VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhà thơ Hồ Minh Tâm: Không nhặt được thơ thì cũng tường tận vài rơi rụng...

Thứ Sáu, 03/03/2023 11:01

Nhà thơ Hồ Minh Tâm, quê ở Quảng Bình, hiện anh đang sống và làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quản lí dự án đầu tư ở Bình Định. Hơn 10 năm qua, anh là tác giả thơ xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội một cách đều đặn và khác biệt. Sự đều đặn phần nào cho thấy nội lực của người cầm bút, còn khác biệt cho thấy sự nghiêm túc với thơ. Vừa qua, anh đã có lần thứ hai đoạt giải cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hồ Minh Tâm cho rằng, viết như một dấu ngạch ngang để vừa về được hôm qua, vừa đến được ngày mai. Thơ với anh, như là thứ gì đó từ trời thả xuống, hãy cúi xuống, không nhặt được thơ thì cũng để gần hơn với đời, và tường tận một vài rơi rụng...

- Anh cảm thấy thế nào, trong khi người ta đang nói chuyện về chứng khoán, bất động sản, hay ít ra cũng là ChatGPT, giải thưởng Nobel, còn tôi lại đề nghị một cuộc nói chuyện về thơ?

+ Để tôi đoán nhé, bạn chẳng có cổ phiếu, chẳng miếng đất nào cần mua cần bán, cũng chưa có tài khoản ChatGPT, còn Nobel… thì giả như ông Vũ Hoàng Chương sống dậy chắc ổng cũng không thích quá nhiều người bàn tán về một cái tên giữa ngàn vạn cái tên được đề cử… rồi để đấy. Đúng không? Giống như khi không còn chuyện gì để nói… thì họ nói về thời tiết. May mà chúng ta còn thơ để nói… Thơ đâu đó, thơ quanh đây. Biên độ xanh đỏ, những con số xanh đỏ nhảy nhót theo nhịp tim bao người hồi hộp, chờ đợi… rồi thì đất xanh, đất vàng, đất nở hoa hồng, đất ủ lộc... cũng thơ đấy chứ. Trời cứ hồn nhiên thả thơ xuống quanh đời sống này, quan trọng là chúng ta có cúi xuống để nhặt…

đừng nhé

nụ hồng của tôi

sáng nay trời lạnh đấy

vội chi, xin đừng nhé

vội chi…

Ấy là tôi “nhặt” được trong một sớm mai rất lạnh và mưa phùn, nó lấp ló, nó nhói lên ngoài cửa sổ, nó non nớt. Nụ đầu tiên, tôi chưa biết lòng nó màu gì, nhưng đẹp. Lạy trời những cái đẹp chỉ cần nhú lên, cứ giữ nguyên thế, cứ sắp thành hình… như thơ.

- Như vậy, phải chăng anh quan niệm làm thơ là cúi xuống để nhặt…

+ Vâng, thơ đôi khi là bóng mình, là gì đó từ trời thả xuống, là cái xanh của cỏ, là úa tàn của một cánh hoa. Tôi thích hình ảnh/hành động cúi xuống, cúi xuống để gần hơn… không nhặt được thơ thì chí ít cũng tường tận được vài rơi rụng.

- Sau khi đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi Thơ trên Tạp chí VNQĐ 2021-2022 anh vẫn đang tiếp tục viết chứ? Giải thưởng có ảnh hưởng gì đến cảm hứng hay lối viết của anh không?

+ Tôi vẫn viết, bởi viết, theo tôi là cách đi vừa về được hôm qua vừa đến được ngày mai đôi khi chỉ bằng một dấu gạch ngang (-). Và viết, một cắc cớ nào đó là cách xuyên phá tốt nhất làm lóe sáng những hốc tối trong mình. Viết để được sống lẹm ra ngoài đôi chút. Và viết như một nhu cầu tự trị chính mình. Được VNQĐ trao giải sau một cuộc thi thơ kéo dài hai năm với chủ đề “chiến tranh cách mạng và người lính…” chủ đề quen, và bởi vì quen nên “làm lạ” rất khó. Thế nên, dù đoạt giải gì thì mười người khi lên bục nhận hoa cũng một niềm vinh hạnh như nhau, ấy là được thừa nhận.

Còn thì giải thưởng có ảnh hưởng gì đến cảm hứng hay lối viết của tôi không, tôi nghĩ là không. Giải thưởng như một vạch vôi, bóng vừa chạm, rồi lăn qua… dẫn bóng bóng đi và ghi bàn hoặc chi ít cũng “suýt vào” mới là cảm hứng lớn lao mà tôi đang hướng tới!

