Tôi biết đến Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga qua những bài viết về các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc với sự tham gia của Cục Gìn giữ Hòa bình, Bộ Quốc phòng (BQP) Việt Nam nên đã tìm gặp khi chị vừa trở về từ Nam Sudan. Bên ngoài, chị là một sĩ quan khẳng khái và mạnh mẽ. Khi hỏi về những hoạt động của chị và đơn vị tại Nam Sudan, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga luôn dùng đại từ “chúng tôi” để trả lời như thể muốn nhấn mạnh rằng đó là công sức của tập thể chứ không phải riêng một mình chị. Dù vậy, tôi vẫn muốn viết riêng về Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga bởi chị đã có hai nhiệm kì thành công tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên Hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan. Lần thứ nhất (năm 2018) chị là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia Phái bộ GGHB của LHQ tại Nam Sudan. Lần thứ 2 (từ tháng 5/2022- tháng 7/2023) chị là nữ Chỉ huy đơn vị đầu tiên và duy nhất (cho tới thời điểm hiện tại) tham gia đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam. Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga hiện là Phó Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ Hòa bình (CGGHB). Khi được đề nghị thực hiện phỏng vấn, ban đầu chị đã từ chối vì chị cho rằng thông tin về chị trong những năm vừa qua đã nhiều trên các kênh truyền thông, chị muốn giới thiệu những nữ sĩ quan khác tham gia nhiệm vụ ở những vị trí có phần khó khăn và vất vả hơn đối với phụ nữ. Nhưng khi tôi đề nghị muốn gặp trực tiếp, chị đã nhận lời dành thời gian cho Văn nghệ Quân đội điện tử. |
- Nhiệm kì lần thứ nhất chị đã được Phái bộ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi mặt công tác (tỉ lệ nhận đánh giá này chỉ chiếm 1-2% hàng năm). Nhiệm kì lần thứ hai chị được Bằng khen của Tư lệnh Phái bộ (chiếm 5-7% được ghi nhận). Cả 2 lần được nhận Huy chương của LHQ, khi mới nhận nhiệm vụ chị có bao giờ nghĩ mình sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như vậy không?
+ Lần đầu tiên sang Nam Sudan công tác, năm 2018, theo chủ trương của BQP nhằm thực hiện cam kết với LHQ đối với việc Việt Nam lần đầu cử nữ quân nhân tham gia nhiệm vụ GGHB, tôi không đặt mục tiêu mình sẽ làm gì, đạt được gì để khi kết thúc nhiệm kì được ghi nhận hay khen thưởng. Tôi chỉ mong muốn mình sẽ có nhiều cơ hội học hỏi các bạn bè quốc tế đã có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực GGHB. Bên cạnh đó, so với các đồng đội trong nước ở nơi biên giới, hải đảo, tôi thấy những việc mình đã làm rất khó để so sánh bởi mỗi hoàn cảnh, mỗi vị trí, nhiệm vụ có những khó khăn đặc thù riêng, cần có nghị lực, quyết tâm vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi muốn làm tốt và tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình để các nữ quân nhân tiếp nối tôi có thêm nghị lực và lòng quyết tâm rằng phụ nữ có thể làm tốt những công việc mà trước đó chỉ dành cho nam giới.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, tôi có dịp ra ngoài doanh trại tiếp xúc với nhân dân sở tại, khi ấy chỉ đơn giản tôi có lòng cảm thông với phụ nữ và trẻ em địa phương. Họ là những con người có nhiều thiệt thòi do sinh ra và lớn lên ở đất nước đang có nội chiến. Cuộc sống thiếu thốn, lạc hậu, dưới mức nghèo khổ, những nhu cầu tối thiểu như nước sạch để uống, để tắm hay một bữa ăn no hàng ngày cũng là mong ước. Do đó, tôi đã chủ động xin với Chỉ huy trực tiếp của tôi tại Phái bộ và Thủ trưởng các cấp tại Việt Nam cho phép tôi được tổ chức các hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ... Vì vậy, tôi có cơ hội góp phần nhỏ bé của mình giúp đỡ người dân bên cạnh nhiệm vụ chính.
