VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Tôi muốn được đi đó đây để học từ cuộc sống

Thứ Tư, 19/07/2023 10:09

Nguyễn Bông Mai sinh năm 1977, là ca sĩ, cựu thành viên nhóm nhạc Con gái nổi tiếng thập niên 90, nhà báo, đạo diễn, từng làm việc nhiều năm ở truyền hình VTV, quản lí trung tâm sản xuất nội dung Giáo dục và Giải trí VTVcab. Là người dám rời bỏ công việc ổn định để theo đuổi những dự án mà mình đam mê, năm 2022, chị có chuyến đi 99 ngày xuyên Việt cùng Mai khắp chiều dài đất nước để tìm hiểu văn hóa, đặc biệt đi sâu về trang phục, làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Sau chuyến đi, cuối năm 2022, chị đã ra mắt bộ lịch với 12 bộ trang phục của 12 dân tộc cùng đội ngũ mẫu trẻ Gen Z. Đầu tháng 3 năm nay, tại Bảo tàng Phụ nữ, triển lãm ảnh Dám sống một cuộc đời rực rỡ đã ra mắt công chúng với 99 bức gồm 55 bộ trang phục và các bức ảnh đời sống các dân tộc thiểu số mà chị đã chụp được trong chuyến đi.

- Trong cuộc sống, đôi khi chỉ cần một ấn tượng, thậm chí chỉ một phút ngẫu hứng để làm một điều gì đó. Nhưng cũng có thể nó là thứ mình ấp ủ rất lâu, đến thời điểm ấy mới có điều kiện thực hiện. Lí do nào khiến Bông Mai quyết định thực hiện chuyến đi 99 ngày để tìm hiểu về trang phục và làn điệu dân ca đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam?

+ Tôi không phải là người bốc đồng. Mọi người hay mặc định rằng nghệ sĩ thì hay ngẫu hứng thế này thế nọ… Tôi là người cực kì ngăn nắp và chủ động. Tôi chỉ bay bổng trong lúc viết, sáng tác, chứ trong cuộc sống hết sức lí trí. Nói như thế để giải thích về quyết định của chuyến đi này. Nó là sự thôi thúc của một phóng viên, một nhà báo mà trong mười mấy năm làm nghề đã dùng hết vốn liếng văn hóa của mình, và tôi không muốn trở thành một nhà báo đút chân vào gầm bàn ngồi research, tra google để viết. Tôi muốn có một hành trình đi, hoặc học để nạp kiến thức. Nhưng việc học lại không phải là thứ bổ trợ cho mình quá nhiều và tôi quyết định “một mình đi khắp thế gian để học” (cười). Chuyến đi này được tôi chuẩn bị trước cả năm. Tôi tập chạy xe 17 ngày ở cung đường miền Trung và Tây Nguyên. Rồi chạy thử 10 ngày ở cung đường Đông Bắc và Tây Bắc. Thử để xem thể chất, phương tiện, độ thích nghi của mình trong các điều kiện hoàn cảnh môi trường tương tự. Rồi sắp xếp con cái, làm công tác tư tưởng cho chúng… Nói thế để khẳng định, tôi hoàn toàn không bột phát theo kiểu vui lên, có tiền, lên xe là đi thôi. Và giống như anh nói, nó phải hội tụ vào thời điểm mình đi được.

- Tức là thời điểm đi ấy đã chín muồi?

+ Vâng, nhưng cũng không hẳn vậy. Nó giống như ta chăm cây hoa mai cho tết, tự biết thời điểm nào trong năm nó sẽ ra hoa và ta cần mẫn, bỏ công, bỏ sức chăm bón để thời điểm ấy, nó cho những bông hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất.

- Chuyến đi xuyên Việt của chị, ngoài lí do tìm hiểu về trang phục, làn điệu dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam ra, còn lí do nào khác?

