Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã gửi lẵng hoa chia buồn đến tang quyến Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Nhiều nhà văn lớp sau, những đồng chí đồng đội đã có mặt chia buồn cùng gia đình và bày tỏ tình cảm, sự lưu luyến cũng như chia sẻ những kỉ niệm về lão tiền bối.
Lễ viếng và truy điệu Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã diễn ra trọng thể theo nghi thức Quân đội tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng sáng 8/1/2024. Nhiều đồng nghiệp và những người yêu quý nhà văn đã có mặt cùng ôn lại những câu chuyện về cuộc đời và những cống hiến của ông cho văn học chiến tranh cách mạng.
Tang lễ Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương diễn ra trang trọng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Ảnh: Thành Duy
Mở đầu cuốn sổ tang là lưu bút của Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết viết: “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vô cùng thương tiếc đồng chí Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Dù ở cương vị nào đồng chí cũng luôn nêu cao và giữ trọn phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó… Vĩnh biệt đồng chí trong niềm tiếc thương vô hạn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam xin gửi đến toàn thể gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất”.
Nhà văn Ngô Thảo và nhà văn Trung Trung Đỉnh tại lễ viếng Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Ảnh: FBNT
Các nhà văn từng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội như Ngô Thảo, Vương Trọng, Chu Lai, Lê Thành Nghị, Nguyễn Bảo, Ngô Vĩnh Bình, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy… cũng đã có mặt chia buồn với gia đình Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương và vĩnh biệt bậc tiền bối của Nhà số 4. Nhà phê bình Ngô Thảo, ở tuổi trên tám mươi nhưng những sự kiện tang lễ của đồng nghiệp lớp trước và cùng thời ông đều có mặt. Với nhà văn Hồ Phương, Ngô Thảo cứ nhắc đi nhắc lại một ý rằng, ở Việt Nam có nhiều vị tướng viết văn, nhưng cả đời chỉ viết văn mà lên được cấp tướng như Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương thì chỉ có một. Ông cho rằng, đó là một sự đánh giá xứng đáng của Đảng, Nhà nước và Quân đội dành cho “Binh chủng” Văn học nghệ thuật. Nhà văn Trung Trung Đỉnh tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn có mặt với những dòng lưu bút giản dị như bản tính của ông: “Bao nhiêu năm anh em mình ở chung một cơ quan. Bây giờ anh đi, em kính chúc anh an lành và siêu thoát”.
Giây phút tiễn đưa linh cữu Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương rời Nhà tang lễ. Ảnh: Thành Duy
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng ghi lại những dòng kỉ niệm với Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương trên trang cá nhân của bà. Nguyễn Thị Hồng Ngát có một chuyến đi thực tế dài ngày cùng Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương về các vùng chiến trường xưa lấy tư liệu để xây dựng bộ kịch bản dài tập về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chuyến đi ấy còn có nhà văn Hữu Mai, nhà văn Chu Lai và nhà biên kịch Thiên Phúc. “Tính ông hiền hậu, cởi mở, chuyện trò nhỏ nhẹ. Chuyến đi mươi ngày đủ để tôi thấy quý mến tính tình mát mẻ và hay tủm tỉm cười độ lượng của ông - một nhà văn đầy ắp vốn sống và tư liệu về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ”, bà chia sẻ.
Đại diện gia đình nhà văn Hữu Mai cũng có mặt trong lễ viếng. Nhà thơ Hữu Việt, con trai của nhà văn Hữu Mai, một người đồng nghiệp, người bạn thân thiết của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương chia sẻ tại lưu bút ghi trong sổ tang: “Chú - nhà văn Hồ Phương là người bạn thân thiết nhất của bố cháu! Chúng cháu mãi mãi ghi nhớ tình cảm đặc biệt này và mong chú yên nghỉ, siêu thoát gặp lại bố mẹ chúng cháu”.
Có mặt tiễn đưa Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương còn có những người bạn, người đồng đội ở các đơn vị vẫn nhớ và dành cho ông những tình cảm trân trọng. Một người cựu chiến binh với quân phục và huân huy chương nghiêm ngắn đã đến lễ tang và để lại những dòng lưu bút mộc mạc mà cảm động: "Tôi, Nguyễn Khắc Hồng, trung úy, sinh năm 1942. Suốt những năm chiến đấu, công tác ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, nhiều lần ông Hồ Phương đã đến đơn vị chúng tôi, thăm hỏi và động viên chúng tôi. Hôm nay ông ra đi tôi rất bồi hồi xúc động. Tôi chúc ông về nơi an nghỉ vĩnh hằng”.