- Nhưng trước khi ghi bàn thì cũng rất dễ… việt vị, anh nghĩ sao về trường hợp này trong văn chương? Với nhiều người viết, cảm hứng chỉ là khoảnh khắc thoáng qua, vậy anh làm sao để duy trì được cảm hứng viết của mình?

+ Có vẻ bạn cũng rành bóng đá giống tôi (cười). Việt vị trong văn chương, theo một nghĩa nào đó là hạn chế sáng tạo, là đóng khung ý nghĩ. Nhưng bạn thấy đấy, hoa đào núi đẹp mà hoa đào trong chậu cũng đẹp mà. Biết rằng định nghĩa về đẹp và hay luôn là một khái niệm mơ hồ, mơ hồ như đường biên của nó. Tôi vẫn thường bị biên tập bắt “việt vị” chỉ vì một câu, một chữ thậm chí là một cú nhảy khoảng trống/xuống dòng… nhưng đôi khi nhờ thế mà chữ của mình nó khôn lên. Cũng đôi khi vì khác/cắt một chữ mà hỏng cả bài thơ. Mất cả hứng!

Nhắc đến hứng và cảm hứng, tôi nhớ khoảng năm 2009, khi ngồi cà phê với Du Tử Lê ở Sài Gòn, ông hỏi, dạo này Tâm viết gì, sao không thấy gửi đăng dutule.com? Tôi nói, công việc lu bu, không thảnh thơi hứng thú để viết gì cả chú ạ. Ông bảo, cảm hứng, cảm xúc không mỗi ngày tự đến với mình đâu Tâm. Viết đi, chữ này đẻ ra chữ kia, đấy là hứng. Tuy nhiên, lao động chữ nghĩa không như lao động trong nhiều ngành nghề khác, không phải cứ cố mà/là thành. Trời không cho thì chịu.

Tập thơ Ngủ ở quán trà của Hồ Minh Tâm.

- Từ giải Tư cuộc thi 2015-2016 đến giải Nhì cuộc thi 2021-2022, điều đó có ý nghĩa gì với anh không?

+ Có, điều đó rõ là có, mà rõ nhất là: ông Tâm lớn lên thì ít, già đi thì nhiều!

- Sự già đó trong thơ thể hiện qua điều gì, thưa anh? Phải chăng anh đã khôn ngoan hơn, kĩ thuật chữ nghĩa hơn, hoặc là một cái gì tương tự thế?

+ Có gì đó tương đồng giữa hội họa và thơ ca, ý tôi nói về đường đi, đích đến của hành trình sáng tác/tạo. Trong hội họa có thể chia thành ba thời kì: thời kì đầu (phục hưng) thời kì này họ vẽ tả thực dù là chân dung, tĩnh vật, phong cảnh… tranh càng giống [nhìn như ảnh chụp] càng được đánh giá cao. Đến thời ấn tượng, hậu ấn tượng họ “làm nhòe” các đường nét, mảng, khối, bố cục để tạo ra cái lạ, cái khác, dù người thưởng lãm vẫn nhận ra bức tranh ấy vẽ gì. Thời kì sau [lập thể, siêu thực, trừu tượng], là khi họa sĩ đã chán việc vẽ cái nhìn thấy, họ vẽ cái cảm thấy!

Tôi thích cái “cảm thấy” ấy vì nó xung động, nó rung lắc được cái đầu dây liên tưởng, tưởng tượng. Với người biết đọc tranh, yêu tranh thì họ vừa xem tranh vừa hình thành trong đầu một bức tranh khác. Nghĩa là nghệ thuật đạt tầm khơi gợi sáng tạo chứ không áp đặt mĩ cảm, ấy là nghệ thuật đích thực.

Hành trình thơ của người thơ đích thực cũng hao hao thế. Đọc một bài/câu thơ trong đầu người đọc hình thành một tứ thơ khác, làm được điều này rất khó. Vì khó nên thú vị. Chữ nghĩa, âm nghĩa, vô nghĩa để bật lên cái có nghĩa.

đôi lần không xuể

tôi mời gọi rùm reng

cổ phần hóa sự buồn

nửa đêm đối tác tiềm năng hé cửa

họ trừng mắt - đời chỉ mua vui!

