Dòng chảy

Trong sự "được mùa" của văn chương 2023

Thứ Ba, 27/02/2024 15:47

 Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hàng năm luôn dành được nhiều sự quan tâm của bạn đọc cũng như giới chuyên môn. Sáng 27/2/2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học năm 2023.

Mùa giải năm 2023 khép lại với sự "được mùa" của hạng mục Văn xuôi khi gọi tên cùng lúc ba tác phẩm: Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tiểu thuyết của Nguyễn Một; Tuyệt không dấu vết, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà; Một mùa hè dưới bóng cây, tập truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế. Ở hạng mục Thơ, giải thưởng được trao cho tập thơ Đồng sen tàn của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Ở hạng mục Lí luận phê bình, tác phẩm Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do của hai tác giả Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương đã được xướng tên. Tập truyện Cá linh đi học của Lê Quang Trạng được giải thưởng ở hạng mục Văn học thiếu nhi. Hạng mục Giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2023 trao cho tác phẩm Nhân sinh kép: sống hai cuộc đời, tiểu thuyết của Đức Anh.

Các tác giả nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.

Bản lĩnh của những người cầm bút

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chấp hành đọc báo cáo đánh giá tổng kết giải thưởng năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam; cùng với đó là Giải thưởng Tác giả Trẻ lần thứ ba năm 2023 và kết quả cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Hội. Theo nhà thơ thì, từ bản lĩnh, những người làm văn học tiến tới xác lập giá trị cho mình thông qua các sáng tác và công trình nghiên cứu. Đến lượt mình, các hội đồng xét giải cũng theo lộ trình đi từ nhận thức tới bản lĩnh để xác quyết sự tôn vinh cho sản phẩm của các nhà sáng tác theo một quy chuẩn tương đối. "Việc xét giải hàng năm của Hội Nhà văn luôn dựa trên lộ trình đó, và năm 2023, về căn bản, cũng không phải ngoại lệ", nhà thơ Nguyễn Bình Phương nói.

Theo nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023 đã khẳng định được bản lĩnh của người sáng tạo và bản lĩnh của hội đồng lựa chọn.

Giải thưởng năm 2023 qua các tác phẩm và qua sự lựa chọn các vòng hội đồng cũng như của Ban Chấp hành, nhìn tổng quát, nổi lên một đặc điểm, đó chính là bản lĩnh. Bản lĩnh của người sáng tạo và bản lĩnh hội đồng lựa chọn. Những tác phẩm được trao năm nay cho thấy quan điểm cởi mở và đầy can đảm của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Điều ấy thể hiện cụ thể ở các hạng mục:

Với hạng mục Thơ, trao cho Đồng sen tàn của Nguyễn Phúc Lộc Thành, trước hết là ghi nhận chất lượng của một tập thơ với những bài độc lạ đạt đến độ thần tình. Bên cạnh đó cũng là tôn vinh thành tựu của một tác giả đang chạm tới độ chín trên mọi phương diện, cả nhân sinh quan lẫn kĩ thuật thể hiện. Sâu xa hơn nữa, trao cho Đồng sen tàn còn là sự ghi nhận bản lĩnh của một thi sĩ không nao núng trong sáng tạo trước những thách thức của thể loại truyền thống vốn đã có những đỉnh cao về thành tựu.

