Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam bằng bản lĩnh và trí tuệ, bản chất và truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ hợp tác, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Góp phần vào những thành tựu vẻ vang ấy, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, then chốt trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Nhân dịp Kỉ niệm 79 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (22/12/1944 - 22/12/2023), Văn nghệ Quân đội đã có cuộc đối thoại với đồng chí Trung tướng Lê Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Tổng cục Chính trị về chặng đường phát triển và trưởng thành với nhiều dấu mốc lịch sử. Bài đối thoại sẽ mở đầu tạp chí số đặc biệt tháng 12.
“…Sau bài hát Tiến bước dưới quân kì, năm 1971 Tổng cục Chính trị cử tôi đi học ở Liên Xô. Đó là bước ngoặt đối với cuộc đời âm nhạc của tôi. Nếu không được Tổng cục Chính trị cho đi học, tôi đã không thể viết được những tác phẩm lớn sau này ở các thể loại thanh xướng kịch, giao hưởng, opera…” Đó là những chia sẻ của nhạc sĩ Doãn Nho với VNQĐ. Bài trò chuyện mang tên Âm nhạc mang hồn dân tộc khắc hoạ rõ nét hơn về cuộc đời, sự nghiệp của người nhạc sĩ cách mạng này.
Phần Văn xuôi được tiếp tục với các truyện ngắn: Lính vệ quốc ghiền trà của Hồ Tĩnh Tâm, Dưới những cơn mưa dài của Nguyễn Thị Như Hiền, Cánh chim hồng hộc của Hoàng Kiến Bình, Lucky của Hoàng Phương Nhâm.
Lính vệ quốc ghiền trà kể về cuộc chiến tranh vệ quốc của những người lính Nam Bộ từ kháng chiến chống Pháp sang kháng chiến chống Mĩ. Nổi bật trong đó là nhân vật Hai Đức và Hai Nho, những người lính mang trong mình chất dân dã, mộc mạc, phóng khoáng… Họ đã chiến đấu và cống hiến cả đời mình cho quê hương, và dù ở vị trí nào họ cũng vẫn gắn bó với những gì thân thuộc nhất, như vị trà quê nhà…
Dưới những cơn mưa dài kể về cuộc sống của những người nghèo khó, bất hạnh nơi thành phố. Ông Miên và Dũng, mỗi người mỗi hoàn cảnh, họ đã xích lại gần nhau hơn nhờ … một con chó tội nghiệp. Đời sống, mưu sinh dường như muốn đẩy họ đến bước đường cùng, nhưng tình yêu thương, sự sẻ chia, nhân ái trong mỗi người đã trở thành ánh sáng, trở thành hơi ấm để họ tiếp tục hi vọng.
Cánh chim hồng hộc là câu chuyện lịch sử kể về công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước thời nhà Trần. Nhân vật trung tâm của truyện là Yết Kiêu, người tướng giỏi, bằng sự dũng cảm, mưu trí đã giúp Hưng Đạo vương vượt qua những nguy nan. Không chỉ là lịch sử, truyện tôn vinh sự thuỷ chung của tình yêu đôi lứa, sự tận trung của người lính với đất nước giang sơn.
Lucky kể về nhiệm vụ của những người lính hôm nay, dù là trong cơn đại dịch hay trong những nhiệm vụ thường trực thì bên cạnh trách nhiệm, người lính vẫn luôn có những ứng xử và lựa chọn đầy tình nghĩa. Chú chó Lucky là điểm nhấn để câu chuyện được đẩy đi xa hơn và cũng từ đó mở ra những điều mới mẻ, thú vị.
Số này, VNQĐ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc kì hai của chùm bút kí Những vì sao biên giới: Chuyện về những người cha của nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ. Hình ảnh những người cha mặc áo lính được khắc hoạ rất đỗi bình dị mà ta thấy được những lớn lao, vĩ đại. Những câu chuyện về người lính nơi biên cương của Tổ quốc đưa đến nhiều xúc động và đáng suy ngẫm…
Bên cạnh đó, phần này còn có ghi chép Ước vọng đi qua chiến tranh của Nguyễn Luân, đó là kí ức chiến trường của những cựu binh ở Lạng Giang, Bắc Giang; kí ức lính Kỉ niệm ở bản Ông Từ của Nguyễn Hùng Sơn; tản văn Những món quà của núi của Bàn Hữu Tài.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu truyện ngắn Huynh đệ đường thôn của Dương Đức Khánh.
