Không phải là đỉnh cao nhất của dãy Chư Yang Sin, biểu tượng của Đắk Lắk, nhưng đỉnh Chư Yang Lắk lại nổi tiếng là điểm săn mây, được cho là đệ nhất cảnh quan của Thủ phủ Tây Nguyên. Nằm ở địa phận xã Yang Tao, huyện Lắk, cách trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột 50 cây số, Chư Yang Lắk gần đây đã được giới trẻ khu vực phía Nam và Nam Trung bộ tìm đến thưởng ngoạn vẻ đẹp nguyên sơ của đỉnh núi này. Dưới chân Chư Yang Lắk là hồ Lắk, nơi đầu nguồn dòng Krông Ana quanh năm đầy nước, Chư Yang Lắk góp phần tô vẽ cho cảnh quan nơi đây nét sơn thủy hữu tình. Chúng tôi đã lên núi từ hôm trước nghỉ lại ở độ cao 1.400 mét để sáng hôm sau có thể đón bình minh trên đỉnh núi đặc biệt này.
Một ngày bắt đầu trên đỉnh Chư Yang Lắk khi núi rừng được mặt trời báo thức. Những ngọn núi cựa mình ngái ngủ trong lớp "chăn bông" dày che phủ. Vạn vật được thắp sáng bởi những tia nắng đầu tiên. Những đám mây như chiếc khăn voan mỏng tô điểm cho sự duyên dáng của núi. Nhịp điệu của mây và núi trong ngày mới. Mặt trời dần làm chủ vạn vật như vai trò vốn dĩ của nó. Một khe núi nhìn từ đỉnh Chư Yang Lắk. Đỉnh Chư Yang Lắk nhìn về phía hồ Lắk trong buổi sớm mai. Gần đỉnh Chư Yang Lắk có những vách núi cheo leo nhưng cũng rất trữ tình. Còn trên đỉnh có những vách đá dựng khá nguy hiểm. Bóng Chư Yang Lắk hắt về phía tây in trên núi rừng thể hiện độ cao vượt trội của nó. Mặt trời thắp sáng cả núi rừng, như đánh thức sự kì diệu của thiên nhiên. Nhiều phượt thủ đã nhận xét, phần đỉnh Chư Yang Lắk có hình thù khá giống với mặt người đang ngẩng cao đón gió. Vì thế đỉnh núi này còn được một số cư dân mạng gọi là "núi mặt người". Chư Yang Lắk có độ cao 1.634 mét. Là nơi hội tụ của mây khiến cho nơi đây ngoài thiên nhiên nguyên sơ còn mang vẻ bồng lai tiên cảnh thu hút những bước chân xa gần. Ở gần khu vực đỉnh núi, dù cận cảnh hay ở phía xa luôn có những thứ để bạn chiêm ngắm. Những tán rừng thưa bắt nắng mai rạng rỡ. Càng lên cao hồ Lắk rộng lớn dưới chân núi càng nhỏ lại. Ở độ cao khoảng 800 mét, chiếc hồ có diện tích 6,2 kilomet vuông nhìn chỉ như thế này. Vầng trăng thượng tuần vẫn còn lưu luyến ở lại với bình minh. Phụ họa cho cây lá là một bầu trời không thể xanh hơn. Ở độ cao khoảng 900 mét có thể nhìn thấy đỉnh Chư Yang Lắk lấp ló. Tuy nhiên, phải leo tiếp hơn hai giờ đồng hồ nữa mới có thể chạm đích. Ở độ cao trên 800 mét hệ thực vật là các loài như dẻ, các cây họ long não và thông là thứ không thể thiếu. Khu vực này là những rừng cây khá dày và cao. Di chuyển xuống độ cao 800 mét chúng tôi gặp các loài cây như bằng lăng, ổi, chiêu liêu, sao đen và các loài cây họ dầu. Xuống thấp hơn nữa là những trảng cỏ đuôi chồn đang vào mùa chín rộ.
Khác với các đoàn leo núi khác, chúng tôi ngược dốc từ Yang Tao hướng về phía đỉnh Chư Yang Lắk vào đầu giờ chiều hôm trước. Lên đến lán nghỉ ở độ cao 1.400 mét chúng tôi nghỉ lại qua đêm, sáng hôm sau dậy sớm lên đỉnh núi đón bình minh của một ngày mới rồi xuống núi. Nên thay vì hành trình 2 ngày 1 đêm như các đoàn leo núi khác, chúng tôi chỉ mất một ngày đêm để chinh phục Chư Yang Lắk. Hành trình xuống núi, hết phần nương rẫy là những khu rừng đệm bao gồm cây tạp và cỏ tranh. Xuống đến bìa rừng nhìn về mạn hồ Lắk là khoảng không rộng lớn. Đắm mình với cảnh quan Chư Yang Lắk cảm giác tinh thần sảng khoái như được thanh tẩy. Thiên nhiên ban sơ mang một vẻ đẹp kì diệu góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người. Chư Yang Lắk cùng với đỉnh Chư Yang Sin, ngọn núi cao 2.400 mét, cao nhất của vùng Nam Tây Nguyên và là biểu tượng của tỉnh Đắk Lắk hiện nằm dưới sự quản lí của Ban quản lí rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk. Lối lên ở phía xã Yang Tao khá thuận lợi khi nằm kề ngay Quốc lộ 27 từ Đắk Lắk đi Lâm Đồng. Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: DƯƠNG TỬ
VNQD