Dòng chảy

Thời của trinh thám Việt?

Chủ Nhật, 24/12/2023 19:25

Sở hữu cộng đồng đọc lớn, có sự tương tác cao giữa những người đọc, giữa người đọc và người viết, và ngay cả những người đọc cũng có mong muốn, thôi thúc viết trinh thám, dường như mảnh đất cho trinh thám tại Việt Nam đang địa lợi hơn bao giờ hết. Nhưng bên cạnh đó là những đặt ra về sự chuyên nghiệp cũng như những băn khoăn trên con đường gọi tên trinh thám Việt.

Buổi tọa đàm “Khi trinh thám, không chỉ là phá án - Câu chuyện tâm lí tội phạm dưới góc độ gia đình” tại Phố sách Hà Nội ngày 23/12/2023 đã mở ra nhiều vấn đề xoay quanh mảng văn học trinh thám.

Trinh thám dưới góc độ gia đình

Trong sự kiện, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng giới thiệu đến độc giả một số tác phẩm trinh thám cùng góc nhìn về tâm lí tội phạm. Bộ sách của Donato Carrisi, một luật sư, chuyên gia tâm lí tội phạm với các tác phẩm Kẻ nhắc tuồng, Người điều khiển mê cungNgười ru ngủ (Hoàng Anh dịch); Cô gái trong lồng của Jussi Adler Olsen (Hoàng Anh dịch); Nhật kí mất tích của tôi của Camilla Grebe (Nguyễn Thị Tươi dịch); cùng với đó là tác phẩm Cuốn sổ máu mới ra mắt của nhà văn Phong Điệp. Những tác phẩm trên có điểm chung đều mổ xẻ nhân vật dưới góc nhìn tâm lí tội phạm và yếu tố gia đình. Nhà văn Phong Điệp đã cùng với dịch giả Hoàng Anh tham gia giao lưu với độc giả dưới sự điều phối của nhà văn Di Li về chủ đề này.

Đông đảo bạn đọc đã đến tham gia sự kiện. Ảnh: NXBPNVN

Theo đề dẫn “trinh thám không chỉ là phá án”, nhà văn Di Li đã hỏi dịch giả Hoàng Anh rằng nếu trinh thám mà không có phá án, hung thủ cũng đươc tiết lộ ngay từ đầu, không còn yếu tố bí mật nữa thì điều gì sẽ giữ chân độc giả suốt cuốn sách. Dịch giả Hoàng Anh nói rằng, vẫn là những yếu tố xung quanh một vụ án gợi tò mò để độc giả theo dõi, việc tiết lộ hung thủ không phải là motif phổ biến nhưng đã xuất hiện thời gian gần đây, tác giả sẽ theo một lối kể chuyện mới, bằng nghệ thuật kể chuyện để giữ chân bạn đọc. Vấn đề đặt ra là, vượt qua những mặc định về một tác phẩm trinh thám, những phá cách đó liệu có thể đạt đến thành công tối đa? Thực tế là nhiều tác phẩm trinh thám không hề có nhân vật thám tử điều tra nhưng vẫn thành công. Như ở Cuốn sổ máu, hình ảnh cuốn sổ sẽ là một chìa khóa để khám phá, giải mã xuyên suốt câu chuyện. Phong Điệp cho rằng không chỉ dừng lại ở một câu chuyện cụ thể, vụ án cụ thể mà đó là thân phận con người, đó là điều day dứt nhất và cũng là điều độc giả quan tâm nhất.

Từ chỗ khám phá tội ác đến giải mã nguồn cơn tội ác. Các tác giả đã soi rọi từ góc độ gia đình trong các tác phẩm trinh thám, cùng đi tìm căn nguyên sâu xa của tội ác phía sau cánh cửa mỗi ngôi nhà tưởng như bình ổn và an toàn kia.

Dịch giả Hoàng Anh cho biết, một số tác phẩm trinh thám Bắc Âu, nhiều mẫu nhân vật thường sinh ra trong gia đình khiếm khuyết, những mâu thuẫn trong gia đình được bóc tách rất sâu để làm rõ sự hình thành nhân cách nhân vật. Với đặc điểm dân số vùng Bắc Âu là số thành viên trong mỗi gia đình ít, sự giao tiếp giữa các thành viên lại rất khó khăn, độc giả cũng sẽ nhận thấy điều này trong các tác phẩm trinh thám Bắc Âu, các nhân vật không dễ bộc lộ tình cảm với nhau. Nhà văn Di Li nói vui, dân Bắc Âu có lẽ là cô độc nhất trên lãnh thổ lạnh nhất thế giới, bởi thế, không khí trong các truyện trinh thám Bắc Âu cũng lạnh giá như thời tiết của khu vực này vậy. Những câu chuyện xã hội đó nhìn dưới góc độ tâm lí tội phạm, lâu dài dẫn đến những thay đổi, ẩn ức, chỉ cần một kích hoạt có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, những thảm án bắt đầu từ những âm ỉ như vậy.

