Đỗ Bảo là một trong những tên tuổi của âm nhạc Việt Nam. Âm nhạc của anh nên thơ, trữ tình, ngọt ngào, sâu lắng; một số tác phẩm mới mẻ, phức tạp và đầy hiện đại. Nhìn chung, sáng tác nào của anh cũng chất chứa những trăn trở, suy tư về tình yêu, về thân phận con người. Bên cạnh việc sáng tác, sản xuất âm nhạc, anh còn là giảng viên giảng dạy sáng tác tại Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Bận rộn với chương trình đào tạo cũng như sáng tác, nhạc sĩ vẫn thực hiện những show âm nhạc lớn. Trước thềm live concert Phú Quang - Đỗ Bảo có tên gọi Hà Nội mùa chuyển sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội, VNQĐ online đã có cuộc gặp để nghe anh chia sẻ về âm nhạc và những dự định sắp tới.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo
+ Công việc chủ yếu của anh khi là giảng viên trong môi trường quân đội? Tính chất của nghề nghiệp đó có ảnh hưởng gì đến tính cách và khuynh hướng, cảm hứng sáng tác của anh không?
- Tôi giảng dạy sáng tác nhạc cho các sinh viên tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Môi trường này cho tôi duy trì được những mối quan tâm với âm nhạc và chuyên ngành sáng tác mà tôi yêu thích, là những gì tôi vẫn gắn bó suốt nhiều năm tính từ khi chưa là một giảng viên của nhà trường. Tôi luôn thích mang một tâm thức rộng mở, và tôi nghĩ khả năng hài hòa trước đời sống vốn đa dạng nhiều cung bậc hoặc thăng trầm là điều vô cùng cần thiết, nhất là đối với người nghệ sĩ vốn nhạy cảm hoặc dễ xốc nổi trong đời sống. 2 album Cánh Cung thứ hai và thứ ba của tôi đều được sản xuất và phát hành khi tôi vẫn duy trì hoạt động giảng dạy tại nhà trường với vai trò một giảng viên âm nhạc trong quân đội. Điều mà tôi cũng rất tâm đắc khi là thầy giáo dạy nhạc, bên cạnh trách nhiệm, nhiệm vụ, tôi luôn được gần lớp trẻ, được bất ngờ về khả năng của họ hay cập nhật nhiều điều đáng giá từ lớp sinh viên âm nhạc như thế. Âm nhạc hay nghệ thuật như một dòng chảy liên tục, và lớp trẻ luôn là lớp người có sức tìm tòi và xác lập các giá trị mới, được gần họ cũng là một niềm vui lớn của tôi.
+ Là nghệ sĩ đòi hỏi cá tính, sự “phiêu” trong âm nhạc, giờ giấc tự do, không gò bó; còn người lính và giảng viên cần giữ cho mình trong một khuôn khổ, lề lối, tác phong và giờ giấc nhất định, vậy anh làm thế nào để dung hòa, cân bằng trong cảm xúc, giờ giấc để đáp ứng tốt từng yêu cầu ở mỗi vị trí, mà vẫn có thời gian đắm chìm với những cảm xúc của riêng mình để sáng tác nhạc?
- Ngày nay tôi nghĩ việc cân bằng, hài hòa các yêu cầu trong đời sống đều là bài toán với mỗi người, có chăng với người sáng tác thì nhiều lúc khó khăn hơn đôi chút. Tuy nhiên bởi môi trường đào tạo nghệ thuật trong quân đội mang những đặc thù riêng, có thể linh hoạt hơn so với các cơ quan quân đội khác, điều đó cho phép không ít giảng viên vẫn có những hoạt động xã hội sâu rộng và tôi nghĩ điều đó là cần thiết. Tôi giảng dạy bộ môn sáng tác âm nhạc, hầu như không có khó khăn thực sự nào đáng kể cho công việc của một tác giả độc lập. Trái lại, đôi khi tôi thấy môi trường đào tạo ở nhà trường giúp tôi hiểu nhiều góc đời sống dung dị thông qua những hoạt động của nó, cảm nhận đời sống sinh động hay sâu hơn, giúp tôi cân bằng cách mình sống và ứng xử hàng ngày với mọi người. Tôi thích cảm giác sống với một dung lượng không gian cảm xúc sinh động, dài rộng và thực tế là tôi vẫn cảm thấy nó mỗi ngày.
