Những thói tật của người Việt như: Tính tự ái, trọng tình hơn lí, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập và khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam khinh nữ, hay cả nể, quan cách, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, lãng phí… được nhà văn Di Li bằng nghiên cứu và câu chuyện trải nghiệm của chính bản thân đưa ra quan điểm phân tích trong cuốn sách Tật xấu người Việt. Cuốn sách vừa được ra mắt chiều 6/12/2023 tại Hà Nội.
Tác giả tại buổi ra mắt cuốn sách.
Trong quá trình nghiên cứu, soi chiếu các nền văn hóa với văn hóa Việt, tác giả nhận ra rất nhiều đức tính tuyệt vời của dân tộc mình, nhưng người Việt cũng không tránh khỏi việc tồn tại nhiều tật xấu. Đó là điều tất lẽ dĩ ngẫu ở bất kì dân tộc hay cá nhân nào. Nhưng không ai xấu toàn bộ hay tốt hoàn toàn, đó là sự biện chứng không thể tách rời, quan trọng là mỗi người nhận thức được điểm chưa hoàn hảo để kiện toàn bản thân mà thôi. Chưa kể đa phần hình thái tính cách đều có tính hai mặt, như là người Việt có điểm tích cực là dễ thích nghi và linh hoạt, trong nghịch cảnh vẫn tìm ra cách giải quyết nhanh và thông minh nhất; nhưng cũng vì linh hoạt mà đôi khi chúng ta tìm mọi cách ra phương thức giải quyết, trong đó có cả giải pháp tiêu cực. Hay, người Việt có tiếng sĩ diện nhưng mặt khác cũng vô cùng hào phóng, hào sảng; người Việt dễ hài lòng với bản thân nhưng mặt khác lại giúp chúng ta lạc quan, yêu đời... Cuốn sách Tật xấu người Việt được nhà văn Di Li thực hiện trong 18 năm, nằm trong bộ đôi sách khảo cứu tản mạn về tính cách người Việt và văn hoá thị dân Tật xấu người Việt và Tính tốt người Việt (sắp phát hành).
Trong Tật xấu người Việt, tác giả cũng dành nhiều thời lượng để tìm hiểu căn nguyên tại sao chúng ta lại sở hữu những tính cách này, chúng bắt nguồn từ đâu. Tất nhiên, bởi sự đa dạng, đặc điểm của mỗi vùng miền nên các bài viết trong cuốn sách chỉ mang tính tương đối, không hàm ý kết luận cực đoan cho tất cả 100% người Việt.
Cuốn sách Tật xấu người Việt của Di Li.
Tác giả chia sẻ rằng: “Tôi biết rằng cuốn sách này sẽ gây nhiều tranh cãi, bởi quan điểm là thứ không thể “định lượng”, nên sẽ không bao giờ có đáp số chung nhất. Hơn nữa, khi những quan điểm ít nhiều “va chạm” đến một số người, rất có thể sẽ gây chạnh lòng. Nhưng tôi thực bụng mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí nhất, bởi cuốn sách là một kết quả nghiêm túc đã được tôi nghiên cứu trong suốt thời gian dài về tính cách của dân tộc Việt, bao gồm cả tật xấu và tính tốt”.
Trong bài viết “Mong một lời xin lỗi” để nói về thói quen tự chịu trách nhiệm - điều vắng bóng trong cách giáo dục của người Việt, nên dễ hiểu vì sao đến khi trưởng thành, người ta gặp chuyện là sẽ đổ lỗi cho hết thảy người xung quanh. Tác giả dẫn câu chuyện thường thấy trong các gia đình Việt, khi em bé ngã, bà sẽ bảo “Ôi thương, bà đánh chừa cái đất này làm em ngã”. Cứ như vậy, cho đến khi đi học, rồi đi làm, thậm chí lập gia đình, nếu có người thứ ba xen vào, thì lỗi cũng là do người thứ ba quyến rũ, kỉ lục có chị dành cả cuộc đời đi gặp cả thảy gần chục người đàn bà của chồng. Hay, từ câu chuyện của chính tác giả, khi đi dạy học hơn hai mươi năm nhưng chưa từng thấy học trò nào xin lỗi vì đi muộn hay “quên” học bài, mà viện lí do quên làm bài vì mất vở, hôm trước nghỉ học nên không biết, còn đến muộn thì nhất định là do lỗi của giao thông.
Trong bài “Chà, tài quá!” nói về cơ sự thích làm thầy, làm chủ chứ không thích làm thợ, làm thuê, tác giả kể lại câu chuyện của chính mình và bày tỏ sự ngưỡng mộ những người có nghề, bất kể là nghề chân chính nào, nếu họ đạt đến một mức độ chuyên nghiệp. Nhưng nhiều gia đình đều cố gắng cho con vào đại học bằng mọi giá, học những nghề không rõ nghề gì; Nhiều doanh nhân phàn nàn giới trẻ vào làm dăm bữa nửa tháng, học lỏm được vài kinh nghiệm liền tách ra... mở doanh nghiệp riêng, làm giám đốc.
