Dòng chảy
BỘ PHIM "ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO" CỦA ĐẠO DIỄN PHI TIẾN SƠN

Còn những gì ngoài đào, phở và piano? (3)

Thứ Hai, 04/03/2024 09:39

Người ta đặt ra những nghi ngờ về việc cố tình chiêu trò hay lợi dung mạng xã hội, báo chí để PR cho Đào, phở và piano, tuy nhiên, nên thừa nhận một thực tế rằng, không một bộ phim nào thời nay được đông đảo khán giả biết đến mà không thông qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, nếu bộ phim không có gì để khán giả quan tâm thì có chiêu trò đến mấy cũng chỉ là lố bịch. Đào, phở và piano đã giữ chân khán giả bằng chính những yếu tố tự thân.

Bài 3: Bắt trend xem phim và bắt trend... mạng xã hội

CHẤT “WEIRD” VÀ “SLAY” THU HÚT NHIỀU KHÁN GIẢ TRẺ 

Tôi luôn nhìn các bạn trẻ với cái nhìn trân trọng và đánh giá cao. Bởi vì các bạn có điều kiện tiếp cận với thế giới bên ngoài, với tri thức nhiều hơn các thế hệ trước. Các bạn cũng sẵn sàng bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình thẳng thắn. Và đương nhiên các bạn trẻ có những gu, sở thích khác nhau. Khán giả lớn tuổi đi xem phim với sự từng trải, hiểu biết thì Đào, phở và piano khơi gợi cho họ những cảm xúc mà họ đã từng bắt gặp từ những tác phẩm nghệ thuật có nét tương đồng trước đó, khi mà dòng phim về chiến tranh, lịch sử luôn là một thế mạnh được ghi nhận trong lịch sử điện ảnh Việt Nam và khi ấy dòng phim giải trí, thị trường chưa lấn át, khuynh đảo như hiện nay. Giới trẻ cũng bị cuốn hút bởi họ muốn xem một bộ phim đang đình đám là như thế nào. Yếu tố lịch sử hay sự lãng mạn, tình yêu thời chiến đương nhiên là một món ăn tinh thần khá lạ giữa vô vàn những sự giải trí thời thượng hiện nay.

Doãn Quốc Đam và Thùy Linh trong phim Đào, phở và piano. Ảnh: TL
Nhưng không chỉ thế, sự thành công của Đào, phở và piano còn đến từ một vài yếu tố mà có lẽ đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng không ngờ tới. Phi Tiến Sơn đẩy ba yếu tố đào, phở và piano lên trong phim theo kiểu rất điện ảnh để khắc họa một Hà Nội như người ta vẫn hay nghĩ về, nhưng bản thân cái tên phim Đào, phở và piano khá lạ lùng so với một phim thể hiện đề tài lịch sử, xưa nay vốn thường mang cái tên khá công thức, khô cứng. Giới trẻ thích cái tên phim bởi chất độc, lạ, trẻ trung của nó. Bản thân tên phim Đào, phở và piano đọc lên tuy có vẻ rời rạc, không gắn kết, nhưng với bất cứ ai am hiểu văn hóa Việt Nam đều biết đấy là những biểu tượng đặc trưng cho Hà Nội và là những biểu trưng đẹp, nên thơ, tương phản với sự khốc liệt của chiến tranh.

Chất “quái” khi làm phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn không rõ tình cờ hay cố ý lại khá hợp gu với giới trẻ bây giờ. Sự thanh lịch hay hào hoa nhiều khi trở thành cực đoan, thành tín niệm của người Hà Nội trong bối cảnh chiến tranh được đẩy lên thành trùng hợp với chất “weird” và “slay” được thể hiện trong phim, hai tính chất mà giới trẻ bây giờ rất thích, đặc biệt là giới trẻ có vốn hiểu biết nhất định. “Weird” là kì quái, lạ lùng. Còn khi giới trẻ khen ai đó slay, có nghĩa là thích cách họ hành động, phong cách hoặc ngoại hình của họ. Dõi theo nhiều trang giải trí Việt trên mạng xã hội cũng như các fanclub Việt, luôn dễ thấy rằng những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, sân khấu… quốc tế thường thu hút đông đảo các bạn trẻ Việt hâm mộ không chỉ bởi tài năng hay nhan sắc, mà còn bởi những hành động, cử chỉ mang chất quái, phát ngôn cá tính, ấn tượng. Thậm chí nhiều bạn trẻ hâm mộ không chỉ những người cùng thế hệ như Taylor Swift, Rihanna, Adele.., mà còn tạo những fanclub cho những nghệ sĩ kỳ cựu như Madonna, Cate Blanchett… với những lời khen ngợi, tôn sùng. Bộ phim Đào, phở và piano có một nhân vật mà nhiều bạn trẻ rất thích bởi nhận thấy sự tương đồng mang chất “weird” và “slay”. Đó là nhân vật ông họa sĩ do NSND Trần Lực thủ vai. Đóng một vai phụ nhưng lại xuất hiện xuyên suốt trong phim, vai ông họa sĩ ở nhiều cảnh diễn đã lấn át các nhân vật khác và tạo được cảm xúc thú vị cho khán giả. Từ những phát ngôn hài hước, tưng tửng một cách dễ thương cho đến những triết lý nghe có vẻ nửa đùa nửa thật không hợp với thời chiến nhưng thật sự gây ấn tượng kiểu như: “Thì cũng phải có người ở lại để hương khói cho họ chứ”; từ điệu bộ nhún vai, phớt đời rất khinh bạc kèm câu nói để giải thích vì sao vẫn sống cùng với chiến lũy: “Thì chết là cùng chứ gì” cho đến cảm hứng nghệ thuật bùng cháy ở bức tranh vẽ trong đêm cuối cùng… đều được nghệ sĩ Trần Lực diễn rất xuất sắc.