+ Nhiều khi một chuyến đi giống như để khám phá mình. Đến nơi nào đó khó khăn mới biết được khả năng chịu đựng, thích nghi của mình trong điều kiện hoàn cảnh đó. Nhưng nếu không bước chân khỏi nhà thì không thể biết lúc bị lạc, mình sẽ xử lí thế nào. Chuyến đi giúp tôi có thời gian hiểu bản thân mình, khám phá những tiềm ẩn trong chính con người mình. Mỗi khi phát hiện thêm một năng lực, sức chịu đựng bền bỉ của mình, thú vị vô cùng. Nó giúp ta phát huy cái đã có, tìm ra những thứ mà lâu nay nghĩ mình không làm được.

Trang phục của người Dao Thanh Phán. Ảnh: NVCC

- Những trải nghiệm trong chuyến đi sẽ là nguồn nguyên liệu quý để chưng cất tác phẩm. Là người đa tài trên nhiều lĩnh vực, có khá nhiều lựa chọn, chị sẽ ưu tiên cho lĩnh vực nào, có sợ tán cảm xúc hoặc lặp khi dùng sang lĩnh vực văn hóa khác?

+ Khi làm bất cứ điều gì, tôi đều tính đến một lộ trình dài cho nó. Trước khi đi xuyên Việt, tôi đã biết phải làm gì với những nguyên liệu văn hóa mình có. Ví dụ, đi về, mình sẽ làm triển lãm, ra các ấn phẩm về văn hóa, viết sách, rồi một dự án âm nhạc dân tộc. Nếu anh cùng xem anh có thể thấy, trên những linh kiện văn hóa ấy thôi, bản thân tôi đã trăn trở rất nhiều để làm sao có thể phái sinh được bốn, năm sản phẩm khác nhau. Tức là mình phải biết phân bổ. Gieo thói quen gặt tính cách, tôi là người luôn ngăn nắp trong cuộc sống, mọi thứ ở đâu phải được đặt đúng chỗ của nó, nên bất cứ việc gì tôi cũng chủ động, hoàn toàn không bị rối. Có lẽ đó là một trong những điểm mạnh của tôi chăng? (cười)

Những chi tiết thu lượm được, tôi dùng vào sản phẩm văn hóa rồi, đưa vào triển lãm, viết sách có bị hao đi không ư? Tôi nghĩ, một sản phẩm văn hóa, quan trọng nhất, nó phải mang dấu ấn của riêng mình. Tức là cho dù người ta đọc dưới hình thức nào, đã xem lịch, xem triển lãm thì nó vẫn có những những yếu tố rất riêng, rất tôi. Nhưng quan trọng nhất, chúng là những mắt xích trong sợi xích chiếc xe xuyên Việt của tôi. Tôi mong những ai theo dõi, ủng hộ tôi sẽ đi theo cả hành trình đấy cùng tôi, vì thế tên gọi chuyến đi xuyên Việt của tôi là 99 ngày xuyên Việt cùng Mai. Ví dụ, tôi rất mong những người yêu và ủng hộ văn hoá như anh sẽ đến thăm triển lãm, mua những sản phẩm văn hóa của tôi, khi mua rồi, anh sẽ chờ cuốn sách về trang phục dân tộc... Như thế, anh đã dõi theo, ủng hộ cả hành trình đi của tôi. Tức là tôi muốn có những người đồng hành, ủng hộ mình không dừng lại ở câu chuyện đến một lần rồi thôi, mà dõi theo cả hành trình một cách trọn vẹn nhất có thể. Là người từng làm nội dung truyền hình 15 năm, tôi quá hiểu và quen với cách phân bổ nội dung sao cho các phần ngày càng hấp dẫn, thu hút người xem. Muốn thế, làm phần trước, luôn phải có những thứ hấp dẫn hơn để dành cho phần sau. Năm ngoái tôi ra bộ lịch về văn hóa lấy hình ảnh mười hai cô gái trong bộ sưu tập chuyến đi của mình phát triển ra và vẽ rất đẹp. Mọi người bảo, tôi làm cái đó bị hỏng về mặt kinh tế. Nhưng tôi bảo, tôi không làm thương mại. Bởi xét về mặt truyền thông, nếu anh muốn ai đó biết về mình thì phải bỏ tiền ra quảng bá tên tuổi, phải có rất nhiều nội dung chạy xung quanh anh. Nhưng tôi không không làm cách đấy. Tôi không bỏ tiền ra mua báo chí, truyền thông viết bài. Thay vào đó, tôi làm các sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình, dằm nhỏ nó ra để làm. Ví dụ, tôi bắt đầu bằng giới thiệu cho mọi người chuyến đi xuyên Việt, sau đó ra lịch. Khi mọi người đã chú ý đến lịch thì sẽ là triển lãm, sau triển lãm là sách. Tôi luôn tính sao cho nội dung mỗi ngày đi lên, không nhàm chán. Khi tôi ra lịch, mọi người bảo tại sao không đăng kí bản quyền, nhưng tôi không quá đặt nặng điều đó. Văn hóa là của cộng đồng, của xã hội, mọi người có thể sáng tạo dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng khi người ta đã yêu thích, ủng hộ sản phẩm lịch của tôi thì nhìn nó, họ sẽ nghĩ ngay đến tôi hoặc ít ra sẽ có một ai đó biết và sẽ nhắc đến tôi, nói cho người khác biết đó là sản phẩm của tôi. Nghĩa là tôi đang dùng những thứ từ phía người ủng hộ mình, là sự ủng hộ, tin yêu.