Ở bài viết “Chê vùi dập và khen bốc giời” tác giả lại phân tích về “văn hóa chê” của người Việt, nhiều khi đến độ thô lỗ. Có kiểu chê sau lưng mà lâu nay vẫn được coi là tính xấu, nhưng chê trước mặt - mà lâu nay nhiều người coi là sự thẳng thắn, dũng cảm - đôi khi lại có tác hại, để lại những hậu quả mà người ta không nhận thức được. Bằng những câu chuyện để dẫn chứng, tác giả cho thấy tác hại của một lời chê vui miệng đôi khi rất khó lường. Nhưng trái ngược với những lời chê, có nhiều lời khen lại khiến người khác phải “tẩu hỏa nhập ma”. Có người được khen nhiều quá đâm tưởng thật và lâu ngày hóa thành ảo tưởng rồi làm những điều hết sức lố bịch. Có người hiểu biết và tỉnh táo, gặp những lời khen bốc giời thì lắm khi phát ngượng...
Trong buổi ra mắt cuốn sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu rằng, Di Li đã rất dũng cảm khi thực hiện cuốn sách này, nhưng hơn cả dũng cảm, chị làm cuốn sách từ tình yêu văn hóa, lòng tự tôn dân tộc, hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Vì vậy, đọc cuốn sách, người đọc không tức giận, bực mình mà một cách tự nhiên nhìn lại mình và thấy cần sửa đổi những tật xấu ấy, để dần thay vào đó là những vẻ đẹp của người Việt. Còn nhà báo Yên Ba trong lời giới thiệu cuốn sách đã viết: Viết về chủ đề tật xấu của con người mà không sa vào cay nghiệt, hả hê, tác giả phải bình hòa, điềm đạm. Viết để người đọc dừng lại trên trang sách mà ngẫm ngợi, tác giả phải đủ nhân hậu, đủ day dứt để cảm thông, tha thứ cho những thói hư tật xấu của con người nói chung và của chính mình nói riêng.
Tác giả và bạn bè tại lễ ra mắt sách.
Bởi vậy, đọc cuốn sách, độc giả dễ nhận thấy, ngoài phân tích về những thói tật trên một cách nhẹ nhàng, có phần dí dỏm; tác giả cũng đưa ra những câu chuyện, luận điểm mang tính tổng kết, để rút ra bài học khắc phục, hạn chế những thói tật. Chẳng hạn, với thói “Chê vùi dập và khen bốc giời”, tác giả nhận định: Bình luận và phê bình rõ ràng là cần thiết, không chỉ trong chuyên môn mà còn cần trên mọi lĩnh vực đời sống hằng ngày. Nhưng phê bình góp ý mang tính xây dựng trái ngược với việc khen chê tùy tiện. Để buông ra một lời khen, chê, còn cần đến một phông văn hóa và kiến thức rộng lớn về chân-thiện-mĩ; rồi còn phải cần đến một sự tế nhị để hiểu nên buột ra lời khen chê, và khen chê như thế nào cho có thẩm mĩ. Nếu không có những điều đó thì sự im lặng lúc đó thực sự là vàng.
Về thói quen đổ lỗi, không chịu trách nhiệm, tác giả dẫn lại câu chuyện Bác Hồ thăm lớp huấn luyện nghiệp vụ nấu ăn đầu tiên toàn miền Bắc năm 1961, các anh nuôi chị nuôi than phiền công việc bếp núc vất vả nên không học được. Bác cho rằng điều đó là không đúng và bằng sự ý nhị, Bác kể lại câu chuyện của mình, khi Bác làm phụ bếp cho thực dân Pháp, công việc rất vất vả từ 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm nhưng Bác vẫn học được. Có chí thì làm được, có quyết tâm thì nhất định học được... Dù không hề ám chỉ đến căn bệnh ưa đổ lỗi của đồng bào nhưng ai nghe cũng hiểu điều Bác muốn căn dặn.
Còn với thói “Thích làm thầy, làm chủ chứ không thích làm thợ”, tác giả nêu thực tế trong khi ở nhiều nước, thợ sửa ống nước, thợ điện, thợ hàn... thường định vị giá trị lao động của mình theo những tiêu chuẩn rất cao và giá công thợ cao đến nỗi người Mĩ trung lưu thường tự mua dụng cụ và sách hướng dẫn về làm chứ không dám gọi thợ. Nghệ sĩ Fan Yang sinh ra trong gia đình nông dân mẹ người Việt, bố người Hunggary, lúc nhỏ anh phải làm việc cật lực mới mong đủ ăn. Và rồi anh được mệnh danh là nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới chỉ nhờ trò thổi bong bóng trẻ con. Hiện giờ Fan Yang nắm trong tay tập đoàn giải trí tầm cỡ và nhiều kỉ lục thế giới, hằng năm anh vẫn đi biểu diễn vòng quanh thế giới. Để thấy rằng, bạn sẽ cao quý khi làm bất cứ nghề gì đạt đến độ chuyên nghiệp. Và nếu bạn làm được những điều mà ngoài bạn ra người khác không làm được, hoặc là kẻ theo sau bạn, thì bạn sẽ thành bậc thầy và người khác sẽ nhìn bạn đầy ngưỡng mộ mà thốt lên “Chà, tài quá!”...
Nếu Tính tốt người Việt trong bộ sách khảo cứu của nhà văn Di Li được ra mắt, có thể nói chị sẽ là tác giả đầu tiên ở Việt Nam đưa ra quan điểm phân tích, nghiên cứu một cách hoàn chỉnh nhất về hai khía cạnh tính cách của dân tộc mình.
Bài và ảnh: MINH VŨ
VNQD