Phần Thơ số này mang đậm đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Từ những bài thơ viết về đề tài chiến tranh cách mạng đã vang lên một tinh thần vượt lên đau thương, vượt lên mọi khó khăn gian khổ để chiến đấu, chiến thắng kẻ thù; hình ảnh người lính dù là trong chiến tranh hay thời bình đều được khắc hoạ chân thực, với vẻ đẹp của ý chí và tâm hồn. Bên cạnh đó là những đề tài về tình yêu, quê hương, cuộc sống cũng được các tác giả thể hiện một cách ấn tượng. Sự góp mặt của những tác giả thân quen và những tác giả lần đầu xuất hiện làm nên sự đa dạng trong giọng điệu, phong cách cho trang thơ số này.
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Phan Tùng Sơn cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Chạm vào đâu cũng ngỡ thịt da mình của Tống Phước Bảo giới thiệu tập thơ Muôn hồi nắng cũ của Nguyễn Thanh Hải.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Dấu cảm thán của nhà văn Nga Anton Chekhov do Đào Tuấn Ảnh chuyển ngữ.
Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Ngô Vĩnh Bình, Tâm Anh, Đỗ Viết Nghiệm, Đặng Thị Bích Hồng, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Minh Khiêm, Trần Văn Trọng, Lê Thị Hường, Lê Quang Trạng, Chi Anh, Đỗ Bích Thuý.
Thủ trưởng Út Lê như tôi biết là bài viết đầy chân thực và cảm xúc về Thượng tướng Bùi Văn Huấn, một vị tướng của trận mạc, gắn bó với quần đảo Trường Sa, gần dân thương dân và gần… cấp dưới!
Truyện ngắn giai đoạn 1945 - 1954 nói chung và trên Tiên phong và Văn nghệ nói riêng phát triển trong một bối cảnh lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ðây vừa là thời kì mở đầu, đắp nền cho văn học mới vừa là bước chuyển tiếp lịch sử ghi nhận nhiều thay đổi triệt để và sâu sắc, từ quan niệm nghệ thuật cho tới thực tế sáng tác. Bài viết Vài nét về truyện ngắn trên Tiên phong và Văn nghệ giai đoạn 1945 -1954 sẽ bàn kĩ hơn về điều này.
Âm hưởng sử thi co giãn theo mạch xúc cảm. Cao độ, trường độ của xúc cảm khác nhau tạo ra các cung bậc khác nhau của âm hưởng sử thi. Từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, trong dòng chảy của văn học cách mạng Việt Nam, nhiều trường ca đã ra đời. Bài viết Âm hưởng sử thi trong trường ca hiện đại Việt Nam sẽ có những kiến giải về chủ đề này.
Còn nhiều bài viết hấp dẫn, mang tính phân tích, kiến giải, luận bình về các lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Những đề tài cũ được nhìn nhận theo những nghiên cứu mới; những chân dung và tác phẩm được lí giải, phân tích kĩ lưỡng; những câu chuyện, trao đổi về nghề viết sẽ góp phần làm nên sự phong phú cho phần này.