- Muốn khám phá văn hóa một tộc người, có rất nhiều cách tiếp cận, chẳng hạn những câu chuyện truyền khẩu, phong tục tập quán... Tuy nhiên, trang phục, các làn điệu dân ca là thứ khúc xạ liên quan đến thổ nhưỡng - môi trường sống. Nói không quá, nếu coi các tập tục là trực quan sinh động của đời sống mỗi dân tộc, thì trang phục và làn điệu dân ca chính là vẻ đẹp đời sống khúc xạ vào văn hóa thăm thẳm của dân tộc đó. Đó có phải lí do chị chọn trang phục và dân ca?

+ Về trang phục, trước chuyến đi nhiều người cho rằng nó dễ, cứ lên ô tô, đi đến các vùng và chụp lại chứ có gì ghê gớm. Đúng, nếu chỉ đơn thuần chụp thì quả thực nó dễ. Nhưng để tìm hiểu sâu văn hóa ẩn chứa trong đó, như thế sẽ không bao giờ đủ. Trước chuyến đi, tôi đã dành ba tháng để đọc tài liệu, và tôi biết mình tìm kiếm gì trong hành trình ấy. Ví dụ, không thể nói văn hóa chung chung mà phải cụ thể, là đời sống, tâm linh, món ăn, kiến trúc nhà cửa… Tôi đã tự hỏi, cái gì giúp ta nhận diện một dân tộc? Và khi đọc tài liệu, tôi nhận ra, một trong những đặc trưng của mỗi dân tộc chính là trang phục. Khi chọn trang phục, có nghĩa tôi đã tiếp cận gần nhất với con người của dân tộc ấy. Bởi vì qua trang phục, anh sẽ hiểu được thêm, với mỗi loại trang phục sẽ là loại vải gì, làm ra nó thế nào, mặc khi nào… Khi lần theo vết dấu ấy, văn hóa của dân tộc ấy sẽ hiện lên. Rồi những hoa văn trên đó, là đời sống lao động, thẩm mĩ, tín ngưỡng của họ. Nếu có dịp ngắm nhìn những người phụ nữ ngồi bên hiên nhà dệt, nhuộm vải và nghe câu chuyện, nghe họ hát thì mới thấy hết sự hội tụ văn hóa dân tộc đó.

Cùng nhau thêu họa tiết dân tộc. Ảnh: NVCC

- Thế còn dân ca?