Đấy, hồi ấy tôi có khôn ngoan gì đâu!

Và, đến bây giờ vẫn chưa “cổ phần hóa" được… thế nên tôi hay biến bi thành hài, tôi không mời chữ, không đãi chữ. Tôi khắt khe hơn khi lựa chữ, dọn chữ… như thế có phải tôi đã khôn ngoan hơn, kĩ thuật chữ nghĩa hơn như bạn vừa khen?

Nhà thơ Hồ Minh Tâm. Ảnh: Vân Phi

Đọc một bài/câu thơ trong đầu người đọc hình thành một tứ thơ khác, làm được điều này rất khó. Vì khó nên thú vị. Chữ nghĩa, âm nghĩa, vô nghĩa để bật lên cái có nghĩa.

- Ở cuộc thi vừa rồi, anh gây ấn tượng với những bài thơ không trực tiếp viết về chiến tranh nhưng vẫn cho bạn đọc thấy được cảm giác mất mát, xa xót của chiến tranh. Anh đã tiếp cận đề tài này như thế nào và vì sao anh suy tư nhiều về nó như vậy?

+ Câu hỏi này gợi nhiều nỗi buồn như nợ nần trong tôi, nhưng tôi vui vì xem như một lời khen bạn đang dành cho thơ tôi. Vừa vui vừa buồn thế này, thay vì trả lời, tôi kể bạn nghe nhé. Một chiều năm 1972, khi đang dắt con bò khoang từ bến Trú về nhà, bên kia sông Gianh là rú Vắp, dọc theo đường tàu ôm quanh chân núi (sau này tôi mới biết trên đỉnh núi có một trận địa pháo phòng không) một “đàn cá” to đùng, đen sì, từ đâu trên trời lao xuống, rồi tiếng nổ ùng oàng vang lên, rồi cày bụi mù bùng lên… cột bụi như những chiếc nấm mối khổng lồ nối nhau mọc lên rồi tan biến, lạ và rất đẹp. Chiến tranh trong mắt một đứa trẻ chăn bò là thế.

Sau đấy mấy năm, đội chiếu bóng lưu động của huyện về làng tôi dựng màn ảnh bằng tấm vải trắng rất rộng, chung quanh có viền vải xanh, chiếu bộ phim Em bé Hà Nội. Xem xong bộ phim ấy, đêm về, hình ảnh cô bé chạy theo đoàn xe bộ đội vừa chạy gọi tên cha, nhờ các chú bộ đội nhắn cha, tìm cha… làm tôi mất ngủ.

Khi là sinh viên năm nhất, giữa sân giảng đường, cũng với vuông vải trắng viền vải xanh, bọn tôi được xem Bao giờ cho tới tháng mười, tôi lén khóc!

Ra trường, tôi lên Tây Nguyên làm việc, bạn học ở quê viết cho tôi một bức thư tay nhờ tôi đến nghĩa trang Plei Cần tìm xem có ngôi mộ nào tên là… Cha bạn ấy mất ở trận Dakto - Tân Cảnh. Nghĩa trang bạt ngàn mộ không tên và có tên nhưng chẳng có ngôi mộ nào có tên như tên bố bạn tôi. Cho đến nay, gần 50 năm cha bạn ấy vẫn chưa về…

Chiến tranh thấm qua tôi như thế!

“Cách viết” đã là thành quả của người viết rồi. Để có thành quả đó bằng cách gì thì mỗi người theo gu, theo tạng của mình mà tìm cách. Người viết nếu không khổ sở để tìm cách lập ngôn cho riêng mình… e rằng sẽ chẳng đến đâu!

 

- Quay trở lại ý anh nói ở trên, đây là chủ đề quen, và bởi vì quen nên “làm lạ” rất khó. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Và tôi cho rằng không riêng gì đề tài này đâu, mà những đề tài khác cũng vậy, như tình yêu, con người… đều muôn thuở rồi. Thế thì vấn đề vẫn là ở cách viết của mỗi người mà thôi, phải không thưa anh?

+ Đúng vậy, cách viết. Nhưng “cách viết” đã là thành quả của người viết rồi. Để có thành quả đó bằng cách gì thì mỗi người theo gu, theo tạng của mình mà tìm cách. Người viết nếu không khổ sở để tìm cách lập ngôn cho riêng mình… e rằng sẽ chẳng đến đâu!

