã lựa chọn ra 13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết có chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu của cuộc thi để trao giải. Đây đều là những tác phẩm xuất sắc đã đưa đời sống tinh thần của người công nhân, cán bộ công đoàn hay cả những góc khuất trong nghề nghiệp, những khó khăn vất vả, hay sự đổi mới sáng tạo trong lao động sản xuất ở các doanh nghiệp đến gần hơn với bạn đọc, với xã hội.

BTC trao giải cho các tác giả đoạt giải nhất.

Ban tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn đã trao giải nhất thể loại truyện ngắn cho tác phẩm Con đường của Hạ của tác giả Trịnh Thị Phương Trà; ở thể loại tiểu thuyết là tác phẩm Hoa xương rồng của tác giả Nguyễn Trí.

Con đường của Hạ khắc họa thân phận của những người phụ nữ sống trong khu trọ nghèo, họ nương tựa chia sẻ với nhau bởi cuộc đời đã đầy những mất mát thăng trầm, biến cố. Chỉ có tình yêu thương, sự thấu hiểu mới an ủi được nhau, giúp đỡ được nhau đi qua sóng gió cuộc đời, và quan trọng là làm ấm nóng lên trái tim mỗi con người. Truyện mang đậm chất liệu đời sống, hơi thở đời sống một cách tự nhiên.

Tiểu thuyết Hoa xương rồng là câu chuyện dài Nguyễn Trí viết về một gia đình lao động, nguyên mẫu chính là gia đình của tác giả. Cuộc mưu sinh nào cũng chứa đựng rất nhiều câu chuyện, rất nhiều số phận. Trong một bối cảnh chung, mỗi người sẽ đem đến một góc nhìn, một thông điệp riêng…

Tác giả Trịnh Thị Phương Trà chia sẻ: Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, còn nhiều nỗi lo, cơm áo gạo tiền vẫn chập chờn trong nỗi lo của người công nhân lao động nghèo thì ở nơi này nơi kia vẫn còn rất nhiều công nhân nghèo giữ được vẻ đẹp thuần khiết trong tâm hồn của họ và chính điều đó làm cho cuộc sống này đẹp hơn.

BTC trao giải cho các tác giả đoạt giải nhì.

Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi cho biết: Đọc các tác phẩm chúng ta thấy hiện thực cuộc sống tràn đầy, ngồn ngộn; đó là trải nghiệm về cuộc sống người công nhân nơi xóm trọ, là những quan hệ chằng chịt nơi nhà máy, là những lo toan, trăn trở khi cuộc sống của công nhân còn nhiều khó khăn, và cả niềm vui vỡ òa khi cán bộ công đoàn bảo vệ thành công, mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động. Hình ảnh người công nhân Việt Nam dù còn khó khăn nhưng luôn có niềm tin về tương lai phía trước, sống tử tế, chân thành, biết chia sẻ và khát vọng cống hiến; hình ảnh Công đoàn Việt Nam đang chuyển mình đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng được nhiều tác phẩm thể hiện rất thành công.

Bên cạnh hai giải nhất, Ban tổ chức cũng trao bốn giải nhì, sáu giải ba và 12 giải khuyến khích.

Giải nhì ở thể loại truyện ngắn được trao cho các tác phẩm: Hệ sinh thái và cánh diều của cha của tác giả Nguyễn Thị Oanh và tác phẩm Nước mắt Mặc Nưa của tác giả Tống Phước Bảo. Giải nhì ở thể loại tiểu thuyết được trao cho các tác phẩm: Nhân quả của tác giả Đoàn Hữu Nam, Phía sau tiếng sóng của tác giả Trương Anh Quốc.

BTC trao giải cho các tác giả đoạt giải ba.

Giải ba thể loại truyện ngắn thuộc về ba tác phẩm: Chim di của tác giả Nguyễn Thị Tường Linh, Thu ngân viên ngành điện của tác giả Bùi Thị Anh Thơ, Tiếng chổi tre của tác giả Đặng Đình Liêm. Ba tác phẩm đồng giải ba thể loại tiểu thuyết lần lượt trao cho Thời gian trong cõi tạm của tác giả Hoàng Việt Hằng, Gái nông trường của tác giả Phạm Văn Long, Bể than Đông Bắc của tác giả Đặng Huỳnh Thái.

Tác giả Bùi Thị Anh Thơ chia sẻ: Thu ngân viên ngành điện là truyện ngắn kể lại chính câu chuyện của chị trong những ngày đầu bước vào ngành điện lực. Đó là những ngày đầy gian khổ, thách thức nhưng đã giúp chị hiểu hơn và yêu hơn công việc mà chị đã lựa chọn, đam mê. Đó cũng là bước đệm, là nền tảng để bây giờ, khi đã trở thành một kĩ sư điện chị càng thấm thía hơn giá trị của lao động cũng như những chia sẻ, giúp đỡ từ các đồng nghiệp và mọi người xung quanh.

Theo trưởng ban chỉ đạo cuộc thi, cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân - người lao động, công đoàn, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học - nghệ thuật nước nhà. Thông qua các tác phẩm văn học, giúp xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức Công đoàn đối với người lao động và đất nước hiện nay. Cuộc thi cũng khẳng định đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của người lao động, vai trò và hoạt động của tổ chức Công đoàn đã và luôn là nguồn chất liệu vô tận đối với những tác phẩm văn học, từ đó tạo ra những tác phẩm có giá trị văn chương, có tính nhân văn cao cả, khơi dậy tình yêu đất nước, yêu công việc, yêu Công đoàn và khát vọng cống hiến của mỗi người lao động.

BTC, đại biểu chụp ảnh kỉ niệm cùng các tác giả đoạt giải.

"Chúng tôi kì vọng Cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2021 - 2023 sẽ khơi nguồn mạnh mẽ sáng tác văn học về đề tài này trên văn đàn Việt Nam, thúc đẩy và tạo thành phong trào sáng tác văn học và văn hóa đọc rộng khắp hơn nữa trong công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn", Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi nhấn mạnh.

Đề tài công nhân, người lao động từng đóng vai trò chính trong dòng chảy văn học nước nhà thời kì dân tộc ta vừa dựng nước vừa giữ nước. Người công nhân đã trở thành hình tượng nghệ thuật quen thuộc trong văn học. Cuộc thi lần này thêm một lần khẳng định vai trò của người công nhân, ý nghĩa của tổ chức công đoàn, qua đó nhấn mạnh: Văn học góp phần xây dựng con người, xây dựng văn hóa Việt Nam.

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)