Dòng chảy
BỘ PHIM “ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO” CỦA ĐẠO DIỄN PHI TIẾN SƠN:

Còn những gì ngoài đào, phở và piano? (1)

Thứ Bảy, 02/03/2024 22:04

Đào, phở và piano là bộ phim điện ảnh Việt đoạt giải Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 diễn ra cuối năm 2023 tại Đà Lạt. Được công chiếu vào dịp tết Giáp Thìn 2024 và vẫn tiếp tục chiếu đến nay, phim đang là tác phẩm điện ảnh nhận được nhiều sự quan tâm trong dư luận xã hội và báo chí truyền thông. Hiệu ứng cảm xúc lan tỏa ở một bộ phận khán giả và kèm theo đó là tình trạng cháy vé ở những rạp có chiếu, hiện tượng từ lâu lắm chưa thấy ở thị trường điện ảnh Việt Nam trước một bộ phim do Nhà nước sản xuất.

Câu chuyện cháy vé của bộ phim Đào, phở và piano cùng với phản ứng tích cực của nhiều khán giả, trong đó hầu hết là khán giả trẻ khiến nhiều nhà chuyên môn cho rằng đó là hiệu ứng từ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc được khơi dậy đúng lúc, đúng chỗ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nếu chỉ như vậy thì liệu Đào, phở và piano có thành hiện tượng? Vậy để tạo được một hiện tượng như vậy, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã làm như thế nàoĐào, phở và piano có gì? Hãy cùng TS, nhà phê bình văn học Hà Thanh Vân, từ TP. Hồ Chí Minh, đi tìm câu trả lời.

 

Bài 1: Từ “điểm rơi” người Hà Nội trong chiến tranh

Bộ phim Đào, phở và piano do đạo diễn Phi Tiến Sơn chấp bút viết kịch bản. Đây là bộ phim được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng Công ty Cổ phần hãng phim truyện 1 sản xuất với kinh phí xấp xỉ 22 tỉ đồng, chưa có kinh phí phát hành, phổ biến phim. Nói nôm na, đây là bộ phim được nhà nước tài trợ toàn bộ kinh phí làm phim. Bộ phim ra mắt công chúng lần đầu tiên vào tháng 9/2023 và đã đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng vào tháng 11/2023, như một minh chứng cho sự đánh giá của giới chuyên môn trong điện ảnh. Dĩ nhiên mọi giải thưởng và đánh giá đều mang tính tương đối, song có thể nói trong con mắt của Ban Giám khảo thì bộ phim này được ghi nhận.

