Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1019 + 1020 (số đặc biệt chào mừng Quốc khánh 2/9)

Thứ Bảy, 26/08/2023 14:39

 Được mệnh danh là thủ phủ của vùng cao Tây Bắc, với lịch sử hình thành và phát triển của mình, Sơn La đã tạo nên những nét đặc trưng riêng. Trước đây, nhắc đến Sơn La người ta sẽ nghĩ đến một vùng đất xa ngái, đi lại khó khăn, trùng núi, điệp rừng nổi tiếng với hai nông trường thời bao cấp: chè và bò sữa Mộc Châu. Còn giờ, ngoài những giá trị cũ được nâng lên tầm cao mới, Sơn La đang là vựa cây trái miền Bắc, các tua du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, điểm đến check in của du khách trong nước và quốc tế...

Để độc giả hiểu thêm về sự phát triển của vùng đất này, các nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La. Bài trò chuyện mang tên Phát triển Sơn La xanh, nhanh, bền vững, là nơi đáng đến sẽ mở đầu tạp chí số 1019 + 1020.

Văn học các dân tộc thiểu số là một “dòng riêng giữa nguồn chung” của văn học Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, cho đến nay văn học các dân tộc thiểu số đã hình thành nên một đội ngũ tác giả, tác phẩm đông đảo với nhiều sắc màu độc đáo. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với TS. Đỗ Thị Thu Huyền về những đặc trưng văn học dân tộc thiểu số cũng như những thuận lợi, khó khăn trong nghiên cứu khu vực văn học này. Bài trò chuyện mang tên Văn học các dân tộc thiểu số là một vườn hoa nhiều hương sắc.

Truyện ngắn Chuyến tàu số phận của Hoàng Giá kể câu chuyện éo le của Bình, người phụ nữ sinh con giữa chiến trường, kết quả của một mối tình ngắn ngủi nhưng sâu đậm. Tình thế bắt cô phải lựa chọn rời xa đứa con trai bé bỏng và trao bé vào tay hai người lính. Mọi sự có sáng rõ sau mấy chục năm hai mẹ con lưu lạc, xa cách? Hành trình đi tìm mẹ cho đứa trẻ trên chuyến tàu năm xưa của hai người lính khiến người đọc xúc động.

Truyện ngắn Người đàn bà sinh ra từ nước của Lê Trâm cuốn hút người đọc bởi không khí liêu trai, huyền ảo mà không khí truyện tạo ra. Vẻ đẹp và số phận của Diễm trong bối cảnh diễn ra lễ hội tế Bà được tác giả miêu tả hài hòa, khéo léo đan cài những tình tiết mang tính dự báo. Truyện được kể nhẹ nhàng nhưng không kém ám ảnh: “Cứ như một mĩ nhân đến từ một thế giới nào đó không có thực, một người đẹp sinh ra từ nước. Đến từ nước và ra về cùng nước.”

Truyện ngắn Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa rừng xanh là lát cắt về số phận của những người lính cả “bên này” và “bên kia” trong cuộc chiến tranh mà dường như có lúc số phận cá nhân bị mờ đi trước một hoàn cảnh lớn lao khác. Sự đồng cảm, đồng điệu cũng như tinh thần hướng tới thống nhất nước nhà đã giúp họ xích lại gần nhau và vượt qua ranh giới ban đầu để tìm nhau và đến bên nhau.

Truyện ngắn Dòng thời gian của Lệ Hằng viết về mối quan hệ hôn nhân, gia đình trong thời đại công nghệ thông tin. Dường như những điều bình thường giản dị mà vốn dĩ chúng ta có thể làm cho nhau, dành cho nhau, nói với nhau, nghĩ về nhau… đã trở nên xa vời trong sự soán ngôi của thế giới ảo. Chúng ta quên mất rằng, những ứng xử nhỏ bé trong đời thực mới là điều mình nên làm hơn là sự tô vẽ trên cõi mạng…

Phần Văn xuôi còn có ghi chép Pha Luông, từ câu thơ Quang Dũng của Nguyễn Xuân Thủy; ghi chép Còn chân, còn nhịp bước của Nguyễn Duy Liễm, tản văn Theo mạ về với cậu của Lê Hà; bài viết Đi tìm ảnh bạn tôi của Phan Vượng.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Trên đỉnh Chumpua của Cao Nguyệt Nguyên.