Có nhiều đồng nghiệp ở đơn vị khác cùng Phái bộ với tôi, biết tôi là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam đã hỏi tôi rằng tôi đã có nhiều hoạt động dân vận, đã ghi hình và chụp nhiều ảnh rồi sao còn đi ra ngoài nhiều làm gì. Bởi với LHQ, công việc của tôi không có nhiệm vụ thì không được khuyến khích ra ngoài khu vực căn cứ để đảm bảo an ninh, an toàn và phòng các bệnh dịch nguy hiểm ở Châu phi (Ebola, HIV, sốt rét...). Khi tôi tình nguyện làm công tác dân vận tôi phải tự đảm bảo tính mạng của mình. Ban đầu các đồng nghiệp chưa hiểu, nghĩ rằng tôi cần có những hình ảnh đó để báo cáo về Việt Nam, phục vụ cho công tác truyền thông hình ảnh cá nhân tôi. Nhưng càng đi nhiều, càng gần gũi với người dân, càng có sự đồng cảm với họ, càng thôi thúc tôi có mong muốn có nhiều hoạt động thiết thực hơn, giúp đỡ người dân mang tính bền vững, lâu dài. Nhưng nhiệm kì của tôi chỉ có 1 năm và tham gia với tôi cũng chỉ có vài người bạn từ các nước khác. Nên những gì ấp ủ từ nhiệm kì lần đầu đó chúng tôi vẫn chưa có cơ hội thực hiện được.
Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga (bên trái) cùng các đồng nghiệp trong Phái bộ LHQ tại Nam Sudan. Ảnh: NVCC
- Vậy là hoạt động dân vận cứ tự nhiên diễn ra. Chị nghĩ gì khi mình là người đặt nền móng đầu tiên cho việc làm dân vận tại nước ngoài của bộ đội Việt Nam?
+ Khi hết nhiệm kì trở về, được nhận xét tích cực từ Chỉ huy trực tiếp của tôi tại Phái bộ; đánh giá tích cực của bạn bè đồng nghiệp các nước cùng tình cảm của người dân địa phương, thủ trưởng các cấp tại Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp của tôi. Tôi vẫn nhớ câu nói của một Thủ trưởng cấp cao nói với tôi “Chú thở phào nhẹ nhõm vì lúc cháu đi, chú rất muốn cháu phát huy tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, đó là có các hoạt động dân vận tại địa bàn. Nhưng vì an ninh an toàn, điều kiện tại địa bàn nên không giao thêm nhiệm vụ đó cho cháu, không ngờ cháu đã tự phát huy và làm rất tốt”.
Lúc đó, tôi mới nghĩ đến “dân vận”, hóa ra điều này có ở trong mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam chứ không phải riêng mình tôi. Nếu khi đó không phải tôi mà là nữ quân nhân khác, nếu có điều kiện chắc cũng sẽ làm như tôi chứ tôi không nghĩ mình làm gì to tát để là người tiên phong đặt nền móng.
- Là nữ quân nhân đầu tiên được lựa chọn đi làm nhiệm vụ quốc tế, mọi người đã ủng hộ chị như thế nào?
+ Thực ra, cuối năm 2017, khi tôi đang trong thời gian đào tạo để chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ, nhiều nam đồng nghiệp thân thiết đã có kinh nghiệm đi Phái bộ trong đơn vị đều khuyên tôi suy nghĩ có nên đi hay không vì nam giới đến đây đã khó khăn rồi, huống gì là phụ nữ.
Nhưng thủ trưởng các cấp đã rất tin tưởng và ủng hộ tôi, đã cho tôi hơn một năm không phải làm việc chuyên môn để chuyên tâm đào tạo, huấn luyện trước khi lên đường. Vì là người đầu tiên, tôi cũng sẽ có nhiều cơ hội học tập ở nước ngoài hơn các bạn đồng nghiệp. Vì vậy tôi tự tin và sẵn sàng nhận nhiệm vụ và chuẩn bị tinh thần đối mặt trước những khó khăn.
Gia đình tôi không hề biết thông tin cho đến khi các kênh truyền thông đưa tin Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia nhiệm vụ GGHB của LHQ. Trước đấy tôi không nói với gia đình vì sợ bị ngăn cản, tôi cũng thường xuyên đi công tác nên cố gắng giải thích với gia đình đây cũng là chuyến công tác bình thường như các chuyến công tác khác, chỉ có thời gian dài hơn.
- Chị kể như vậy tôi lại nghĩ đến những người lính ngày xưa giấu gia đình xung phong ra tiền tuyến. Chị có nghĩ như vậy?
+ Tôi chỉ nghĩ đây là cơ hội để mình được thử sức và khẳng định bản thân ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Là một quân nhân làm nhiệm vụ mà đơn vị, quân đội, nhà nước giao phó thì mình phải cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ trước khi phấn đấu để đạt tốt hay xuất sắc thôi. Tôi cũng không so sánh hay nghĩ những việc mình làm lớn lao như vậy.
