Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngành quân giới đóng vai trò rất quan trọng. Các xưởng quân giới trong cả nước phải tự sản xuất nhiều loại vũ khí để phục vụ chiến đấu. Cục Quân giới đã có chủ trương xây dựng một số cơ sở sản xuất vũ khí, đạn dược, trong đó có Lò cao kháng chiến Hải Vân (nằm trên địa phận Thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) có nhiệm vụ chuyên luyện gang để sản xuất vỏ vũ khí, đạn dược và đồ quân dụng. Điểm đặc biệt là công xưởng sản xuất này ẩn mình trong một hang đá để giữ bí mật và an toàn trước sự đánh phá của địch. Đến nay, sau hơn 70 năm, hang đá Đồng Mười vẫn ôm trọn những kí ức lưu dấu niềm tự hào của không chỉ ngành quân giới Việt Nam.
Cùng PV VNQĐ online thăm lại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt này.
Năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn cam go, ác liệt. Những trận đánh lớn nhỏ diễn ra rộng khắp trên các vùng miền của Tổ quốc. Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao cho Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng nghiên cứu xây dựng và vận hành các lò cao luyện gang, tạo phôi thép cung cấp cho các công xưởng sản xuất vũ khí, trang bị cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Cuối năm 1949, Cơ sở thí nghiệm lò luyện gang được Cục Quân giới Việt Bắc và Sở Kĩ nghệ Trung Bộ chuyển từ Nghệ An ra Thanh Hóa, đặt tại Thung lũng Đồng Mười, xã Vĩnh Hòa, huyện Như Xuân (nay là Thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh). Tháng 6/1950 tại đây bắt đầu xây dựng nên Lò cao NX1 rồi NX2 gồm một lò nhỏ để thí nghiệm và một lò lớn để sản xuất. Năm 1953, khi công viêc sản xuất gang đang triển khai một cách tốt đẹp thì địch phát hiện ra khu vực lò cao và cho máy bay oanh tạc, bắn phá. Trước tình hình ấy được sự đồng ý của cấp trên, đồng chí Trần Đại Nghĩa, lúc bấy giờ là Cục trưởng Cục Quân giới, đã quyết định cho Ban lãnh đạo Lò cao chuyển toàn bộ xưởng sản xuất vào trong hang Đồng Mười cách vị trí cũ chừng 1km. Lò cao NX3 được nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt trong hang đá ra đời từ đấy, là một trong những cơ sở sản xuất gang đầu tiên của Việt Nam mang tên Lò cao Kháng chiến Hải Vân.
Lò cao Kháng chiến Hải Vân nằm ở phía Tây Nam, cách TP. Thanh Hoá 40km. Từ trung tâm Thị trấn Bến Sung chỉ cần đi thêm 2km theo đường vào Vườn quốc gia Bến En là đến vị trí của Di tích lịch sử kháng chiến cấp Quốc gia này. Phong cảnh trong ảnh được chụp từ cửa hang Đồng Mười. Núi Đồng Mười là một núi đá vôi có cấu trúc hình tròn. Trên bề mặt được bao phủ một lớp thực vật xanh tươi của rừng nhiệt đới bốn mùa xanh mát. Xung quanh khu vực có nhiều hồ nước tạo phong cảnh sơn thủy hữu tình. Hiện nay tại khu vực có một nhà bia tưởng niệm ghi dấu Di tích Quốc gia và tưởng nhớ những thế hệ cán bộ quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Toàn bộ cấu trúc hang Đồng Mười gồm 3 ngách: hang chính, hang phía Bắc, hang phía Nam. Cả ba hang đều được tận dụng tối đa không gian để phục vụ cho sản xuất. Toàn bộ hang chính và hai hang phụ là nơi lắp đặt hệ thống sản xuất gang theo công nghệ lò cao mang tên NX3. Lò cao NX3 được xây dựng, cải tiến từ hệ thống Lò cao NX1 và NX2 trước đó với dung tích 8,3m3. Chiều cao của lò là 15 mét, đúng bằng chiều cao của hang. Mỗi ngày lò sản xuất 3 tấn gang. Hai năm 1952 - 1953 đã có hàng nghìn tấn gang được nấu tại đây để cung cấp cho các đơn vị sản xuất lựu đạn, đạn súng cối, đạn Bazoka và các trang bị quân dụng khác, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt. Quặng nấu gang được lấy từ các khu vực Rú Cốc, Núi Vòm, Yên Mỹ, Núi Thư, Đò Lèn với hàm lượng Fe từ 50 - 70%. Than sử dụng cho lò là than gỗ lim. Cửa hang có cấu trúc là các khối đá tự nhiên với kích thước lớn xếp chồng lên nhau. Phía trên cửa có một số loại cây cỏ mọc tự nhiên nên ngụy trang khá tốt, không gây nhiều chú ý, phù hợp với yêu cầu giữ bí mật. Cổng hang nằm ở đầu hang chính, là nơi bắt đầu vào hang. Cổng được xây gạch liền với vách