Tiểu thuyết Diệt Chủng của nhà văn Takano Kazuaki phát hành vào tháng 6 năm 2023 đã đưa đến các bạn đọc Việt Nam một vấn đề văn chương sinh thái mới. Tác phẩm không còn đặt nặng phản ánh những hình ảnh hủy hoại môi trường sống như thế nào, cũng chẳng thay tự nhiên để cất tiếng nói nữa. Diệt Chủng vẽ ra bức tranh khác hoàn toàn về khái niệm nhân loại phi trung tâm của chủ nghĩa sinh thái, khi chính tự nhiên chứ không phải con người đã tìm ra cách để tự cân bằng những xáo động mà con người gây ra.
Trong những năm gần đây, văn học sinh thái nổi lên như một nỗ lực xoay chuyển nhận thức về các yêu cầu bảo vệ môi trường. Khá nhiều tác phẩm bắt đầu lấy bối cảnh tự nhiên bị tàn phá để khắc họa sự khốn khổ của con người, một số khác trực tiếp viết về những mất mát và cách con người đấu tranh để bảo vệ tự nhiên. Tuy nhiên những tác phẩm này nếu suy xét đến tận cùng vẫn là những tác phẩm lấy nhân loại làm tâm, khai thác những gì giá trị với nhân vật hay với chính tác giả, hơn là một tác phẩm thể hiện cách hành xử đúng đắn với tự nhiên tuân theo các quy luật sinh thái. Một số tác giả ý thức được các vấn đề đó và bắt đầu đào sâu hơn về lối sống hòa hợp với tự nhiên, sinh tồn nơi hoang dã, trở về tự nhiên như hiện tượng bán chạy ở Việt Nam dạo gần đây là tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát. Tuy nhiên, để xét đến một tác phẩm thật sự đưa ra phản đề, hay góc nhìn phản tư về sinh thái phải kể đến tiểu thuyết Diệt Chủng. Tác giả Takano Kazuaki đã mạnh dạn đưa ra một điều không mới của sinh thái và di truyền học, nhưng hãy còn mới ở văn chương nói chung, và văn chương Việt Nam nói riêng: ông trực tiếp hạ con người xuống một nấc thang thấp hơn trên thang tiến hóa, và chúng ta không còn là kẻ thông minh nhất hành tinh này.
Tác phẩm Diệt Chủng của Takano Kazuaki.
Dù có nhiều lập luận cho rằng, văn chương sinh thái hay chủ nghĩa sinh thái đã vượt ra khỏi giới hạn của khoa học tự nhiên, cụ thể là sinh thái học. Tuy nhiên cần thận trọng khi nhận định lại những lập luận này. Có lẽ chính xác hơn phải là văn chương sinh thái đã mở rộng ra khỏi địa hạt khoa học tự nhiên về phía khoa học xã hội, như một cánh tay nối dài. Mục đích của chủ nghĩa sinh thái nói chung là trả con người và tự nhiên về đúng vị trí của mình. Tất yếu, chủ nghĩa sinh thái phải bắt nguồn từ việc am hiểu vị trí của con người trong tự nhiên, mà vị trí ở đây nghĩa là nơi đặt, chiều và hướng tương tác giữa chúng ta và môi trường. Bất kì một giá trị nào của nơi đặt, chiều và hướng ấy đều có những quy luật sinh thái nhất định, mà quy luật tương tác trong thế giới sống nói chung là địa hạt của sinh thái học. Điều này mở ra một yêu cầu khá quan trọng với những tác giả muốn sáng tác theo hay thể hiện chủ nghĩa sinh thái, là họ phải nắm được những quy luật sinh thái học ở mức cơ bản nhất. Những tác phẩm nhận mình đứng trong hàng ngũ văn chương sinh thái tuyệt nhiên không thể nói một ngọn cây, một cánh chim là vì con người, không thể tôn thờ hóa con người dưới ánh mắt loài vật. Chưa nói đến chuyện thần hóa con người chính là nhân loại trung tâm. Chỉ riêng việc tác giả mặc định góc nhìn của loài vật cũng phải hết sức cẩn trọng, vì nếu người viết không thật sự giải mã được tâm sinh lí của một loài vật đó, không có đủ chuyên môn về sinh học nói chung về loài vật ấy, thì nghĩa là đang áp đặt cái nhìn, cái tư duy con người vào tự nhiên. Có thể đôi chút trùng hợp khiến cho một vài đặc điểm đúng với loài vật ở ngoài đời, nhưng điều đó vẫn là không công bằng với các sinh vật ấy. Như vậy các tác phẩm ấy chỉ có yếu tố môi trường, yếu tố sinh thái, nhưng không hề thuộc về văn chương chủ nghĩa sinh thái.