Ngoài là nữ quân nhân đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga còn là nữ Chỉ huy đơn vị đầu tiên với cương vị là Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2.4. Chị cũng chia sẻ về thời gian làm việc tại Nam Sudan cần linh hoạt giải quyết bất kể ngày hay đêm, có những việc không tên khiến thời gian làm việc đôi lúc kéo dài 12-14 tiếng/ngày. |
- Là phụ nữ, chị thấy quá trình công tác tại Nam Sudan có gì thuận lợi hơn so với các đồng nghiệp nam không?
+ Sự có mặt của những nữ quân nhân trong đơn vị như một cách “làm mềm” các hoạt động ở đây. Bởi cách làm việc của phụ nữ luôn đi kèm không khí cân bằng, mà chính LHQ cũng rất khuyến khích các nước tăng tỉ lệ nữ tham gia tại các Phái bộ. Ở nơi chiến sự, hình bóng phụ nữ cũng phần nào làm dịu đi căng thẳng. Những công việc mang tính đàm phán, đối ngoại các nữ quân nhân thường thành công hơn. Việc giúp đỡ nhân dân nếu có nữ quân nhân tham gia trực tiếp, thời gian ban đầu mới tiếp cận sẽ được nhân dân dễ đón nhận, cởi mở, không e ngại.
Ví dụ: Nếu có bất cứ một nữ quân nhân báo cáo lên Phái bộ rằng có nam quân nhân có hành vi quấy rối, khi không được sự đồng thuận của nữ quân nhân đó thì ngay lập tức nam quân nhân sẽ bị hồi hương về nước mà không được phản kháng hay điều tra, làm rõ nguyên nhân. Vì vậy, phụ nữ được tôn trọng và bảo vệ, yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có chế độ đãi ngộ riêng cho các nữ quân nhân như được hưởng thêm mức phụ cấp 2% so với nam quân nhân (đối với đội hình đơn vị) và mức này đang được đề xuất tăng lên theo tình hình an ninh, an toàn từng Phái bộ. Các ngày Lễ như mùng 8/3, 20/10, Thủ trưởng các cấp cũng rất quan tâm động viên kịp thời cả về tinh thần lẫn vật chất đến các chị em.
Trong đội hình đơn vị, việc phân chia các nhiệm vụ, cắt cử trực, gác... các nữ quân nhân cũng luôn được chỉ huy các cấp quan tâm tạo điều kiện phù hợp. Tôi là chỉ huy nên điều kiện sinh hoạt cũng đỡ vất vả hơn một chút so với các nữ quân nhân. Tuy nhiên, khi kết thúc nhiệm kì tôi có những kiến nghị, bài học kinh nghiệm với các cơ quan liên quan để có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, nhằm hỗ trợ thêm cho các chị em tham gia ở các vị trí công tác có những khó khăn, đặc thù riêng.
Ngày 8/3/2023 vừa qua, Bệnh viện dã chiến 2.4 đã tổ chức tặng quà, chơi trò chơi dân gian, trang điểm và cắt tóc cho phụ nữ địa phương tại Ben tiu, Nam Sudan. Việc này đã được LHQ đánh giá cao về ý tưởng và thu hút được sự quan tâm, vui thích của người dân địa phương. Bởi phụ nữ nơi đây chịu nhiều thiệt thòi, điều kiện sống dưới mức nghèo khổ, chưa từng được cắt tóc, trang điểm, chẳng biết đến thỏi son như thế nào, cũng không có được sự tôn vinh hay quan tâm từ những người thân nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ nên họ rất ngạc nhiên và cảm động.
Đây không chỉ là hoạt động tăng tình đoàn kết quân dân mà còn thể hiện mong muốn giúp phụ nữ địa phương được biết đến việc làm đẹp, đúng theo mong muốn của bất kì phụ nữ nào.
- Bên cạnh những thuận lợi chắc hẳn còn nhiều những khó khăn, thậm chí nguy hiểm, với các nữ quân nhân. Chị có thể chia sẻ thêm về những khó khăn ấy?
+ Ở một quốc gia luôn trong tình trạng nội chiến, chỗ ở không kiên cố, nóng bức, mùa mưa kéo dài, thường xuyên lũ lụt gây vỡ đê thì có những khó khăn tưởng chừng như rất nhỏ với nam giới nhưng lại là những vấn đề lớn của phụ nữ. Chị em phụ nữ không ai tránh được sạm da do nắng nóng kéo dài, rụng tóc do thay đổi môi trường, nguồn nước. Bệnh viện dã chiến 2.4 nhận nhiệm vụ trên cơ sở vật chất đã sử dụng được 5 năm nhưng chưa được bảo trì hay thay thế trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên điều kiện ăn ở, làm việc thêm khó khăn hơn.
