Dòng chảy
Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)

Tạo động lực và không gian cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới

Thứ Ba, 06/02/2024 07:00

Trong nhiều hoạt động cấp Quốc gia hướng tới kỉ niệm 50 năm thống nhất đất nước, các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam kể từ dấu mốc quan trọng ấy cũng đang được triển khai sâu rộng cả ở cấp Trung ương và địa phương. Để hiểu rõ hơn cũng như có một cái nhìn tổng quan về hoạt động lớn này, VNQĐ đã có cuộc trao đổi với Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Xin trân trọng giới thiệu bài trao đổi trong số tạp chí chào Xuân Giáp Thìn 2024.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

VNQĐ: Thưa đồng chí, tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) là một chuỗi hoạt động lớn, quan trọng, kéo dài trong suốt gần 3 năm. Xin đồng chí cho biết, hoạt động này chắc hẳn xuất phát từ thực tiễn nền VHNT trong bối cảnh xã hội hiện tại?

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ Việt Nam. Đất nước thống nhất, bước vào thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, VHNT Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng về tư duy lí luận, thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận. Tuy nhiên, nền VHNT nước nhà vẫn còn bộc lộ những hạn chế và đang đối diện với thách thức gay gắt trong quá trình phát triển. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cần phải tiến hành tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển VHNT trong giai đoạn mới.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương đã cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) từ tháng 5/2022. Đề án đã nhận được sự quan tâm sâu sắc và tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ. Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiếp thu, hoàn thiện và trình tập thể Ban Bí thư vào ngày 12/9/2023. Căn cứ kết luận của Ban Bí thư về Đề án, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 390-KH/BTGTW, ngày 15/11/2023 về việc tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025).

VNQĐ: Mục tiêu, yêu cầu cơ bản mà chuỗi hoạt động này hướng đến là gì thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Các hoạt động tổng kết hướng đến nhiều mục đích, trong đó trọng tâm là đánh giá toàn diện và sâu sắc nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, khẳng định thành tựu, chỉ rõ hạn chế và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, quy luật phát triển, đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển VHNT nước nhà trong giai đoạn mới. Thông qua các hoạt động tổng kết, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò của VHNT, hiểu rõ và trân trọng những đóng góp của VHNT. Chúng ta tôn vinh, chăm lo thiết thực cho đội ngũ văn nghệ sĩ, giúp đội ngũ văn nghệ sĩ quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ, từ đó xác định rõ tâm thế, trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân trong giai đoạn phát triển mới. Mục đích của chúng ta là phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt Nam ở trong và ngoài nước, để họ sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật ở chủ đề xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Muốn đạt được mục tiêu đề ra, các hoạt động cần được tổ chức theo hướng phong phú, thiết thực, chú trọng công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Bảo đảm hài hòa giữa nội dung tổng kết về mặt khoa học với công tác sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, công tác thông tin tuyên truyền, tạo không khí phấn khởi, góp phần củng cố, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin của nhân dân với Đảng, với tiền đồ và tương lai đất nước. Qua đó khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Từ khâu xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện cần bảo đảm tính khách quan, khoa học, biện chứng, bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và thực tiễn VHNT, có trọng tâm, trọng điểm và tính kế thừa, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Phát huy dân chủ, huy động đóng góp của các cơ quan, tổ chức khoa học, các chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong quá trình tổng kết.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch và Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác VHNT năm 2023. Ảnh: TCTG

VNQĐ: Với các hoạt động sâu rộng trong Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và các hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương, có thể coi đây là một đợt “điểm danh”, một cuộc “duyệt binh” các tác phẩm VHNT từ ngày đất nước thống nhất cho đến nay? Đồng chí có thể cho một vài hình dung sớm về cuộc “duyệt binh” quy mô này?

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Các hoạt động tổng kết sẽ được triển khai trên 3 trụ cột, có sự gắn kết chặt chẽ: nghiên cứu khoa học, các hoạt động, sự kiện, và công tác thông tin, tuyên truyền. Từng tuyến nhiệm vụ đều được cụ thể hóa, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, thu hút sự tham gia của các cơ quan chủ chốt trong lĩnh vực VHNT.