+ Hình như các nhạc sĩ trẻ bây giờ không mấy mặn mà đề tài người lính, chiến tranh, cách mạng? Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng truyền thống yêu nước và tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc vẫn luôn cuộn chảy, chúng ta cần làm gì để duy trì phát huy dòng chảy đó trong âm nhạc?
- Với câu hỏi này, tôi nghĩ cần phải thận trọng để tiếp cận và nhận định. Tôi tin rằng lớp trẻ ngày nay vẫn mang tinh thần tự tôn dân tộc và trân trọng những giá trị lịch sử hay truyền thống, có thể họ ưa biểu hiện những điều đó bằng những cách thức khác, khác với các thế hệ đi trước, hoặc cách cộng đồng đánh giá về lớp trẻ có thể chưa có những phương pháp đủ hữu hiệu. Gần đây, trong hội đồng thẩm định của cuộc thi sáng tác Hát Lên Việt Nam của đài VOV3, tôi thấy trong hơn ngàn bài hát thì lượng sáng tác của các tác giả trẻ chiếm đa số, và có rất nhiều sáng tác thực sự cảm xúc, nhiều phát hiện rất thú vị. Vấn đề là thị trường, truyền thông, hay showbiz có vẻ lại dành ít dung lượng cho những sáng tác như thế, một số đòi hỏi từ thị trường cũng là thực tế và xung đột với câu chuyện ta nói ở đây. Tôi sẽ nghĩ câu hỏi này hẳn là câu chuyện vĩ mô hơn, nó cần được khảo sát, rồi trở lại thiết kế tổ chức rất công phu từ những cơ quan quản lí văn hóa, chính sách văn hóa chứ không chỉ nên đánh giá dựa trên các hiện tượng từ thị trường hay truyền thông bề nổi vào lúc này.
+ Để có một ca khúc hay, cần tổng hòa những yếu tố nào?
- Không có một công thức chung nào, song tôi nghĩ ca khúc hay có lẽ luôn cần bắt nguồn từ một tác giả có tình cảm, tình yêu với đời sống và có khả năng cùng may mắn để diễn giải cung bậc cảm xúc và nhận thức sâu sắc của mình ra thành lời giai điệu, một cách đủ chân thật. Tình yêu với đời sống ở giới viết có thể biểu hiện qua nhiều hình thức chứ cũng không nhất thiết là những biểu hiện thông thường theo kiểu biết rung động trước thiên nhiên, buồn vui trước thế sự, chăm chỉ từ thiện… Trong khuôn khổ việc sáng tác, tôi nghĩ tình yêu này có thể chỉ là cách mà tác giả nỗ lực đến mức nào để không viết ra, và không viết bừa ra những gì trái với nhận thức chân thực của anh ấy, chưa kể nếu anh chị ta chưa hề đào sâu suy nghĩ vào một điều gì.
+ Điều khó khăn nhất và hạnh phúc nhất của nghệ sĩ trên con đường sáng tạo là gì, theo anh?
- Khó khăn nhất là khi thiếu cảm xúc thực, động lực thực để viết hoặc không tìm thấy lối ra và sự đồng điệu trân trọng của khán giả đối với tác phẩm. Còn hạnh phúc là tất cả những gì ngược lại. Tạm thời tôi mới nghĩ ra thế, nhưng có lẽ là chưa đủ. Hạnh phúc đôi lần cũng chỉ là khi tôi được viết, đúng trong những giờ phút đó. Khó khăn đôi khi cũng chỉ trong những giờ phút như thế, khi bế tắc, khi đầu hàng điều gì đang cản trở cảm xúc của mình.
|
"Tôi nghĩ ca khúc hay có lẽ luôn cần bắt nguồn từ một tác giả có tình cảm, tình yêu với đời sống và có khả năng cùng may mắn để diễn giải cung bậc cảm xúc và nhận thức sâu sắc của mình ra thành lời giai điệu, một cách đủ chân thật". - Nhạc sĩ Đỗ Bảo - |
+ Âm nhạc hiện nay có màu sắc như thế nào?