Đơn giản như các bữa ăn. Hai đầu bếp của chúng tôi rất sáng tạo và luôn đổi món mỗi ngày, nhưng nhiều bữa nhìn xuống khay cơm, chúng tôi không muốn ăn nữa. Chúng tôi thiếu hoa quả, rau xanh. Có thể trồng rau nhưng nước tưới rất hạn chế, mùa khô thì không rau nào lên nổi. Hoa quả thì chủ yếu là cam và táo nhưng khi nhận được đã bị hỏng nhiều; rau được phát cho cả tuần thì chúng tôi sử dụng được trong một ngày thôi vì còn phải bỏ đi phần hỏng do quá trình vận chuyển. Thịt không thiếu nhưng không phong phú, thời gian bảo quản đông lạnh quá lâu khiến món ăn không còn vừa miệng, đủ chất dinh dưỡng nữa.
Đây có thể là những vấn đề nhỏ, nhưng có lẽ khi tổng hợp lại cùng một lúc rồi kéo dài trong một năm thì có lẽ, ít ai cảm thấy thoải mái.
Còn điện và Internet để liên lạc với người thân thì chúng tôi tự an ủi mình rằng đang ở vùng sâu vùng xa như ở quê nhà để coi đó là một ưu điểm chứ không phải là khó khăn nữa (cười!).
Không chỉ có các hoạt động dân vận, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.4 cũng đã cùng đồng đội trang trí cảnh quan, trồng hoa, tổ chức các hoạt động lan tỏa văn hóa Việt trong Phái bộ. Ảnh: Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga bên luống hoa hướng dương trồng trang trí tạo cảnh quan tại Phái bộ.
- Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất trên thế giới và cũng đang là một trong những nơi phụ nữ, trẻ em là đối tượng yếu thế, tiếp xúc với họ chắc hẳn cũng cho chị nhiều trải nghiệm?
+ Để được ra ngoài thực hiện các hoạt động thì chúng tôi phải báo cáo với LHQ trước hai tuần về địa điểm mình sẽ đến, họ sẽ cho người đi khảo sát và đến ngày diễn ra hoạt động sẽ có đơn vị được LHQ phân công đi bảo vệ chúng tôi. Bởi chỉ đơn giản là việc chụp ảnh người dân, nếu không thông báo trước, không được họ đồng ý thì bạn đã vi phạm quy định và có thể gây ra mâu thuẫn lớn với họ.
Lần đầu tiên sang Nam Sudan, các hoạt động dân vận khi ấy của tôi vẫn mang tính tự phát. Tôi đi quyên góp tiền, đồ dùng, vật dụng của các đồng nghiệp ở các đơn vị bạn trong phái bộ hết nhiệm kì về nước không dùng đến cùng một số đồ dùng học tập, quần áo trẻ em đã chuẩn bị, tôi đem theo từ Việt Nam để làm quà hỗ trợ người dân.
Lần thứ hai có kinh nghiệm hơn, chúng tôi đã lên kế hoạch quyên góp được từ các công ti, tổ chức, cá nhân để mang các nhu yếu phẩm sang (như vải, quần áo, sách, vở, đồ dùng học tập, đồ chơi, các đồ dùng thiết yếu...). Chúng tôi phải quyên góp sớm do hàng hóa dự trù vì lí do khách quan đi đường biển sang chậm hơn dự kiến.
Hay như chúng tôi cũng mang máy khâu và vải sang mong muốn hướng dẫn các chị em phụ nữ Nam Sudan có thể tự may quần áo cho mình và người thân và có thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng ở đó không có điện lưới, điện năng lượng mặt trời không đủ mạnh để chạy được máy khâu.
Trước khi sang Nam Sudan lần thứ hai, tôi cùng các chị em trong Bệnh viện dã chiến về làng lụa Vạn Phúc học làm tranh từ vải vụn, mong muốn khi sang chúng tôi sẽ dạy lại cho người dân ở gần chỗ chúng tôi đóng quân biết đến lụa Việt Nam và học thêm nghề mới để có thêm thu nhập. Nhưng vì nhiều yếu tố khách quan như lũ lụt, cấm trại do tình trạng nội chiến tại quốc gia bên cạnh (Sudan) mà chúng tôi không tiến hành được. Gần kết thúc nhiệm kì, do tình hình an ninh tôi không thể đưa Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên ra ngoài, nên tôi một mình xin đi hướng dẫn người dân làm tranh vải vụn. Đây là một trong những trải nghiệm thú vị của người dân với một nghề thủ công của Việt Nam. Có điều, trái với mong muốn ban đầu của tôi là có thể “truyền nghề” cho họ, thật khó để giúp ai đó khi điều kiện khách quan không cho phép.
