Nghệ thuật luôn có sự tiếp biến, nếu không chỉ là hóa thạch trong bảo tàng

Thứ Ba, 24/10/2023 07:53

Họa sĩ Xuân Lam sinh năm 1993 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam. Anh nổi tiếng với những dự án vẽ lại tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ… theo phong cách đương đại, sử dụng các dải màu mới. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với anh về con đường sáng tạo của một họa sĩ trẻ khi sử dụng vốn văn hóa cổ của cha ông, thổi hồn vào những tác phẩm tưởng chừng đã rất quen thuộc.

- Xin chào Xuân Lam, có nhiều con đường để đến với nghệ thuật, vậy, với bản thân bạn con đường nghệ thuật được nhen nhóm ra sao?

+ Từ nhỏ mình đã thích vẽ và đã luôn biết rằng lớn lên sẽ làm một công việc gì đó liên quan tới nghệ thuật. Tuy xuất thân trong gia đình không có ai trong ngành nhưng cũng may mắn khi mẹ đã luôn tạo điều kiện cho mình theo đuổi ước mơ. Mình tự học photoshop năm 14 tuổi và theo học khoa Hội họa tại trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam vào năm 18 tuổi. Thời gian đầu ở trong trường, nhiều khi mình rất nản vì không có một hình tượng họa sĩ nào để noi theo, mình cũng từng nghĩ rằng bản thân không có tố chất theo đuổi công việc này. Phải mất nhiều thời gian thử sức với các vai trò như làm thiết kế, vẽ bìa sách hay game… mình mới nhận thấy rằng chỉ có làm họa sĩ là phù hợp nhất với bản thân vì chỉ có công việc này mới cho mình toàn bộ sự tự do sáng tác. Nếu như không có khuôn mẫu nào để noi theo thì mình sẽ tự xây hình tượng của riêng mình.

- Và ý tưởng làm mới tranh dân gian, quay trở lại với truyền thống hẳn không tự nhiên nảy sinh trong bạn?

+ Nếu như có ai bảo Xuân Lam năm 18 tuổi rằng sau này bạn sẽ được biết đến với việc cách tân tranh dân gian và sáng tác dựa trên văn hóa Việt Nam thì mình sẽ cười lớn vì gần như đó là điều không tưởng. Mình là người hoài cổ, luôn thích đi dạo trên phố phường Hà Nội, nhìn ngắm các ngôi nhà cổ kính nhưng cũng là một đứa trẻ 9x thành thị điển hình. Mình lớn lên với niềm say mê văn hóa đại chúng phương Tây như MTV, Disney Channel, Cartoon Network hay đọc truyện tranh và xem phim hoạt hình Nhật Bản. Mình biết đến tranh dân gian Việt Nam từ nhỏ, dù có yêu thích nhưng chưa từng tìm hiểu kĩ và chỉ biết đây là một điều thuộc về quá khứ. Thú thật thì suốt thời niên thiếu mình không hề để tâm tới văn hóa Việt Nam.

Mọi chuyện thay đổi vào một buổi chiều đầu năm 2016 khi mình đi vào Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam tìm cảm hứng làm bài tốt nghiệp. Mình có chủ đích tìm xem tranh của các họa sĩ thời Đông Dương nhưng lại vô tình đi lạc vào phòng trưng bày tranh dân gian, vốn nằm trong một khu cách biệt của bảo tàng mà mình chưa từng vào. Đột nhiên mình có một sự xúc động khi nhìn thấy những bức tranh hồi nhỏ từng biết tới như Ngũ hổ, Đám cưới chuột hay Đàn lợn. Ngoài ra bảo tàng còn có rất nhiều tranh khác mà mình chưa từng biết. Sự phấn khích khi tìm lại một kho tàng xen lẫn với chút tiếc nuối khi nhận ra không mấy người biết tới những nét văn hóa này. Và mình nảy ra ý tưởng làm một phiên bản mới của riêng mình, kết hợp hai khía cạnh nghệ thuật là hội họa và đồ họa.

- Thật là một sự đi lạc tình cờ, đầy duyên nợ và ý nghĩa đấy chứ. Vậy bức tranh dân gian đầu tiên bạn chọn thực hiện làm mới là bức nào? Phải có lí do gì đó đặc biệt khi chọn nó chứ?

