VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhà văn Thu Trân: Vì miền Nam là máu thịt của tôi

Thứ Tư, 16/08/2023 10:17

Sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn - Biên Hoà là hai miền đi về cả về địa lí và trên những trang viết trăn trở suốt mấy chục năm cầm bút của nhà văn Thu Trân. Với hơn 30 đầu sách đã in, vùng sáng tạo của chị luôn là những gì gần gũi, máu thịt nhất, gắn với kí ức về lối sống, văn hoá của vùng đất Nam Bộ. Những sáng tác về chiến tranh của chị luôn gây ám ảnh đậm nét về cuộc sống của con người trong chiến tranh, đặc biệt là ở vùng đất chiến trường miền Nam, nơi ôm giấu cả tuổi thơ của chị với những trải nghiệm khốc liệt. Người đi tìm bóng núi là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Thu Trân ra mắt giữa năm 2023 ngay sau tập truyện kí Miền Nam xưa ngái ra mắt cuối năm 2022. Dưới đây là những chia sẻ của chị xung quanh hai tác phẩm mới này.

CẢ MIỀN NAM MỘT THỜI LÀ TIỀN PHƯƠNG MÁU LỬA

- Xin chào nhà văn Thu Trân! Chúc mừng chị với tiểu thuyết mới Người đi tìm bóng núi vừa ra mắt. Những biến động của đời sống người dân Sài Gòn - Biên Hoà những ngày trước và sau giải phóng miền Nam 1975 đã được chị chọn làm bối cảnh khai thác và mô tả trong Người đi tìm bóng núi. Có lẽ chị đã có nhiều trăn trở với mảng hiện thực dù đã lùi xa về thời gian nhưng vẫn còn nhiều day dứt này?

+ Chẳng phải riêng tôi, mà tôi nghĩ các nhà văn miền Nam hoặc các nhà văn trăn trở cùng miền Nam trước và sau tháng 4/1975 cũng nên có trách nhiệm với mảng hiện thực còn nhiều điều day dứt - mà không phải ai cũng biết, đặc biệt với thế hệ trẻ bây giờ và sau này. Theo tôi, với văn chương, hiện thực là xuất sắc. Một hiện thực ngồn ngộn về của nả, mồ hôi nước mắt và tâm tư của người dân miền Nam những ngày đầu giải phóng thật sự là một ẩn số lớn trong công cuộc cải tạo tư sản mại bản ở miền Nam, xây dựng nền kinh tế quốc doanh và đưa miền Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội cùng miền Bắc. Những điều được thực hiện theo phương thức áp đặt và bắt buộc đều không hiệu quả, huống gì những vấn đề thuộc về chủ trương của chính quyền mới. Giai đoạn 1975-1991, miền Nam có rất nhiều người vượt biên bằng đường biển tìm ra nước ngoài sinh sống. Họ chấp nhận hải trình sóng gió trên những con tàu mong manh, một phần sống, chín phần chết, phần lớn do đói khát lâu ngày trên biển và tàu của họ bị thiên tai hoặc cướp biển nhấn chìm. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, một miền Nam kinh tế thị trường theo hướng phát triển tư bản trước 1975 nếu không bị lật sang một bước ngoặt kinh tế quốc doanh 180 độ hoặc các chủ trương mới được thực hiện mềm dẻo hơn, hợp lí hơn một chút để người dân kịp thích nghi thì chắc có lẽ không có những người chết sông chết biển kia...

- Khi đất nước thống nhất, chính sách đại đoàn kết dân tộc đã được thực hiện, nhưng không phải vì thế mà giải quyết hết được những vấn đề hậu chiến, vẫn còn đó những mất mát không thể bù đắp, những vùng lõm không thể phủ sóng, nhất là những thương tổn trong tâm hồn người Việt. Chị có nghĩ đây là mảnh đất để nhà văn gieo mầm?

