Dòng chảy
BỘ PHIM “ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO” CỦA ĐẠO DIỄN PHI TIẾN SƠN

Còn những gì ngoài đào, phở và piano? (2)

Chủ Nhật, 03/03/2024 09:27

Có nhiều yếu tố làm nên hiện tượng Đào, phở và piano, trong đó phải kể đến tinh thần dân tộc đã được khai thác đúng hướng. Nhưng với một bộ phim về Hà Nội, hiển nhiên là không dễ làm hay, làm đúng, thành công với số đông nhưng phải được giới chuyên môn và khán giả Thủ đô thừa nhận đã gọi đúng hồn cốt của một Hà Nội “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã giải quyết tốt các yêu cầu khó khăn này.

Bài 2: Khắc họa đúng tính cách người Hà Nội

ĐÒN BẨY TINH THẦN DÂN TỘC

Bộ phim Đào, phở và piano được lòng công chúng nhờ vào một yếu tố luôn khiến cho nhiều bộ phim về đề tài lịch sử ăn khách nếu biết khai thác tốt: tinh thần dân tộc. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc là một đề tài không bao giờ xưa cũ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Nhiều bộ phim trên thế giới trở thành kinh điển, hiện tượng phòng vé hay gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá nhờ khai thác hay và hợp lí đề tài này. Khơi gợi được tinh thần dân tộc của công chúng rất dễ tạo ra những hiệu ứng bùng nổ trong phim, điều này thì lịch sử điện ảnh thế giới đã ghi nhận không ít trường hợp. Ở Nga có thể kể đến bộ phim kinh điển Khi đàn sếu bay qua hay trường hợp bộ phim The Longest Day (Ngày dài nhất) trở thành cơn sốt ở Mĩ và Châu Âu kể về cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên bờ biển Normandy vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đứng số 1 trong top 50 phim hay nhất về chiến tranh mọi thời đại.

Một cảnh trong phim Đào, phở và piano. Ảnh: TL

Bởi thế, Đào, phở và piano cho dù còn có những cảnh chưa tốt, thậm chí nhìn giả và thiếu sức thuyết phục, ngay cảnh bát phở quay cận cảnh thì nhìn cũng không mấy hấp dẫn, đôi diễn viên nam nữ chính do Doãn Quốc Đam và Cao Thị Thùy Linh đóng chưa đạt, biểu cảm tâm lí chưa thực hay, đài từ cũng chưa ổn, nhiều đối thoại vẫn bị lên gân, mang tính kịch, nhiều chi tiết còn khiên cưỡng, chẳng hạn như cảnh thả chiếc đàn piano từ trên tầng nhà xuống để mang đi trong khi đang đánh nhau, hay cảnh hai nhân vật chính cãi nhau rồi làm lành cũng khá gượng, cảnh đua xe được tái hiện rất giả tạo, cảnh kết phim tuy bi tráng lại bị lỗi kĩ xảo quá kém, xe tăng, vũ khí trong phim còn chưa thật chuẩn xác, những đoạn thoại tiếng Pháp tuy ít nhưng ban đầu khi chiếu rạp không có phụ đề, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại đã được khắc phục.… nhưng bộ phim lại được nhiều khán giả đánh giá là thành công nhờ vào sự khai thác yếu tố tinh thần dân tộc trên nền một câu chuyện tình yêu bi tráng. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì ở Việt Nam cũng đã có những đạo diễn thành công mà tiêu biểu nhất cho đến nay vẫn là NSND Đặng Nhật Minh với những bộ phim trở thành kinh điển trong điện ảnh Việt. Vậy ở Đào, phở và piano còn có gì hơn thế?

 

CHẤT ĐỜI SỐNG GÂY BẤT NGỜ THÚ VỊ

Đào, phở và piano được lòng công chúng của ngày hôm nay còn vì những yếu tố khác. Trước hết, đó là cách xây dựng nhân vật. Doãn Quốc Đam diễn chỉ ở mức tròn vai và Cao Thị Thùy Linh thì có thể nói là nhờ nét đẹp hợp vai cô tiểu thư Hà thành mà bù đắp được cho diễn xuất. Nhưng lời thoại của hai nhân vật khá tốt, thể hiện được sự hào hoa, thanh lịch của người trí thức Hà Nội xưa, với những từ ngữ khá cổ nhưng lại phổ biến vào thời đó. Vợ chồng ông bán phở là một cặp đôi thú vị và rõ ràng nhân vật ông bán phở có lẽ được lấy cảm hứng từ một ông chủ hàng phở danh tiếng ở phố cổ Hà Nội. Hai diễn viên Nguyệt Hằng và Anh Tuấn vào vai ông bà chủ hàng phở cũng là vợ chồng ngoài đời thực, do vậy họ có sự tương tác rất tốt, với một phản ứng cảm xúc gọi là chemistry, thường thấy giữa các cặp đôi yêu nhau. Đặc biệt vai ông họa sĩ già yêu cái đẹp, tính cách tưng tửng, kì quái, nhưng nhân hậu được NSND Trần Lực vào vai rất đạt, từ cái nhún vai, khoát tay, đến giọng điệu hài hước, bất cần thốt ra ở những hoàn cảnh đang “nước sôi lửa bỏng” chết người của cuộc chiến. Nhiều khán giả bật cười theo mỗi lời thoại của nhân vật ông họa sĩ và có thể nhận thấy rằng nghệ sĩ Trần Lực một mình gánh được cả bộ phim. Khán giả trẻ rất thích những chi tiết như vậy, kể cả sự thèm phở được đẩy lên quá mức của nhân vật cậu bé đánh giày, gây ra tiếng cười. Có lẽ vì khán giả của ngày hôm nay luôn mang quan niệm rằng phim lịch sử của Việt Nam thường nặng về minh họa, hô khẩu hiệu, thiếu chất đời thường. Nhưng Đào, phở và piano làm họ bất ngờ, vì bộ phim đi ngược lại với suy nghĩ thường có ở họ.