Hạng mục Văn xuôi, việc trao cho cùng lúc ba tác phẩm với ba phong cách khác nhau, thậm chí ba quan niệm nghệ thuật khác nhau, cho thấy tinh thần phóng khoáng của Ban Chấp hành trong nhìn nhận, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách nghệ thuật. Nhìn cụ thể ở từng tác phẩm, ta sẽ thấy, bằng bản lĩnh người viết, mỗi tác giả đều mang đến dấu ấn riêng biệt trong sáng tác của mình. Nguyễn Việt Hà cho thấy bản lĩnh của người nắm chắc kĩ thuật, dám bước những bước dài tới sự pha trộn thể loại để tìm ra một công thức cho riêng mình, cả trên phương diện phản ánh những vấn đề nhân sinh trong xã hội đương thời lẫn mĩ cảm nghệ thuật. Nguyễn Một thể hiện bản lĩnh qua góc nhìn nhận độc lập, khách quan trước những vấn đề vốn đã được mặc định, từ đó soi chiếu về sự tồn tại đầy kiên cường, cũng đầy tính may rủi, của cá nhân con người trong những giai đoạn, những tình thế lịch sử bất trắc, hiểm nguy. Nguyễn Tham Thiện Kế can đảm ở sự phá vỡ cấu trúc câu và làm mới ngôn ngữ theo cách của riêng mình mà vẫn tạo được sự thấu cảm với người đọc.

Phát biểu tại Lễ trao giải, nhà văn Nguyễn Một nói: Giải thưởng cao quý này không chỉ là niềm tự hào, mà còn là nguồn động viên lớn lao cho chúng tôi trên con đường văn chương. Có thể những tác phẩm được trao giải hôm nay chưa phải là những cuốn sách hay nhất của văn học Việt Nam trong năm 2023. Bởi hầu hết sự lựa chọn nào cũng chỉ mang tính tương đối. Nhưng chúng tôi tin rằng sự lựa chọn của các Hội đồng và Ban Chấp hành là nhận diện được tiếng nói của những trái tim, là ánh mắt nhân văn và tâm trạng của đời sống trong các tác phẩm kể trên của chúng tôi. Giải thưởng Hội nhà văn mang lại sự tự hào nhưng cũng là dấu chỉ giao trách nhiệm cho các nhà văn. Chúng tôi sẽ phải cảm ơn Hội Nhà văn và bạn đọc không chỉ bằng lời nói suông ngày hôm nay mà cần tiếp tục thể hiện trong tương lai qua những trang viết chứa đựng tâm trạng của đời sống trong thời đại chúng ta đang sống để làm cầu nối giữa con người với con người, làm cho thế giới trở nên gần gũi và yêu thương hơn. Tôi tin rằng, qua mỗi trang sách, con người có thể hiểu nhau hơn, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Hạng mục Lí luận phê bình, trao cho tác phẩm Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do cũng là trao cho bản lĩnh chuyên nghiệp, với tính chất công trình chuyên khảo sâu, bề thế, bài bản, thoát khỏi cảm giác sản phẩm ngẫu hứng hay sản phẩm tập hợp từ các bài viết lẻ vụn vặt.

Ở hạng mục Văn học thiếu nhi, tác phẩm đoạt giải thể hiện bản lĩnh của người viết, mạnh dạn, can đảm bước vào địa hạt mà trước đó còn là mới lạ bằng một câu chuyện dài. Tác phẩm Cá linh đi học nhận được thiện tình xuyên suốt từ sơ khảo đến chung khảo đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, khi tác phẩm đạt đến chất lượng nhất định, nó cũng sẽ đạt đến sự đồng thuận cao.

Bên cạnh sự chính xác, thậm chí là đầy đặn, của một số hạng mục, thì hệ thống giải thưởng năm nay vẫn có những khoảng hẫng hụt. Việc để trống giải thưởng cho Văn học dịch năm 2023, theo nhìn nhận, đánh giá của nhiều người, là điều khá đáng tiếc, bởi nó chưa phản ánh đúng với thực trạng bề rộng phong phú của số lượng cũng như bề sâu về chất lượng dịch của năm. Tuy nhiên, phía sau mỗi hạng mục bỏ trống đều có lí do, quan điểm của các cấp hội đồng và điều ấy cần được chia sẻ, tôn trọng.

Đức Anh là tác giả duy nhất nhận được Giải thưởng Tác giả Trẻ lần thứ ba.