Tôi mượn lời của Eliot trrong tiểu luận Phillip Massinger (1921):

“Một trong những phép thử chắc ăn nhất là cách thi sĩ vay mượn. Thi sĩ non tay thì bắt chước; thi sĩ lão luyện thì ăn cắp; thi sĩ kém làm xấu đi những gì mình lấy, còn thi sĩ giỏi biến nó thành cái gì đó hay hơn, hoặc ít nhất cũng khác đi. Thi sĩ giỏi biết gắn thứ ăn cắp thành một tổng thể cảm xúc duy nhất, hoàn toàn khác với cái nguồn mà từ đó nó bị xé ra; thi sĩ kém ném nó vào một thứ gì đó thiếu sự kết dính. Thi sĩ giỏi thường vay mượn từ các tác giả xa xôi về thời gian, hoặc xa lạ trong ngôn ngữ, hoặc khác biệt trong sở thích.”

Trước đó, nghe đâu văn hào Anh Oscar Wilde (1854 - 1900) đã từng nói: “Nhà văn giỏi thì vay mượn, nhà văn vĩ đại thì ăn cắp.”

Và, Pablo Picasso (1881 - 1973), cũng nói: “Hoạ sĩ giỏi thì sao chép, nhưng hoạ sĩ vĩ đại ăn cắp.”

Hoang mang nhỉ, làm sao để thành một thi sĩ ăn cắp vĩ đại bây giờ?

- Công bằng mà nói, anh có từng thấy mình là "thi sĩ ăn cắp" chưa? Và anh nghĩ rằng văn học đương đại ở ta đang có những "thi sĩ ăn cắp" vĩ đại không?

+ Nghệ thuật có tính thừa kế nhưng là thừa kế không văn tự, không giới hạn, ai “tham lam” thì cứ tha hồ thừa hưởng và làm giàu nó lên. Có bài thơ hình thành từ ánh mắt, từ câu nói vu vơ của “vợ họ”. Tôi ăn cắp ánh mắt. Tôi nhặt về giọng nói vu vơ.

Có bài thơ tôi viết được nhờ tiếng chó sủa giữa khuya từ xóm bên vọng lại. Tôi "ăn cắp" tiếng chó. Có bài thơ bật dậy sau tiếng rao đêm. Tôi cúi nhặt hay tôi "ăn cắp" tiếng rao? Có bài thơ chui tuột ra từ một trang sách đang đọc, mà cuốn sách ấy lại chả liên quan gì đến văn chương… tôi "ăn cắp" chút lóe sáng trong tôi.

Thật tình, tôi kén thơ, tôi không đủ kiên nhẫn để đọc hết một bài thơ, lướt vài câu đầu, vài câu cuối không hợp tạng là tôi “chuyển” ngay. Tôi không thuộc một bài thơ nào nguyên vẹn, kể cả thơ của mình, có lẽ đó là một thế mạnh của tôi… thế mạnh ấy giúp tôi trong vô thức “thó” được gì đó hay ho mà không nhận ra mình đang là kẻ cắp. Cũng may, tôi chưa thấy tôi lặp lại tôi.

Mà này, thường thì khi họa sĩ chết rồi, chết càng lâu tranh càng được giá.

Như tranh, tôi nghĩ thơ cũng thế… biết đâu mai này trước mộ của vài thi sĩ thời này, có cô bé chỉ vào bia mộ và nói: đây là phần mộ của một thi sĩ ăn cắp vĩ đại.

Hi vọng thế!

- Thực ra, thơ anh có ngày càng khôn ngoan hơn không, điều này chúng ta nên để ngỏ, nhưng với câu trả lời này thì anh cho thấy mình đã già hơn rồi đấy. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Hồ Minh Tâm sinh năm 1966 tại Quảng Bình. Tốt nghiệp đại học Bách Khoa Đà Nẵng, ngành Xây dựng dân dụng & Công Nghiệp. Là một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực quản trị dự án đầu tư. Hiện là Tổng Giám đốc công ti Cổ phần Phong điện Miền Trung.

Bài thơ đầu tiên của anh đăng trên Tạp chí Sông Hương năm 1986. Dù sáng tác đều và có thơ đăng thường xuyên trên các tạp chí văn chương nhưng anh mới chỉ ra một tập thơ có tên Ngủ ở quán trà với hai phần riêng biệt Ngủ ở quán tràÝ nghĩ vuông (Nxb Hội Nhà văn, 2015).

Giải thưởng: Giải Tư Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội năm 2015-2016; đồng giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội năm 2021-2022.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)