+ Trước chuyến đi, tôi đã tưởng tượng ra hình ảnh một người phụ nữ vừa ngồi thêu vừa hát. Đó là hình ảnh rất đẹp, lãng mạn. Và tôi đã chuẩn bị các thiết bị để ghi lại. Nhưng khi bắt đầu hành trình, thu được một vài bài xong, tôi chợt nhận ra mình đang làm cái việc rất giống ba mình (nhạc sĩ An Thuyên - PV). Ba tôi đã từng đi sưu tầm dân ca. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy trang phục và dân ca giống như viên gạch nối tiếp nhau để xây bức tường văn hóa của một dân tộc. Nó càng ý nghĩa hơn khi tôi thấy mình đang tiếp nối những gì mà ba tôi từng làm. Sau chuyến đi, tôi chợt nhận ra, văn hóa thông qua trang phục và dân ca, không phải là cái gì cao sang, mơ hồ mà hết sức cụ thể, liên quan đến gốc gác của một tộc người.

Có những thứ cũng tốt nhưng điều kiện của mình chưa làm được, sở dĩ tôi chọn trang phục và dân ca vì nó phù hợp với mình. Cả về niềm yêu thích lẫn quỹ thời gian trong một chuyến đi hơn 3 tháng. Càng muốn tìm hiểu kĩ thì càng cần phải quy hoạch nó thật nhỏ, thật tinh. Thời gian của chuyến đi tôi xác định là 99 ngày trong đó tuần cuối cùng để trở về và dành cho việc in ra, tức là thực tế tôi chỉ có 92 ngày. Nếu chia 92 ngày cho 55 bộ trang phục, 53 làn điệu mới thấy tần suất làm việc của mình đã phải nỗ lực rất nhiều, rất chăm chỉ. Lượt đi ra, dừng lại ở Phú Yên, tôi đã khóc vì xúc động khi nhìn lại toàn bộ dữ liệu của hành trình. Lúc đó tôi tự nói vui với mình trong nước mắt “mình phục mình quá”. Phải cực kì nỗ lực và nghiêm túc, tranh thủ từng phút, từng giây mới có thể thu về ngần ấy thứ được.

- Ngoài sự nỗ lực nghiêm túc, còn nguyên nhân gì giúp chuyến đi thành công?

+ Chính là sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Việc đọc sách, nghiên cứu trước về các dân tộc sẽ tiếp cận trong chuyến đi khiến tôi dễ dàng hình dung và sắp xếp hợp lí thời gian, công việc khi bắt đầu tiếp cận tìm hiểu một địa bàn, dân tộc. Rồi nghiên cứu các loại bản đồ khác nhau và lên thành hai loại, một về dân tộc học, một về địa lí sau đó gộp lại để xem hành trình đi của mình đến đâu. Có người hỏi, lên bản đồ dân tộc học làm gì. Hiện nay, các dân tộc có sự di cư sang các địa bàn khác, nếu không có bản đồ đó, mình không biết địa bàn nào là gốc của họ. Ví dụ như đến điểm này nhưng không gặp được họ thì sẽ biết tìm họ ở đâu và ngược lại. Rồi biết ở điểm này khi không gặp được đồng bào, nếu bỏ qua sang điểm khác sẽ không có cơ hội gặp lại, tôi sẽ chấp nhận chờ đợi để đến khi nào gặp được thì thôi. 15 năm làm báo chí, truyền hình đã trang bị cho tôi những kĩ năng làm nghề để biết mình phải làm thế nào. Quá trình tìm hiểu cũng thế, có quá nhiều những cám dỗ khiến mình xao nhãng mục đích chuyến đi như cảnh đẹp, ẩm thực rồi ngay cả chuyện đặt camera quay lại hành trình của mình thôi, lúc ốm đau, gặp khó khăn, gặp người này người kia… cũng là một câu chuyện hay rồi. Nhưng để ra sản phẩm đúng ý định của mình, phải biết nói không với cám dỗ. Chỉ ham vui một chút, chỗ này dừng lại làm một tí, chỗ kia dừng lại làm một tí… sẽ thành đẽo cày giữa đường, cái gì cũng dở dang.