Poster phim Đào, phở và piano.  Ảnh: TL

ĐẶC TẢ SỰ LÃNG MẠN TRONG CHIẾN TRANH QUA LÁT CẮT LỊCH SỬ

Đạo diễn Phi Tiến Sơn là một đạo diễn lão thành và có danh tiếng trong giới điện ảnh Việt Nam hiện nay. Ông làm phim cả trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Theo cách nhìn của tôi, những bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn, dù là điện ảnh và truyền hình đều khá đa dạng về đề tài, thường tập trung xoáy sâu vào những vấn đề nóng và mới mẻ của xã hội như nghề báo chí, vụ án, nông thôn, chuyện giới trẻ… Một số bộ phim của ông gây được tiếng vang cả trong điện ảnh và truyền hình như: Vào Nam ra Bắc, Nghề báo, Lưới trời, Người vác tù và hàng tổng, Xin thề anh nói thật, Lập trình cho trái tim... Thậm chí ông còn có gia tài là một bộ phim về chiến tranh mà ít ai nhắc đến, là bộ phim Cầu ông Tượng. Nhân vật chính trong phim Cầu ông Tượng là Tâm, một người lính tình nguyện của Việt Nam sang Lào chiến đấu năm 1972. Do vậy ông không phải là người lần đầu mới làm phim chiến tranh, nhưng cách khai thác chiến tranh trong phim Đào, phở và piano khác hẳn.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn là người Hà Nội, ông chọn làm một bộ phim có đề tài lấy cảm hứng chiến tranh, từ cuộc chiến 60 ngày đêm trong giai đoạn năm 1946 – 1947. Như đạo diễn thổ lộ trên báo chí thì vì cả cuộc đời sống và làm việc tại Hà Nội, nên ông muốn sáng tạo một tác phẩm về quê hương mình để tôn vinh Hà Nội. Nhưng với một kinh phí hạn hẹp 22 tỉ cho một bộ phim về đề tài chiến tranh rõ ràng rất khó làm phim cho thỏa đáng. Không thể có kinh phí làm những đại cảnh hoành tráng, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã chọn một lát cắt thời gian để nhìn xuyên suốt cuộc chiến 60 ngày đêm. Đó là thời gian khoảng một ngày đêm vào ngày 17 và 18/2/1947, ngày và đêm cuối cùng trước khi quân và dân Hà Nội được lệnh rời khỏi Thủ đô và rút lên chiến khu để tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp. Không cần thiết phải am hiểu kĩ về lịch sử thì mới hiểu bộ phim này. Cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm khi đi vào phim, cho dù vẫn có những khung hình miêu tả sự khốc liệt của cuộc chiến, song chủ yếu bộ phim tập trung khắc họa những số phận con người tham gia cuộc chiến đó. Những dòng chữ trên phim về các mốc thời gian và bối cảnh, khiến cho những người không am hiểu lịch sử vẫn xem khá dễ dàng.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn. Ảnh: TL

Có thể hiểu đây là một bộ phim về số phận con người trong chiến tranh, chiến tranh chỉ là cái nền để đạo diễn kể câu chuyện ấy, từ đó cho thấy những tính cách con người Hà Nội, rất đặc biệt và khó trộn lẫn. Cốt truyện cũng khá đơn giản. Cặp đôi nhân vật chính trong phim là anh lính tự vệ Văn Dân (Doãn Quốc Đam đóng) và cô tiểu thư Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh đóng). Họ lạc nhau trong biến loạn chiến tranh, gặp lại nhau và cưới nhau với sự chứng kiến của ông họa sĩ già (Trần Lực đóng) và cha xứ (Trung Hiếu đóng). Bên cạnh đó là tuyến nhân vật phụ như người chỉ huy trưởng, cậu bé đánh giày, nhà tư sản Hà Nội và hai ả đào, vợ chồng ông bán phở…

Như ở trên đã nói, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã khôn ngoan chọn những bối cảnh hẹp, tập trung vào một góc chiến lũy, một số ngoại cảnh và thời gian dồn nén trong một ngày đêm. Cách chọn bối cảnh như vậy đòi hỏi diễn viên phải có diễn xuất tốt và cũng dễ khiến cho khán giả có tâm trạng dồn nén theo và dễ bùng nổ cảm xúc, tạo hiệu ứng lan tỏa. Đây là một điều vừa khó vừa dễ cho chính đạo diễn phim và bộ phim Đào, phở và piano khi chỉ làm tốt được một nửa trong khâu chọn diễn viên.

Với một kinh phí không nhiều và phim trường cũng thiếu và kém, kĩ xảo điện ảnh không phải là thế mạnh, đạo diễn Phi Tiến Sơn khi viết kịch bản và làm phim Đào, phở và piano đã chọn giải pháp lãng mạn hóa cuộc chiến tranh. Nghĩa là cũng có mất mát, đau thương, hi sinh, gây xúc động, nhưng câu chuyện tình yêu của đôi nam nữ nhân vật chính được đẩy lên thành tâm điểm của bộ phim. Vì vậy, ngay cả khi hai diễn viên Doãn Quốc Đam và Cao Thị Thùy Linh nhập vai còn có những lúng túng, diễn xuất tâm lí và biểu cảm chưa thật tốt, thậm chí không được đánh giá cao như cặp đôi Nguyệt Hằng và Anh Tuấn vào vai vợ chồng ông bán phở, nhưng vẫn tạo được cảm xúc cho khán giả xem phim. Đào, phở hay piano không chỉ là biểu tượng của một Hà Nội thanh lịch, hào hoa như lời đạo diễn Phi Tiến Sơn giải thích, mà còn có thể coi là một kiểu nhân vật ẩn trong phim, liên kết mạch phim và các chi tiết lại với nhau, thúc đẩy mạch phim phát triển.