Phần Thơ với sự xuất hiện của các tác giả quen thuộc đã gắn bó với VNQĐ trong nhiều năm qua. Nhiều tác giả đã thể hiện được nội lực sáng tạo cũng như giọng điệu, phong cách riêng khác. Các tác phẩm gây ấn tượng với sự phong phú về đề tài, những thể nghiệm mới mẻ, những góc nhìn sâu lắng đa chiều…

“VNQĐ giới thiệu” số này là chân dung tác giả Trần Nam Phong cùng chùm thơ của anh.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Những buổi chiều liên tưởng của Nguyễn Thị Kim Nhung giới thiệu thi tập Gọi nhau gió sông đầy của tác giả Thảo Nguyên.

Văn học nước ngoài giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Ba Lan Wisława Szymborska, chủ nhân của Giải thưởng Nobel văn học năm 1996.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Phùng Ngọc Kiên, Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Xuân Thạch, Thiên Sơn, Nguyễn Thị Tính, Lê Thị Hường, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Phong Tuấn, Trần Thị Thục, Bảo Thương.

Lịch sử sẽ quy định cho mỗi con người một số phận. Giống như Nam Cao, Tô Ngọc Vân hi sinh trên đường đi công tác, bên mình là cặp kí hoạ. Văn Cao sẽ có một khoảng im lặng suốt nhiều năm trước khi được quay lại với đời sống nghệ thuật sau Đổi mới. Bài viết Người tiên tri của Cách mạng có những bình luận, kiến giải sâu sắc về Văn Cao và những tác phẩm mang tính “tiên tri” của ông.

Cách mạng mùa thu tháng Tám 1945 đã mở ra vận hội mới cho đất nước và nền văn hóa, văn học dân tộc. Thực tế di sản văn thơ Cách mạng mùa thu 1945 có nền tảng nguồn cội từ nhiều năm trước đó và nối dài suốt chín năm kháng chiến chống Pháp cho đến ngày nay, được tái hiện trong nhiều bộ hồi kí, truyện kí và sáng tác về đề tài lịch sử… Để hiểu rõ hơn, mời các bạn đọc bài viết Văn thơ trong Cách mạng mùa thu 1945.

Bài viết “Rơi rớt tiểu tư sản” hay tính đa dạng trong bước chuyển mình của văn học những ngày đầu cách mạng (1945 - 1946) cho thấy: Văn học giai đoạn đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thường được nhìn nhận như là giai đoạn lịch sử văn học theo chủ trương của Đảng, phục vụ cho yêu cầu của cách mạng là tuyên truyền vận động quần chúng. Những ngã rẽ bất ngờ, những điểm sáng khác lạ trong sáng tác thường bị phê phán, càng về sau càng nghiêm khắc. Nhưng ngày nay, khi mục tiêu lịch sử đã hoàn tất, chúng ta cần nhìn nhận lại tính đa diện, đa sắc của những sáng tác ấy, đưa chúng trở lại vị trí là những suy tư nghệ thuật ít nhiều vượt thoát được ranh giới nhất thời của lịch sử.

Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1019 + 1020 dày 200 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 30/8/2023. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

VNQĐ Phát triển Sơn La xanh, nhanh, bền vững, là nơi đáng đến 3. Hoàng Giá Chuyến tàu số phận 13. Nguyễn Xuân Thủy Pha Luông, từ câu thơ Quang Dũng… 22. Cao Nguyệt Nguyên Trên đỉnh Chumpua 47. Lê Hà Theo mạ về với cậu 58. Lê Trâm Người đàn bà sinh ra từ nước 61. Hữu Đạt Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa rừng xanh 73. Đoàn Minh Tâm Văn học các dân tộc thiểu số là một vườn hoa nhiều hương sắc 105. Lệ Hằng Dòng thời gian 112. Nguyễn Duy Liễm Còn chân, còn nhịp bước… 123. Phan Vượng Đi tìm ảnh của bạn tôi 129.