Tôi cũng mang cả hạt giống để giúp người dân trồng trọt thêm, nhưng thói quen ăn uống của họ không dùng rau xanh, không ăn nhiều các loại ngũ cốc như đậu xanh, đỗ đen, vừng, lạc… nên việc giúp họ cải thiện bữa ăn cũng chưa thực hiện được.
Các cán bộ Việt Nam trong chương trình Tết tổ chức tại Phái bộ LHQ tại Nam Sudan. Ảnh: NVCC
- Điều gì khiến chị quay trở lại Nam Sudan?
+ Thực ra ban đầu tôi được lựa chọn đi Phái bộ GGHB của LHQ ở Cộng hòa Trung Phi. Bản thân tôi cũng muốn thực hiện ở những Phái bộ khác để có thêm kinh nghiệm trong công việc và trải nhiệm trong cuộc sống. Nhưng lúc đó, vị trí Phó Giám đốc của Bệnh viện dã chiến 2.4 Nam Sudan lại bị trống do các sĩ quan đã đăng kí không đủ điều kiện sức khỏe trước ngày lên đường, nên tôi đã có dịp lần nữa xung phong quay trở lại Nam Sudan.
- Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng (nguyên Cục trưởng Cục GGHB) từng nói, mỗi cán bộ, chiến sĩ khi tham gia hoạt động quốc tế tại Phái bộ LHQ đều là “sứ giả của nền văn hóa yêu chuộng hòa bình”. Chị nghĩ thế nào về điều này?
+ Để nói mình là một “sứ giả của nền văn hóa yêu chuộng hòa bình” thì có lẽ từ đầu, tôi cũng chưa có tâm thế như vậy, tôi nghĩ mình ở đây trong điều kiện đầy đủ hơn những người dân xung quanh thì giúp được gì người dân Nam Sudan chúng tôi sẵn sàng giúp, làm được gì giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam chúng tôi sẵn sàng thực hiện. Nhiều lúc mọi người nói về chúng tôi giống như một đại sứ vô cùng đẹp đẽ, nhưng có lẽ, những điều chúng tôi làm được chỉ là một phần nhỏ nhoi trong bức tranh tổng thể về truyền thống, sự hi sinh, cống hiến, lí tưởng cách mạng mà các thế hệ trước đã làm để chúng tôi noi theo.
Dịp Tết nguyên đán, lần đầu tiên Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tổ chức Hội chợ ẩm thực, ngoài ra còn có các hoạt động bên lề như thi thả diều, trang trí gian hàng, nấu ăn, gói bánh chưng giữa các Khoa, Ban của Bệnh viện và khách mời quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi có tổ chức buổi tiệc nhỏ, mời các đơn vị bạn trong Phái bộ đến tham dự, thưởng thức các món ăn Việt Nam như nem, phở, các món cuốn, chè,… Giấy mời mỗi đơn vị 2 người, nhưng vì các món ăn Việt quá đỗi nổi tiếng nên lần nào lượng khách đến cũng gấp đôi, gấp ba, lượng thức ăn luôn phải chuẩn bị trước vượt dự kiến mà vẫn luôn “vỡ trận” (cười).
Bằng một cách nào đó, những hoạt động của chúng tôi với bạn bè đồng nghiệp và người dân địa phương đã tạo được sự tin cậy, dễ gần để mỗi lần nhắc đến Việt Nam, người dân sẽ cười thật tươi hay thậm chí bập bẹ nói “Xin chào Việt Nam”, hoặc trẻ em thì nhận ra rồi chạy theo xe của chúng tôi mỗi lần đi qua. Chính những điều nhỏ nhặt đó đã giúp chúng tôi có thêm gia vị để nguôi đi nỗi nhớ nhà.
- Tôi thật sự ấn tượng về sự trẻ trung, năng động và mạnh mẽ của chị trong công tác lẫn các hoạt động xã hội. Chân thành cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn, chúc chị luôn có nhiều sức khỏe và hạnh phúc!
THU OANH thực hiện
VNQD