+ Bức tranh đầu tiên mình thực hiện từ dự án Vẽ lại tranh dân gian là Ngũ hổ thuộc dòng tranh Hàng Trống vì lí do kỉ niệm. Ngày bé nhà bà ngoại mình có một phiên bản của bức tranh này và mỗi khi đến chơi mình luôn ấn tượng bởi dáng vẻ oai nghiêm của năm ông Ba Mươi, ông thì cưỡi mây, ông thì đứng vững chãi trên mặt đất. Và đây cũng là một trong những bức tranh mình thích nhất của dòng tranh Hàng Trống.

- Hiện giới trẻ hưởng thụ văn hóa và sáng tạo nghệ thuật theo những xu hướng, phong cách đa dạng của thế giới. Bên cạnh đó có trào lưu tìm về vốn văn hóa truyền thống dân tộc, như cách làm của bạn, các nhóm cổ phong phục dựng trang phục truyền thống, Hoàng Thùy Linh kết hợp đạo Mẫu trong sản phẩm âm nhạc... Bạn đánh giá như thế nào về trào lưu này?

+ Ở góc độ người hưởng thụ nghệ thuật thì mình nghĩ đây là điều tốt và đáng khích lệ vì văn hóa luôn chảy và biến đổi theo những biến động của xã hội, thật khó để văn hóa trở thành một phần của cuộc sống nếu như nó chỉ là một hóa thạch mà không ai được thay đổi. Nghệ thuật và di sản Việt Nam có rất nhiều điều thú vị nhưng ít được giới trẻ quan tâm có lẽ vì chưa được khai thác và giới thiệu đúng cách. Ở góc độ người làm nghệ thuật thì mỗi dự án cũng là một cơ hội để mình học hỏi, nghiên cứu thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam, vì vốn hiểu biết của mình cũng còn hạn hẹp. Tuy nhiên mình cũng không muốn các bạn nghệ sĩ trẻ chưa xác định được con đường bị áp lực rằng mình “phải” làm về văn hóa truyền thống thì mới có cơ hội. Hãy làm nếu như bạn có tình yêu thực sự với chúng, còn không hãy theo đuổi và khám phá chủ đề nào mà bạn yêu thích và quan tâm, vì chỉ như vậy sáng tạo của bạn mới tốt và bền vững được.

- Mọi câu chuyện sáng tạo nghệ thuật đều bắt đầu từ tình yêu và đam mê. Nhưng nếu chỉ yêu thôi thì hẳn chưa đủ, với riêng Lam, làm thế nào để sáng tạo với tranh dân gian của cha ông mà vẫn phù hợp với thẩm mĩ hiện đại?

+ Ngày xưa tranh dân gian được thực hiện bằng kĩ thuật in khắc gỗ và vẽ tay (Hàng Trống), hoặc in hoàn toàn (Đông Hồ), những dị bản của mình thì được thực hiện bằng kĩ thuật khác. Vì mục đích của dự án là giúp người xem thêm hiểu và trân trọng tranh dân gian nên mình đã giữ nguyên bố cục chính của bức tranh, tuy nhiên mình đã thay đổi và thêm thắt rất nhiều chi tiết nhỏ để phù hợp với thẩm mĩ của bản thân. Mình tiến hành vẽ bằng chì trên giấy, nét chì vẽ tay sẽ tạo được hiệu ứng thô ráp tự nhiên và ngẫu hứng, thể hiện khía cạnh truyền thống. Sau đó mình tiến hành scan và hoàn thiện bức tranh bằng những dải màu đồ họa, thể hiện khía cạnh hiện đại. Đặc trưng của đồ họa số là sự sắc nét và rực rỡ của màu sắc, khi kết hợp với nét chì đen trắng thô ráp sẽ tạo nên một hiệu quả thị giác đặc biệt, vừa lạ mà vừa quen, vừa cũ và vừa mới. Một khía cạnh nữa mình muốn đề cập đến là giữa các dòng tranh dân gian ngày xưa có sự phân tầng về giai cấp xã hội, thể hiện ở độ hoàn thiện, kích thước, bảng màu, giá cả, đối tượng người chơi tranh. Trong dự án Vẽ lại tranh dân gian, mình đã thực hiện tất cả những bức tranh với cùng một kĩ thuật và bảng màu nhằm phần nào làm mờ đi sự phân chia về giai cấp - kinh tế này.

- Qua những gì Lam chia sẻ biết Lam hiểu rất rõ điều mình làm và hướng đến. Vậy trong quá trình trau dồi, tìm tòi hướng sáng tác, là một họa sĩ 9x bạn thấy mình khác gì so với các lứa họa sĩ đi trước và lứa 10x tiếp sau?

