Tạp chí Văn nghệ Quân đội số cuối tháng 9 năm 2023 mở đầu bằng chuyên mục Trò chuyện tháng 9, với cuộc trò chuyện giữa nhà văn Đinh Phương và khách mời là hoạ sĩ trẻ Xuân Lam. Sinh năm 1993, tốt nghiệp trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Xuân Lam đã trau dồi, tìm tòi hướng sáng tác và tạo được các dấu ấn đáng ghi nhận như: những dự án vẽ lại tranh dân gian (tranh hàng Trống, tranh Đông Hồ…) theo phong cách đương đại, sử dụng các dải màu mới. Trong buổi trò chuyện, hoạ sĩ chia sẻ về con đường sáng tạo của mình, con đường vận dụng vốn văn hoá cổ của cha ông, thổi hồn vào những tác phẩm tường chừng đã quá quen thuộc…
Phần Văn xuôi với các truyện ngắn Bà già quên khóc của Võ Diệu Thanh; Son môi, kính râm & xì gà của Thu Trân; Sau giấc hoàng miên của Trần Thị Tú Ngọc; kí Ngày về của Thái Chí Thanh và tản văn Dập dềnh thúng chai của Hoàng Ngọc Thanh.
Qua việc khai thác câu chuyện về những nhân chứng còn sống, truyện ngắn Bà già quên khóc của Võ Diệu Thanh một lần nữa nhắc lại, tố cáo tội ác man rợ của chính quyền Khmer Đỏ đã tàn sát hàng ngàn người dân vô tội tại xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Số ít người may mắn sống sót, như bà già quên khóc, phải chăng thời gian đã làm họ vơi đi những kinh hoàng và mất mát, hay những hình ảnh, kí ức đớn đau ấy mãi đè nặng khiến trái tim họ chai lì, không dám nghĩ tới, không thể khóc?
Son môi, kính râm & xì gà của Thu Trân là một truyện ngắn với lối viết và không khí khá hiện đại và lãng mạn. Qua đó mỗi người chúng ta sẽ được gợi nghĩ nhiều câu chuyện khác nhau, có thể là một chuyến du lịch phiêu du, một hành trình, ý nghĩa về tình yêu, về lịch sử văn hoá, về tuổi trẻ…
Nhan đề tác phẩm Sau giấc hoàng miên đã hé gợi phần nào về không khí bảng lảng, hoài niệm cổ xưa. Thông qua câu chuyện tình yêu của hai nhân vật có mối duyên tiền định từ xa xưa đến hiện tại, một giấc mộng được mở ra, đưa chúng ta ngược về quá khứ hàng ngàn năm trước, nơi cố đô Hoa Lư nay, xưa là kinh thành vàng son lộng lẫy với các triều đại huy hoàng, những dấu ấn rực rỡ đầy bí ẩn…
Kí Ngày về của Thái Chí Thanh kể câu chuyện của nhân vật “tôi”- một người lính thắng trận, được phục viên trở về quê nhà. Trên hành trình đưa “tôi” và đồng đội của anh trở về, qua mỗi chặng đường, lại hiện lên những chân dung người lính khác nhau, những kí ức, kỉ niệm về chiến trường, về đời sống quân ngũ, đời sống nhân dân thời chiến và câu chuyện của hôm nay với bao đổi thay…
Tản văn Dập dềnh thúng chai lại là những dòng tự sự nhẹ nhàng, tình cảm và tươi vui của Hoàng Ngọc Thanh về mảnh đất làng chài bé nhỏ nơi mình sinh ra và lớn lên.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: NguyễnThanh Hải, Trương Thị Bách Mỵ, Trần Ngọc Mỹ, Trương Đăng Dung, Nguyễn Quang Hưng, Hồ Minh Tâm, Vũ Trần Anh Thư, Vũ Xuân Hoát, Nguyễn Quỳnh Anh, Bùi Thanh Hà, Doãn Long, Lương Định, Vũ Thanh Hoa, Huỳnh Văn Quốc, Đoàn Thị Ký...