Có một thứ sau chuyến đi này tôi thu được mà không nghĩ mình thu được, chỉ đến khi những người làm chuyên môn đánh giá, tôi mới nhận ra, đó là những tư liệu của chuyến đi không dừng lại ở 55, 56 bộ trang phục, mà còn là tài liệu về nhân học. Tức là gắn với những bộ trang phục ấy, là hình ảnh con người đại diện cho dân tộc họ. Mình có đi sâu thì mới nhìn ra, gặp những con người như thế và từ họ, mình hiểu thêm nhiều thứ khác ngoài trang phục.

- Ngoài điều đó ra, còn thứ gì mà chị “ngỡ ngàng” nữa?

+ “Kho báu lớn nhất” ngoài những thứ như dự định ban đầu thì đầy ắp trên chuyến xe tôi chở về là tình người - một thứ không dễ gì kiếm trong đời sống bây giờ. Như tôi vẫn hay nói, “chúng ta đang mất kết nối với nhau giữa một xã hội đầy kết nối”. Tại sao? Vì hàng ngày chúng ta kết nối với nhau bằng điện thoại, các thiết bị điện tử, trong khi đó sự tương tác ngoài đời thực quá ít. Trong triển lãm, tôi có đặt tên một góc ảnh là 99 ngày đồng hành nhưng không cô đơn bởi vì mọi người hỏi đi một mình như thế có buồn hay không. Thực sự tôi không buồn. Tôi đi một mình nhưng không một mình. Minh chứng là, triển lãm của tôi hôm khai mạc không mời những người nổi tiếng đến check in để quảng bá như cách tổ chức sự kiện phổ biến khác; những người được tôi mời đến hôm đó chính là những đồng bào đã nuôi tôi trong suốt hành trình đó. Là cụ bà dân tộc người Kháng, vợ chồng cô chú người Thái đen, rồi vợ chồng đôi bạn trẻ người Dao Tiền… Sự quan tâm ấy không chỉ là quan tâm đến nhau mà là quan tâm đến văn hóa dân tộc. Tôi ở nhà cô chú người Thái đen và sau một ngày, khi chuẩn bị đi, bữa tối cuối cùng, cô chú nấu bữa ăn chia tay có thêm một chõ xôi và đĩa muối. Tôi nghĩ, vì mình ăn chay nên cô chú đặt thêm chõ xôi ấy. Nhưng khi nghe giải thích tôi mới vỡ lẽ, nó thể hiện sự yêu quý của chủ nhà đối với khách, muốn giữ khách lại. Tôi đã khóc vì xúc động. Nó thật đơn giản nhưng lại đầy ắp tình người, chứa đựng trong đó văn hóa dân tộc họ. Hoặc hành động nắm một nắm xôi đặt vào tay tôi với ý nghĩa xôi, gạo là ấm no, hạnh phúc, đặt vào tay là mong muốn gửi ấm no, hạnh phúc cho mình. Hoặc hình ảnh một người lính trẻ bộ đội biên phòng chạy theo xe để đưa một túi ni lông lớn và nói: “Chị ơi, me em mới hái xuống, chị mang ăn cho đỡ buồn!” Những lúc đó, tình cảm ấy nó lớn hơn rất nhiều của cải vật chất đắt tiền khác… Rồi những người mà tôi không quen, gói bánh chưng chay cho tôi mang đi, những người trước đó hoàn toàn xa lạ, trở thành thân thiết với mình bởi sự nhiệt thành, không so đo, vụ lợi… Và ở vùng đất nào, tôi cũng có thêm những con người như thế. Chính vì thế, hành trình 99 ngày ấy của tôi là một hành trình yêu thương và hạnh phúc, đầy văn hóa tình người.

- Thế còn những làn điệu dân ca thu được trong chuyến đi, chị dự định sẽ dùng chúng thế nào?