Nhà văn Phong Điệp, dịch giả Hoàng Anh (giữa) chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: NXBPNVN

Đối sánh với Việt Nam, dường như đặc điểm xã hội ở ta lại nằm ở thái cực bên kia, đất nước nhiệt đới nóng nực với các gia đình có số lượng thành viên đông đảo, có sự gắn kết cao. Những yếu tố đó cùng với những đặc điểm xã hội khác cũng gây ra những hệ quả tâm lí. Khủng hoảng gia đình gia tăng trong xã hội hôm nay là một biểu hiện cụ thể. Con người phải đối mặt với nhiều áp lực, trẻ con phải học tập quá nhiều, không còn thời gian vui chơi, không còn thời gian cho các nhu cầu khác, rất dễ dẫn đến những xung đột tâm lí, khủng hoảng cảm xúc, tác động đến cách hành xử trong mọi quan hệ xã hội. “Tội phạm không tự nhiên mà có, không tự nhiên sinh ra, nó có những nguyên nhân, và nhà văn đi giải mã những nguyên nhân đó. Như là việc tại sao một người trở nên quá ác?”, Phong Điệp nói.

Bởi thế, trinh thám không chỉ là phá án. Và phá án xong rồi mọi việc vẫn chưa kết thúc.

Những đối sánh thú vị - Mỗi người Việt là một thám tử

Một người đọc trinh thám khá nhiều, tiếp thu nhiều tác phẩm trinh thám nước ngoài, là tác giả của Tường lửa, Thiên thần mù sương, Nhân sinh kép, tác giả Đức Anh đã dùng cụm từ “trăm hoa đua nở” để nói về văn học trinh thám tại Việt Nam hiện nay. Tác phẩm in ra nhiều vô kể, đa dạng về đề tài, khai thác yếu tố dân gian, khu vực đô thị, miền núi, trinh thám hiện vẫn dẫn đầu trong dòng văn học giải trí. Nhìn nhận yếu tố xã hội tác động đến trinh thám, Đức Anh cho rằng, do đặc tính văn hóa và những khác biệt, tội phạm ở Việt Nam thường phạm tội từ những lí do bột phát, nhất thời, ít có sự thâm sâu hay tôn thờ cái ác như các mẫu hình tội phạm nước ngoài. Bởi vậy, khi các nguyên mẫu này bước vào văn học cũng có phần nhợt nhạt, ít tạo ra được những hình tượng mạnh mẽ của nhân vật trinh thám.

Tác giả Đức Anh chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: NXBPNVN

Từ nhận định này của Đức Anh, nhà văn Di Li liên tưởng đến sự lí giải cho tỉ lệ phá án cao ở Việt Nam. Chị cho biết, theo thông tin chị có, một nền hình sự hàng đầu như Mĩ số lượng các vụ án tìm ra hung thủ cũng chỉ chiếm 61%, trong khi đó, một lần trò chuyện với một chiến sĩ cảnh sát hình sự Việt Nam đưa ra câu hỏi này chị nhận được câu trả lời là trên 90% các vụ án ở Việt Nam tìm được thủ phạm khiến chị rất bất ngờ. Và Di Li cho rằng, có lẽ nhận xét của Đức Anh về đặc thù thế giới tội phạm Việt thường từ những sự bột phát nhiều hơn là có hệ thống, vì vậy, việc phá án cũng thuận lợi hơn, hung thủ dễ lộ danh tính hơn. Phong Điệp bổ sung thêm với đặc thù xã hội Việt Nam mang bản sắc Á Đông với tính cố kết cao sẽ xuất hiện hàng loạt “thám tử nhân dân” tình nguyện hỗ trợ cơ quan điều tra phá án, từ ông xe ôm, bà bán trà đá đến tổ dân phố đều có vai trò cung cấp thông tin quan trọng cho nhiều vụ án. Di Li cũng cung cấp thêm thông tin, số người đọc trinh thám ở Bắc Âu nhiều nhất thế giới, tính ra cứ mười người có một người đọc trinh thám. Người Việt Nam đọc trinh thám ít hơn nhưng đặc tính “thực hành thám tử” lại vượt trội. Có thể nói không ngoa rằng mỗi người Việt là một thám tử khi hành tung của ai đó rất hay được theo sát vô tình hay hữu ý bởi hàng trăm "camera chạy bằng cơm". “Tôi đi đâu mọi người sống xung quanh đều biết, dù đeo kính, khẩu trang kín mít thì mọi người xung quanh vẫn nhận ra, tôi vẫn nói đùa rằng, thế này thì phạm tội làm sao giấu được”, Di Li hài hước. Những đặc tính xã hội đó cũng đã ít nhiều ánh xạ lên tác phẩm trinh thám Việt.

Yếu tố tâm linh cũng thường xuất hiện trong tác phẩm trinh thám Việt. Khai thác yếu tố này, dường như mọi thứ được nằm ở ngoài vùng phán xét. Nó cũng tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm, giúp tác phẩm thật hơn, đời hơn. Một số motif hay được khai thác là báo mộng, dấu vết tâm linh như một dẫn lối phá án, thế lực siêu nhiên chi phối…

Con đường của trinh thám Việt?

