Dòng chảy

75 năm ngày truyền thống của những người lính thợ

Thứ Tư, 06/03/2024 19:54

Ngày 6/3/2024, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Ban Công đoàn Quốc phòng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công đoàn Quốc phòng (06/3/1949 - 06/3/2024).

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Ban Công đoàn Quốc phòng.

Dự lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng 3 và Kỉ niệm 75 năm ngày truyền thống Công đoàn Quốc phòng có Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Cùng dự còn có các tướng lĩnh, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng cùng đông đảo đoàn viên Công đoàn Quốc phòng.

Công đoàn Quốc phòng là tổ chức Công đoàn ngành Trung ương thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam - một bộ phận tiên tiến của giai cấp công nhân Việt Nam. Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Công đoàn Quốc phòng luôn gắn liền với những chặng đường lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong từng thời kì lịch sử, cán bộ, đảng viên công đoàn, người lao động luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất cao quý “Người lính thợ - Bộ đội Cụ Hồ” và bản chất, truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam, hăng hái thi đua vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học kĩ thuật góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội, đóng góp xứng đáng vào những chiến công và thành tích vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng Phan Văn Giang, Đại tướng Lương Cường và các đại biểu tham dự buổi lễ.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự buổi lễ. Trong phần phát biểu chỉ đạo, Đại tướng đã đánh giá cao sự trưởng thành, lớn mạnh và đóng góp của Công đoàn Quốc phòng trong 75 năm qua: Công đoàn Quốc phòng là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam. Hơn lúc nào hết, Công đoàn Quốc phòng phải có trách nhiệm cùng với toàn quân xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Từ khi ra đời, cũng như trong suốt tiến trình cách mạng của dân tộc, Công đoàn Quốc phòng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, bằng trí tuệ của mình, những người lính thợ đã nỗ lực đi lên từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại, tích cực sửa chữa, phục hồi, ra sức nghiên cứu, chế thử và sản xuất được nhiều loại vũ khí, trang bị, đạn dược, quân trang, thuốc men… phục vụ cho lực lượng vũ trang đánh thắng kẻ thù xâm lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bước vào thời kì xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Công đoàn Quốc phòng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đoàn viên công đoàn, người lao động trong cả nước nói chung và Quân đội nhân dân nói riêng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Trước yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đại tướng cũng yêu cầu Công đoàn Quốc phòng phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội... đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn. Chăm lo, xây dựng tổ chức công đoàn trong Quân đội vững mạnh, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Phát biểu tại Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Đại tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng bày tỏ niềm phấn khởi, tự hào về truyền thống vẻ vang, chặng đường lịch sử 75 năm qua cũng như việc đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng. Với niềm tin sắt son vào Đảng quang vinh, vào vận hội mới của đất nước đang trên đà phát triển, Công đoàn Quốc phòng nguyện tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, phấn đấu vươn lên, ra sức học tập, lao động, sản xuất; khẳng định ý chí quyết tâm, nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới hoạt động vì lợi ích thiết thực của đoàn viên công đoàn, người lao động, góp phần phát triển nền công nghiệp quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Truyền thống 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công đoàn Quốc phòng là niềm vinh dự to lớn để mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động trong Quân đội luôn tự hào, trân trọng; là cơ sở quan trọng để tiếp tục vững bước trên chặng đường mới, trong tâm thế tự tin, chủ động và nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, xứng đáng với niềm tin yêu và lời khen tặng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dành cho Công đoàn Quân đội: “Trung thành, bản lĩnh - Trí tuệ, sáng tạo - Tâm huyết, nghĩa tình - Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kì mới”.