Nghệ sĩ Trần Lực trong vai ông họa sĩ nhận được nhiều khen ngợi. Ảnh: TL

Hình ảnh ông hàng phở cũng là một điểm nhấn thú vị của phim. Bởi vì ông hàng phở trong phim làm tôi nhớ đến một ông hàng phở cũng hói, nổi danh ở phố cổ mà thỉnh thoảng ra Hà Nội tôi hay ghé vào ăn phở. Ai đã từng ăn phở ở đó, sẽ có cảm giác thú vị vì thấy ông hàng phở trên phim… quen quen. Tôi nghĩ nhiều khán giả ở Hà Nội cũng sẽ có cảm giác giống như tôi.

NHỮNG THỦ PHÁP TRONG PHIM

Liên văn bản (intertextuality), cùng với phi trung tâm hóa (decentralization) nằm trong lí thuyết giải cấu trúc (deconstruction). Đạo diễn Phi Tiến Sơn có lẽ không phải là người am hiểu về lí thuyết nghệ thuật, song ông là người có chất “quái”, có sự nhạy cảm nghệ thuật mang tính bản năng, và rất tình cờ những cái mà ông làm phim, lại trùng với điều mà nhiều khán giả thích và có thể nhìn những điều này từ lí thuyết nghệ thuật. Ở Đào, phở và piano có rất nhiều nghệ thuật liên văn bản.

Có thể ví dụ, bộ phim có những khung cảnh gợi nhớ tác phẩm nổi tiếng Sống mãi với Thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và những bài thơ như Đất nước của Nguyễn Đình Thi với Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy và những người lính trí thức tiểu tư sản trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Hay gợi nhớ bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi: Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo, Hà Nội vùng đứng lên!

Hình ảnh bát phở và vợ chồng ông chủ quán cũng làm nhiều người liên tưởng đến tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam và Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng, hay tùy bút về phở của Nguyễn Tuân.

Cây đàn piano và cô gái chơi đàn làm khán giả nhớ đến một Hà Nội với “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” trong ca khúc Em ơi, Hà Nội phố (nhạc Phú Quang; thơ Phan Vũ) và trong nhiều bài hát khác của Phú Quang. Âm nhạc trong phim được trau chuốt và cũng khiến cho khán giả thích thú, với những giai điệu từ piano với các bản nhạc kinh điển của các nhà soạn nhạc Richard Wagner, Franz Liszt, bản ca trù như Chí làm trai (lời thơ Nguyễn Công Trứ), Đời đáng chán (lời thơ Tản Đà) hay ca khúc Du kích ca (Đỗ Nhuận), Suối mơ (Văn Cao)… Chú bé đánh giày là một hình bóng của em bé Gavroche trên chiến lũy trong tác phẩm Những người khốn khổ của nhà văn Pháp Victor Hugo. Cũng là phảng phất hình bóng của em Lượm trong bài thơ thơ cùng tên của Tố Hữu: Ngày Huế đổ máu,/ Chú Hà Nội về,/ Tình cờ chú cháu,/ Gặp nhau Hàng Bè./ Chú bé loắt choắt,/ Cái xắc xinh xinh,/ Cái chân thoăn thoắt,/ Cái đầu nghênh nghênh,/ Ca-lô đội lệch,/ Mồm huýt sáo vang,/ Như con chim chích,/ Nhảy trên đường vàng...

