Công tác tuyên huấn trong quân đội là một mặt công tác rất quan trọng trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, trực tiếp xây dựng bản lĩnh chính trị và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của người quân nhân cách mạng trong thời kì mới.
Trong các hoạt động tuyên huấn toàn quân hướng tới kỉ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của quân đội đã và đang diễn ra, Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị luôn chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đoàn kết phấn đấu, phát huy tinh thần cách mạng, không ngừng vươn lên khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhân dịp này, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) có cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Văn Đức - Cục trưởng Cục Tuyên huấn với chủ đề “Tuyên huấn phải để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người chiến sĩ”. Cuộc trò chuyện nằm trong loạt bài đối thoại, phỏng vấn của VNQĐ chào mừng kỉ niệm 79 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Bài trò chuyện sẽ mở đầu tạp chí số 1024.
Phần Văn xuôi với chùm truyện ngắn Một quãng sông quê của Trần Văn Thước, Ba ông già ở Vũng Lấm của Hồ Loan, Nhân gian khóc cười của Nguyên Chương, Gia đình của Nguyễn Huy Súc; ghi chép Giấc mơ chỉ lối của Nguyễn Tiến Lợi; kí ức lính Lần công tác đặc biệt của Phạm Huy Cương.
Một quãng sông quê là câu chuyện đẹp của những người bạn cùng được sinh ra và lớn lên ở một miền quê. Những kỉ niệm ấu thơ, những rung động đầu đời, những bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người, chiến tranh, thời cuộc, được mất … Tất cả được đan xen, hòa trộn để tạo nên một khúc sông có êm đềm, có sóng gió, nhưng lắng sâu nhất vẫn là những gì chân thành nhất những người bạn dành cho nhau, dành cho quê.
Ba ông già ở Vũng Lấm cuốn hút người đọc bởi bên cạnh những chi tiết mộc mạc chân thực gần gũi là những câu chuyện huyền hoặc, liêu trai. Những câu chuyện ấy đã gợi mở ký ức cũ xưa trong mỗi người, nhắc họ nhớ về những điều mà lẽ ra không được lãng quên…
Nhân gian khóc cười thấm đẫm không gian miền Tây sông nước với những nỗi buồn dằng dặc của người con gái mê cải lương. Những câu hát thân phận như đã ngấm vào cuộc đời Út Đẹt nhưng không phải bởi vì cô mê cải lương như người ta nghĩ, mà bởi vì không ai chia sẻ và thấu hiểu những nỗi niềm sâu thẳm trong con người đầy đam mê nghệ thuật của cô.
Gia đình là câu chuyện đầy xúc động về tình cảm gia đình. Cha hi sinh, mẹ mất, Đại ở với chú thím và được chú thím nuôi dưỡng, cho ăn học nên người cùng với hai người con trai của chú thím, cậu được xem như người con trai cả của chú thím. Lớn lên, Đại và hai người em đều xung phong đi bộ đội. Chiến tranh, loạn lạc, nhiệm vụ… đã chia cách họ. Để rồi ngày Đại trở về, biết bao ngậm ngùi, biết bao òa vỡ…
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Những mùa lũ của Lưu Thị Mười.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Đỗ Trọng Khơi, Lê Văn Vỵ, Nguyễn Trọng Văn, Vũ Thị Kim Chi, Trần Thắng, Lê Huy Mậu, Diệu Thoa, Trần Thế Vinh, Mai Diệp Văn, Nguyễn Trọng Lĩnh, Trần Thị Huyền Trang, Đỗ Huy Chí, Lâm Bằng, Hà Phi Phượng, Kiều Duy Khánh, Doãn Thị Ngọc Bạch.
Những lay động của cảm xúc, những câu chuyện của thực tại và kí ức đã hoà quyện vào nhau thành những bài thơ, chùm thơ giàu nhạc điệu, đa dạng trong cách thể hiện. Mỗi tác giả đã góp giọng để làm nên sự sinh động và ấn tượng cho trang thơ.
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Nguyên Như cùng chùm thơ của anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Phạm Thị Thùy Linh, Bùi Việt Thắng, Quyên Gavoye, Nguyễn Thị Lan, Lê Nga, Nguyễn Hữu Thái, Lê Hoài Nam.
Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là bậc thầy trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, ngoại giao đến văn chương nghệ thuật... Riêng trong lĩnh vực báo chí, những lời chỉ dạy của Người đã, đang và sẽ mãi là kim chỉ nam cho nền báo chí cách mạng nước ta. Bài viết Ngôn ngữ trả lời phỏng vấn báo giới của Hồ Chí Minh sẽ chứng minh rõ điều này.