Đối với tuyến nghiên cứu khoa học, nội dung tổng kết bao gồm 5 nhiệm vụ khoa học, với sự tham gia của Hội đồng Lí luận, phê bình VHNT Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức các hoạt động tọa đàm về những vấn đề then chốt, tiến tới tổ chức hội thảo ở từng lĩnh vực VHNT. Trên cơ sở đó, sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025): những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Tập trung làm rõ các nhóm vấn đề: bối cảnh lịch sử, sự phát triển của nền VHNT Việt Nam 50 năm qua, quá trình vận động, thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra trên các phương diện cơ bản như: đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lí Nhà nước, sáng tác, lí luận, phê bình, phương thức truyền bá VHNT. Vấn đề giới thiệu, quảng bá VHNT Việt Nam ra nước ngoài và tiếp nhận VHNT nước ngoài ở Việt Nam. Vấn đề thực trạng, xu hướng phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ và công chúng của VHNT, cùng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển VHNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về các hoạt động, sự kiện, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và các hội VHNT chuyên ngành Trung ương sẽ phát động, tổ chức trong các cấp hội và hội viên cả nước sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT với chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”. Lấy cảm hứng bao trùm là “non sông thống nhất”, từ đó cụ thể hóa, gắn với đặc trưng từng lĩnh vực nghệ thuật; phản ánh sâu sắc khí thế của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước. Tổ chức triển lãm, bình chọn, tôn vinh các tác phẩm VHNT tiêu biểu trong giai đoạn 1975 - 2025, phản ánh chặng đường phát triển đáng tự hào qua nửa thế kỉ của nền VHNT Việt Nam. Đặc biệt, trong dịp này, sẽ tổ chức Hội nghị văn nghệ toàn quốc tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu ở trong nước và nước ngoài. Tại Hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, từ đó củng cố niềm tin, khát vọng cống hiến, cùng xác định tầm nhìn, tâm thế, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với tương lai đất nước và sự phát triển của VHNT nước nhà trong giai đoạn mới. Tôn vinh những văn nghệ sĩ có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Trong khuôn khổ Hội nghị, dự kiến tổ chức đoàn tàu thống nhất đưa các đại biểu ở trong nước và ở nước ngoài từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội; tổ chức đoàn đại biểu dâng hương báo công các Vua Hùng tại tỉnh Phú Thọ và nhiều hoạt động quan trọng khác.

Trong đợt tổng kết này, công tác thông tin, tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, trong đó sẽ tập trung phản ánh đậm nét nội dung, ý nghĩa, thành tựu của VHNT và vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Cụ thể là, tăng cường quảng bá các tác phẩm xuất sắc của nền VHNT Việt Nam nửa thế kỉ qua với hình thức như: các báo, tạp chí về VHNT xuất bản ấn phẩm xuân Ất Tỵ và số chuyên đề tháng 4/2025 về chủ đề 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, các nhà xuất bản tổ chức xuất bản mới hoặc tái bản các tác phẩm VHNT, công trình nghiên cứu tiêu biểu, xuất sắc trong giai đoạn 50 năm này.

Điểm qua một số nội dung cơ bản của Kế hoạch, có thể thấy, đây là đợt tổng kết quy mô, với các hoạt động tương đối toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần “nhìn lại để bước tiếp”. Ở tất cả các tuyến nhiệm vụ, đội ngũ các nhà nghiên cứu, lí luận, phê bình và văn nghệ sĩ đều đóng vai trò nòng cốt. Đó thực sự là cuộc hội tụ của giới VHNT cả nước, để lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp mang tầm thế kỉ, để cùng nhau chia sẻ quyết tâm cống hiến vì phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của mỗi văn nghệ sĩ Việt Nam chúng ta.

Chương trình khai mạc Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2023. Ảnh: QPTĐ

VNQĐ: Nửa thế kỉ đã trôi qua kể từ năm 1975 lịch sử, nền VHNT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, tuy vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng, cần có những tác phẩm xứng tầm hơn với lịch sử chiến tranh cách mạng của nước ta, quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào? Trên tinh thần tổng kết “nhìn lại để bước tiếp”, đồng chí có kì vọng gì ở nền VHNT Việt Nam trong tương lai?

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Trong gần nửa thế kỉ từ ngày đất nước thống nhất, nền VHNT Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Những kết luận cụ thể sẽ được đưa ra sau quá trình tổng kết. Tuy nhiên, về tổng thể, có thể khẳng định, VHNT nước nhà 50 năm qua tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn. Có nhiều nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức sáng tạo, xuất hiện tác phẩm tốt, trong đó có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Nghiên cứu, lí luận, phê bình VHNT có bước chuyển biến tích cực, góp phần đánh giá thỏa đáng di sản văn nghệ dân tộc, lí giải sâu sắc hơn một số vấn đề căn bản về lí luận và quy luật vận động, những đặc điểm mới của thực tiễn. Chuyên ngành này cũng giới thiệu đến công chúng những tác phẩm có chất lượng, tham gia phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, đồng thời phê phán, đấu tranh với những xu hướng, biểu hiện lệch lạc, sai trái. Thị trường sản phẩm và dịch vụ VHNT phát triển nhanh chóng ở một số lĩnh vực, đóng góp bước đầu quan trọng cho tăng trưởng công nghiệp văn hóa. Tự do sáng tạo được đảm bảo, dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được tôn trọng. Đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, phát triển về lượng và chất, còn lực lượng trẻ thì từng bước khẳng định được dấu ấn, vai trò trong đời sống văn nghệ.