Đạo diện Phi Tiến Sơn (tóc bạc) chỉ đạo một cảnh quay. Ảnh: TL

 

XÂY DỰNG NHÂN VẬT TƯƠNG ĐỒNG VỚI TÍNH CÁCH NGƯỜI HÀ NỘI

Đào, phở và piano thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ vì còn những yếu tố khác, trong đó chuyện thay đổi mạch cảm xúc trong phim và thay đổi nhịp phim được đạo diễn Phi Tiến Sơn làm khá chắc tay. Bộ phim đan xen giữa những trường đoạn mang tính bi tráng, đủ sức làm khán giả lặng đi, như đoạn truy điệu các liệt sĩ hi sinh trong tiếng nhạc hay đoạn kết của phim, nhưng đồng thời cũng có những lời thoại duyên dáng, gây cười đúng chỗ, đúng lúc, cùng với diễn xuất của các diễn viên phụ như ông họa sĩ tưng tửng, quái quái, nhưng nhân hậu và tôn thờ nghệ thuật, như vợ chồng ông hàng phở ở lại chưa tản cư ngay chỉ để nấu phở cho cậu bé đánh giày và gánh phở lên chiến lũy. Những phân cảnh trữ tình cũng được lồng ghép qua tâm tư dằn vặt, xoay chuyển của Văn Dân và Thục Hương, khi vừa gặp nhau, cưới nhau cũng là để chết bên nhau, qua tiếng đàn piano của Hương, qua sự kiên quyết của Dân khi tìm cách mang cành đào về chiến lũy.

Bộ phim khắc họa được đúng tính cách người Hà Nội gốc với sự tinh tế, thanh lịch, hào hoa đôi khi lên đến mức cực đoan và cũng cho thấy khi ở giữa sự sống và cái chết, tính cách ấy không thay đổi mà chỉ bị đẩy lên đến mức tận cùng. Thế nên khán giả xem phim có thể sẽ không tự hỏi vì sao phải mang cành đào lên chiến lũy, vì sao cô tiểu thư Thục Hương gắn bó với cây đàn theo một “chấp niệm” nào đó, vì sao anh lính tự vệ Văn Dân lại có thể thản nhiên ngồi ôm bom ba càng làm mẫu vẽ cho ông họa sĩ và sẵn sàng ôm bom ba càng quyết tử, vì sao vợ chồng ông hàng phở vẫn nấu phở dù xung quanh mọi người đã tản cư hết, vì sao một nhà tư sản với hai ả đào xinh đẹp cặp kè lại lái xe ô tô đưa anh lính tự vệ lên chiến lũy… Bởi vì đơn giản đấy không chỉ là những nhân vật, mà đấy chính là cách sống, cách ứng xử đã đi vào tính cách người Hà Nội và chúng bùng nổ ra trong sự khốc liệt, bi thảm của cuộc chiến. Chiến tranh có thể khiến cho con người ta làm những điều phi thường để bảo vệ lí tưởng, tín niệm của mình, cũng như lời vị linh mục trong phim, đó là “ngày tận hiến”. Tận hiến cuộc đời mình vì những điều mình đã sống, đã tin! Và không chỉ là người Hà Nội, có lẽ, bất cứ khán giả ở đâu khi xem phim Đào, phở và piano nhiều người cũng xúc động vì tinh thần tận hiến ấy.

Diễn viên Thùy Linh trong phim Đào, phở và piano. Ảnh: TL

Bộ phim nhận được nhiều sự thông cảm của khán giả về những thiếu sót, chưa làm tốt trong phim, với lí do là kinh phí hạn hẹp cho một phim về chiến tranh. Nhưng điều làm cho khán giả rộng lượng nhất, có lẽ vì bộ phim có những câu thoại xúc động, nhiều cảnh quay đẹp, đặc biệt, cảnh ông họa sĩ già vẽ tranh với sự giúp đỡ của cha xứ là một cảnh gợi nhiều mĩ cảm. Qua đó có thể mượn lời vị cha xứ, bảo đây là “ngày tận hiến”. Một từ ngữ của Công giáo được dùng để khán giả liên tưởng đến sự tận hiến của mỗi nhân vật trong phim.

Cách xây dựng nhân vật được đạo diễn Phi Tiến Sơn cố tình đẩy lên đến mức cực đoan, điều thường thấy ở những con người thời kì đầu háo hức với niềm tin và lí tưởng, nhưng lại thuyết phục bởi có sự tương đồng với tính cách người Hà Nội gốc. Dưới những hành động cử chỉ hào hoa, thanh lịch ấy, là sự quyết tâm, kiên định, là sự cực đoan không thể thay đổi khi đã đặt niềm tin và cuộc sống vào những tín niệm nào đó. Đào, phở và piano lấy được cảm xúc của khán giả nhờ vào sự thể hiện tinh thần “tận hiến” xuyên suốt trong phim.

TS HÀ THANH VÂN

(Còn tiếp)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)