Trở về từ trại sáng tác Ninh Bình, cảm hứng từ một vùng đất với danh lam thắng cảnh, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, các tác giả đã mang tới phần thơ kì này những chùm thơ đầy đặn, đặc sắc, lắng sâu và đẹp đẽ của cảm xúc và tình yêu về mảnh đất này. Bên cạnh đó là các bài thơ thể hiện những góc nhìn, những trạng thái, những vẻ đẹp của đời sống, sự rung động, nhớ nhung trong tâm hồn, những giấc mơ, những kỉ niệm và chiêm nghiệm… tất cả làm nên những trang thơ đầy màu sắc, đa dạng, thi vị và bay bổng…
“Thơ trong những tập thơ” giới thiệu tập thơ Nghiêng bóng lá của Nguyễn Thanh Kim.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Bùi Thị Phương Lan, Trung Nhân, Hoàng Kim Oanh, Bùi Việt Thắng, Hàn Giang và Nguyễn Trương Quý.
Chúng ta đã nghe nhiều đến văn học sinh thái, nhưng định nghĩa đó được khởi nguồn từ đâu, từ bao giờ, được hình thành và phát triển như thế nào, bài viết Văn học sinh thái là gì sẽ làm rõ những băn khoăn đó. Vai trò của báo chí Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX với thể loại truyện ngắn là gì? Miêu tả, khắc hoạ chân dung “người nhà quê” trong một vài tiểu thuyết viết về nông thôn ra sao? Những bài ca “mềm” thời chiến là bài ca thế nào… cùng hàng loạt bài phê bình hấp dẫn, nóng hổi khác đang chờ quý vị đón đọc.
Văn học nước ngoài số này là truyện ngắn có tiêu đề Ban đêm của Amos Oz, một nhà văn, giáo sư văn học tại Đại học Ben - Gurion, Isarel. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học danh giá, trong đó có giải Goethe năm 2005, giải Heinrich Heine năm 2008 và giải Fran Kafka năm 2013.
Tạp chí VNQĐ số 1021 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh hoạ đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 20/9/2023. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Đinh Phương
Nghệ thuật luôn có sự tiếp biến, nếu không chỉ là hóa thạch trong bảo tàng
Võ Diệu Thanh
Bà già quên khóc
Thái Chí Thanh
Ngày về
Thu Trân
Son môi, kính râm & xì gà
Trần Thị Tú Ngọc
Sau giấc hoàng miên
Hoàng Ngọc Thanh
Dập dềnh thúng chai
Thơ
Trương Thị Bách Mỵ
Những em bé Yên Thành; Người An Hòa; Trở về mái nhà xưa
Trần Ngọc Mỹ
Chiều Ninh Bình; Lữ đoàn 241; Qua Tam Cốc
Nguyễn Thanh Hải
Chiều Hoa Lư; Cúc Phương; Xác lá hồn cây biết kể
Trương Đăng Dung
Cuối con đường; Vị mặn những hạt muối
Nguyễn Quang Hưng
Lòng ta câu hát; Bên đình Phượng Cách; Ngâu sớm
Hồ Minh Tâm
Nửa mùa thu; Cổ Đô; Bến mưa
Vũ Trần Anh Thư
Hơn một lần lỗi nhịp; Chỉ một lần
Nguyễn Hữu Sơn
Trái tim thầm vẫy gọi… (Đọc Nghiêng bóng lá của Nguyễn Thanh Kim)
Vũ Xuân Hoát
Vỏ trấu bay
Nguyễn Quỳnh Anh
Cô tôi
Bùi Thanh Hà
Nhớ anh
Doãn Long
Lích chích
Lương Định
Ơi quê ngoại
Vũ Thanh Hoa
Lạc bầy
Huỳnh Văn Quốc
Chóp Chài ngày mưa
Đoàn Thị Ký
Bùa ngải Lý Thiên Viên
Văn học nước ngoài
Amos Oz
Ban đêm (Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh)
Bình luận văn nghệ
Bùi Thị Phương Lan
Văn học sinh thái là gì?
Trung Nhân
Báo chí Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX – “bà đỡ” cho thể loại truyện ngắn
Hoàng Kim Oanh
“Người nhà quê” trong một vài tiểu thuyết viết về nông thôn
Bùi Việt Thắng
Văn học tiệm tiến, kiến tạo xã hội
Hàn Giang
Dạ khúc - nhân vật và thế cuộc đang tan rã
Nguyễn Trương Quý
Những bài ca “mềm” thời chiến
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Trái ngọt. Tranh của họa sĩ Vũ Duy Vĩnh
Minh họa: Tô Chiêm, Đỗ Dũng, Lê Trí Dũng, Công Quốc Hà, Phạm Hà Hải, Doãn Hoàng Kiên, PV...
VNQD