hang, rộng 2m, cao 2,2m tạo ra lối vào hang rộng rãi, thuận tiện. Trong ảnh anh Đinh Xuân Thắng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Như Thanh giới thiệu với PV VNQĐ online về Di tích lịch sử Quốc gia tại địa phương. Do diện tích tự nhiên của hang Đồng Mười chưa đủ không gian phục vụ cho quá trình sản xuất gang cũng như chưa thuận tiện để vận chuyển máy móc vào trong hang, các cán bộ quân giới đã phải sử dụng 400 quả mìn lớn nhỏ mở rộng thêm tạo 2 cửa để đảm bảo sản xuất và thông gió. Cửa chính của hang được mở cách mặt đất 20m, kiên cố như một pháo đài bất khả xâm phạm. Đây cũng là lối chính để đưa trang thiết bị cồng kềnh từ thung lũng vào trong hang, đồng thời cũng là nơi lấy ánh sáng mặt trời bên ngoài vào. Hang chính có kích thước dài 62m, rộng 28m, cao hơn 15m. Nền hang được đục đá, san đắp công phu tạo mặt phẳng đủ chỗ cho Lò cao, máy móc thiết bị và người hoạt động. Hiện tại, cùng với một số hiện vật còn lại, Lò cao và một số công trình trong hang cũng được phục dựng để có thể hình dung về công xưởng sản xuất gang trong hang đá từ hơn 70 năm trước. Lò gió nóng nằm giữa hang chính có chiều dài 5,55m; rộng 3m; cao 6,55m. Lò gồm 2 phần thân lò và đế lò, có 2 cửa vào hình cuốn vòm ở mặt sau để tiếp nhiên liệu và lấy phế liệu. Trên mặt lò có dòng khẩu hiệu thi đua sản xuất. Trên vách hang hiện nay vẫn còn lưu lại câu khẩu hiệu thể hiện cho tinh thần sống, chiến đấu và lao động của các cán bộ, kĩ sư và công nhân Lò cao. Lò sấy dùng để sấy quặng trước khi đưa vào Lò cao nằm ở cuối hang chính nơi có độ cao lớn hơn phần nền hang phía trước. Lò sấy có chiều dài 2,93m, rộng 2,62m và cao 2,57m. Sát lò sấy là bức tường xây cao lên tận đỉnh hang và liền vào vách hang, có hai cửa ra vào hình cuốn vòm ngăn hang chính và hang phía bắc để đảm bảo an toàn cho quá trình sản xuất. Hang phụ phía nam là nơi trữ nguyên liệu luyện gang và nhiên liệu để đốt lò. Đến tham quan Lò cao Kháng chiến Hải Vân mỗi người có thể liên tưởng đến không khí sống, chiến đấu, và lao động đầy nhiệt huyết của cán bộ, kĩ sư, công nhân Lò cao Kháng chiến Hải Vân trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp ác liệt của đất nước, dù cho đến nay các nhân chứng lịch sử đều đã đi xa. Nhà thơ Phạm Tiến Triều, một người con của Như Thanh trước dấu tích còn lại của Lò cao Kháng chiến Hải Vân trên vách hang Đồng Mười. Lò cao Kháng chiến Hải Vân mang một tầm vóc vĩ đại không chỉ bởi nó là nhà máy luyện gang trong hang đầu tiên và duy nhất trên thế giới mà còn chất chứa trong đó tinh thần kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Nơi đây còn gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã đem hết tài trí và sức lực của mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân như Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Kĩ sư Võ Quý Huân cùng những đóng góp vượt bậc của các cán bộ kĩ sư, công nhân những năm kháng chiến chống Pháp. Cả một thế hệ người Việt Nam đã hăng say lao động quên mình đi qua cuộc kháng chiến một cách anh dũng, họ đã quên mình xây dựng và cống hiến cho đất nước, đặt những nền móng đầu tiên cho ngành luyện kim Việt Nam.
Anh Đinh Xuân Thắng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Như Thanh cho biết, với ý nghĩa đặc biệt của di tích, ngay từ năm 1960 Nhà nước đã đưa Lò Cao kháng chiến Hải Vân vào danh sách các di sản văn hóa được bảo vệ, nhằm giữ lại một kì công sáng tạo đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp. Năm 2013, Lò cao Kháng chiến Hải Vân đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Năm 2015 dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được triển khai và đi vào hoạt động để giới thiệu đến công chúng về di tích đặc biệt này. Lò cao Kháng chiến cũng là một địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Thanh Hóa.
Nằm kề Vườn quốc gia Bến En, Di tích Lò cao Kháng chiến Hải Vân còn là một điểm đến thu hút khách du lịch và những người có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc.
BẢO AN
VNQD