Dòng chảy
Trung tướng Nguyễn Văn Đức - Cục trưởng Cục Tuyên Huấn - Tổng Cục Chính Trị

Tuyên huấn phải để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người chiến sĩ

Thứ Năm, 11/01/2024 09:57

Công tác tuyên huấn trong quân đội là một mặt công tác rất quan trọng trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, trực tiếp xây dựng bản lĩnh chính trị và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của người quân nhân cách mạng trong thời kì mới.

Trong các hoạt động tuyên huấn toàn quân hướng tới kỉ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của quân đội đã và đang diễn ra, Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị luôn chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đoàn kết phấn đấu, phát huy tinh thần cách mạng, không ngừng vươn lên khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhân dịp này, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) có cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Văn Đức - Cục trưởng Cục Tuyên huấn với chủ đề “Tuyên huấn phải để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người chiến sĩ”. Cuộc trò chuyện nằm trong loạt bài đối thoại, phỏng vấn của Văn nghệ Quân đội chào mừng kỉ niệm 79 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

VNQĐ: Thưa đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Đức! Có thể khẳng định rằng, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội là nhiệm vụ quan trọng luôn được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là ngành Tuyên huấn tập trung thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực đã góp phần làm tốt công tác tư tưởng, giúp cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Hướng tới kỉ niệm 79 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), công tác tuyên huấn trong toàn quân đã và đang được tiến hành như thế nào? Những dấu mốc và thành tích tiêu biểu? Xin đồng chí cho biết.

Trung tướng Nguyễn Văn Đức
Ảnh: Huyền Ngọc

Trung tướng Nguyễn Văn Đức: Là cơ quan Tham mưu chiến lược đầu ngành về công tác tư tưởng, văn hóa cho Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng thời trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn công tác tư tưởng, văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ, nhiệm vụ của Cục Tuyên huấn luôn rất nặng nề song cũng rất vẻ vang. Để nói ngắn gọn về các hoạt động, những dấu mốc tiêu biểu, những thành tích đã đạt được thật không phải dễ. Song có thể khẳng định rằng, Cục Tuyên huấn luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị và thực tiễn các cơ quan, đơn vị toàn quân, coi trọng và tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động thi đua, các cuộc vận động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội”, phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” gắn với xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân tập trung xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội; tích cực tham gia xây dựng làng, bản, ấp, khu dân cư, khu phố văn hóa; phát huy ảnh hưởng tích cực của văn hóa quân sự Việt Nam, tiếp tục lan tỏa hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kì mới đối với bạn bè quốc tế. Hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân chăm lo, cải thiện điều kiện ăn, ở, làm việc, sinh hoạt của bộ đội gắn với xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, hài hòa, thân thiện với môi trường, thiết thực với đời sống cán bộ, chiến sĩ. Tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị chỉ đạo toàn quân chủ động đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả ảnh hưởng của văn hóa xấu độc, phản động, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống cuộc “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch... Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; trong bất luận hoàn cảnh nào, Quân đội cũng luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Các nhiệm vụ, những dấu mốc tiêu biểu trên cũng là các thành tích tiêu biểu của chúng tôi - đơn vị dẫn đầu trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của toàn quân của Cục Tuyên huấn trong thời gian qua. Mỗi cán bộ chiến sĩ chúng tôi đều rất tự hào về những điều đã làm được của mình.

VNQĐ: Chúng ta luôn thấy rằng, các mặt công tác của ngành Tuyên huấn là rất rộng, liên quan tới nhiều ngành khác, song trong phạm vi cuộc trò chuyện này, chúng tôi xin hỏi sâu về công tác tuyên huấn trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người chiến sĩ. Những khái quát của đồng chí ở trên đã nhắc đến có những nét mới như: “Từng bước xây dựng và phát triển văn hóa quân sự Việt Nam”; “Phát huy ảnh hưởng tích cực của văn hóa quân sự Việt Nam, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đối với bạn bè quốc tế”; “Góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống cuộc “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch”... càng cho thấy việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người chiến sĩ chính là nền tảng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Đồng chí có thể chia sẻ về vấn đề này?