Tất nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển, VHNT hiện nay vẫn còn những hạn chế, yếu kém, đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Việc lí giải thấu đáo những hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “nút thắt”, tạo động lực và không gian cho sự phát triển của VHNT nước nhà trong giai đoạn mới chính là một trong những mục tiêu, yêu cầu của đợt tổng kết này. Trên các diễn đàn khác nhau, một trong những vấn đề được nhiều văn nghệ sĩ nêu ra là: số lượng các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật của chúng ta chưa nhiều. Đất nước đã đi qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong thế kỉ XX, nhân dân ta và cả giới VHNT mong muốn có thêm nhiều tác phẩm có giá trị cao, xứng tầm hơn về đề tài chiến tranh cách mạng. Đó là mong muốn chính đáng. Trong xu hướng tất yếu của sự đổi mới tư duy sáng tạo, tác phẩm VHNT về đề tài chiến tranh cách mạng cần tiếp tục có những bước cách tân mạnh mẽ và triệt để hơn nữa. Đổi mới là tất yếu, nhưng mục tiêu tối thượng của hành trình đó chính là sự khám phá và biểu hiện sâu sắc về số phận con người, số phận dân tộc đã đi qua chiến tranh và chiến thắng vẻ vang, qua đó khẳng định chân lí lịch sử, nuôi dưỡng khát vọng hòa bình, tự do, tình đoàn kết, lòng tự hào dân tộc của những người con đất Việt, dù đang ở bất cứ đâu trên trái đất này.

50 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà đã tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, gắn bó mật thiết với nhân dân, tận hiến tài năng, tâm huyết cho sáng tạo. Tại Lễ kỉ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “VHNT ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, mới mẻ, giàu tiềm năng; xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao; tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, có thành tựu to lớn và bước tiến dài trong sự nghiệp”. Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, và nhất là với tài năng, tâm huyết và trách nhiệm với đất nước, tôi tin tưởng sâu sắc rằng, qua đợt tổng kết lần này, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước sẽ xác định được tâm thế, tầm nhìn và khát vọng sáng tạo để thúc đẩy nền VHNT dân tộc ta trong giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học.

VNQĐ: Vâng! Đồng chí vừa nhắc đến bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỉ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Trong bài phát biểu quan trọng này, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cũng sẽ còn diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số,... đã và đang làm thay đổi đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội toàn cầu, vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra những thách thức mới đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam chúng ta trong thời kì mới”. Sau 50 năm, tình hình thế giới và khu vực hôm nay đã khác đi rất nhiều, như Tổng Bí thư đã nhận định. Những cơ hội và thách thức nào đang đặt ra cho người làm VHNT Việt Nam hôm nay trong sứ mệnh xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách, con người Việt Nam trong giai đoạn mới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, kéo theo những tác động to lớn làm biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc các hệ giá trị truyền thống, đồng thời xuất hiện những giá trị mới, thúc đẩy hình thành, phát triển ngày càng đa dạng các khuynh hướng, xu hướng VHNT. Trong xu thế toàn cầu hóa, các trào lưu tư tưởng, lí luận, sản phẩm VHNT bên ngoài sẽ tiếp tục du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, ở nhiều cấp độ. Cục diện đó mở ra cơ hội để người sáng tạo và công chúng tiếp thu nhanh chóng và toàn diện hơn các giá trị văn hóa, VHNT của các quốc gia trên thế giới. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đặt ra yêu cầu củng cố thực lực, nâng cao bản lĩnh của những người làm VHNT Việt Nam hôm nay trong quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, góp phần khẳng định bản sắc, cốt cách dân tộc Việt Nam thời hiện đại.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản tư duy, phương thức sáng tạo, lưu trữ, giới thiệu, phát hành, quảng bá, tiếp nhận các sản phẩm VHNT, thậm chí làm thay đổi cơ bản cơ cấu vận hành của đời sống văn nghệ. Thực tế đã chứng minh, trong bối cảnh xã hội số, văn hóa số, VHNT trên không gian số đã tác động nhanh chóng và sâu sắc đến nếp nghĩ, lối sống của công chúng, nhất là giới trẻ. Cùng với đó, cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng tác động mạnh mẽ hơn nữa đến đời sống VHNT, một mặt tăng cường nguồn lực, nhưng mặt khác cũng làm gia tăng xu hướng thương mại hóa, hạ thấp tiêu chuẩn giá trị của các sản phẩm văn nghệ. Điều này đặt ra thách thức gay gắt đối với mục tiêu giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền văn nghệ, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Có thể nói, tác động của các yếu tố mới đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy, làm biến đổi nhanh chóng quan niệm giá trị và thực tiễn sáng tạo, truyền bá, tiếp nhận VHNT. Sự phân hóa về quan niệm, nhu cầu và thị hiếu thẩm mĩ trong công chúng nghệ thuật ngày càng sâu sắc. Đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà sẽ tiếp tục có những thay đổi về số lượng, cơ cấu, đặc điểm. Thế hệ văn nghệ sĩ lớn lên trong hòa bình, thống nhất, đổi mới và hội nhập sẽ dần đóng vai trò nòng cốt trong đời sống văn nghệ, đó là luồng sinh khí mới, là tương lai của nền VHNT nước nhà. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã cảnh báo nguy cơ đứt gãy dòng mạch truyền thống và xa rời cốt cách, bản sắc dân tộc trong sáng tác, lí luận, phê bình, biểu diễn văn nghệ.