- Tôi thích câu hỏi này dù tôi không biết trả lời ra sao. Âm nhạc hiện nay, khắp các phương tiện thông tin truyền thông là một màu gì đó khá phổ biến và mang các sắc độ gần giống nhau. Tôi thích một đời sống âm nhạc mang nhiều màu hơn, chẳng hạn như vẫn nên có những bài hát viết về các ngành nghề, các địa phương, các lớp người, bên cạnh âm nhạc phổ thông đương đại thì vẫn nên có âm nhạc truyền thống hay nhạc quê hương ở chất lượng sản xuất cao, bên cạnh jazz pop rock thì vẫn có âm nhạc cổ điển ở một mật độ dày hơn. Tuy nhiên phần lớn tôi chỉ thấy một màu nhạc trẻ, nhạc cho giới trẻ là nhiều nhất, có thể gọi nó là màu xanh, quá nhiều sắc độ xanh và điều này thì chưa đủ, đôi khi cũng nhàm chán.
+ Vì sao anh không năng dùng mạng xã hội để giao lưu với người hâm mộ, đó cũng là một cách để chia sẻ, lan tỏa hình ảnh, công việc của mình được chú ý, biết tới nhiều hơn?
- Tôi không thấy phù hợp lắm để duy trì các trang mạng xã hội. Có thể tôi sợ cảm giác mình phải nỗ lực quảng cáo hay thu hút ai đó để tâm tới mình. Có thể đây là vấn đề bảo thủ của tôi, tôi nghĩ tốt hơn cả thì mình nên hoàn thiện điều mình làm, điều mình viết, và nếu nó đủ ổn thì mọi người sẽ tìm thấy chúng. Tôi thực sự sợ việc liên tục phải làm gì đó để mọi người chú ý, nhất là làm gì đó để mọi người yêu mình hơn, tôi không thích như thế và cũng nghĩ là có những cách khác. Đó là lí tưởng của tôi, nhưng có thể tôi không thức thời lắm trong cách nghĩ này.
+ Khi cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, anh thường làm gì?
- Cạn kiệt ý tưởng là việc đôi khi vẫn xảy ra, theo kinh nghiệm của tôi thì tôi chỉ nên gắng thư giãn, nạp thêm những dữ kiện và chờ đợi cho đến khi các ý tưởng hay điều kiện tốt quay trở lại. Với tôi thì không có cách nào khác cả.
+ Được biết tháng 4 này anh có thực hiện chương trình đêm nhạc Phú Quang - Đỗ Bảo có tên Hà Nội mùa chuyển diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh có thể chia sẻ cơ duyên dẫn tới cũng như những chuẩn bị cho sự kiện này?
- Tôi từng lớn lên trong những năm tháng mà những câu hát, giai điệu của nhạc sĩ Phú Quang đã là những bến bờ thi ca thân thuộc với nhiều người. Sau này trong những năm 1990-2000, tôi cũng có nhiều dịp được làm việc với chú trong không ít những sự kiện biểu diễn mà chú tổ chức, lúc là trưởng ban nhạc, lúc phối khí một phần. Nhạc sĩ Phú Quang hóm hỉnh, sắc sảo, nhiều nét tính cách khác xa tôi, trong đó có nhiều điều hay mà tôi quan sát học hỏi được. Tôi yêu mến chú, hiểu được ít nhiều và thực sự trân trọng cuộc đời âm nhạc, những thành công của chú, cách mà âm nhạc của chú đã sống được trong lòng công chúng.
