Dòng chảy

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 hướng tới đại đoàn kết dân tộc

Thứ Sáu, 16/02/2024 14:32

 Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tiếp tục được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, địa điểm linh thiêng, mang nhiều nét đẹp cổ kính.

Sáng 16/2/2023, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức họp báo về việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Theo đó, Ngày thơ năm nay sẽ được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 24/2/2024).

Chủ trì buổi họp báo (từ trái qua) gồm nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Lê Quý Dương, nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Mở đầu họp báo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: sau đại dịch covid, Hội Nhà văn hướng đến việc mỗi năm chọn một chủ đề cho ngày thơ. Năm nay, năm thứ 49 từ ngày đất nước thống nhất, chúng tôi muốn tổ chức ngày thơ là cuộc hội ngộ của các nhà thơ thuộc tất cả các dân tộc trên đất nước. Sẽ có sự xuất hiện của đại diện các nhà thơ thuộc các dân tộc, các vùng văn hoá, họ sẽ mang đến giọng nói riêng, bản sắc riêng của dân tộc mình để hòa vào bản hòa âm chung của dân tộc Việt. Qua đó thể hiện những di sản lớn của văn học Việt, của dân tộc Việt. Thơ ca Việt nam là một dòng chảy không ngừng. Văn học Việt Nam là một con sông lớn với nhiều thế hệ nước không thể tách rời nhau... Ngày thơ năm nay sẽ mang tinh thần hướng đến 50 năm thống nhất đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Về thiết kế tổng thể không gian, các sự kiện chính sẽ diễn ra trên trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long, chiếu từ cửa Đoan Môn đến Cột Cờ Hà Nội. Đêm thơ Nguyên Tiêu tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng, nên vầng trăng được chọn làm ngôn ngữ thiết kế không gian mĩ thuật. Cổng thơ là những vầng trăng non trên hành trình tròn đầy vào đúng ngày Rằm. Bước qua cổng thơ là đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết một câu thơ hay do ban tổ chức tuyển chọn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người lựa chọn các câu thơ hay để tham dự ngày thơ bày tỏ: tôi thích nhất ngày thơ năm nay. Vì năm nay thực sự là ngày thơ tôn vinh các nhà thơ dân tộc Việt Nam, bản sắc rất đặc biệt. Tiêu chí chọn thơ năm nay là chọn những bài thơ viết về miền núi, văn hoá tập tục, bản sắc...

Tổng cộng sẽ có 54 câu thơ, tương ứng với con số 54 dân tộc. Tiếp đến là cây thơ, trên đỉnh cây thơ là một nửa vầng trăng, bên dưới là 54 câu đố thơ được treo trên cành cây. Khán giả có thể tham gia trò đố vui: đọc câu thơ, gọi đúng tên tác giả và nhận phần thưởng. Điểm đến cuối cùng là sân khấu chính - một vầng trăng trọn vẹn, kết thúc hành trình của vầng trăng non từ cổng thơ đến nơi diễn ra đêm thơ.

Trên chính giữa trục thần đạo, năm nay, ban tổ chức tiếp tục xây dựng không gian Nhà ký ức, là nơi trưng bày kỉ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Nhà ký ức mang hình dáng kiến trúc một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên.

Có thể nói, những ý tưởng thiết kế trên là nét mới, độc đáo, tạo nên không gian mang ý nghĩa đặc biệt của Ngày thơ Việt Nam năm nay.

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông.

Đạo diễn Lê Quý Dương, người thực hiện ý tưởng chương trình Ngày thơ Việt Nam 2024 cho biết: anh bắt đầu hình dung về chương trình bằng câu hỏi thông điệp của chương trình ấy là gì? Chủ đề “Bản hoà âm đất nước” không chỉ là âm thanh, hình ảnh, cảm xúc mà là cả năng lượng được lan toả. Chủ đề này gây cho tôi được cảm xúc để tạo nên ý tưởng thực hiện chương trình.

Ngày Rằm tháng Giêng sẽ diễn ra những sự kiện chính của ngày thơ. Buổi sáng là tọa đàm "Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ", bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút do nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, với sự tham gia của nhiều nhà thơ, học giả, nhà lí luận phê bình văn học để lí giải về mối quan hệ vừa đồng nhất, vừa riêng biệt giữa bản lĩnh và bản sắc của công việc sáng tạo thi ca.

Buổi tối là đêm thơ mang tên "Bản hòa âm đất nước". Mở đầu chương trình là màn biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường do các nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình thực hiện quanh 22 đài đuốc, tương ứng với con số ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Tiếp theo là các nội dung chính của đêm thơ, gồm bốn phần: Phần một: trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; Phần hai: các nhà thơ quốc tế tham gia giao lưu và đọc thơ; Phần ba: trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam; Phần bốn: những dư âm còn mãi.

Chương trình đêm thơ năm nay là sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục…, song song với việc duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ, với mong muốn đem đến sự thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm thơ xuất sắc của các nhà thơ dân tộc cho khán giả.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chỉ đạo thực hiện; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách nội dung. Kịch bản tổng thể và dàn dựng do đạo diễn Lê Quý Dương đảm nhận. Nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam là người viết kịch bản văn học đêm thơ. Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long là người thiết kế cổng thơ, đường thơ, cây thơ. Bảo tàng Văn học Việt Nam phụ trách khâu trưng bày Nhà ký ức. Sự kiện được dẫn dắt bởi hai MC là Nhà báo Phan Đăng và Á hậu Thụy Vân.

AN CHI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)