Diệt Chủng đặt ra một vấn đề khác, đó là khi một loài mới xuất hiện và vượt trội so với loài ưu thế, hay ở đây là vượt trội so với con người. Họ nhạy cảm hơn đồng thời logic hơn, họ thông minh hơn và cũng bác ái hơn. Đó là một giống loài có hình dạng gần giống người, nhưng cơ trí hơn, học nhanh hơn, tư duy tốt hơn kiên nhẫn hơn và có dấu hiệu sẽ sống lâu hơn con người. Trở lại đối chiếu với các quy luật cơ bản của sinh thái học, một hệ sinh thái luôn có một loài ưu thế quyết định sự tồn vong của hệ sinh thái này. Loài ưu thế không cần phải là loài sinh vật đông đúc nhất, cũng không phải sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn, nhưng mọi hoạt động của chúng tạo ra sự biến chuyển của hệ sinh thái. Chúng sử dụng tài nguyên theo cách chúng muốn, và nếu lạm phát về mong muốn chúng cũng sẽ không nhận ra sự bành trướng của chính loài ưu thế đang hủy hoại môi trường sống tốt nhất của chính mình. Tự nhiên sẽ cân bằng lại bằng một nhóm loài khác đó là loài thứ yếu, loài vật này vẫn tồn tại từ lâu bên cạnh loài ưu thế, nhưng chúng không đủ khả năng nắm quyền quyết định hệ sinh thái này. Khi loài ưu thế càng ngày càng biến đổi môi trường sống tệ đi cho chính mình, thì môi trường tệ đi đối với loài ưu thế lại chính là môi trường thuận lợi của loài thứ yếu. Và rồi đến khi môi trường trở nên quá xấu để loài ưu thế cũ còn nắm quyền, loài thứ yếu sẽ tự mình trở thành loài ưu thế mới và một hệ sinh thái mới ra đời.
Tác giả Takano Kazuaki. Ảnh: TL
Takano Kazuaki là một nhà văn có kiến thức nền về vấn đề di truyền học rất đáng nể, sinh thái học thể hiện qua tác phẩm cho thấy sự am hiểu không thể chối cãi về mặt khoa học tự nhiên của tác giả. Nhưng không chỉ khoa học tự nhiên, Takano còn có một sự hiểu biết về xã hội học cũng sâu rộng không kém. Nhà văn đã dễ dàng nối dài từ các hiểu biết của mình về tự nhiên sang lĩnh vực nhân chủng xã hội học. Nhân loại trung tâm vốn xem con người vượt trội hơn mọi thứ, nên con người sở hữu mọi thứ và áp đặt ý chí của mình lên vạn vật. Nhưng một khi chúng ta không còn vượt trội nhất thì sao? Theo lí lẽ của con người, kẻ nào vượt trội hơn thì kẻ đó sẽ thắng, chúng ta chắc chắn phải trao trả toàn bộ quyền lực của con người cho những sinh vật cấp tiến vừa xuất hiện kia. Nhưng chắc chắn, đời thực sẽ không hoàn toàn tuân thủ theo lí lẽ. Nhà văn đã thỏa mãn phán đoán của chúng ta, rằng từng người khác nhau sẽ phản ứng khác nhau trước mối đe dọa cực kì xác đáng này: diệt trừ mối đe dọa để bảo vệ thế độc tôn của mình, mặc kệ sự việc diễn ra và chỉ cần thỏa mãn cá nhân là đủ, lo sợ nhưng vẫn tin vào một tương lai tươi sáng, hay thậm chí là chán ngán sự thống trị của con người với tự nhiên và cầu nguyện những sinh vật mới xuất hiện kia là cứu thế của tự nhiên dành cho chính tự nhiên.
Có thể thấy, bằng cách để con người mất đi vị trí loài ưu thế của mình, Takano Kazuaki đã thuận lợi đưa ra một phản đề đương đại hơn, tri thức hơn những tác phẩm có yếu tố sinh thái khác. Ông cũng dễ dàng hợp thức hóa sự sai lệch, những lổ hổng vì sự thiếu hiểu biết hiển nhiên của một giống loài nhận thức thấp với một giống loài có nhận thức cao. Từ đó hành vi cố áp đặt một nhân cách nhân loại vào nhân vật phi nhân loại kia không còn tính chất nhân loại trung tâm nữa.
MẠC YÊN
VNQD