“Tâm hồn Nga đầy ắp nỗi buồn dịu dàng tha thiết, hết sức nhân hậu, phải chăng trước hết vì đất nước Nga mênh mông, hùng vĩ, tươi đẹp - một vẻ đẹp sâu lắng, mang nỗi buồn xa xăm bí ẩn; vì mùa đông nước Nga dài ảm đạm với “tuyết trắng và rừng bao la”; vì mùa thu nước Nga vàng; vì thiên nhiên Nga xanh; vì nước Nga đất rộng người thưa?” Bài viết Nỗi buồn Nga đưa đến những góc nhìn nhẹ nhàng nhưng đầy triết lí về vấn đề này.
Xu thế “kiến trúc - hiện đại - bản địa” tìm đến sự giao hoà giữa con người với môi trường sinh thái và hình khối công trình. Xu thế này dù chưa hình thành rõ nét như một hệ thống, dù còn phải được tiếp tục vun đắp qua nhiều thử nghiệm hơn nữa, nhưng nếu được chăm sóc, đầu tư chiều sâu thì sẽ ngày càng phát lộ, trở thành một trong những xu thế sáng tạo chính thống, và sẽ tiệm cận tốt hơn với mục tiêu đi tìm bản sắc kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới. Bài viết Từ hai hướng phát triển kiến trúc Bắc - Nam đến kiến trúc trong một đất nước Việt Nam thống nhất, vươn ra thế giới đưa đến những góc nhìn thú vị, sâu sắc, rộng mở.
Cũng trong phần này, chúng ta sẽ đọc và gặp những bài viết, những nhân vật, những nghiên cứu thú vị và sâu sắc về các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật hôm nay.
Tạp chí VNQĐ số 1024 dày 120 trang với những bài viết thú vị dự kiến sẽ phát hành ngày 5/11/2023. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ
Tuyên huấn phải để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần
của người chiến sĩ
Trần Văn Thước
Một quãng sông quê
Nguyễn Tiến Lợi
Giấc mơ chỉ lối
Lưu Thị Mười
Những mùa lũ
Phạm Huy Cương
Lần công tác đặc biệt
Hồ Loan
Ba ông già ở Vũng Lấm
Nguyên Chương
Nhân gian khóc cười
Nguyễn Huy Súc
Gia đình
Thơ
Đỗ Trọng Khơi
Thơ dâng; Những năm…; Chiều bày bán đêm
Lê Văn Vỵ
Giải mã cúc họa mi; Hoa sim Đồng Lộc
Nguyễn Trọng Văn
Thăm mái đình xưa; Chạm vào cao nguyên đá Đồng Văn
Vũ Thị Kim Chi
Nỗi nhớ; Người đàn bà ngược núi
Trần Thắng
Hành hương; Sông chân trời
Lê Huy Mậu
Với thơ
Diệu Thoa
Với sợi tóc
Trần Thế Vinh
Lụt lên…
Mai Diệp Văn
Chỉ còn hoa giấy
Nguyễn Trọng Lĩnh
Nồi đất
Trần Thị Huyền Trang
Những ngọn đèn xưa
Đỗ Huy Chí
Con đường lông ngỗng
Lâm Bằng
Thu Lam Kinh
Hà Phi Phượng
An trú; Giả thiết
Kiều Duy Khánh
Bản mình; Dốc Cô Linh
Doãn Thị Ngọc Bạch
Tản mạn về cây phong; Gặp ở quảng trường khu phố cổ Warszawa
VNQĐ giới thiệu thơ Nguyên Như
Ngô đồng biên viễn; Sáng; Con chim kơ pốk
Bình luận văn nghệ
Phạm Thị Thùy Linh
Ngôn ngữ trả lời phỏng vấn báo giới của Hồ Chí Minh
Bùi Việt Thắng
Sự trở lại của đề tài lịch sử trên văn đàn Việt Nam hiện nay - nhìn từ phương diện văn hóa
Quyên Gavoye
Sự trường tồn của vần trong thi ca thế giới
Nguyễn Thị Lan
Nỗi buồn Nga
Lê Nga
Triết lí nhân sinh trong cảm thức thơ Hoàng Vũ Thuật
Nguyễn Hữu Thái
Từ hai hướng phát triển kiến trúc Bắc - Nam đến kiến trúc
trong một đất nước Việt Nam thống nhất, vươn ra thế giới
Lê Hoài Nam
Hai nhân vật - một nguyên mẫu
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Trên bến sông Tranh của họa sĩ Chu Đức Thắng
Minh họa: Trương Đình Dung, Bùi Quang Đức, Công Quốc Hà, Phạm Hà Hải, Hải Kiên, Quốc Thắng, Vũ Đình Tuấn, PV...
VNQD