Đại tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng phát biểu tại Lễ kỉ niệm 75 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Được thành lập cách đây 75 năm, ngày 6/3/1949, tại bản Pắc San, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, thông qua Hội nghị thành lập Công đoàn Sản xuất vũ khí Việt Nam (tiền thân của Công đoàn Quốc phòng ngày nay). Sự kiện đó đã đánh dấu bước khởi nguồn của Công đoàn Quốc phòng. Sau khi ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn Công đoàn Sản xuất vũ khí Việt Nam đã ổn định tổ chức, quy tụ được 137 công đoàn cơ sở, với 37.500 đoàn viên, có mặt từ các Liên khu Việt Bắc, khu 3, khu 4, khu 5, đến Nam bộ. Hòa chung khí thế sục sôi của cách mạng, bằng đôi chân đất, vai trần, hàng vạn cán bộ, công nhân viên chức, lao động quốc phòng đã không quản gian lao nguy hiểm, vận chuyển hàng trăm ngàn tấn máy móc thiết bị, nguyên vật liệu di dời từ các thành phố, thị trấn vào chiến khu, dựng lán bằng gỗ, tre, nứa, lá hoặc đưa máy móc vào các hang động, lập các binh công xưởng để nghiên cứu, chế thử và sản xuất các loại vũ khí, kịp thời cung cấp cho bộ đội trên khắp các chiến trường. 

Trong kháng chiến chống Pháp nhiều khó khăn gian khổ với sự sáng tạo dám nghĩ dám làm, vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm, cán bộ, công nhân lao động quốc phòng đã nghiên cứu, chế tạo nhiều loại vũ khí như: Súng, đạn Bazôka, DKZ, SKZ, súng phóng bom, súng kíp, lựu đạn, các loại súng cối 60 li, 120 li; các loại, mìn hẹn giờ, mìn lõm, thuỷ lôi…, cung cấp hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược cho chiến trường, góp phần to lớn vào chiến thắng của quân và dân ta trên các mặt trận, bẻ gãy các đợt tiến công và phòng ngự của địch mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Thời kì chống Mĩ, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cũng đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều phong trào thi đua, qua các phong trào đã có hàng trăm tấm gương tiêu biểu, với hàng ngàn sáng kiến, sáng chế, cải tiến kĩ thuật, nghiên cứu, sản xuất ra nhiều loại vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến đấu góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng vĩ đại, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược, thống nhất đất nước.

Ngày 16/4/1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã kí quyết định thành lập Ban công tác Công đoàn Quốc phòng (gọi tắt là Ban Công đoàn Quốc phòng). Với vị trí, vai trò là cơ quan đầu ngành về công tác công đoàn trong Quân đội, đặt dưới sự chỉ đạo, quản lí trực tiếp về mọi mặt của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và sự lãnh đạo của Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Chính trị, với chức năng, nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong toàn quân. Bước vào thời kì mới, Tổ chức công đoàn các cấp trong Quân đội thường xuyên được củng cố, kiện toàn, toàn quân có 54 đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có tổ chức công đoàn, với 929 công đoàn cơ sở và hơn 180 nghìn đoàn viên công đoàn. Công đoàn Quốc phòng đã thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hằng năm có hàng ngàn lượt cán bộ công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công đoàn, 100% tổ chức công đoàn cơ sở đạt vững mạnh; gần 35 nghìn đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào Đảng; hàng ngàn lượt cán bộ, đoàn viên được tuyên dương trong phong trào thi đua, làm kinh tế gia đình giỏi và có thành tích trong xây dựng tổ chức và hoạt động công đoàn.

Với những nỗ lực trong 75 năm qua, Công đoàn Quốc phòng và Ban Công đoàn Quốc phòng đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: 02 Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba; hàng chục Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương. 51 tập thể làm nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa quốc phòng có tổ chức công đoàn đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động và Anh hùng LLVT nhân dân; 10 công đoàn cơ sở được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba. Cùng với đó, 30 cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động đã được tuyên dương Anh hùng lao động và Anh hùng LLVT nhân dân; hàng chục nghìn lượt công đoàn cơ sở và cá nhân được tặng cờ thưởng, bằng khen, huân, huy chương và các phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cũng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

GIANG PHƯƠNG

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)