 

Thơ

Nguyễn Trung Nguyên Bức ảnh; Côn Đảo tháng ba; Uống rượu trước biển 33. Hoàng Vũ Thuật Mắt Trường Sa; Quả bàng vuông; Hà Nội của tôi 36. Bùi Phan Thảo Như nắng mai này; Tứ tuyệt sông Buông 39. Châu Đăng Khoa Muối; Sẽ đi đến tận cùng 41. Bùi Sỹ Hoa Cấy đèn; Nhà lính 43. Huỳnh Minh Tâm Bài ca tháng bảy; Mỉm cười 45. VNQĐ giới thiệu thơ Trần Nam Phong (Thức dậy một dòng sông; Giấc mơ tuổi thơ; Ghi ở ngã ba Đồng Lộc) 69. Võ Văn Luyến Hương hoa trên đất anh nằm; Đêm nghe Hàng rào điện tử Mc Namara kể chuyện; Mưa Đakrông 85. Phạm Văn Dũng Viết tiếp bài ca; Người lính 88. Vân Phi Những ngày gió thả neo; La Vuông; Trong ngôi nhà kí ức 90. Lê Anh Phong Những khoảng trời; Halloween; Từ thư viện 93. Võ Mạnh Hảo Chiều; Quới Thành 96. Bùi Thị Diệu Dòng Huế; Những đêm trăng mềm 98. Nguyễn Ngọc Trìu Đồng làng; Một xa rồi 101. Trần Văn Lợi Bù nhìn giờ nơi đâu; Cây hoa giấy ở ban công 103. Nguyễn Thị Kim Nhung Những buổi chiều liên tưởng 142. Hoàng Đăng Khoa Thoáng đậu Ninh Bình; Ta; Khải thị 146. Hà Ngọc Anh Những cơn mơ; Gửi con 149. Vũ Thị Huyền Trang Vọng; Tôi về… 152. Vàng A Giang Mưa Khâu Vai; Trai bản 154.

 

Văn học nước ngoài

Wislawa Szymborska

Lá chắn; Bài học; Ở đây; Ý tưởng (Hoàng Xuân Thường chuyển ngữ) 135.

 

Bình luận văn nghệ

Phùng Ngọc Kiên Vài suy nghĩ về các sáng tác bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc trong 30 năm đầu thế kỉ XX 156. Nguyễn Hữu Sơn Văn thơ trong Cách mạng mùa thu 1945 161. Phạm Xuân Thạch Người tiên tri của Cách mạng 166. Thiên Sơn Nguyễn Đình Thi - thơ và những tầng suy tưởng 171. Nguyễn Thị Tính Lục bát Việt Nam - một góc nhìn từ thơ đôi đồng phương và lục bát tán hoa 175. Lê Thị Hường Lịch sử nhìn từ bi phận giai nhân 179. Nguyễn Thanh Tâm Văn Giá - phẩm giá sống và viết 184. Hoàng Phong Tuấn “Rơi rớt tiểu tư sản” hay tính đa dạng trong bước chuyển mình của văn học những ngày đầu Cách mạng (1945-1946) 188. Trần Thị Thục Cảnh quan, kí ức và tình yêu trong Dưới bầu trời xa cách 192. Bảo Thương Xẹt ngang cơn sét 198.

 

Minh hoạ, ảnh

Bìa 1: Đôi bạn Tranh của họa sĩ Đỗ Thu Hương

Minh họa: Trương Đình Dung, Ngô Xuân Khôi,

Nguyễn Bá Kiên, Hải Kiên, Đặng Tiến, Vũ Đình Tuấn,

Lê Anh Vân, Nguyễn Anh Vũ, PV,...

VNQD
Thống kê