Giải thưởng Tác giả Trẻ khẳng định quan điểm của Ban Chấp hành về việc ưu tiên khích lệ những tìm tòi, thử nghiệm của người viết trẻ. Với trường hợp của Đức Anh, qua tác phẩm này, có thể khẳng định sớm rằng đây là tác giả có can đảm, có ý thức tìm kiếm cho mình một lối đi cá biệt, điều vô cùng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Tác giả Đức Anh chia sẻ, những người viết dưới 35 tuổi như chúng tôi trải qua nhiều áp lực: áp lực bởi trước chúng tôi đã có nhiều tên tuổi, nhiều cái bóng quá lớn của nền văn chương; áp lực cạnh tranh với nhiều hình thức giải trí hấp dẫn khác; áp lực từ gia đình, xã hội bởi không phải ai cũng yêu thích văn chương… Vậy nên giải thưởng văn chương mang tính khích lệ rất lớn, nhất là với thế hệ trẻ. Giải thưởng khiến độc giả quan tâm tìm đọc nhiều hơn, cả các nhà phê bình nghiên cứu cũng vậy. Và với cá nhân Đức Anh, những áp lực cũng là động lực để anh bứt lên, mạnh dạn tiếp tục con đường của mình.

Bên cạnh đó, hai nhà văn Trần Thị Trường (Hà Nội) và Lê Thị Kim (Thành phố Hồ Chí Minh) được trao giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2023.

Sự thành công của Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi

Cũng trong Lễ trao giải, Hội Nhà văn Việt Nam đã Tổng kết đợt 1 Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi.

Theo Ban tổ chức, Cuộc vận động thành công trước hết ở số lượng tham gia đông đảo với sự trải rộng khắp các vùng miền, từ Hà Nội, đến Thành phố Hồ Chí Minh; từ đồng bằng sông Cửu Long lên Tây Nguyên, qua các tỉnh miền Trung, ra miền núi phía Bắc. Điểm thú vị, có nhiều tác giả là người Việt Nam hiện đang sinh sống hoặc học tập, công tác tại nước ngoài cũng nhiệt tình tham dự. Độ tuổi tác giả tham dự khá phong phú, cao nhất là tác giả 95 tuổi, thấp nhất 10 tuổi.

Đặc biệt, bên cạnh việc có nhiều nhà văn, nhà thơ lớn tuổi, có uy tín trên văn đàn tham gia như Lê Hồng Thiện, Võ Khắc Nghiêm, Ngân Vịnh, Phạm Đình Ân, Đặng Huy Giang, Đinh Công Thuỷ… thì cũng xuất hiện nhiều gương mặt tác giả mới với nhiều những hứa hẹn mang tới sinh khí mới cho thể loại này như Dương Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Cẩm Hà, Mai Quyên, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Xuân Lai...

Tác giả Dương Thị Thảo Nguyên nhận giải Nhất trong đợt 1 Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi.

Về nội dung cũng như hình thức thể hiện, có thể thấy sự phong phú mà văn học viết cho thiếu nhi có thể chạm tới. Đó là cách viết hết sức đa dạng, sinh động, giàu mĩ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn, cũng như những khuôn sáo, để tiến đến sự diễn đạt, truyền đạt tốt nhất, chính xác nhất.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: Có thể khẳng định, đợt 1 Cuộc vận động sáng tác căn bản thành công, đã thực sự mang tới những tác giả mới với những giá trị mới, vừa để góp phần làm giàu có tâm hồn lứa tuổi thiếu nhi, vừa góp phần làm phong phú thêm cho đời sống văn học.

Trong đợt 1 Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi (2021-2023), giải Nhất thuộc về bản thảo văn xuôi Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp của Dương Thị Thảo Nguyên. Hai giải Nhì được trao cho Hạt dẻ ơi, về nhà thôi của Nguyễn Thị Cẩm Hà (Hà Mi) (Văn xuôi - bản thảo); Dắt mẹ đi chơi (Đố mẹ, Dế mèn học chữ) của Mai Quyên (Thơ - sách). Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 5 giải Ba và 7 giải Khuyến khích trong đợt này.

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)