Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1017 (cuối tháng 7/2023)

Chủ Nhật, 16/07/2023 12:27

 Là họa sĩ thuộc thế hệ trưởng thành trong giai đoạn đổi mới của nền mĩ thuật đương đại Việt Nam, Đào Hải Phong đã xác lập một phong cách, diện mạo độc đáo với bút pháp đầy sức gợi ở cả chiều sâu và bề rộng. Với “lối Phong” riêng có, sức ảnh hưởng từ các sáng tác của anh đã vượt ra khỏi phạm vi đời sống mĩ thuật trong nước để được tôn vinh tại nhiều triển lãm, trưng bày và nằm trong các bộ sưu tập nghệ thuật ở nhiều quốc gia trên thế giới: Mĩ, Singapore, Thụy Sĩ, Anh, Pháp… Từ những mảng màu sắc nét, ám gợi… ta gặp ở đó những luồng sáng diệu kì, mê hoặc như được pha trộn bởi chính nét phong lưu, trầm mặc mà mơ mộng trong con người, trong kí ức Đào Hải Phong - một nghệ sĩ Hà Nội đã trót “phải lòng” vẻ đẹp những miền quê.

Bài trò chuyện giữa phóng viên VNQĐ và hoạ sĩ Đào Hải Phong mang tên Trạng thái làm nên giá trị nghệ thuật sẽ mở đầu tạp chí số 1017.

Truyện ngắn Cánh buồm vá khâu của Thái Chí Thanh là những kỉ niệm từ thời ấu thơ của những người bạn: hồn nhiên, tinh nghịch, giận hờn, mâu thuẫn, và cả những rung động đầu đời… Đoạn đời trong trẻo ấy rồi cũng trôi qua, những cách xa, những hội ngộ lại làm nên bao câu chuyện khác. Vệ và Ngẫn trở thành đồng đội vào sinh ra tử, ai cũng muốn dành cho nhau sự sống, cho dù giữa họ là bóng dáng của một người con gái…

Truyện ngắn Một miếng giữa làng của Trần Chiến lại mang đến câu chuyện của giới trí thức thời hiện đại, thời mà những giá trị thật - giả đan xen và con người thì thường bị cuốn theo cái danh hư ảo; thời của những ẩn ức luôn chực chờ thời cơ hiển lộ; thời của những ứng xử khi thì vồn vã lúc lại dửng dưng, mà có khi chính người trong cuộc cũng khó lí giải…

Truyện ngắn Bờ lau xao xác gây ấn tượng bởi sự nhân văn, cao cả của những con người tưởng như họ đã ở đường cùng của cuộc sống. Cha con ông Quắm và Đùm phải sống đối diện với quá nhiều nỗi đau, sự mất mát, bệnh tật nhưng trong sự tối tăm ấy họ vẫn luôn hướng đến ánh sáng của lương tri con người. Ánh sáng ấy từ họ đã cảm hoá được gã trai tưởng như cũng đã cùng đường…

Phần Văn xuôi còn có ghi chép Những người gắn vết chiến tranh của Đinh Phương; tản văn Đom đóm bay về đâu của Trần Tú.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Thị Vân Ngà, Phan Văn Chương, Lê Hào, Nam Thanh, Pờ Sảo Mìn, Kiều Trang, Nguyên Như, Phạm Vân Anh, Đỗ Thế Tuấn, Lữ Hồng, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Đặng Thuỳ Trang, Trần Xuân Trường, Huy Trụ.

Trang thơ ấn tượng bởi những bài thơ về chiến tranh và người lính hết sức xúc động. Bên cạnh đó sự đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách. Đặc biệt, một số tác giả đã khẳng định mình bằng nội lực sáng tạo cũng như chiều sâu của tư duy thơ. Những bài thơ mang đậm dấu ấn văn hoá lịch sử vùng miền, những tự sự cá nhân, những bản diện đời sống…

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Gửi gì cho người cuối sóng của Nguyễn Thanh Tâm giới thiệu về thi tập Gửi người cuối sóng của Nguyễn Kiến Thọ.

Văn học nước ngoài giới thiệu tiểu luận về sáng tác tản văn của Phùng Ký Tài do Châu Hải Đường dịch từ nguyên bản tiếng Trung.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Hữu Quý, Tôn Phương Lan, Nguyễn Phương Hà, Huệ Ninh, Thu Sang, Võ Diệu Thanh.