+ Như tôi nói từ đầu, tôi có lộ trình với những nguyên liệu mình thu được trong chuyến đi. Sở dĩ tôi nói về trang phục trước bởi cuối năm nay, tháng 10, tôi dự định sẽ ra mắt cuốn sách về trang phục dân tộc và cuốn sách du kí. Lúc đầu tôi định tách ra tháng 8, vào sinh nhật mình, sẽ ra một cuốn nhưng sau đó tôi quyết định gộp vào bởi 2 cuốn khá liên quan đến nhau. Hành trình trong năm nay sẽ là trang phục. Năm sau là dự án về âm nhạc dân tộc. Đầu tiên sẽ là việc ghi chép lại bằng văn bản tất cả những làn điệu mà mình thu thập được. Tôi biết, các cô chú đi trước đã làm điều này rất tốt. Nhưng vấn đề là, tôi muốn phổ cập những làn điệu dân ca này bằng cách chép, in thành sách, sau đó sẽ làm thành những sản phẩm số trên Youtube để phổ biến rộng rãi. Nhưng trên hết, trong dự án của mình, tôi muốn nâng lên một bước nữa: Nghệ thuật hóa những làn điệu này. Tôi có một dự án kết hợp giữa âm nhạc điện tử với nhạc dân tộc; nhạc giao hưởng với chất liệu nhạc dân tộc và hợp xướng với các làn điệu ấy. Hai dự án ấy nằm trong dự án số hóa và cộng đồng hóa. Tôi muốn tất cả mọi người đều biết, chúng ta có rất nhiều làn điệu dân ca và muốn tìm hiểu một làn điệu nào đó, không nhất thiết phải lên Viện Âm nhạc để xin tư liệu mà có thể lên mạng tìm trên fanpage của tôi. Mảng thứ hai, như tôi đã nói, sẽ nghệ thuật hóa tất cả những làn điệu đó, để chúng không chỉ được phổ cập rộng hơn, mà còn có cơ hội đi ra nước ngoài nhiều hơn. Năm vừa rồi tôi có đưa triển lãm của mình sang Nhật đến với kiều bào và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi văn hóa Việt Nam đến được với người Việt Nam ở các nước trên thế giới.

- Bất cứ chuyến đi nào, công việc gì khi hoàn thành cũng khó có thể hoàn hảo. Với chuyến đi và những dự án đã hoàn thành đến thời điểm này, chị có thấy tiếc nuối điều gì không?

+ Tôi thường không có thói quen tiếc cái gì mình không làm được. Bởi vì khi đã thực hiện dự định gì, tôi sẽ làm đến cùng và làm tốt những thứ mình đã xác định. Còn những thứ mình chưa làm được sẽ mở ra cơ hội để tiếp tục làm dự án khác. Khi mình còn tiếc, nghĩa là mình chưa hết lòng với nó. Trong cuộc sống của mình, từ công việc cho đến tình cảm, tôi luôn hết lòng và không bao giờ phải tiếc nuối bất cứ điều gì mình không làm được.

- Chị xác định hệ quy chiếu nào trong quan niệm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” của mình?