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, đơn vị khá mặn mà trong việc giới thiệu các tác phẩm trinh thám thế giới với bạn đọc Việt Nam chia sẻ, thành công của bộ truyện trinh thám Thụy Điển Cô gái có hình xăm rồng của Stieg Larsson đã gợi cảm hứng cho bà và Nhà xuất bản theo đuổi việc giới thiệu đến bạn đọc Việt vệt sách trinh thám thế giới đến từ nhiều nền văn học. Một điều khiến bà quan tâm là khi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu bộ đôi tác phẩm Kẻ nhắc tuồngNgười ru ngủ của Donato Carrisi trên các diễn đàn trinh thám đã nổ ra một cuộc tranh luận về trinh thám hiện đại. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm cả trong giới viết và đọc trinh thám.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: NXBPNVN

Các tác giả trinh thám Việt Nam gần đây cũng đã tìm tòi những lối đi riêng, không còn theo những khuôn mẫu cứng nhắc về trinh thám, thể hiện những nỗ lực sáng tạo cá nhân. Trong vòng mười năm trở lại đây đã xuất hiện một dàn đồng ca nhỏ nhỏ của trinh thám Việt Nam. Bên cạnh những tác giả 7X có tác phẩm trinh thám hoặc mang yếu tố trinh thám như Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Giản Tư Hải…, một loạt các tác giả trẻ trung và tài năng đã xuất hiện như Đức Anh, Kim Tam Long, Nguyễn Dương Quỳnh, Thảo Trang… đã góp phần làm khu vực văn học trinh thám tại Việt Nam thêm sôi động với những tìm tòi thể nghiệm. Cũng đã có một sự gặp gỡ giữa các tác giả Việt Nam với xu hướng của trinh thám hiện đại thế giới, điều đó đã góp phần kéo gần khoảng cách của trinh thám Việt.

Nhà văn Lê Minh Hà, một người đọc trinh thám như chị tự nhận, một nhà văn Việt về từ nước Đức có mặt tại sự kiện, thú nhận, chị gần như không biết gì về trinh thám Việt Nam vì chưa có dịp đọc, nhưng chị là người đọc trinh thám thế giới rất nhiều và trinh thám nước ngoài cũng không chỉ là phá án, đó là khám phá bản thân con người. Chị nói rằng, sự dồn nén trong tác phẩm trinh thám đã đưa đến kinh nghiệm nghề nghiệp rất tốt cho những người viết văn nói chung. “Trinh thám ngốn lượng kiến thức liên quan khổng lồ, tác giả nước ngoài cần một ekip để tập hợp những gì liên quan, trong khi tác giả Việt Nam thường hoạt động độc lập, đó là điều đáng nể, là phụ nữ còn đáng nể hơn nữa”, nhà văn Lê Minh Hà chia sẻ.

Văn học trinh thám hiện nay cũng được kích cầu bởi thị trường đọc. Các tác phẩm trinh thám được độc giả đón nhận khá nồng nhiệt. Trên các diễn đàn trinh thám, các thành viên tham gia mổ xẻ tác phẩm từ kinh điển đến hiện đại, bàn luận sôi nổi. Ở góc nhìn xuất bản, một số đơn vị làm sách đã coi trinh thám như cứu cánh hay ít ra là một bảo chứng cho bài toán kinh doanh của mình. Cũng theo bà Khúc Thị Hoa Phượng thì các tác phẩm trinh thám dịch ở Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, đơn vị tổ chức tọa đàm, có thị trường đầu ra khá tốt. “11 đầu sách của Donato Carrisi không phải truyền thông gì chúng tôi vẫn bán được, vẫn có những độc giả yêu mến sách của tác giả này”, bà Phượng dẫn chứng.

Không chỉ hào hứng đón nhận các tác phẩm dịch, độc giả trinh thám cũng dành tình cảm và sự ưu ái cho các tác phẩm trong nước. Một vài sự kiện gần đây trong cộng đồng trinh thám đã góp phần khuấy đảo, tạo cảm giác sôi động ở khu vực văn học này. Mỗi khi có tác phẩm trinh thám mới trong nước xuất bản chúng thường nhận được sự thông tin, chia sẻ trong cộng đồng đọc trinh thám, và cộng đồng này cũng sẵn sàng tham gia các sự kiện giao lưu với tác giả để cùng chia sẻ về tác phẩm.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng cũng bày tỏ mong muốn xây dựng một hệ sinh thái cho trinh thám Việt bằng những hoạt động liên quan trong môi trường viết và đọc trinh thám. Đó là những tín hiệu tốt, một sự bật đèn xanh cho các tác giả trinh thám trong nỗ lực sáng tạo, gây dựng bản sắc cho trinh thám Việt.

THIỆN NGUYỄN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)