Hiện thực không đơn thuần là tấm gương phản chiếu nghệ thuật hay chất liệu cho nghệ thuật, mà từ lâu, hiện thực đã trở thành nghệ thuật theo những cách nhìn, góc nhìn riêng của mỗi nghệ sĩ. Hiện thực trong nghệ thuật đem đến cho công chúng sự tinh tế, lắng đọng, gần gũi, bởi vậy mà câu chuyện nghệ thuật từ hiện thực cũng trở nên nhẹ nhõm và tự nhiên hơn. Những bức tranh được trưng bày tại triển lãm Nhóm Hiện Thực+ đã thể hiện rõ nét điều đó.
Thành lập được chín năm, nhóm Hiện Thực đã bốn lần thực hiện triển lãm nhóm. Đây là cuộc triển lãm nhóm lần thứ năm. Triển lãm đã được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chiều 23/11/2023. Điều đáng chú ý là, triển lãm lần này, các hoạ sĩ trong nhóm Hiện Thực đều cho thấy sự vững vàng và chín chắn hơn trong các tác phẩm của mình.
Các hoạ sĩ tham gia triển lãm nhóm Hiện Thực+.
Phát biểu tại khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Cho đến lúc này, hiện thực chưa bao giờ cũ cả. Hiện thực vẫn tiếp tục lùi lũi một con đường của nó. Đất nước và bản thân đời sống Việt, phong cảnh Việt, tâm hồn Việt vẫn được các nghệ sĩ lưu giữ trên từng tác phẩm. Tôi nghĩ đây không phải là cuộc cạnh tranh giữa nghệ thuật hiện thực hay siêu thực hay lập thể hay trừu tượng, ở đây không có sự tranh chấp ấy. Nhóm Hiện Thực vẫn nhẹ nhõm bước về phía trước, giữ lại bằng được ngôn ngữ của họ, trong mỗi cá nhân vẫn đầy tiếng nói riêng biệt. Họ hóa thạch trong giây phút những gì đẹp nhất của người Việt. Đó là sự lựa chọn chuẩn xác của các bạn. Các bạn vẫn kiên trì đi và cảm nhận. Những người trẻ đã không núp bóng vào di sản và thế hệ trước.
Với phong cách cổ điển Lê Cù Thuần vẽ cuộc sống, con người vùng cao, nơi quê hương bản quán của anh, nơi anh thấu hiểu nhất. Những tác phẩm của anh thể hiện sự chân thành, cảm xúc, gần gũi như thể anh đang kể chính tâm trạng mình, những gì mình cảm nhận. Sự mơ màng, lãng đãng, tinh khiết, trong trẻo mà người xem cảm nhận được làm cho hiện thực mà họa sĩ khắc họa càng trở nên chân thực, sinh động hơn.
Tác phẩm của hoạ sĩ Lê Thế Anh.
Cũng với đề tài vùng cao, Lê Thế Anh khắc họa sự gắn bó giữa con người và động vật bằng những sắc màu đường nét đầy tình cảm, lắng đọng. Hình ảnh em bé ôm ấp con mèo nhỏ hay nép mình con ngựa, còn bò trong không gian miền núi gợi lên nhiều cảm xúc. Họa sĩ Lê Thế Anh chia sẻ: “Với tôi, vùng cao là đề tài máu thịt, nơi tôi có thể ăn đời ở kiếp, ngụp lặn trong cảm xúc bất tận của hội họa. Mỗi ánh mắt, gương mặt, con người nơi đây mang một vẻ đẹp riêng biệt, lôi cuốn, giúp tôi có được tấm vé thông hành đi vào lãnh địa của những yêu thương.
Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Bảy như sự kiếm tìm sự bình yên, như chưng cất đời sống này để thấy được vẻ lắng đọng thực sự hiện diện ở những góc vườn, mặt ao… Đó là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc thân thiết với mỗi tâm hồn Việt. Sự tĩnh lặng của không gian ấy đưa đến những tĩnh tại đang suy ngẫm trong nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh: “Tôi yêu thích sự thanh bình yên ả của cuộc sống vùng nông thôn. Nó đối lập hoàn toàn với sự xô bồ ở cuộc sống đô thị, nơi tôi đang sống. Chỉ khi vẽ những không gian tĩnh lặng như vậy tôi mới tìm được chính mình”.
Tác phẩm của hoạ sĩ Phạm Bình Chương.
Họa sĩ Phạm Bình Chương, trưởng nhóm Hiện Thực tham gia triển lãm với những bức tranh tập trung vào góc hẹp hơn, chi tiết hơn, thể hiện rõ nét hơn điều mà họa sĩ muốn biểu đạt. Hiện thực trong tranh Phạm Bình Chương vừa có những khoảng lặng lại vừa tạo ra những chuyển động âm thầm. Quan sát kĩ ta sẽ thấy sự hài hòa, nhuần nhuyễn trong kĩ thuật và cảm xúc gợi ra những điều mới mẻ và riêng biệt, không thể lẫn.