+ Tôi nghĩ mảnh đất đó chẳng phải chờ để được gieo mầm, mà trên mảnh đất đó, có lẽ nó phải trở thành rừng từ lâu - một rừng hoà hợp - hoà giải dân tộc mà trong đó, vai trò phát hiện, tự vấn, tư vấn của nhà văn là quan trọng. Tiếc rằng, cách viết của nhiều nhà văn bây giờ thường chọn hướng an toàn, không thích đụng chạm. Chính vì tư tưởng an thân này nên đôi khi đọc văn Việt Nam bây giờ, tôi thấy không có hơi thở thời đại. Bóc một truyện ngắn, một bài thơ, một tiểu thuyết “an thân” nào đó để đọc, người đọc có thể nghĩ nó được viết vào mốc thời gian nào cũng được.

Cuộc chiến đấu giải phóng, thống nhất đất nước 1954-1975 đi qua để lại quá nhiều thương tổn. Những thương tổn sâu sắc thuộc về những vấn đề hậu chiến cần được giải quyết. Thời hậu chiến, hai miền Nam Bắc, gia đình nào cũng có liệt sĩ, tử sĩ. Thậm chí nhiều gia đình ở miền Nam có cả tử sĩ và liệt sĩ. Và có cả một tỉnh “đặc sản nghĩa trang” là Quảng Trị. Vết thương của một cuộc chiến chẳng phải lành lặn ngày một ngày hai, mà đôi khi để lại di chứng muôn đời. Phẫu thuật vết thương đó, làm cho nó lành lặn trở lại, không để lại di chứng về mặt tinh thần sẽ là ai, nếu không là trách nhiệm của nhà văn?

Bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng nhà văn Thu Trân nhân dịp ra mắt tác phẩm mới năm 2023.  Ảnh: NVCC

- Chiến tranh và cuộc sống của con người trong chiến tranh vẫn là một đề tài lớn trên thế giới. Những tác phẩm về nó thực sự là những “biên bản chiến tranh” trung thực và lay động. Tại Việt Nam, những dạng “biên bản” nào còn khuyết thiếu, theo chị?

+ Cuộc chiến nào kết thúc cũng tốt, cũng vui. Có nghĩa thôi đổ nát, thôi chết chóc, thôi đầu rơi máu đổ. Ở Việt Nam, sau cuộc chiến 1954-1975, tôi thấy cái “biên bản chiến tranh” còn khuyết thiếu là lòng người li tán, con đường hoà hợp - hoà giải dân tộc còn nhiều khúc khuỷu chông gai - dù tình hình đã được cải thiện ngày càng ổn hơn. Con đường hoà hợp - hoà giải dân tộc không những cần thiện chí giữa các bên, mà còn cần những chủ trương chính sách hợp lòng người.

- Đó có phải là tâm thế để chị viết Người đi tìm bóng núi?

+ Tôi không đủ sức đủ tài để lấp đầy khiếm khuyết này. Chỉ mong các ngòi bút hướng về vấn đề hoà hợp hoà giải dân tộc ngày càng nhiều càng tốt.

- Sinh ra và lớn lên ở miền Nam, với những kí ức về chiến tranh, có thể nói chị đã “gói ghém cuộc chiến của mình” trong tác phẩm mới nhất?

