Đến hẹn lại lên, trong không khí tươi tắn của đất trời mùa xuân, công chúng yêu thơ Việt Nam lại được sống trong không khí của thơ ca. Chủ đề ngày thơ lần thứ 22 năm 2024 là "Bản hòa âm đất nước". Trong góc nhìn thơ, 54 dân tộc anh em giống như 54 nốt nhạc tạo nên một bản hòa âm đất nước giàu cung bậc.
Trong đêm thơ Nguyên Tiêu 2024, con thuyền thơ ca đã đưa công chúng yêu thơ đi từ miền núi phía Bắc, qua đồng bằng phía Bắc đến miền Trung, Nam Bộ, Tây Nguyên. Mỗi vùng miền có một giọng điệu thơ khác nhau, mang đến những âm hưởng khác nhau. Đêm thơ Nguyên Tiêu được chia làm 4 phần: Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; Các nhà thơ quốc tế tham gia giao lưu và đọc thơ; Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam.
Điểm đặc biệt của đêm thơ là sự gặp gỡ của các nhà thơ đại diện cho 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. Công chúng được nghe những vần thơ từ những ngôn ngữ khác nhau, mang đến những nét văn hóa đặc sắc khác nhau, kể những câu chuyện về vùng đất, con người của họ. (Trong ảnh nhà thơ Bùi Tuyết Mai với không gian văn hóa Mường qua bài thơ Khúc hát mùa xuân). Đêm thơ có sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục… Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề "Bản hòa âm đất nước" (Ảnh: Tuấn Linh). Phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam trên mảnh đất thiêng liêng của dân tộc mình. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương (Ảnh: Tuấn Linh). Ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trình bày ngẫu hứng bài thơ Tổ quốc trên sân khấu Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Nhà thơ Nguyễn Minh Cường đưa khán giả về với thi ca hiện đại của khu vực miền núi phía Bắc qua bài thơ Người Tân Trào của nhà thơ dân tộc Tày, Nông Quốc Chấn (Ảnh: Tuấn Linh). Nghệ sĩ Duy Quang cho khán giả yêu thơ sống với không gian của người Tày qua điệu hát then Bách hoa, Bách điểu - một điệu hát kể lại hành trình con người lên trời cầu xin điều an lành, may mắn, đó là điệu hát gắn bó với đời sống hàng ngày của con người Tày, Nùng, Thái từ lúc sơ sinh cho đến khi mất đi. Á hậu Nguyễn Thụy Vân, cho khán giả thả mình vào không khí núi rừng qua bài thơ Những người mẹ núi của nhà thơ Đỗ Thị Tấc. Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng/ Muốn hiểu mình qua bao chịu đựng/ Thì cây ơi! Ta sẽ hát đời mình... Nhà thơ Pờ Sảo Mìn đưa khán giả trở về với không gian của dân tộc Pa Dí, một nhánh địa phương của dân tộc Tày qua bài thơ Con trai người Pa Dí do chính nhà thơ sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, người vừa đạt giải thưởng thơ của Hội Nhà văn năm 2023 với tác phẩm Đồng sen Tàn đã đưa khán giả về với không gian khu vực miền Bắc với bài thơ Giấc mơ sông Thương của chính tác giả. Nhà thơ Lý Hữu Lương đưa ta về với không gian văn hóa người Dao qua bài thơ Di gan phương Đông. Trích đoạn Thương nhau còn nhớ đàn môi trích từ truyện thơ Tiễn dặn người yêu một kiệt tác của dân tộc Thái được nhà thơ Lữ Mai trình bày trên sân khấu thơ năm 2024. Tác phẩm thơ được chuyển thể thành bài hát Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn, nhạc Trần Chung được NSUT Đăng Dương trình bày trong đêm thơ 2024. Điều đặc biệt trong ngày thơ lần thứ 22 năm nay là có sự tham gia của các nhà thơ quốc tế. Đó là những người đến Việt Nam và có khoảnh khắc đẹp, những kỉ niệm khó quên với đất nước, con người Việt Nam. (Trong ảnh nhà thơ Jeon-Min, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc trình bày bài thơ Có một vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội). Nhà thơ Jeong Gun-Seob, trưởng đoàn nhà thơ Hàn Quốc, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng ban Tuyên truyền Hiệp hội Các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, Tổng biên tập Báo Miraeiba trình bày bài thơ Trên bến đò lau sậy. Nhà thơ Ji Eun-Kyung, Tiến sĩ Văn học, Phó Chủ tịch hiệp hội Các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc trình bày bài thơ Quê hương tôi đó. Nhà thơ Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam trình bày bài thơ Chuyến đi Việt Bắc được rút trong tập thơ song ngữ Hà Nội vắng em 2 của ông. Bài thơ Núi Mường Hung, dòng sông Mã của nhà thơ Cẩm Giang được Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Tuấn Minh trình bày tại sân thơ lần thứ 22 đã mở đầu cho phần thơ miền Trung và Nam Trung Bộ. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng trình bày trích đoạn trường ca Đẻ đất đẻ nước - một sử thi bất hủ của dân tộc Mường, Thanh Hóa. Tác giả Kiều Maily, người dân tộc Chăm, Ninh Thuận một nghệ sĩ múa, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, người sáng lập không gian văn hóa Champa Amaravati Hội An đã mang đến cho khán giả Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 không gian văn hóa Chăm qua bài thơ Hồn du mục của chị. Nhà thơ Thái Hồng mang đến giọng thơ Nam Bộ và Tây Nguyên qua bài thơ Nhắn người phương ấy ghé chơi. Nhà thơ Thạch Đờ Ni người Khmer, đến từ Bạc Liêu trình bày tác phẩm Mời bạn về với chúng tôi. 2 MC duyên dáng đã mang đến không khí trang trọng cho chương trình là nhà báo Phan Đăng và Á hậu Thụy Vân.
VNQD