PHẢN ỨNG TÍCH CỰC CỦA KHÁN GIẢ 

Dĩ nhiên mọi nhận định chỉ có thể tạm coi là khoa học và đúng khi mà có một cuộc khảo sát xã hội học văn hóa từ những khán giả đã xem phim, thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp với cả phỏng vấn định tính và định lượng. Nhưng ở đây chúng ta chưa có điều kiện làm điều đó. Tôi chỉ cố gắng ghi nhận những gì trong phạm vi tôi nhìn thấy từ hai lần xem phim Đào, phở và piano. Lần thứ nhất xem ở Beta Cinemas Trần Quang Khải (TP. Hồ Chí Minh) và tôi ngồi ở chiếc ghế xấu nhất rạp. Khi ấy tôi ghi nhận:

Toàn bộ là các bạn trẻ. Chỉ có hai mẹ con, mà cô con gái đang bó bột ở chân. Tôi muốn giúp cô bé đang bó bột ở chân, nhưng hai mẹ con bảo không cần, rất dễ thương. Hỏi thăm bà mẹ mua vé lúc nào, bà bảo sáng qua. Hỏi hai mẹ con có thấy phim hay không, hai mẹ con khen: Hay lắm. Hỏi tiếp 3 nhóm nữa, tổng cộng gồm 8 bạn trẻ đã đi làm hay còn đi học, tất cả đều khen hay. Cảm xúc của khán giả trẻ cực kỳ thú vị. Các bạn thay đổi trạng thái cảm xúc theo mạch phim và diễn viên Trần Lực quả là ngôi sao sáng nhất phim theo ý các bạn ấy, điều khiển được cảm xúc của khán giả trẻ. Điều này rất đặc biệt và tôi thử tìm cách lí giải ở phần sau. Tôi hỏi một bạn gái rất trẻ: có thích chú Trần Lực trong phim này không, bạn ấy cười tươi: Con là fan chú Lực, follow chú ấy và biết phim này cũng vì chú ấy. Thật sự chứng kiến cảm xúc của các bạn trẻ thấy thật đáng yêu. Lần thứ hai sau một tuần, tôi đi xem với giới chuyên môn qua một thư mời. Kết thúc phim là một tràng vỗ tay. Nhưng điều tôi để ý là cảm xúc của khán giả (nhiều vị lớn tuổi) khá trùng với mạch cảm xúc của khán giả trẻ mà tôi chứng kiến ở lần xem thứ nhất. Đó là cùng cười ở những câu thoại, phân cảnh, cùng mạch cảm xúc chùng xuống ở những cao trào phim.

Vậy thì không chỉ riêng Hà Nội, ít ra nhiều khán giả ở Sài Gòn cũng có sự hưởng ứng tích cực với phim. Tôi không nói ở các địa phương khác vì không có điều kiện chứng kiến thực tế.