+ Tôi thích đọc những tác phẩm viết về chiến tranh - đặc biệt là tiểu thuyết. Những Nỗi buồn chiến tranh của anh Bảo Ninh, Mùa hè giá buốt của anh Văn Lê, Biên bản chiến tranh của nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh… tôi đọc “ngấu”. Đó là những câu chuyện của chiến tranh thuộc “lãnh địa” tiền phương miền Nam. Đi qua cuộc chiến 1954-1975 ở Việt Nam, tôi còn bé lắm. “Âm hưởng” của cuộc chiến tranh này nếu có trong tôi chỉ là những đêm cùng người lớn trốn pháo kích ầm oàng, những quan tài phủ cờ sao Mĩ và cờ vàng ba sọc đỏ thê lương được chở về đầy ắp trên những chiếc xe GMC to đùng của quân đội Mĩ, những cái chết tức tưởi của thường dân miền Nam vì bom rơi đạn lạc… Khi trưởng thành sau 1975 và khi đã trở thành nhà văn; nghĩ về cuộc chiến này cùng những kiến thức đã học, đã đọc, đã nghe, đã thấy… tôi quyết định viết Người đi tìm bóng núi. Tôi nghĩ nhiều về những đau thương chết chóc ở tiền phương cuộc chiến và cũng bỗng giật mình nghiệm ra rằng, trong cuộc chiến tại Việt Nam giai đoạn 1954-1975, miền Nam của tôi không có hậu phương. Tất cả là tiền phương, tất cả là mặt trận, tất cả là cái giá phải trả của chiến tranh. “Xóm sở Mĩ” của tôi rất đậm “màu tiền phương” với hằng hà những cái chết tức tưởi vì bom đạn: cô dâu chết trong ngày ăn hỏi, những đứa trẻ chơi nhà chòi chết khi trên tay còn giữ chặt con búp bê, đàn chim câu chết trong sân nhà thờ tan tác những cánh bay… Vâng, tôi phải viết Người đi tìm bóng núi để người đọc bây giờ và các thế hệ sau này biết rằng, cả miền Nam của tôi một thời là tiền phương máu lửa…
 

TÔI VIẾT NHƯ CẦN KHÔNG KHÍ ĐỂ THỞ

- Chị nghĩ sao về việc nhà văn tự in và phát hành tác phẩm của mình, như cách chị đã làm với những cuốn sách gần đây?

+ Sau nhiều năm cầm bút, tôi đã được in và in được 35 tác phẩm. Trong số này, có 32 cuốn được các nhà xuất bản (NXB) in kế hoạch A (NXB bỏ tiền in và phát hành sách, tác giả được hưởng 10% nhuận bút tính trên giá bìa). Sang cuốn thứ 33, vì “tác giả viết khác nhiều quá” so với tinh thần truyền thông đại dịch covid ở Việt Nam nên có đến 6 NXB từ chối in tiểu thuyết Thế giới phẳng mùa covid của tôi. Tiếc công mình viết lách, tôi chuyển sang in kế hoạch B (tác giả xin cấp phép, tự bỏ tiền in và tự phát hành).

Đến nay, sau ba năm (2021-2022-2023) tôi đã tự in, tự phát hành được 2 tiểu thuyết và một truyện kí. Đó là tiểu thuyết Thế giới phẳng mùa covid (NXB Đà Nẵng - 2021), tiểu thuyết Người đi tìm bóng núi (NXB Đà Nẵng - 2023) và tập truyện kí Miền Nam xưa ngái (NXB Đà Nẵng - 2022). Ơn trời, ơn các đồng nghiệp và các fan ủng hộ, cả ba cuốn, tôi đều lấy lại được vốn trước khi phát hành rộng rãi ra các nhà sách. Khi các nhà sách đồng ý phát hành, tôi còn được ứng 10% tiền sách trên tổng sách kí gửi phát hành. Còn lại theo hợp đồng phát hành, tôi sẽ được chuyển tiền bán sách vào tài khoản hàng quý (tất nhiên sau khi đã chiết khấu hoa hồng “đậm đà” 50% cho nhà phát hành), cho đến khi nào kết thúc hợp đồng thì thôi.

Tóm lại là tôi thấy thích việc tự in và tự phát hành sách của mình, dù phải chạy hợp đồng quần quật với các NXB và các nhà phát hành mà không có một xu nhuận bút nào. Và tôi sẽ vẫn in B cho đến khi nào tôi không viết được nữa. Những cuốn sách được in B của tôi thường thuộc dạng “chó chê mèo gặm” với các NXB thích an toàn, nhưng sự đời thường ngược ngạo, sách thuộc dạng “chó chê mèo gặm” lại bán được hơn sách dạng an toàn.