Vì vậy, khi nhận được lời mời tổ chức chương trình của BTC, tôi lấy làm vinh dự và trân trọng. Để thực hiện chương trình đặc biệt này, tôi cũng đã gác lại cả kế hoạch tổ chức đêm nhạc riêng trong năm dù đã lên lịch. Đây cũng là một chương trình hội tụ không ít tinh hoa, những anh chị mà tôi rất mến mộ, đạo diễn, các con của nhạc sĩ Phú Quang, các ca sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ dàn nhạc, các cố vấn…, đã đóng góp cho chương trình nhiều ý tưởng tâm huyết và sự chia sẻ dành riêng đến một Đỗ Bảo nhiều áp lực khi xây dựng phần âm nhạc đan xen của hai tác giả thuộc hai thế hệ mà tự nó vốn đã mang thật nhiều yêu cầu đòi hỏi.
Poster đêm nhạc Phú Quang và Đỗ Bảo.
+ Những tương đồng trong âm nhạc Phú Quang và Đỗ Bảo là gì? Nhạc sĩ có khó khăn gì khi thực hiện buổi trình diễn thể hiện sự đồng điệu và màu sắc riêng của cả hai?
- Bên cạnh nhiều đặc điểm sáng tác hoàn toàn riêng biệt, chẳng hạn chú Phú Quang phần lớn viết các tác phẩm phổ từ những bài thơ hay và viết ở gam thứ, tôi lại rất hiếm khi phổ thơ và phần lớn tác phẩm viết gam trưởng. Hay việc chú Phú Quang trung thành với khuynh hướng ca khúc trữ tình, các bản hòa âm bán cổ điển, còn tôi ở thế hệ khi đất nước đã bước vào thời kì hội nhập quốc tế, viết pha trộn đa phong cách, thì âm nhạc của chú và của tôi có không ít những điểm tương đồng. Cảm xúc lãng mạn, cảm xúc gắn với mùa đông Hà Nội, về các mùa khác, cách sử dụng những chùm ba trong giai điệu, các tiết nhịp cho giọng hát ở đó đề cao cảm xúc mà không quá chú trọng đến vấn đề hợp thị hiếu theo cách thị trường đã và đang du nhập - là một số điểm mà tôi chợt nghĩ đến.
Chú Phú Quang yêu và gắn bó tha thiết với Hà Nội, chú viết về Hà Nội nhiều và tôi thích các bài hát về Hà Nội của chú. Mặc dù tôi có không ít dịp làm việc với chú, nhưng ngoài công việc thì chú và tôi lại có ít dịp chuyện trò gần gũi. Tôi nghĩ đây là nét điển hình của văn nghệ sĩ Hà Nội khi có khoảng cách thế hệ, tuy nhiên bởi cùng lĩnh vực, tôi và chú vẫn luôn hiểu nhau và có cách để dành cho nhau sự trân quý trong âm thầm. Đêm nhạc này tôi dành rất nhiều tâm huyết cho những bản mash-up từ sáng tác của mình và cố nhạc sĩ Phú Quang để thể hiện sự đồng điệu trong tâm hồn và cảm hứng sáng tác của cả hai.
+ Những gương mặt nào sẽ xuất hiện trong live concert Phú Quang - Đỗ Bảo?
- Đêm nhạc sẽ có sự tham gia của các giọng ca Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Anh và Hà Trần. Đây là bốn giọng ca đều có mối liên hệ đặc biệt với nhạc sĩ Phú Quang và Đỗ Bảo. Đỗ Bảo là người đứng sau thực hiện album và liveshow Nhật Thực của Hà Trần, và ngược lại Hà Trần lại mang những ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Bảo đến gần hơn với công chúng. Ngọc Anh 3A là gương mặt gắn bó nhất với nhạc sĩ Phú Quang. Ông là người động viên cô hát, rèn luyện để thành danh với các ca khúc của mình. Tấn Minh là gạch nối giữa hai nhạc sĩ. Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào, anh được coi là ca sĩ thể hiện âm nhạc của Phú Quang hay nhất, đồng thời là người đầu tiên đến với những bức thư tình của Đỗ Bảo. Và Diva Thanh Lam với chất giọng nội lực, sâu lắng sẽ góp phần tạo nên những thăng hoa trong đêm nhạc.
+ Còn có điều gì đặc biệt sẽ xuất hiện trong live show tháng 4 này?