Khán giả xếp hàng mua vé xim phim Đào, phở và piano. ẢnTL

Hiện nay đa phần là những khán giả trẻ đi xem phim này, bởi lẽ chỉ có họ mới có sự nhiệt huyết và thời gian, cũng như sức trẻ để… xếp hàng mua vé hay kiên nhẫn mua qua các app. Bên cạnh những lời chê phim dĩ nhiên là luôn phải có, thì cảm xúc đến từ nhiều khán giả thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi rất đáng lưu tâm. TS. Phạm Ngọc Lan (Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nhìn chung phim khá hay mặc dù không phải xuất sắc, so với kinh phí chỉ tầm 20 tỉ thì không thể đòi hỏi hơn được nữa. Cốt truyện phi tuyến tính được xử lí ổn. Các sự kiện trong quá khứ được sắp xếp khá khéo léo, đẩy xung đột lên cao một cách hợp lí, nhưng lẽ ra cao trào cần phải căng thẳng hơn, mâu thuẫn giữa 2 nhân vật chính cần phải gay gắt hơn thì tháo nút mới kịch tính. Nhưng mà đáng tiếc mạch truyện bị lộ, kết khá dễ đoán, nên người xem có cảm giác hơi hẫng”. Còn cảm xúc từ bạn trẻ Bùi Anh Quốc là: “Dù mình đánh giá nó ở mức trên trung bình (đã cộng điểm khuyến khích cho phim Việt Nam) nhưng nói chung là đáng thời gian bỏ ra đi xem. Dẫu vậy cũng cần nói ra một số điểm yếu là cách nói lời thoại của nữ chính nó giống giống với các phim thời xưa xưa hơn mà như thế thì bị lệch bộ với các diễn viên còn lại. Câu chuyện cũng được, có phần dễ đoán nhưng nói chung đúng là một bộ phim điện ảnh”.

Qua những nhận xét của nhiều khán giả, từ trực tiếp đến trên mạng xã hội, có thể nhận thấy bộ phim nhận được khá nhiều sự ưu ái. Sự ưu ái đó không chỉ đến từ chuyện bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc chiến bảo vệ Hà Nội 60 ngày đêm trong giai đoạn 1946 - 1947, mà còn đến từ một kịch bản khá lạ với định kiến quen thuộc của nhiều khán giả Việt Nam đối với dòng phim do nhà nước cấp kinh phí: phim thường ít yếu tố thu hút khán giả, nhiều phim ở tình trạng làm xong là đi thẳng từ phim trường vào kho. Kịch bản khai thác một câu chuyện tình trên bối cảnh thời chiến, với thời gian là một ngày đêm, dùng thủ pháp phi tuyến tính để phát triển mạch phim không theo trình tự thời gian và có cũng cảnh đồng hiện để minh họa cho ước mơ về tình yêu, hạnh phúc và cả sự thèm phở của nhân vật cậu bé đánh giày.

Theo lí thuyết tiếp nhận (Reception Theory) thì: Tính chủ quan luôn là tiền đề cho mọi hoạt động thưởng thức tác phẩm của con người. Có bao nhiêu người thưởng thức một tác phẩm, thì sẽ bấy nhiêu cách tiếp nhận. Mọi người đều có quyền xây dựng những cách hiểu riêng của mình về tác phẩm và khi các cách hiểu riêng ấy lại trùng hợp với nhau là khi tác phẩm được số đông đồng ý cho là hay (hoặc dở). Mặt khác, khi đến với một tác phẩm, công chúng thường có sẵn một "tầm đón nhận", tức là những thị hiếu có sẵn trước khi thưởng thức một tác phẩm nào đó, phụ thuộc vào sự hiểu biết, tri thức cá nhân, tình cảm, quan niệm, lứa tuổi, giới tính... Ngoài ra còn là tầm đón nhận của công chúng. Do vậy sẽ xảy ra hiện tượng là thấy tác phẩm này hay vì phù hợp với tầm đón nhận của mình, hoặc thấy không hay, thấy lúng túng vì xa lạ với tầm đón nhận sẵn có. Nên với bộ phim Đào, phở và piano, mọi lời khen hay chê đều chỉ có giá trị mang tính tương đối và chủ quan, bởi phụ thuộc rất nhiều vào “tầm đón nhận” của mỗi người.

TS. HÀ THANH VÂN

(Còn tiếp)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)