Nhà văn Thu Trân trong một chuyến du khảo. Ảnh: NVCC

- Sự kết nối trực tiếp với độc giả có khiến chị đo lường được người đọc của mình một cách xác đáng, cụ thể?

+ Hẳn thế. Tôi cảm thấy mình “bừng tỉnh” nhiều điều sau khi biết in sách kế hoạch B. Nhiều độc giả đã gọi điện đặt mua sách khi bản thảo sách tôi còn đang thẩm định và biên tập ở NXB. Tôi còn đo lường được sự “nóng - lạnh” của độc giả đối với sách tôi qua từng món tiền nhà phát hành chuyển cho tôi hàng quý. Tôi còn biết nhà phát hành khó tính đến mức nào khi họ chọn từng cuốn sách tôi kí gửi; bìa trầy xíu, quăn quiu xíu cũng trả về. Nói chung, tôi đã thấy mình là nhà văn chuyên nghiệp hơn khi biết tự in và tự bán sách mình. Từ đó tôi thấy yêu chữ mình, yêu đồng nghiệp mình và yêu độc giả mình nhiều hơn.

- Chị có nghĩ đó là một xu thế in sách mới?

+ Chuyện tự in sách, tự phát hành sách của các nhà văn đã có ở miền Nam từ trước 1975. Đó là xu thế “tự bơi để tự khẳng định mình” của nhà văn trong nền kinh tế thị trường. Từ đầu năm 1974, miền Nam, dưới chế độ cũ, có khoảng 180 NXB, hơn 50% trong số này là NXB của các nhà văn. Họ tự đầu tư vốn hoặc kêu gọi nhau hùn vốn làm NXB (bao gồm luôn khâu phát hành) để in sách cho chính họ và các nhà văn khác. Các NXB này làm ăn rất xôm tụ, mỗi đầu sách xuất bản thường từ 3.000 bản trở lên trên tổng đầu dân không quá 20 triệu người của miền Nam. Còn bây giờ, mỗi đầu sách xuất bản chỉ bình quân 1.000 bản trên tổng đầu dân gần 100 triệu người của cả nước. Cho nên, theo như bạn hỏi, tôi có thể trả lời rằng, xu thế nhà văn tự in tự phát hành sách ở VN đã có hơn nửa thế kỉ rồi.

- Với sự bão hoà và những cạnh tranh gay gắt giữa văn hoá đọc với các loại hình nghe nhìn khác trong đời sống hôm nay, theo chị, đâu là lí do để bạn đọc và nhà văn ngồi lại với nhau?

+ Mô hình hưởng thụ nào cũng có khách hàng riêng của nó. Dẫu bây giờ internet “ngự trị” khắp nơi, sách của nhà văn vẫn bán được, vấn đề là chúng ta viết có OK không thôi. Tôi có cô bạn sống rất hiện đại nhưng hàng tháng vẫn có phần trăm lương dành mua sách, tất nhiên là mua sách hay. Cô ấy gọi sách hay là “sách thơm”. Những quyển “sách thơm” được cô ấy để dành đọc một cách rất dè sẻn trên các chuyến bay, trên những chuyến tàu… như người ta ăn dè sẻn một miếng bánh ngon vậy! Cô ấy “ăn dè sẻn” bởi sợ sách đọc mau hết, bởi cái cảm giác “cầm chữ trên tay” đọc sướng và đỡ mỏi mắt hơn đọc trên màn hình nhiều. Nhìn cô ta mua sách, đọc sách và nghĩ về sách, thế là tôi viết sách!

- Thường điều gì thôi thúc khiến chị phải ngồi vào bàn viết?