Ông Nguyễn Khắc Hồng nhớ về những ngày còn ở đơn vị, nhà văn Hồ Phương về thường động viên ông cố gắng. Ảnh: NXT
Có mặt tại lễ viếng Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương còn có đại diện các nhà xuất bản mà ông gắn bó, các cơ quan quản lí văn nghệ như Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Nhà xuất bản Kim Đồng, Vụ Văn hoá Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương...
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ sự trân trọng: “Vô cùng thương tiếc Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, tác giả đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật. Người đương thời và hậu thế mãi nhớ và ghi ơn ông về những cống hiến và các tác phẩm ông để lại cho đời”.
Nhà văn Lê Phương Liên, nguyên cán bộ biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cùng đại diện lãnh đạo Nhà xuất bản, đại diện Phòng biên tập sách Văn học đã đến viếng Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Nhà xuất bản Kim Đồng cũng là nơi in cuốn tiểu thuyết Cha và Con của nhà văn Hồ Phương, cuốn tiểu thuyết ông viết sau khi nghỉ hưu khá lâu kể về cuộc đời của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những câu chuyện về tuổi thơ của Bác Hồ do nhóm cán bộ gồm nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Nguyễn Huy Thắng trực tiếp thực hiện. Nhà văn Lê Phương Liên cho biết, khi ấy viết về tuổi thơ của Hồ Chủ tịch có cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng đã rất nổi tiếng, bởi vậy một cuốn sách mới cùng chủ đề về vị lãnh tụ kính yêu cũng có nhiều áp lực, nhưng sau khi ra mắt Cha và con đã giành được tình cảm và sự đón nhận của độc giả nhỏ tuổi. Năm 2007, sau khi xuất bản, tiểu thuyết Cha và con Nhà xuất bản Kim Đồng đã có buổi ra mắt trang trọng trên chính quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Nhà văn Lê Phương Liên ghi lưu bút tại tang lễ. Ảnh: NXT
Lưu bút trong sổ tang, nhà văn Lê Phương Liên viết: “Bác Hồ Phương ơi, anh chị em cán bộ Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ còn nhớ mãi hình ảnh của bác. Trong những trang văn được đọc từ thuở thiếu thời, trong cả những trang văn quý bác để lại cho tuổi thơ ở tuổi đã cao. Cuốn sách Cha và con của bác viết về cụ Nguyễn Sinh Sắc và người con trai quý Nguyễn Tất Thành sẽ còn sống mãi với bạn đọc thiếu nhi Việt Nam”.
Đại diện đoàn viếng Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân là Đại tá Nguyễn Hoàng Sáu, Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản. Anh cũng chính là người có cơ duyên làm việc cùng nhà văn trên những trang bản thảo khi còn ở vị trí Biên tập viên của Nhà xuất bản. Kỉ niệm về một con người hiền hậu, trách nhiệm, kỉ luật cao dù đã nghỉ hưu lâu năm vẫn còn đọng lại mãi trong Đại tá Nguyễn Hoàng Sáu.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương ghi lưu bút sổ tang tại tang lễ Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Ảnh: Thành Duy
Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương là người có nhiều gắn bó và cống hiến với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, với ngôi nhà số 4, Lý Nam Đế. Là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia kháng chiến chống Pháp, là một trong những người đầu tiên tham gia vào "Binh chủng" Báo chí, Văn học, Nghệ thuật của Quân đội, ông cũng là nhà văn sáng lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Các thế hệ cán bộ, nhà văn hôm nay của Tạp chí luôn được nghe những câu chuyện kể về ông, cả những câu chuyện đời thường và cả những giai thoại. Tham gia hoạt động cách mạng từ khi nước nhà vừa thành lập, đồng hành với nhiều mốc son của Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã đi dọc chiều dài lịch sử chiến tranh vệ quốc thời đại Hồ Chí Minh. Với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhìn vào cuộc đời ông, tinh thần sống và làm việc từ những năm tháng tuổi trẻ đến những năm tháng cuối đời của ông, lịch sử Nhà số 4 như được kéo gần lại, nối liền mạch từ hôm qua đến hôm nay.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập hiện tại của Tạp chí Văn nghệ Quân đội thay mặt cán bộ, biên tập viên, phóng viên, các nhà văn của Tạp chí đã ghi trong sổ tang: “Toàn thể cán bộ và các nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội sẽ luôn nhớ tới Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương với lòng yêu mến, sự kính trọng. Bởi ông đã sống trọn vẹn và vô cùng xứng đáng với danh hiệu cao quý: Nhà văn - Chiến sĩ. Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương sẽ luôn còn lại với mọi người qua ngọn lửa tình nghĩa ấm áp mà ông lan tỏa ra cộng đồng, qua cả những gì mà ông vun đắp, gìn giữ, gửi gắm nơi những trang văn tâm huyết. Cầu mong linh hồn ông được thanh thản nơi vĩnh hằng”.
THIỆN NGUYỄN
VNQD