Trung tướng Nguyễn Văn Đức: Những vấn đề trong câu hỏi của các nhà văn quân đội cũng là những vấn đề chúng tôi rất quan tâm và đang chỉ đạo thực hiện trong toàn quân. Chúng ta có một nền tảng, truyền thống văn hóa quân sự vô cùng to lớn, phong phú, đáng tự hào. Chính những võ công và nền nghệ thuật quân sự trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên đã cho chúng ta sự tự tin rất lớn trong bước đường trưởng thành của mình, của ngành công tác, nhất là trong thời điểm hiện nay. Tại sao ngành Tuyên huấn lại đặt ra nhiệm vụ “Từng bước xây dựng và phát triển văn hóa quân sự Việt Nam”? Thực ra vấn đề cũng không phải mới, bởi văn hóa quân sự Việt Nam, văn hóa dựng nước và giữ nước của cha ông ta với nghệ thuật quân sự đặc sắc đã có từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước. Nguyễn Trãi từng khẳng định bản chất con người Đại Việt trong Bình Ngô đại cáo: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo; Trương Hán Siêu từng viết trong Bạch Đằng giang phú: Giặc tan muôn thuở thanh bình/ Tại đâu đất hiểm cốt mình đức cao... đã cho thấy tổ tiên ta luôn có những tư duy, ứng xử hết sức văn hóa, nhân văn, biết đem nhân nghĩa và đạo đức của mình để chiến thắng các kẻ thù hùng mạnh. Hiện nay, khi mà tình hình trong khu vực và trên thế giới, nhất là các điểm nóng xung đột đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, thì việc từng bước xây dựng và phát triển văn hóa quân sự Việt Nam trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người chiến sĩ là hết sức thiết yếu. Đó chính là những giá trị góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, tính kỉ luật của người chiến sĩ. Nó làm cho người chiến sĩ có thêm nền tảng vững chắc từ cội nguồn văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa quân sự đã trở thành nét đặc sắc với những giá trị cốt lõi nâng tầm người chiến sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc “Lan tỏa tính tích cực của văn hóa quân sự Việt Nam, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đối với bạn bè quốc tế” chính là tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của quân đội anh hùng, hình ảnh người chiến sĩ hôm nay với bạn bè quốc tế bằng bản lĩnh văn hóa quân sự Việt Nam. Bác Hồ đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” chính là Người luôn đặc biệt chú trọng tới phát huy các tiềm lực về văn hóa trong đó có văn hóa quân sự, một bộ phận quan trọng, đặc sắc trong nền văn hóa Việt Nam. Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 diễn ra trong bối cảnh nền độc lập của chúng ta vừa mới bắt đầu vô cùng khó khăn gian khổ. Vậy mà chính văn hóa, trong đó có văn hóa quân sự đã trở thành một trong những trụ cột để chúng ta tiến hành kháng chiến, kiến quốc thành công. Điều đó đã trở thành bài học vô cùng quý giá, luôn mang tính thời sự.

Khi chúng ta chú trọng tới việc phát huy các giá trị của văn hóa trong đó có văn hóa quân sự để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người chiến sĩ cũng chính là chủ động đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả ảnh hưởng của văn hóa xấu độc, phản động, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh cuộc “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch. Tại sao lại như vậy? Chính từ thực tiễn đã đúc kết và chỉ ra rằng, chỉ khi chúng ta mang trong mình một nền tảng văn hóa lành mạnh, phong phú, một đời sống văn hóa tinh thần giàu bản sắc, giàu tính nhân văn, thì chắc chắn không thể có thứ văn hóa xấu độc nào có thể xâm nhập để quật ngã chúng ta. Chính đời sống văn hóa tinh thần giàu có, sâu sắc mới là khẳng định vị thế và tầm vóc của mỗi cá nhân, những đóng góp của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Chính bởi vậy, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị luôn quan tâm chỉ đạo sâu sắc, toàn diện về thực hiện các thiết chế văn hóa để góp phần ngày càng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội.

Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tiếp xã giao Đại tá Keosouvane Phangphilavong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Lào nhân dịp 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (5-9-1962/ 5-9-2022). Ảnh: Hoàng Trường

VNQĐ: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nền tảng đó đã giúp cho nhân dân ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, thiên tai, địch họa, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc và nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.Trên tinh thần ấy, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa quân sự với nhiều cách làm phong phú, thiết thực. Môi trường văn hóa quân sự đã và đang phát triển toàn diện, có ý nghĩa tích cực trên nhiều mặt, với nhiều nét đặc sắc. Đời sống văn hóa, tinh thần trong các cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển vững chắc, tạo ra nhiều giá trị văn hóa mới, làm cơ sở để bồi đắp thêm những phẩm chất tốt đẹp của người quân nhân cách mạng. Xin đồng chí chia sẻ về vấn đề này!