+ Tôi viết như cần không khí để thở. Nhiều lúc viết như điên. Và đôi khi cũng tự làm mình chết ngạt là không viết gì cả một thời gian dài. Tôi vừa là nhà văn, vừa là nhà báo nên sống và luôn luôn quan sát, luôn luôn chiêm nghiệm. Trong nhiều vấn đề tôi quan sát và chiêm nghiệm, tôi chọn vấn đề nào không thể im lặng và viết, viết rất nhanh, viết như ngày mai tôi sẽ biến mất khỏi cuộc đời này!
 

SỐNG MÀ KHÔNG CÓ VĂN HOÁ NGUỒN THÌ CHÔNG CHÊNH LẮM

- Một mảng sáng tác gần như là máu thịt của chị cả ở mảng hư cấu và phi hư cấu là đời sống miền Nam trước đây. Như tên tập truyện kí của chị, Miền Nam xưa ngái, chị nhìn nhận thế nào về những vận động của các giá trị sống, các nét văn hóa bản địa phản chiếu trong đời sống theo thời gian?

+ Các giá trị sống luôn đi cùng giá trị truyền thống. Các giá trị sống sẽ có giá trị hơn nếu nó không tách rời văn hoá bản địa. Viết cũng như sống, bạn viết về một điều gì đó, bạn sống ở một nơi nào đó mà không có cái gì đặc trưng, mà không có cái gì riêng tây thì cầm bằng chông chênh và chóng chán. Cũng như mấy “ông Tây” thích đi du lịch Việt Nam vì những điều là lạ của Việt Nam, đại khái là những gì đặc trưng Vietnamese, chứ không vì những gì Việt Nam đang hiện đại như đất nước mấy ổng.

Tôi tham lam, ấp ủ viết “Việt Nam xưa ngái”, chứ không phải “Miền Nam xưa ngái”. Nhưng rõ ràng, tôi không tan vào được các truyền thống - tập tục của miền Trung, miền Bắc, tôi không có những người già là người Bắc người Trung để rù rì rủ rỉ với tôi suốt đêm về cuộc sống xưa kia ở miền Trung miền Bắc, nên đành viết “Miền Nam xưa ngái” vậy, vì miền Nam đã là máu thịt của tôi và ngược lại. Kể như vậy để bạn dễ hình dung rằng, cái văn hoá bản địa theo suốt mỗi đời người. Nó là tinh tuý chất chứa để người ta biết nâng niu, tự hào với quá khứ và là động lực hướng tới tương lai - một tương lai hiện đại mà đậm đà màu sắc bản địa. Như một em bé Việt Nam nằm nôi luôn an lành với tiếng ru hời của bà của mẹ, màu sắc bản địa không ở đâu xa - mà ở chính trong cảm nhận của mỗi con người trên mảnh đất mình được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Gom lại tất cả, tôi mặc định đó là giá trị sống.

"Viết cũng như sống,

bạn viết về một điều gì đó,

bạn sống ở một nơi nào đó

mà không có cái gì đặc trưng,

mà không có cái gì riêng tây

thì cầm bằng chông chênh và chóng chán".

- Nhà văn Thu Trân -

- Mỗi nhà văn là sứ giả văn hoá của vùng đất mình sinh sống, và càng lí tưởng hơn khi mỗi nhà văn cũng đồng thời là một nhà văn hoá, “thổ công” của xứ sở mình. Bằng những gì đã làm, có vẻ như chị đang kéo gần hai danh xưng này? Chị có thấy tiếc nuối những nét đẹp dung dị của đời sống một thời, nhưng theo thời gian và vì nhiều lí do nó chỉ còn lại trong kí ức…