Trước thực tiễn này, hơn lúc nào hết, đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cần tiếp tục kề vai sát cánh, cùng nhau thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang với Tổ quốc và nhân dân. Bằng tác phẩm của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ chính là những người ươm trồng hạt giống về cái đẹp, lòng nhân ái, sự tử tế, cũng như gìn giữ và thổi bùng lên khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong từng người Việt Nam. Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm VHNT chân chính sẽ góp phần bồi đắp, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực nhân cách con người Việt Nam trong thời kì mới, mở cánh cửa tương lai tươi sáng của cả dân tộc chúng ta.

VNQĐ: Trước thực tế ấy thì những người làm VHNT Việt Nam, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lí cũng cần có sự vận động, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng chí có thể cho một vài phác thảo về sự vận động, đổi mới này?

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Bối cảnh tình hình và yêu cầu phát triển của nền VHNT trong giai đoạn mới đòi hỏi tất cả các chủ thể, từ những người làm VHNT đến các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lí cần tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức hoạt động, nhằm giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo, hướng đến mục tiêu có thêm nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng đáng với truyền thống lịch sử, văn hóa và cơ đồ đất nước chúng ta.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cần chú trọng đến tính đặc thù của VHNT. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Quan tâm định hướng, nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mĩ của công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Các cơ quan quản lí nhà nước về VHNT cần tập trung việc thể chế hóa quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về VHNT, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này. Đổi mới căn bản, toàn diện chính sách sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh tài năng, cũng như chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường VHNT. Xây dựng chiến lược đào tạo tài năng VHNT ở trong nước và nước ngoài, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, tạo bước đột phá phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn mới. Tăng cường nguồn lực Nhà nước đầu tư cho phát triển VHNT, đồng thời nghiên cứu, rà soát thực tế triển khai xã hội hóa các hoạt động VHNT. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các quỹ chuyên dụng đầu tư cho phát triển VHNT, tạo đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực. Chú trọng đầu tư, từng bước xây dựng một số doanh nghiệp lớn, thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực VHNT.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, lí luận, phê bình VHNT. Kiên định phát huy vai trò nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của lí luận văn nghệ và mĩ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về VHNT. Nghiên cứu thấu đáo tư tưởng văn nghệ truyền thống của cha ông, đồng thời tiếp thu tinh hoa của các trường phái lí luận trên thế giới, từ đó hoàn thiện hệ thống lí luận văn nghệ Việt Nam và hệ giá trị VHNT Việt Nam thời kì mới. Kiên trì thực hiện tự do sáng tạo đi đôi với tự do phê bình. Xây dựng, củng cố các diễn đàn học thuật, nâng cao tinh thần đối thoại, tranh luận thật sự dân chủ, bình đẳng, nghiêm túc về mọi vấn đề, nhằm nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục của công tác lí luận, phê bình.

Trong một thế giới ngày càng rộng mở hơn, đổi mới tư duy sáng tạo là sự đòi hỏi tự thân, sự thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong mỗi văn nghệ sĩ. Quá trình đổi mới đó sẽ đạt được thành tựu to lớn trên nền tảng của tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân. Trên hành trình ấy, người nghệ sĩ sẽ không đơn độc, vì khát vọng sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao cũng chính là mục tiêu và mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

VNQĐ: Lịch sử những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của chúng ta luôn gắn liền với lịch sử và những trang vàng truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dịp kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội cũng là trước thềm kỉ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất mà một trong những hoạt động lớn mang tính tổng thể là tổng kết 50 năm nền VHNT. Đồng chí có thể cho một vài nhận định về vị trí của VHNT Quân đội trong nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất? Và VHNT Quân đội cần làm gì để tham gia hiệu quả các nhiệm vụ tổng kết, để hướng đến tương lai với những thành quả và đóng góp to lớn hơn nữa vào nền VHNT Việt Nam?