Trung tướng Nguyễn Văn Đức: Xây dựng môi trường văn hóa quân sự là vấn đề lớn đã và đang được lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân quan tâm sâu sắc. Xây dựng môi trường văn hóa quân sự trước tiên là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức, lực lượng trong toàn quân trong đó, việc quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về văn hóa và xây dựng văn hóa là hết sức quan trọng. Cán bộ ngành Tuyên huấn luôn xác định phải thông thuộc sâu sắc quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Không chỉ thông thuộc trên lí thuyết mà phải vận dụng thực hành có hiệu quả với các đơn vị cụ thể, thời điểm cụ thể. Phải làm sao để các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên, quần chúng thấu hiểu và phát huy vai trò của văn hóa quân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phải phong phú, hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của đơn vị. Với cán bộ chiến sĩ nơi biên giới chẳng hạn, chúng ta phải có những hình thức tuyên truyền, tạo dựng vẻ đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” bằng những công việc cụ thể là giúp đỡ bà con nhân dân nơi địa bàn vùng sâu vùng xa ấm no, hạnh phúc. Mỗi người già, trẻ nhỏ nơi biên giới có áo ấm, có cơm ăn, được đến trường chính là vẻ đẹp văn hóa của người chiến sĩ. Với bộ đội ở Trường Sa chẳng hạn, nhất là trên các đảo chìm bốn bề mây trời sóng nước, việc thực hiện các thiết chế văn hóa, thông hiểu và phát huy vẻ đẹp văn hóa quân sự chính là sự thuần thục các kĩ năng sẵn sàng chiến đấu theo nhiệm vụ được phân công. Hay là, với cán bộ quân đội của chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, ngoài nhiệm vụ chính trị ra, còn giúp đỡ nhân dân nước sở tại chăn nuôi, trồng trọt, xóa mù chữ, khám chữa bệnh... làm cho các giá trị cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ lan tỏa trong nước mà còn lan tỏa đến cộng đồng quốc tế. Luôn nâng cao cảnh giác, bình tĩnh, tự tin, đoàn kết cùng đồng chí đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao chính là bản lĩnh văn hóa, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người chiến sĩ là gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa quân sự trong tình hình mới. Giá trị văn hóa quân sự rất phong phú, luôn được kế thừa và phát triển. Thời kì chống Pháp khó khăn gian khổ vô cùng, hình ảnh Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay/... Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo (Đồng chí - Chính Hữu) là vẻ đẹp bình dị, thân thiết nhưng cũng rất đỗi cao đẹp, lãng mạn, đầy niềm tin vào sức mạnh chính nghĩa, vào văn hóa đã ngấm từ máu thịt tỏa vào nòng súng thép để chiến thắng kẻ thù. Đến những ngày tháng hào hùng đánh Mĩ, vẻ đẹp văn hóa của người chiến sĩ cách mạng luôn là sức mạnh để chiến thắng. Chỉ có người mang trong mình chính nghĩa tất thắng mới mạnh mẽ thốt lên: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Tiếp nối truyền thống đó, trong thời bình hôm nay, người chiến sĩ luôn trau dồi và phát huy các giá trị văn hóa để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó Trưởng ban chỉ đạo hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2023 trao Huy chương Bạc cho các tiết mục và diễn viên có thành tích. Ảnh: Vũ Thành Duy

VNQĐ: Có thể thấy rằng, trong các hoạt động tuyên huấn để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người chiến sĩ, thì ứng xử trong công tác và đời sống của người lãnh đạo chỉ huy với cấp trên, với đồng cấp, với cấp dưới và cán bộ chiến sĩ, quần chúng nhân dân là một trong những nhân tố quan trọng để hình thành môi trường văn hóa quân sự, nâng cao chất lượng văn hóa quân nhân. Vấn đề này hiện đang diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Văn Đức: Đây là vấn đề rất quan trọng. Là quân nhân, ai cũng thấu triệt lời thề thứ 7: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí”. Yếu tố này tạo nên sức mạnh đoàn kết, sức mạnh nội sinh để cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vấn đề trên luôn được ngành Tuyên huấn trong quân đội rất quan tâm. Để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh, rất cần xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, sự đoàn kết, thống nhất, tin tưởng lẫn nhau. Hiện ngành Tuyên huấn đang tham mưu nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định trong thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong tham gia xây dựng tổ chức đảng, tăng cường hiệu lực người chỉ huy các cấp. Trong chỉ đạo thực tiễn, xác định đúng tính chất của mối quan hệ, có biện pháp tác động đúng đắn, phù hợp để xây dựng các mối quan hệ văn hóa lành mạnh. Tích cực hóa các quan hệ văn hóa quân sự bằng nhiều biện pháp cụ thể như: tọa đàm dân chủ; giao lưu văn hóa, hoạt động liên kết giữa bộ đội với nhân dân địa phương, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Trong công tác quản lí, chỉ huy cần khắc phục biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, phân biệt cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, để mỗi ứng xử nhân văn hơn, văn hoá hơn.