+ Vừa được làm nhà văn, vừa được làm sứ giả văn hoá cho nơi mình được sinh ra, lớn lên và trưởng thành còn gì thú vị hơn! Và đây cũng là mơ ước của tôi. Còn lâu tôi mới được gọi là sứ giả văn hoá của đất Sài Gòn - Biên Hoà và cả miền Nam. Nhưng bằng những cố gắng tích luỹ văn hoá - lịch sử - nếp sống của người Sài Gòn - Biên Hoà và cả miền Nam bao nhiêu năm qua, tôi cũng không hổ thẹn để “khoe” với mọi người rằng, tôi là người miền Nam chính gốc. Để không bỏ phí những tích luỹ này, tôi đã quyết định viết truyện kí Miền Nam xưa ngái cho tất cả mọi người, đặc biệt cho thế hệ trẻ bây giờ và các thế hệ về sau. Người sống mà không có văn hoá nguồn thì chông chênh lắm. Bởi văn hoá nguồn quyết định nhân cách và thái độ sống.

Trôi theo cuộc sống hiện đại, nhiều nét đẹp của đời sống dung dị một thời bị mai một, chỉ còn lại trong kí ức mọi người theo thời gian. Tôi lấy làm tiếc về những điều này. Để phục hiện và nhắc nhớ mọi người, đã có rất ít văn nghệ sĩ cất công sưu tầm, viết lách. Như nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sưu tầm, ghi chép ca dao - dân ca Nam bộ. Như nhà văn Sơn Nam với di cảo đủ đầy phong tục tập quán, lề thói làng quê Nam bộ… Còn tôi, viết được gì về vùng đất tôi được sinh ra, lớn lên và trưởng thành thì tôi sẽ cố gắng viết. Đông tay vỗ nên kêu, tôi nghĩ cũng đã và đang có nhiều nhà văn viết và ấp ủ để tài này.

- Trong thế giới phẳng hôm nay, những tiện lợi có thể sẽ làm tăng tính kết nối, tương tác, lưu thông giữa các vùng miền; nhưng ngược lại nó cũng làm phai nhạt, bão hoà những bản sắc riêng. Chúng ta nên nhìn nhận và ứng xử với điều này thế nào, thưa chị?

+ Bạn được sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở bất kể vùng đất nào, nếu bạn có một nền tảng văn hoá và trình độ học vấn nhất định thì những gì thuộc về máu thịt trong bạn sẽ không bao giờ phai nhạt. Đó chính là vấn đề thuộc về bản sắc. Nói về bản sắc, tôi xin được đề cập đến câu chuyện áo dài Việt Nam. Áo dài Việt Nam thăng trầm qua bao nhiêu thế kỉ, nó vẫn là áo dài. Và áo dài trong tự điển tiếng Anh cũng chỉ là “ao dai” để chỉ sự đặc sắc bất biến của vật thể. Áo dài qua nhiều thời đại cũng đã bị “biến tấu” khá nhiều bởi sự thăng hoa của các nhà thiết kế thời trang. Phiền hà nhất mới đây là vụ biến tấu “áo dài chiếu Cà Mau” rất mơ hồ và không giống ai. Tuy vậy, style gốc của áo dài Việt Nam vẫn nền nã muôn thuở và luôn là sự chọn lựa của số đông phụ nữ Việt Nam với cổ đứng, tay dài, thân áo chít eo ôm sát người và phần xẻ của hai vạt áo không bao giờ hớ hênh để phơi trần lưng và bụng của người mặc áo. “Bản sắc” chính là style muôn đời của chiếc áo dài như thế!

Sự ra đời của internet - một siêu tiện lợi đã làm nên thế giới phẳng cực phẩm. Không ai ngăn bạn hoà vào sự cực phẩm này. Nhưng bạn có quyền chọn lựa và thanh lọc những giá trị để tự hoàn thiện. Như tôi đã nói phần trên, nếu bạn có nền tảng văn hoá và trình độ học vấn nhất định thì bạn lo gì chuyện sẽ có một ngày nào đó, bạn bị khoác lên người chiếc áo dài biến tấu chiếu Cà Mau?

- Cám ơn những chia sẻ của chị!

DƯƠNG TỬ THÀNH thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)