+ Mình nghĩ mỗi thời kì đều có những cơ hội và thách thức riêng. Các lứa họa sĩ 7x, 8x tuy trưởng thành trong thời kì khó khăn và thiếu thốn nhưng có lợi thế là họ chín đúng độ Việt Nam mới mở cửa giao lưu với quốc tế, dẫn tới có nhiều quan tâm từ các nhà sưu tập và quỹ tài trợ nước ngoài. Họa sĩ thế hệ 9x bọn mình thì ít cơ hội như vậy vì mọi thứ đã bão hòa, nhưng chúng mình có một cuộc sống đầy đủ hơn, trưởng thành với Internet nên cũng có cơ hội tiếp xúc với đa dạng nguồn tri thức hơn thế hệ trước. Ngoài ra sự biến chuyển của xã hội thời kì này cũng là chất xúc tác dồi dào cho các sáng tác. Lứa 10x thì hiện tại mình chưa có nhiều tiếp xúc nhưng với một vài bạn họa sĩ trẻ mình quen thì các em thực sự gây ấn tượng, không chỉ giỏi nghề, ngoại ngữ mà còn được trang bị khả năng viết lách và các kiến thức xã hội liên ngành khác.

- Có điều này… Sinh ra lớn lên ở Hà Nội, học trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam bạn có tham gia vào các hội nhóm mĩ thuật? Và trong hành trình nghệ thuật của mình bạn chịu ảnh hưởng từ những ai, có họa sĩ cụ thể nào tác động đến bạn không?

+ Mình không tham gia vào các hội nhóm mĩ thuật lớn và chính quy vì thấy có nhiều khác biệt nhưng những năm cuối đại học mình và một vài người bạn có thành lập một nhóm nhỏ để hàng tháng có buổi nói chuyện chia sẻ công việc. Mình nghĩ khả năng làm việc một mình và thoải mái với điều đó là một trong những đặc tính cần phải có của một người họa sĩ. Nói vậy nhưng nhiều khi mình cũng cảm thấy cô độc, nhất là những giây phút khó khăn và nghi ngờ bản thân. Mình cũng cố gắng thường xuyên đi dự các buổi khai mạc triển lãm ở Hà Nội để mở rộng quan hệ nhưng do tính cách có phần hướng nội nên chưa bao giờ nói chuyện thành công với ai.

Về tác động thì… khi theo học ở Đại học Mĩ thuật Việt Nam có hai thầy giáo mình mến mộ là thầy Triệu Khắc Tiến và thầy Phạm Bình Chương. Họ đều là những họa sĩ có nhiều thành tựu, có thái độ nghiêm túc và tỉ mỉ trong công việc. Sau khi ra trường thì mình có cơ hội làm việc nhiều cùng nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, vốn là thầy giáo trong trường nhưng chưa từng trực tiếp dạy mình hồi còn đi học. Thầy Sơn truyền cho mình nhiều cảm hứng về tính cởi mở và sự cố gắng không ngừng nghỉ. Mình cảm thấy may mắn và biết ơn vì thầy Sơn đã trao cho mình nhiều cơ hội, từ đó khiến bản thân tự tin hơn. Ngoài ra thì mình cũng có nhiều nguồn cảm hứng khác, không chỉ từ hội hoạ mà còn từ âm nhạc.

- Việc một họa sĩ trẻ có triển lãm đầu tay, có tranh bán được, xuất hiện chính thống trước công chúng hẳn là điều không dễ. Các phòng tranh thường ưu tiên tranh bán cho khách du lịch, né tránh các thử nghiệm, các tên tuổi mới xa lạ. Còn với Xuân Lam triển lãm đầu tay của bạn có gì đáng nhớ?

+ Đúng là thật không dễ dàng để một họa sĩ trẻ có được triển lãm cá nhân đầu tiên. Lộ trình thông thường sẽ là tham gia một vài triển lãm nhóm để công chúng dần biết đến, có thêm kinh nghiệm và đồng thời trong thời gian đó sẽ tích góp (cả tác phẩm lẫn kinh phí) để tổ chức triển lãm cá nhân (thường tốn khoảng vài năm). Theo trải nghiệm đi làm thêm tại gallery và quan sát các buổi khai mạc triển lãm tại Hà Nội thì địa điểm, cách tổ chức sự kiện và truyền thông là các vấn đề khó nhất với một họa sĩ, những người vốn chỉ tập trung vào mặt chuyên môn.

