Lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt Nam là lịch sử những cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại. Vì thế, dưới thời đại nào, dù đang hưởng hòa bình, chúng ta cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng cho việc giữ yên bờ cõi, độc lập tự do. Từ lý do đó, chính sách “Ngụ binh ư nông” - liên kết hài hoà giữa kinh tế và quân sự, chuyển hóa nhanh từ thời bình sang thời chiến khi cần đã ra đời từ thời Lý, dần được hoàn thiện và áp dụng xuyên suốt các triều đại và đến nay, nó vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng và nhà nước ta áp dụng vào thực tiễn thông qua mô hình các đơn vị kinh tế kết hợp quốc phòng.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, một đơn vị “Khi bình là ngư, khi biến là binh”, đã tạo lập được thương hiệu mang tầm quốc tế, chứng minh sự hiệu quả của việc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tổng công ty (15/3/1989 - 15/3/2024).
Bài trò chuyện Kết tinh văn hóa của doanh nghiệp, người lính và gia đình sẽ mở đầu Tạp chí số đầu tháng 3 này.
Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Nằm trong lòng phố của Trương Tuệ Đăng, Đối mặt của Nguyễn Công Đức, Tiếng gọi trong chiều muộn của Hương Văn.
Nằm trong lòng phố kể câu chuyện của những người con, vì hoàn cảnh, vì số phận mà phải bỏ quê ra phố từ khi còn trẻ. Xế chiều mong muốn được trở về bản quán quê hương để được gần anh em làng xóm quây quần. Tuy nhiên, cuộc đời vốn dĩ không đơn giản như thế. Trở ngại không chỉ ở những điều mà ta nhìn thấy, trở ngại bởi lòng người là điều mà con người khó vượt qua…
Đối mặt là truyện ngắn viết về cuộc gặp gỡ của những người lính ở hai chiến tuyến. Trong chiến tranh, họ đã chĩa mũi súng vào nhau, làm cho nhau đổ máu, mất mát. Cuộc gặp tình cờ trong thời bình đã hoá giải hận thù xưa bởi những tình cảm, những ứng xử mà mỗi người thấy mình nên làm.
Tiếng gọi trong chiều muộn khắc hoạ đời sống của những người lao động. Bên cạnh những nỗi lo, những gánh nặng mưu sinh thì mỗi người đều có câu chuyện riêng và đời sống tình cảm, nội tâm cần được chia sẻ. Sự éo le của số phận sẽ được xoa dịu đi khi con người dành cho nhau sự tử tế, yêu thương, nhân văn.
Bút kí Bát Mọt, những mùa sương là kì tiếp theo của chùm bài “Những vì sao biên giới” của nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ. Qua đây, hình ảnh những người lính biên phòng Thanh Hoá tiếp tục được khắc hoạ rõ nét hơn với những cống hiến thầm lặng; Tết ở Vũng Rô là kí ức về cái tết tại Vũng Rô của anh hùng Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng tàu không số.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Mưa phủ lều tranh của tác giả Đào Thu Hà.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Trương Thị Bách Mỵ, Thuỵ Anh, Hoàng Thuỵ Anh, Hoàng Thuý, Phạm Tú Anh, Lương Mỹ Hạnh, Bùi Sỹ Hoa, Lê Hải Kỳ, Fan Tuấn Anh, Nguyễn Minh.
Những trang thơ mang đậm không khí mùa xuân đất nước với những vẻ đẹp, hình ảnh người lính và những trải nghiệm đã góp phần làm sinh động và đặc sắc cho trang thơ số này. Các tác phẩm gây ấn tượng với sự phong phú về đề tài, những thể nghiệm mới mẻ, những góc nhìn sâu lắng đa chiều, những phong cách khác biệt…
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Đậu Hoài Thanh và chùm thơ của chị.
Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Ngọc Thiện, Phạm Minh Quân, Quyên Gavoye, Triều Dương, Tống Phước Bảo.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc rồi xây dựng và bảo vệ đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn trân trọng tài năng đặc biệt, hiếm có của văn nghệ sĩ, chân tình khuyên nghị văn nghệ sĩ gắn bó tài năng của mình với sứ mệnh nghề nghiệp cao cả trước xã hội và thời cuộc. Bài viết Từ ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghĩ về đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng với sứ mệnh nghề nghiệp trong thời cuộc mới sẽ đưa ra những luận bàn thú vị, sâu sắc về vấn đề này.
Mùa xuân là mùa đoàn viên, mùa yêu thương, mùa của chồi non và sắc biếc, mùa của ánh sáng lung linh, của những câu từ hoa mĩ cùng những suy nghĩ tươi vui, mùa của sự tái sinh và hạnh phúc. Và có lẽ vì thế mà ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, mùa xuân cũng là mùa có nhiều áng thơ dạt dào cảm xúc nhất, dễ thương nhất. Bài viết Mùa xuân - mùa thơ sẽ nói kĩ hơn về câu chuyện này.
Bên cạnh đó là những bài viết ấn tượng về những vấn đề của văn học, nghệ thuật đang được công chúng quan tâm.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1032 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/3/2024. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ
Tổng công ti Tân Cảng: Kết tinh văn hóa của doanh nghiệp, người lính và gia đình
Trương Tuệ Đăng
Nằm trong lòng phố
Nguyễn Xuân Thủy
Những vì sao biên giới: Bát Mọt, những mùa sương
Đào Thu Hà
Mưa phủ lều tranh
Hồ Đắc Thạnh
Tết ở Vũng Rô
Nguyễn Công Đức
Đối mặt
Hương Văn
Tiếng gọi trong chiều muộn
Thơ
Trương Thị Bách Mỵ
Bếp lửa nhà mình; Chiều Phong Lệ; Tuy Hòa
Thụy Anh
Giọt nước nằm ngang; Em không…; Hoa đá
Hoàng Thụy Anh
Chuộc tội; Gội rửa
Hoàng Thúy
Một điều gì; Một sớm mai mùa xuân đến
Phạm Tú Anh
Hát với Ngân; Lời chưa ru
Lương Mỹ Hạnh
Xuân biên cương
Bùi Sỹ Hoa
Núi Phượng; Hai câu
Lê Hải Kỳ
Mất ngủ; Thiền
Fan Tuấn Anh
Đoản khúc số 234
Nguyễn Minh
Ngôi mộ gió ở Trường Sơn
VNQĐ giới thiệu thơ Đậu Hoài Thanh
Truông Bồn; Quê hương; Một thoáng Đồng Lộc
Bình luận văn nghệ
Nguyễn Thị Như Trang
Nhật kí trong tù - hành trình đến với độc giả Nga và phương Tây
Nguyễn Ngọc Thiện
Từ ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghĩ về đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng với sứ mệnh nghề nghiệp trong thời cuộc mới
Phạm Minh Quân
Tân xuân khởi sắc của nền giáo dục nghệ thuật Việt Nam
Quyên Gavoye
Mùa xuân - mùa thơ
Triều Dương
Văn chương và TikTok: một con đường, hai thế giới
Tống Phước Bảo
Vòng quay ra con số, vòng xoay ra phận đời
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Trăng non Tranh của họa sĩ Công Quốc Hà
Minh họa: Tô Chiêm, Trương Đình Dung, Lê Trí Dũng,
Công Quốc Hà, Vũ Đình Tuấn, Nguyễn Đăng Phú, PV...
VNQD