+ Câu này tôi có giải thích trong cuốn du kí mà tôi sẽ ra mắt vào tháng 10 tới đây. Mọi người có hỏi tôi, tại sao lại là “dám” mà không phải “hãy”. Hãy mới hô hào, kêu gọi. Còn dám là hành động, thực hiện. Tại sao lại là dám sống? Bởi hiện nay, mọi người hay sống hộ nhau quá. Ngay lúc đầu thực hiện chuyến đi này, tôi cũng bị không ít người người nói ra nói vào, rằng thừa tiền, dở hơi, làm màu, chẳng qua chỉ là một chuyến đi chơi… Tôi dùng từ dám sống để khẳng định, mọi người sống cuộc đời của mình trước đi, lúc đấy, nếu ai cần thì hãy sống hộ. Ngay những người thân trong gia đình mình, bố mẹ, con cái… còn chẳng sống hộ cuộc đời được nhau thì làm sao sống hộ được những người khác. Còn quan niệm về cuộc đời rực rỡ, tôi cũng đã nói với nhiều người và nói trong dự án của mình, đặc biệt là với các bạn trẻ, rực rỡ không có nghĩa nó tô bằng những sắc màu xanh đỏ, tiền tài vật chất, mà là nỗi buồn, sự cô đơn, thậm chí cả những đổ vỡ của mình, lúc ấy, mới thấy giá trị của những khi bình an, có mọi thứ trong tay. Rực rỡ là lúc ngồi ngắm một thứ gì đó và cảm thấy nó rất đẹp - một sự rực rỡ của những cung bậc cảm xúc. Và những rực rỡ ấy, tôi xin tặng cho những người dõi theo mình. Họ theo dõi ủng hộ tôi cả những khi tôi khó khăn nhất. Nó là một sự tri ân. Tôi muốn hành trình làm văn hóa của mình không chỉ dừng lại ở câu chuyện một chuyến đi tìm hiểu cho mình mà muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ sự đam mê văn hóa Việt Nam. Chính vì thế, các dự án của tôi hiện đang hoạt động và được điều hành bởi các bạn trẻ và người chịu trách nhiệm mọi mặt các hoạt động ấy chính là con gái tôi. Các bạn ấy đang làm rất tốt vấn đề nhìn và hiểu văn hóa Việt Nam. Ví dụ như, chỉ để bước vào một triển lãm như thế, các bạn ấy phải mất 6 tháng ngụp lặn trong các tài liệu về văn hóa của tôi để hiểu. Tôi thực sự hạnh phúc khi thấy các bạn ấy bắt đầu đam mê công việc ấy. Về bảo tồn, tôi có thể làm được. Nhưng để phát huy, phát triển nó, phải là các bạn trẻ. Và câu trả lời là, trong hơn 5.500 người đến với triển lãm, có đến hơn 70% là giới trẻ. Đó là một tín hiệu tốt và hành trình văn hóa ấy là truyền đam mê, trước hết là cho con tôi. Thay vì những bài học máy móc, con gái tôi đã nhận được những kiến thức rất rộng về văn hóa. Thứ hai, hành trình ấy, tôi đi cho những người phụ nữ không dám sống cuộc đời của mình. Tôi muốn truyền thông điệp, một chuyến đi nó thú vị và tuyệt với thế nào.

Bông Mai một mình quay phim, chụp ảnh, ghi lại tư liệu trong suốt chuyến đi. Ảnh: NVCC

- Trong cuộc sống, đôi khi cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra. Và cũng đôi khi, cánh cửa này mở ra sẽ có nhiều cánh cửa khác xuất hiện. Trong chuyến đi của chị, đã có một cánh cửa tuyệt với mở ra rồi, và còn cánh cửa nào khác không?

+ Tôi không muốn nổi tiếng mà muốn mình là người có ảnh hưởng về văn hóa. Từ bé đến giờ, tôi là người luôn thích đọc sách. Lại may mắn được làm việc trong môi trường đài truyền hình VTV và được làm nhiều thứ liên quan đến văn hóa. Về những cánh cửa khác, tôi không chờ nó mở ra mà tôi đang chờ chính mình làm ra những cánh cửa để mọi người bước vào. Sự chuẩn bị nhiều năm của mình giúp tôi có thể tư vấn cho mọi người không phải về văn hóa mà là tìm hiểu văn hóa như thế nào, yêu văn hóa thế nào. Những thứ hiện nay tôi đang có giúp tôi có cơ hội làm nhiều việc khác nhau, có cơ hội gặp nhiều con người khác nhau.

- Theo như giới thiệu tại triển lãm, sau chuyến đi, chị đã thu thập được 55 bộ trang phục và 53 làn điệu của 35 dân tộc. Thế còn các dân tộc khác thì sao? Chị có ý định làm trọn vẹn 54 dân tộc của Việt Nam?

+ Tôi đã đi đủ ba miền và cũng gặp khá nhiều dân tộc. Nhưng để tìm hiểu thì còn rất nhiều thứ. Nếu như có một hành trình tương tự, tôi sẽ làm ở một khía cạnh khác. Tôi nghĩ rằng làm cái gì thiếu thiếu một chút thì chính là sự đổ đầy. Giống như li nước. Nếu đầy lên sẽ bị tràn, nhưng vơi vơi một chút lại là đủ.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện ý nghĩa và thú vị này!

NGUYỄN MẠNH HÙNG thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)