Mình ra mắt dự án Vẽ lại tranh dân gian chỉ nửa năm sau ngày tốt nghiệp, và đã có nhiều khó khăn với khâu địa điểm vì không một không gian nghệ thuật phi lợi nhuận nào đồng ý (ngoại trừ Viện Goethe, nhưng không thu xếp được lịch mình mong muốn). Việc thuê một phòng trưng bày chuyên nghiệp thì nằm ngoài khả năng chi trả của bản thân vì phải dành cho các chi phí marketing, in ấn… Vậy nên triển lãm đầu tiên mình đã tổ chức ở một quán cà phê kiêm không gian làm việc công cộng, mặc dù hơi kì cục nhưng miễn là có một bức tường trắng, đủ ánh sáng và không quá nhộn nhạo. Mình có may mắn khi được một người bạn trợ giúp phần truyền thông và thông cáo báo chí nên mặc dù tổ chức ở một nơi khiêm tốn nhưng triển lãm đã có sự đón nhận nhiệt liệt của báo đài, người yêu nghệ thuật và mở ra rất nhiều cơ hội cho mình.

- Từ sự rụt rè thuở ban đầu vào nghề đến Xuân Lam hiện tại là một bước tiến dài đấy chứ. Đặc biệt vừa qua sự kiện đồng hồ Thụy Sĩ lấy bức tranh Hai Bà Trưng đưa vào sản phẩm thương mại đã được bạn cùng luật sư xử lí êm thấm trong thời gian ngắn, bạn có thể chia sẻ đôi chút về quá trình đấu tranh lấy lại bản quyền tác phẩm của mình.

+ Sự kiện thương hiệu Christophe Claret sử dụng tác phẩm của mình trên mặt đồng hồ xa xỉ thực sự là một việc trên trời rơi xuống, lại diễn ra vào thời điểm mình đang rất bận các công việc cá nhân khác trước khi đi du học. Ngay khi mới biết sự việc mình đã không nghĩ là họ cố tình vi phạm bản quyền, có thể có tắc trách trong khâu thiết kế và bản thân mình cũng hiểu rõ đâu là điều cần phải ưu tiên trong trường hợp này, nhất là khi chiếc đồng hồ đã được đón nhận nhiệt liệt từ người Việt trong và ngoài nước cũng như người nước ngoài quan tâm tới văn hóa Việt Nam. Mình cũng vui vì tác phẩm của mình có thể đứng tự thân và lọt vào mắt xanh của thương hiệu, cho dù họ không biết tác giả là ai. Mình và luật sư đã chuẩn bị kĩ tư liệu, bằng chứng và liên hệ với công ti và hãng luật đại diện của họ với cách tiếp cận ngoại giao cùng đề nghị tốt cho cả đôi bên, vì vậy nên sự việc mới được giải quyết êm thấm và nhanh chóng thế.

- Tò mò đôi chút, về công việc, cuộc sống hiện tại của bạn khi du học thạc sĩ hội họa tại Rhode Island School of Design (RISD) theo học bổng toàn phần Fulbright của chính phủ Mĩ có biến động nhiều không so với khi còn ở Việt Nam?

+ Mình có được đề nghị làm trợ giảng cho khoa Hội họa tại trường nên có thể nói là rất bận, có những ngày chỉ có 10 phút nghỉ trưa vì lịch trợ giảng bắt đầu ngay sau khi giờ học chính kết thúc. Nói chung cuộc sống không có biến động gì đáng kể vì mình có tìm hiểu và chuẩn bị kĩ. Điều khác biệt lớn nhất là mình đi bộ nhiều, khoảng một tiếng mỗi ngày...

- Về dự án sáng tác năm 2023 và năm tiếp sau của bạn là gì? Có còn gắn với tranh dân gian?

+ Hành trình của mình với những bức tranh dân gian đã được hơn bảy năm, và mục đích của mình có lẽ cũng tạm hoàn thành nên thời gian tới những bức tranh dân gian sẽ lui vào trong cánh gà, nhường sân khấu cho các chủ đề khác. Mình luôn nghĩ rằng sáng tác của mình khi nhìn tổng thể sẽ là một khối rubik, mà mỗi diện khám phá những nét khác nhau của văn hóa Việt Nam, đôi khi chúng đan xen, đôi khi chúng đứng độc lập và tranh dân gian là một diện trong khối rubik đó. Điều quan trọng là mình không muốn trở thành một tù nhân bị giam cầm trong chính nhà lao nghệ thuật mà mình xây nên, vì sự tự do vẫn là trên hết (cười).

- Cảm ơn Xuân Lam về cuộc trò chuyện thú vị này!

ĐINH PHƯƠNG thực hiện

VNQD
Thống kê