Ngoài ra, với cái nhìn nghệ thuật như là tôn giáo thiêng liêng, cảnh vẽ tranh của ông họa sĩ già với sự giúp đỡ của cha xứ là sự diễn lại một Chữ người tử tù mới của Nguyễn Tuân và phảng phất cả Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mĩ O’Henry, tạo nên mĩ cảm. Chuông nhà thờ vang lên và câu thoại của nhân vật nhà tư sản Hà Nội về Chuông nguyện hồn ai chính là tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mĩ Ernest Hemingway viết về chiến tranh. Bức họa mà nhà tư sản Hà Nội nhìn vào và thoại, chính là một bức tranh cực kì nổi tiếng trong lịch sử hội họa thế giới Nữ thần Tự do trên chiến lũy, tranh sơn dầu của họa sĩ Pháp Eugene Delacroix vẽ năm 1831, miêu tả cuộc cách mạng dân chủ Pháp 1930. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bên cạnh nữ thần, hình ảnh chú bé đường phố ở bức tranh đã trở thành nguồn cảm hứng cho Victor Hugo xây dựng nhân vật chú bé Gavroche trong tiểu thuyết Những người khốn khổ.

Một cảnh trong phim Đào, phở và piano. Ảnh: TL

Và mặc dù có hai nhân vật chính, nhưng bộ phim này lại “phi trung tâm hóa” nhân vật. Có nghĩa là theo mạch phim, không có nhân vật nào trở thành trung tâm, mỗi nhân vật đều có một vai trò gần như nhau, đều cố gắng gây ấn tượng cho khán giả. Chính vì thế, vai ông họa sĩ già hay vợ chồng ông hàng phở là kiểu nhân vật được nhiều khán giả chú ý hơn cả hai nhân vật chính và thu hút cảm xúc hơn.

 

THÀNH CÔNG NHẤT TỪ… MẠNG XÃ HỘI

Phim Đào, phở và piano được hưởng lợi từ hiệu ứng mạng xã hội mạnh mẽ, đây là cách quảng bá miễn phí và rộng rãi nhất. Trong trường hợp này, như tôi đã từng đưa ra quan điểm khi nghiên cứu về văn hóa mạng (Internet Culture) thì đây là “quyền lực thứ năm” và nhiều khi lấn át cả báo chí, bởi lẽ khán giả có thể nói khá thoải mái, nhận xét khá thoải mái về phim này, mà không bị hạn chế gì, với mọi cách nhìn và quan điểm khác nhau. Mọi lời khen hay là chê đều mang hiệu ứng lan tỏa.

Tất nhiên “quyền lực thứ năm” cũng là con dao hai lưỡi, trên đó chúng ta thấy thông tin giả song hành cùng thông tin thật, người xấu chen với người tốt, và những người tỉnh táo, hiểu biết thì luôn có sự nhìn nhận, đánh giá rõ ràng của riêng mình. Bù lại, quyền lực thứ năm được tự do và độc lập về mặt tư duy và nhận thức, và nó chính là sự bù đắp tốt nhất cho những nhược điểm của “quyền lực thứ tư”. Thực tế trong xã hội Việt Nam bây giờ, “quyền lực thứ tư” và “quyền lực thứ năm” đang có sự cạnh tranh gay gắt trong rất nhiều vụ việc, cung cấp thông tin và rất nhiều lần, cán cân và lòng tin của công chúng nghiêng hẳn về “quyền lực thứ năm”.

Cho nên với Đào, phở và piano, “quyền lực thứ năm” thể hiện qua nhiều vụ việc cụ thể, gần đây nhất là qua lời chê của một khán giả trẻ có nói là từng học lớp phê bình phim ảnh, một nhà văn nữ hay một nữ tổng biên tập tạp chí. Những lời chê này từ góc nhìn của họ, song cũng làm tăng thêm hiệu ứng lan tỏa cho bộ phim. Còn bản thân những người tham gia bộ phim, họ cũng tương tác nhiều hơn trên mạng xã hội để quảng bá cho phim và cho chính họ. Bản thân các công dân mạng (netizens) thì cũng có dịp để thể hiện quan điểm, cách nhìn của mình về bộ phim. Cho nên tôi nhận định rằng: Như nhiều hiện tượng văn học nghệ thuật khác, người thắng lớn nhất trong bộ phim Đào, phở và piano chính là… mạng xã hội.

Nhưng trên mạng xã hội cũng đầy thông tin giả. Hình ảnh những chiếc máy điều hòa nhiệt độ như một tấm ảnh đang lan truyền rộng rãi là không hề có trong phim. Cảnh chiếc muôi inox sáng lóa ở chạn bếp nhà ông hàng phở cũng không hề có trong phim, chắc có lẽ là ảnh photoshop! Nên cẩn trọng với những thông tin này.