“Cuộc sống và thể nghiệm mối tương giao giữa sự hư vô, mối quan hệ có, không và trung đạo. Hòa theo dòng pháp, ở sự buông thư, tôi tìm được sự sáng tạo vô ngã.” Đó là những chia sẻ về sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Đoàn Văn Tới. Hội họa của anh khai thác đề tài Phật pháp với hình thức biểu đạt tươi trẻ, dễ xem. Xuyên suốt các thực hành của Đoàn Văn Tới là sự đối thoại giữa chủ thể với thiên nhiên. Không có thứ gì có thể tự nó hiện hữu được, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong vũ trụ. Đó là quy luật nhân duyên (cái này sinh cái kia), sự liên quan mật thiết của mọi sự vật, luôn luôn hỗ tương (có tác dụng qua lại lẫn nhau) nhau. Anh lựa chọn sự phản ánh tự nhiên thông qua lụa và đi sâu hơn vào tính nguyên thuỷ của mỗi sự vật hiện tượng.
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Toán.
Họa sĩ Nguyễn Toán từng được biết đến là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đoạt giải màu nước quốc tế tại Mĩ do Watercolor Artist - tạp chí uy tín hàng đầu về màu nước ở Mĩ - tổ chức. Anh quan niệm, nghệ thuật bộc lộ bản chất của nghệ sĩ. Những bức tranh của anh thể hiện một mĩ cảm riêng, đó là mĩ cảm về cuộc sống, con người hay một lát cắt, một khoảnh khắc nào đó. Những gì họa sĩ quan tâm, yêu thích hay lo lắng đều trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ thuật của anh
Họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh muốn dùng lí trí, cảm xúc đi đến tận cùng bên trong bản thân, cuối cùng để thấy được sự trung thực và hiến thân tuyệt đối cho nghệ thuật. Anh đi tìm cái tĩnh tại sau giai đoạn vẽ biểu hiện. Hình tượng người phụ nữ với tâm trạng đầy lo âu và cô đơn nay đã tự tin và duyên dáng hơn. Có lẽ, anh đã tìm được câu trả lời của mình về thân phận người phụ nữ hiện đại.
Tác phẩm của hoạ sĩ Lưu Tuyền.
Họa sĩ Lưu Tuyền làm nên sự hài hòa, cân đối vừa màu sắc vừa hình khối từ những sự nứt vỡ của bề mặt gốm. Những vết rạn ẩn chứa những trầy xước, những ngổn ngang, hay những khuyết thiếu của đời sống nên được chấp nhận như một vẻ đẹp khác? Ở tác phẩm của Lưu Tuyền mọi sự tốt xấu, cao thấp, sang hèn, đều được hòa quyện cùng nhau. Bộ tranh về bề mặt nứt vỡ của đồ gốm cổ của anh rực rỡ và dày dặn hơn như khẳng định sự hiểu rõ cái tính "hiển nhiên" của sự sống.
Điều đặc biệt là, ở triển lãm lần này, nhóm Hiện Thực mời những hoạ sĩ vẽ hiện thực và cả siêu thực (Trịnh Lữ, Hồ Hưng, Nguyễn Chung) cùng trưng bày. Rất hiếm khi hai trường phái này cùng được bày ở một triển lãm. Người xem có thể so sánh, quy chiếu hai phong cách để tìm ra quá trình tiếp biến của hiện thực. Họa sĩ Trịnh Lữ với những bức tranh tĩnh vật và chân dung chứa đựng gói ghém nhiều cảm xúc và sự cô đọng. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung cao tay với những bức vẽ siêu thực đầy màu sắc và ý niệm. Với anh, chủ nghĩa siêu thực như một tấm gương phản chiếu chủ nghĩa hiện thực. Với họa sĩ Hồ Hưng, hội họa là cuộc sống, những lúc tĩnh lặng đứng trước những sáng tạo, anh nhận ra chính mình. Sự đan xen, kết hợp/kết nối với những khách mời tạo cho nghệ thuật những đối thoại mở vô cùng thú vị.
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Văn Chung.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp bày tỏ: Triển lãm cho chúng ta thấy sự phong phú, đặc sắc. Hiện thực ở đây được hiểu nghĩa rất hàn lâm. Các tác phẩm xuất phát từ hiện thực xã hội, con người, đời sống; đáp ứng những yêu cầu thẩm mĩ, ý tưởng, tư tưởng trong con người chúng ta. Mỗi người là một thế giới. Nhóm nói lên những tình cảm tinh tế nhất, phức tạp nhất, cũng gần gũi nhất, từ cái nhìn trực diện đến tư duy bên trong. Nghệ thuật làm giàu và phong phú tình cảm cho mỗi con người. Mỗi triển lãm nhóm lại cho thấy sự hoàn thiện hơn bằng chính tư duy nghệ thuật của mình.
Triển lãm Hiện Thực+ kéo dài đến 29/11/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
HOÀI PHƯƠNG
VNQD