- Đến với đêm nhạc Phú Quang - Đỗ Bảo, khán giả sẽ được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật thị giác song hành cùng âm nhạc của họa sĩ Lê Thiết Cương. Sân khấu sẽ được anh trang trí bằng một sắp đặt có tính trừu tượng lấy cảm hứng từ những mái nhà lô xô của phố cổ Hà Nội. Ngoài tiền sảnh có một sắp đặt dưới dạng cổng và khi ánh sáng xuyên qua những chỗ trổ thủng trên vòm và hai bên thì tên các bài hát trong chương trình sẽ hiện lên người những ai đi dưới cổng. Tác phẩm này mang tên chương trình: Hà Nội mùa chuyển. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam từ Canada trở về để thực hiện đêm nhạc mở màn cho chuỗi chương trình Hà Nội mùa chuyển với mong muốn góp phần tạo nên một bước chuyển cho đời sống văn hóa giải trí thủ đô. Cùng với đó, cố vấn âm nhạc Nguyễn Thụy Kha và cố vấn nội dung Trinh Hương sẽ theo sát hỗ trợ, giúp đêm nhạc được trọn vẹn hơn.
+ Nhạc sĩ có thể chia sẻ những dự định gần nhất cho độc giả yêu âm nhạc và nghệ thuật được biết?
- Tôi còn nợ khán giả của mình kế hoạch ra mắt cuốn sách ca khúc rất công phu của mình, cũng như album hay một đêm nhạc riêng. Tôi đã có một thời gian dài hoạt động khá cầm chừng, bởi nhiều lí do khách quan và chủ quan, nhưng thời gian này tôi đang khá hào hứng khi thấy đủ những điều kiện khởi động những kế hoạch công việc quan trọng.
Đỗ Bảo tên đầy đủ là Đỗ Quốc Bảo sinh năm 1978 tại Hà Nội. Anh từng theo học Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1993 khi là học sinh, Đỗ Bảo lập nên ban nhạc Sao Mai, tham gia nhiều chương trình trình diễn lớn nhỏ trên cả nước. Khi đang là sinh viên của Nhạc viện Hà Nội, Đỗ Bảo đã trở nên nổi tiếng khi thực hiện phần lớn phần hòa âm phối khí cho album Nhật thực (2002) của ca sĩ Trần Thu Hà và nhạc sĩ Ngọc Đại. Năm 2006, anh thành lập nên công ty Bảo Lý Art cùng nghệ sĩ Việt kiều Nhất Lý, thực hiện thành công chuỗi chương trình "Gió bình minh", sau đó được VTV bình chọn là "Sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm". Album Những ô màu khối lập phương (2007) của ca sĩ Tùng Dương do anh phối khí và biên tập cũng được trao giải "Album của năm" tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2008. Đỗ Bảo tiếp tục thăng hoa trong sự nghiệp khi ra bộ album là Cánh cung (2004), Thời gian để yêu (2008) và Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta (2013). Bộ 3 album này giúp anh có được nhiều đề cử tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, nhưng hơn hết giúp anh 2 lần giành cú đúp "Nhạc sĩ của năm" và "Album của năm" (2009 và 2014). Đỗ Bảo tham gia cộng tác với nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước như ca sĩ Tùng Dương, Nguyên Thảo, Tấn Minh, Nguyễn Ngọc Anh, Thanh Lam, Hoàng Quyên, nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh... Ngoài ra, anh còn tham gia sản xuất, hòa âm phối khí cho rất nhiều chương trình truyền hình cũng như các buổi trình diễn nghệ thuật lớn nhỏ khác. Tháng 12/2013, anh tổ chức thành công liveshow tác giả mang tên Cánh cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội nhằm kỉ niệm sự nghiệp 20 năm sáng tác của cá nhân mình, quy tụ nhiều nghệ sĩ lớn từ khắp nơi trên cả nước. Kể từ năm 2003, anh trở thành giảng viên của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Hiện nay, Đỗ Bảo đang là tổ trưởng bộ môn sáng tác chỉ huy khoa Âm nhạc thuộc Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. |
THÀNH NAM
VNQD