Và đương nhiên mạng xã hội cũng có cả những thành phần cực đoan, nhân danh lòng yêu nước và tinh thần dân tộc để chửi bới, công kích một số người có ý kiến khác. Tôi nghĩ rằng ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình. Và khi đã nói, sẽ phải tập làm quen, chấp nhận nghe mọi ý kiến trái chiều, kể cả những ý kiến cực đoan. Bởi vì đó là một phần đời sống mạng xã hội.

 

BỘ PHIM VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH ẤN TƯỢNG NHẤT DÙ CÒN NHỮNG KHIẾM KHUYẾT

Nhiều khán giả Việt Nam, đặc biệt là nhiều khán giả trẻ yêu thích một bộ phim như Đào, phở và piano là điều đáng mừng vì cho thấy công chúng vẫn nặng lòng với lịch sử dân tộc, vẫn tự hào về truyền thống trong quá khứ. Nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đủ, vì thực tế điện ảnh Việt Nam cũng có không ít những phim về đề tài lịch sử không được giới chuyên môn đánh giá cao.

Chọn cách làm phim đan xen giữa kết cấu phi tuyến tính, tức là không theo trình tự thời gian và sử dụng cả thủ pháp đồng hiện trong nhiều phân cảnh, bộ phim đòi hỏi người xem phải tập trung theo dõi nếu không sẽ khó mà hiểu được ý đồ của đạo diễn. Vì vậy, một số khán giả kêu ca không hiểu là do họ chưa hiểu được thủ pháp này. Khâu thiết kế phim trường và kĩ xảo nhiều chỗ còn chưa chân thực, tạo cảm giác giả. Có thể do hạn chế về kinh phí nên khung cảnh chiến lũy, xe tăng, lính Pháp đi càn… còn chưa thật sự thuyết phục. Thậm chí trong các vũ khí mà bộ phim đưa ra, chỉ có bom ba càng là gần nhất với hình ảnh trong lịch sử quân sự Việt Nam, còn thì các vũ khí khác đều mô phỏng na ná. Cành hoa đào thì giả trân. Ít nhất là thay đạo cụ cành đào vài lần, vì mỗi cảnh quay thì cành đào lại to nhỏ khác nhau. Lúc thì cành đào có dây buộc, lúc thì không.

Một trong những đại cảnh hiếm hoi trong phim. Ảnh: TL

Nếu đi soi về khung cảnh phim, về vũ khí, trang phục, chiến lũy… khán giả có thể đến Bảo tàng Lịch sử quân sự ở Hà Nội. Tại đây có thể xem các hình ảnh và vũ khí thực về cuộc chiến 60 ngày đêm ở Thủ đô Hà Nội. Có thể thấy những người làm bối cảnh, đạo cụ đã khảo sát khá kĩ tư liệu. Song, từ việc khảo sát tư liệu đến việc biến thành đạo cụ hiện thực trên phim là cả một khoảng cách dài. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh một điều, Hà Nội thời đó không như nhiều người, nhất là nhiều người miền Nam lầm tưởng, Hà Nội thời đó cũng hoa lệ, thanh lịch, nhất là ở tầng lớp tư sản, trí thức và cách ăn nói thì khá cầu kì, nên thoại trong phim nhiều khán giả nghĩ là giống kịch, nhưng không hẳn như thế. Còn về trang phục thì thời đó là động viên, mang tinh thần tự vệ quân, không phải lính chính quy, nên có gì mặc nấy, không phải ai cũng mặc trang phục lính.

Bộ phim cố gắng tạo cảnh giống thật, nhưng kĩ xảo còn kém, khiến cho khán giả xem có thể thấy khó chịu. Đoạn kết phim là cao trào, bi tráng nhất, tạo được cảm xúc cho người xem nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu như dùng kĩ xảo tốt hơn. Một số phân đoạn nhấn nhá về chuyện thèm phở của cậu bé đánh giày tuy có thể làm cho một số nhà phê bình điện ảnh không thích, nhưng phản ứng của phần đông khán giả lại khá thú vị, thích thú, gây cười cho khán giả, như một thủ pháp “làm mềm mại hóa” sự cứng nhắc, khô khan của cuộc chiến. Nhưng không hẳn khán giả nào cũng thích sự “làm quá” về hình ảnh bát phở. Bản thân tôi cũng không thích hình ảnh bát phở bị làm quá lên. Nhưng dù vậy, bộ phim Đào, phở và piano vẫn là một bộ phim đáng xem bởi sự ấn tượng của nó, và có thể nói đây là một bộ phim về đề tài chiến tranh được làm với sự tâm huyết, chỉn chu nhất trong những năm gần đây.

TS HÀ THANH VÂN

(Còn tiếp)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)