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Quá trình phát triển, hiện đại hóa nền văn học Việt Nam trong thế kỉ XX gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng những cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, chống xâm lấn, bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất cha ông để lại. Lực lượng “văn nghệ sĩ - chiến sĩ” đã có những đóng góp quan trọng, trở thành một mẫu hình văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú, đậm nét nền VHNT Việt Nam: yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc. Đất nước thống nhất, bước vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn nghệ sĩ quân đội, với sự từng trải, bản lĩnh, tài năng và nhạy cảm sáng tạo, đã xung kích mở đường, trở thành trụ cột trong hành trình đổi mới VHNT nước nhà ở tất cả các lĩnh vực: sáng tác, lí luận, phê bình, dịch thuật. Văn nghệ sĩ quân đội tham gia và đóng vai trò nòng cốt trong các cơ quan văn hóa, VHNT ở Trung ương và các địa phương, đây cũng là đội ngũ sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân.

Trong giai đoạn phát triển mới, cùng chung sứ mệnh lớn lao của văn nghệ sĩ cả nước, văn nghệ sĩ quân đội còn có sứ mệnh và trách nhiệm riêng, đó là: tiếp tục phản ánh sâu sắc về lịch sử văn hóa quân sự Việt Nam, về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, về phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Tiếp tục phản ánh sinh động tư tưởng, đời sống của bộ đội, tham gia xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, quy tụ “ý Đảng, lòng dân”, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Các thế hệ văn nghệ sĩ quân đội hôm nay, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình, cần không ngừng rèn luyện, đảm đương vai trò của những người “lĩnh ấn tiên phong”, là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của nền VHNT Việt Nam trên con đường đổi mới và phát triển. Cần cống hiến hết mình để vun đắp các giá trị cao đẹp, nêu cao dũng khí bảo vệ chân lí, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, gây phương hại cho sự phát triển lành mạnh của đời sống VHNT.

Trong đợt tổng kết lần này, VHNT Quân đội cần tiến hành tổng kết thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, gắn với tổng kết nội dung văn hóa, con người trong 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách, nguồn lực, chăm lo đời sống, điều kiện làm nghề, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa để đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội phát huy hết khả năng sáng tạo và cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân.

VNQĐ: Trên cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, qua Tạp chí VNQĐ số Tết Giáp Thìn, 2024, đồng chí có gửi gắm gì đến các văn nghệ sĩ, trí thức cả nước trước sự kiện Tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam, một hoạt động quốc gia sâu rộng trong dịp kỉ niệm sự kiện lịch sử lớn: 50 năm đất nước thống nhất?

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Đất nước thống nhất đã gần 50 năm, vẫn còn đó những đề tài lớn đang vẫy gọi, thôi thúc các văn nghệ sĩ. Trong mỗi giai đoạn của lịch sử, từng thế hệ văn nghệ sĩ sẽ có sứ mệnh và nhiệm vụ của riêng mình. Đổi mới tư duy sáng tạo là quy luật bất biến, là đòi hỏi tất yếu của mỗi người sáng tạo. Tuy nhiên, hành trình tìm tòi, đổi mới nghiêm túc, đích thực, bao giờ cũng hướng đến chiếm lĩnh, khám phá và biểu hiện đầy đủ, toàn diện, sinh động và sâu sắc hiện thực cuộc sống và con người. Đất nước bước vào vận hội phát triển mới, Đảng, Nhà nước tin tưởng và chờ đợi các văn nghệ sĩ, bằng tài năng, trí tuệ, trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân sẽ tiếp tục đắm mình vào thực tiễn, khám phá và sáng tạo những vấn đề trung tâm, nhân vật trung tâm của thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước nhanh và bền vững hôm nay. Tôi tha thiết mong rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tham gia tích cực, hiệu quả vào các hoạt động tổng kết, bên cạnh đó cũng tiếp tục không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của nhân dân, nỗ lực tìm tòi, đổi mới sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, 2024, tôi trân trọng gửi đến anh chị em văn nghệ sĩ cả nước tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất! Kính chúc các bác, các anh, các chị và các em luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, dồi dào cảm hứng và có thêm nhiều thành tựu sáng tạo mới!

VNQĐ: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)