Từ thực tiễn ở cơ sở, từ tinh thần đoàn kết, yêu thương, gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng đội, mỗi người chỉ huy các cấp, cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí hoạt động trong ngành Tuyên huấn phải tự nâng tầm của mình trong công tác và đời sống, để góp phần nâng cao và tạo dựng vẻ đẹp văn hóa tinh thần của người chiến sĩ.

VNQĐ: Hướng tới kỉ niệm 79 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị trong năm nay; đặc biệt hướng tới 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân trong năm tới, việc tổ chức các hoạt động chào mừng trong đó công tác tuyên huấn đã và đang được tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Văn Đức: Căn cứ các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của cấp trên; Tổng cục Chính trị đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỉ niệm 79 năm ngày truyền thống nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn về bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của quân đội ta, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin, nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Riêng với Cục Tuyên huấn, chúng tôi đã tham mưu và tham gia chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiều hoạt động lớn từ nay đến hết năm 2024 như: Phối hợp với Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị biên soạn Đề cương tuyên truyền; Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục Chính trị và các đơn vị trong toàn quân triển khai tuyên truyền sâu rộng; Tổ chức Hội nghị Báo cáo viên toàn quân để triển khai tuyên truyền; Chỉ đạo, hướng dẫn Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung và tổ chức triển lãm về lịch sử, truyền thống Tổng cục Chính trị và lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội; Chỉ đạo, hướng dẫn Thư viện Quân đội xây dựng kế hoạch và tổ chức trưng bày, giới thiệu sách, báo, xuất bản phẩm lịch sử Tổng cục Chính trị và hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội; Chỉ đạo, hướng dẫn Điện ảnh Quân đội nhân dân xây dựng phim truyền thống 80 năm vững bước dưới cờ Đảng; Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội xây dựng các phóng sự chuyên đề, giao lưu với nhân chứng lịch sử về truyền thống lịch sử Tổng cục Chính trị...; Chỉ đạo, hướng dẫn đăng các bài viết của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị trên các báo, tạp chí trong và ngoài Quân đội; Chỉ đạo, biên soạn sách ảnh 80 năm - Những chặng đường vẻ vang của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2024) và tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn nhiều hoạt động khác.

Với khối lượng công việc lớn, nhiều hoạt động có tính chất toàn quân, toàn quốc đều để hướng tới xây dựng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kì mới. Hiện tại, nhiều chương trình, hoạt động đã và đang được khẩn trương tiến hành. Chắc chắn các hoạt động tuyên truyền trong các ngày lễ lớn thời gian tới sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp.

VNQĐ: Từ những hoạt động toàn diện, sâu rộng với nhiều điểm nhấn về tuyên truyền như vậy sẽ có tác động như thế nào tới đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nói chung, người chiến sĩ nói riêng?

Trung tướng Nguyễn Văn Đức: Có thể khẳng định rằng, các hoạt động hướng tới kỉ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội đã và đang diễn ra chính là cơ hội tuyên truyền sâu sắc, thiết thực, hiệu quả, để người chiến sĩ trưởng thành hơn, gắn bó máu thịt với nhân dân hơn. “Tuyên huấn phải để nâng cao đời sống tinh thần của người chiến sĩ” chính là một trong những phương châm, hướng đi lâu dài của ngành Tuyên huấn trong đó có những người làm công tác tuyên huấn trong quân đội. Chắc chắn rằng, qua thực tiễn và thực hành các hoạt động trong dịp kỉ niệm các dấu mốc lịch sử lớn, ngành Tuyên huấn trong quân đội sẽ có bước phát triển, trưởng thành mới, xứng đáng với truyền thống anh hùng và sự tin yêu của Đảng, của nhân dân và người chiến sĩ.

VNQĐ: Trân trọng cảm ơn đồng chí Cục trưởng!
VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)