Tạp chí VNQĐ số đặc biệt 1026 + 1027 dày 200 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 30/11/2023. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, 79 năm - một hành trình vẻ vang 3. Hồ Tĩnh Tâm Lính vệ quốc nghiền trà 12. Nguyễn Hùng Sơn Kỉ niệm ở bản Ông Từ 22. Nguyễn Xuân Thuỷ Những vì sao biên giới: Chuyện về những người cha 26. Dương Đức Khánh Huynh đệ đường thôn 53. Bàn Hữu Tài Những món quà của núi 61. Nguyễn Thị Như Hiền Dưới những cơn mưa dài 65. Hoàng Kiến Bình Cánh chim hồng hộc 74. Nguyễn Luân Ước vọng đi qua chiến tranh 100. Nguyễn Thanh Tâm Nhạc sĩ Doãn Nho: âm nhạc mang hồn dân tộc 121. Hoàng Phương Nhâm Lucky 131
Thơ
Đỗ Thế Tuấn Khoảng trời người lính; Bến sông xưa; Mùa hoa cau 37. Đỗ Ngọc Thứ Khánh ơi!; Rau đắng 40. Quang Chuyền Nhớ Văn Lê; Đêm bến Bạch Đằng 43. P.N.Thường Đoan Tiếng chuông; Gửi người phụ nữ không quen; Cánh đồng hoan ca 45. Trầm Hương Hoa xuyến chi 49. Phan Bá Linh Đêm trước giờ xuất kích 51. Bình Nguyên Trang Những mùa trăng ta đã quên; Sóng; Đôi khi 83. Phạm Vân Anh “Thần đèn” áo lính; Mùa yêu của lính; Nắng chín 87. Ngô Thanh Vân Bàn tay con; Trên những tầng mây 90. Mai Tuyết Như là huyền thoại; Dự cảm cho mùa đông 92. Tống Phước Bảo Chạm vào đâu cũng ngỡ thịt da mình (Đọc “Muôn hồi nắng cũ” của Nguyễn Thanh Hải) 94. Hoàng Quý Gọi người; Tới Cấm Sơn nhớ thi sĩ Thôi Hữu; Hà Nội thu rồi khoe mắt lá răm 140. Lê Na Với sương chiều Sơn Phú; Tiếng khèn trăng Khuổi Củng 143. Nguyễn Đăng Độ Trở lại Tuyên Quang; Kí ức Truông Bồn 145. Hoàng Anh Tuấn Bao nhiêu lành rách cũng vừa toả hương; Vùng quế 147. Ngô Đức Hành Nhảy sạp; Truyền thuyết 149. Mai Thế Hùng Vẫy thơm cát; Chuyến đi… 151. Trần Việt Hoàng Đêm thao trường; Ngày tưởng tượng 153. Nguyễn Trọng Luân Tiếng chim đêm ở Trại Cau 161. Lâm Minh Thường Chiếc áo rằn ri 162. Nguyễn Vũ Điền Nhớ đồng đội 163. Nguyên Hà Sao anh chưa về lại 164. Myo Trăng Tú Lệ 165. Thy Lan Mắt bà ở phía khơi xa 166. Nguyễn Thị Vân Ngà Những tấm bản đồ 167. Đinh Thị Hường Có giây phút nhọc nhằn giông bão 168. VNQĐ giới thiệu thơ Phan Tùng Sơn: Lời cây mù u trên đảo Sơn Ca; Tịnh khúc; Lên núi tìm trăng 169.
Văn học nước ngoài
Anton Chekhov
Dấu cảm thán (Đào Tuấn Ảnh dịch và giới thiệu) 155.
Bình luận văn nghệ
Ngô Vĩnh Bình Thủ trưởng Út Lê như tôi biết 106. Tâm Anh Bất chợt mai vàng 109. Đỗ Viết Nghiệm Nhớ những nhà văn áo lính đã về miền mây trắng 113. Đặng Thị Bích Hồng Đọc Nguyễn Quang Thiều từ những âm vang đại tự sự về chiến tranh và hoà bình 116. Nguyễn Hữu Sơn Bác Hồ với giới trí thức Nam Bộ trong Cách mạng mùa thu 1945 172. Nguyễn Minh Khiêm Âm hưởng sử thi trong trường ca hiện đại Việt Nam 176. Trần Văn Trọng Vài nét về truyện ngắn trên Tiên phong và Văn nghệ giai đoạn 1945 – 1954 182. Lê Thị Hường Rừng, truyền thuyết và tiểu thuyết 186 Lê Quang Trạng Tôi đang tìm kiếm một thành phố cho mình 191. Chi Anh Vài nét khái quát diện mạo điện ảnh Hàn Quốc 194. Đỗ Bích Thuý Bà Minh của tôi 198.
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Giữ biển Tranh của họa sĩ Hồ Minh Quân
Minh họa: Trương Đình Dung, Đỗ Dũng, Lê Trí Dũng,
Nguyễn Văn Đức, Công Quốc Hà, Hải Kiên, Ngô Xuân Khôi,
Đặng Tiến, Lê Anh Vân, PV,...
VNQD