Khai thác cái nhìn đa chiều về một vũ trụ đa tầng bậc, trong nghệ thuật thế giới không phải là điều xa lạ. Tuy nhiên, ở Việt Nam dường như các nhà làm phim vẫn chưa thực sự mạnh dạn với hướng đi, cách nhìn, cách làm này. Bởi vậy, EEAAO có thể là một tham khảo hữu ích, kích thích tư duy người xem, đưa đến một xu hướng sáng tạo và tiếp nhận trong văn học nghệ thuật ngày nay. Bài viết “Cuộc chiến đa vũ trụ”: Cách nhìn đa diện về vũ trụ đưa đến những luận bàn thú vị.

Trong sáng tác, Trần Hữu Tòng luôn tìm cách thoát ra khỏi ảnh hưởng của người làm báo lâu năm. Tuy nhiên không phải lúc nào ông cũng làm được điều đó một cách dễ dàng. Hình ảnh người lính biên phòng với những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn vẫn là đối tượng mà ông dành trọn tâm sức của mình để khám phá. Bài viết Nhà văn Trần Hữu Tòng - người mang hồn biên ải chia sẻ nhiều điều về con người và sáng tác của ông.

Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1017 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/7/2023. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Đoàn Văn Mật

Trạng thái làm nên giá trị nghệ thuật

Thái Chí Thanh

Cánh buồm vá khâu

Đinh Phương

Những người gắn vết chiến tranh

Trần Tú

Đom đóm bay về đâu?

Trần Chiến

Một miếng giữa làng

Nguyễn Thị Như Hiền

Bờ lau xao xác

 

Thơ

Nguyễn Đức Mậu

Bám biển; Những con chữ

Nguyễn Thị Vân Ngà

Qua Hà Trung nhớ Vũ Đình Văn; Huyệt đạo

Phan Văn Chương

Hoành Sơn; Còn mãi trong nhau

Lê Hào

Một lần đi lạc; Trên cánh đồng khắc khổ

Nam Thanh

Hương Hạ Long; Có nơi nào

Pờ Sảo Mìn

Người trên rừng nhớ biển;

Đến Si Ma Cai lại nhớ bác Giàng Lao Pà

Kiều Trang

Tiếng đàn người lính;

Những ngọn nến lòng hồ; Quê nhà

Nguyên Như

Khoảng lặng; Di trăng

Phạm Vân Anh

Bi khúc bazan; Hạnh phúc; Lau lách Chi Lăng

Nguyễn Thanh Tâm

Gửi gì cho người cuối sóng? (Đọc Gửi người cuối sóng của Nguyễn Kiến Thọ)

Đỗ Thế Tuấn

Phiên gác Trường Sa; Ngư Lộc ơi

Lữ Hồng

Về với thênh thang; Trôi

Phạm Xuân Trường

Huế đừng mưa nữa làm gì

Nguyễn Đặng Thùy Trang

Bông hoa tím

Trần Xuân Trường

Một mình bên ngõ

Huy Trụ

Một chiều

 

Văn học nước ngoài

Phùng Ký Tài

Về sáng tác tản văn

(Châu Hải Đường dịch từ nguyên bản tiếng Trung)

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Hữu Quý

Dòng thơ viết về liệt sĩ: Ám ảnh và xúc động

Tôn Phương Lan

Nhà văn Trần Hữu Tòng - người mang hồn biên ải

Nguyễn Phương Hà

Khi “sự thật là đóa hoa lộng lẫy”

Huệ Ninh

Cuộc chiến đa vũ trụ: Cách nhìn đa diện về vũ trụ

Thu Sang

Salvador Dali và những tác phẩm siêu thực nổi tiếng

Võ Diệu Thanh

Thanh xuân của “người đàn bà tìm nước”

 

Minh hoạ, ảnh

Bìa 1: Hành quân Tranh của hoạ sĩ Trần Quang Thái

Minh hoạ: Đỗ Dũng, Bùi Quang Đức, Công Quốc Hà,

Phạm Minh Hải, Nguyễn Đăng Phú, Đặng Tiến, Vũ Đình Tuấn...

VNQD
Thống kê